Kurt Campbell, điều phối viên các vấn đề Ấn Độ-Thái Bình Dương thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ - nói trong một diễn đàn tổ chức hôm 6/7 rằng Mỹ đã cố gắng gửi đi “thông điệp răn đe rõ ràng về eo biển Đài Loan” và rằng mọi nỗ lực của Trung Quốc nhằm tiến tới Đài Loan sẽ là “thảm họa”.
Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh của nước này và cần phải tái thống nhất dù có sử dụng vũ lực. Chính quyền ở Đài Bắc thì vẫn duy trì quan điểm độc lập của họ và bác bỏ tuyên bố của Bắc Kinh. Trung Quốc từng hứa hẹn sẽ tái thống nhất hòa bình với Đài Loan theo nguyên tắc “một quốc gia, hai hệ thống” đã được áp dụng ở Hong Kong.
Tuy nhiên, những diễn biến chính trị mới đây tại Hong Kong – điều mà các nhà phê bình phương Tây cho là đi ngược lại lời hứa “một quốc gia , hai hệ thống” – khiến người Đài Loan càng khó chấp nhận.
Ông Campbell phát biểu tại diễn đàn rằng cộng đồng quốc tế đã thể hiện rất rõ ràng “sự không hài lòng” trước tình hình ở Hong Kong, một phần là bởi có “cảm giác rất rõ” rằng giới chức Trung Quốc đang âm thầm đánh giá cách phản ứng của thế giới để xem xem cách mà thế giới có thể sẽ phản ứng trước vấn đề Đài Loan.
“Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, nỗ lực như vậy sẽ mang tới thảm họa” – ông Campbell nói.
Mỹ không có quan hệ chính thức với chính quyền Đài Loan, nhưng có ràng buộc theo một hiệp ước phải cung cấp các biện pháp phòng vệ cho hòn đảo này, từ đó mà thường xuyên bán hàng tỉ USD vũ khí cho Đài Loan. Trong suốt nhiều thập kỷ, Mỹ vẫn duy trì một chính sách răn đe mang tính chất “mập mờ chiến lược”, khi từ chối xác nhận về việc liệu họ có hỗ trợ về mặt quân sự cho Đài Loan trong trường hợp hòn đảo này bị tấn công hay không.
Bình luận của ông Campbell xuất hiện chỉ 1 ngày sau khi Phó Thủ tướng Nhật Bản đưa ra tuyen bố mạnh mẽ nhất về sự ủng hộ giành cho Đài Loan, tuyên bố rằng họ sẽ cùng với Mỹ bảo vệ hòn đảo này nếu nó bị Trung Quốc tấn công.
Ông Taro Aso phát biểu tại một sự kiện gây quỹ hôm đầu tuần này rằng, số phận của Đài Loan mang ý nghĩa rất quan trọng với Nhật Bản.
“Nếu xảy ra vấn đề lớn ở Đài Loan, có thể nói rằng nó có thể trở thành mối đe dọa hiện hữu đói với Nhật Bản” – ông Aso nói. Theo một cách dịch lại bản Hiến pháp hòa bình năm 2015, Nhật Bản giờ nói rằng họ có thể sử dụng vũ lực để hỗ trợ một đồng minh, với lý do rằng nếu không làm vậy sẽ khiến Nhật Bản gặp nguy hiểm.
“Trong trường hợp như vậy, Nhật Bản và Mỹ sẽ phải hợp tác để bảo vệ Đài Loan…Chúng tôi cần xem xét nghiêm túc rằng Okinawa có thể là mục tiêu tiếp theo”.
Nhật Bản cũng có tuyên bố chủ quyền ở một số khu vực tranh chấp trên biển Hoa Đông, và cần có tuyến đường biển băng qua eo biển Đài Loan.
Bình luận của ông Aso đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong chính sách ngoại giao của Nhật, vốn ngày càng trở nên cứng rắn hơn trước những hành động của Trung Quốc, và đang có xu hướng xích gần hơn tới Đài Loan.
Phó Thủ tướng Nhật sau đó nói với các phóng viên rằng tình hình căng thẳng nên được giải quyết thông qua đối thoại. Chính phủ Nhật Bản cho hay bình luận của ông Aso chỉ là quan điểm cá nhân. Truyền thông địa phương sau đó dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật nói rằng chính sách của Nhật Bản đối với Trung Quốc không có gì thay đổi.
Viễn cảnh Trung Quốc tấn công Đài Loan đã nhiều lần được truyền thông quốc tế đem ra thảo luận sôi nổi, nhưng có một sự đồng nhất rằng nguy cơ xảy ra viễn cảnh đó giờ đang ở mức cao nhất trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Trong bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình tái khẳng định “cam kết không thể lay chuyển” trong việc tái thống nhất Đài Loan, và cảnh báo về một cuộc đụng độ “đẫm máu” nếu như có bất kỳ quốc gia nào tìm cách bắt nạt Trung Quốc.
Hôm 6/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng bình luận của ông Aso là “cực kỳ sai lầm và nguy hiểm”, nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh rằng Đài Loan là vấn đề nội bộ và không cho phép có sự can thiệp của nước ngoài.
Theo Guardian