Tướng Nhật Bản: Trung Quốc đã phát động một cuộc "chiến tranh hỗn hợp" chống lại Đài Loan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông, tướng quân đội Nhật Bản về hưu Yoshikazu Watanabe tuyên bố ông cho rằng Trung Quốc đã phát động một cuộc "chiến tranh hỗn hợp" chống lại Đài Loan.
Quân đội Trung Quốc liên tục cho máy bay bay vào vùng nhận diện phòng không Tây Nam Đài Loan để gây sức ép quân sự (Ảnh: Dwnews).
Quân đội Trung Quốc liên tục cho máy bay bay vào vùng nhận diện phòng không Tây Nam Đài Loan để gây sức ép quân sự (Ảnh: Dwnews).

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền dành cho truyền thông Nhật Bản, tướng Yoshikazu Watanabe cho rằng “Đài Loan đang gặp chuyện” (hay tình trạng khẩn cấp) là một loại “chiến tranh hỗn hợp”, có thể gọi là “chiến tranh toàn diện trên tất cả các lĩnh vực”, người Trung Quốc gọi đó là “chiến tranh không giới hạn”. Ông cho rằng Trung Quốc đã phát động một cuộc chiến tranh kiểu đó chống lại Đài Loan và hình dung ra 8 kịch bản dựa trên mức độ yếu tố quân sự.

Phiên bản điện tử của tờ Nikkei Business ngày 19/5 đã đăng tải cuộc phỏng vấn của ông Phó Tổng biên tập Morinaga với tướng Yoshikazu Watanabe.

Về định nghĩa "Đài Loan gặp chuyện", ông Watanabe cho rằng đây có thể được coi là một cuộc "chiến tranh hỗn hợp" (Hybrid Warfare). Trung Quốc gọi đó là chiến tranh siêu giới hạn. Đó là một thủ đoạn có chủ ý để thay đổi hiện trạng, làm mơ hồ ranh giới giữa quân sự và phi quân sự, không phải cuộc chiến tranh chính quy, đối đầu trực tiếp giữa quân đội Trung Quốc và Đài Loan, mà là hình thức hỗn hợp giữa quân sự và phi quân sự, càng làm gia tăng thêm tình hình căng thẳng.

Trung tướng về hưu Nhật Bản Yoshikazu Watanabe (Ảnh: Nikkei).

Trung tướng về hưu Nhật Bản Yoshikazu Watanabe (Ảnh: Nikkei).

Ông Watanabe nói, cuộc đối đầu gần đây trong quan hệ Trung - Mỹ có người gọi là "Chiến tranh Lạnh 2.0", nhưng cá nhân ông cho rằng tình hình hiện nay không còn là cục diện của Chiến tranh Lạnh, mà đang trong giai đoạn chuyển tiếp sang một cuộc chiến tranh nóng.

Ông chỉ ra rằng sức mạnh tập trung nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực phi quân sự là chiến tranh tình báo, bao gồm các hoạt động tình báo như giám sát và trinh sát, cũng như chiến tranh chính trị, chiến tranh ảnh hưởng, chiến tranh nhận thức và chiến tranh tuyên truyền. Mạng xã hội đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến ảnh hưởng.

Về "chiến tranh toàn diện", ông Watanabe đã giả tưởng 8 kịch bản dựa trên yếu tố quân sự. Thành phần quân sự mờ nhạt nhất là đạt được sự luân chuyển quyền lực thông qua các cuộc bầu cử dân chủ và ủng hộ chế độ thân Trung Quốc lên nắm quyền. Thành phần quân sự mạnh nhất là một cuộc tấn công toàn diện của PLA (Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) vào đảo chính của Đài Loan; trong đó PLA thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo trước khi tiến hành chiến dịch đổ bộ chiếm đảo.

Bà Thái Anh Văn thị sát quân đội Đài Loan diễn tập (Ảnh: CNA).

Bà Thái Anh Văn thị sát quân đội Đài Loan diễn tập (Ảnh: CNA).

Đối với tình hình hiện tại, phương thức thay thế chế độ dân chủ là dùng bầu cử để đánh bại chính quyền Đài Loan của Đảng Dân Tiến (DPP) hiện tại đang theo đường lối chống Trung Quốc đại lục, ủng hộ thế lực thân Bắc Kinh, thiết lập một chế độ thân Trung Quốc. Nếu áp dụng phương pháp này, Mỹ sẽ không có lý do gì để can thiệp và Trung Quốc củng cố được ảnh hưởng của mình, tiếp tục gia tăng thế lực phái thân Bắc Kinh trong các giới chính trị, kinh tế, truyền thông và luật pháp.

Ảnh hưởng như vậy cũng đang xâm nhập vào quân đội Đài Loan. Có thông tin cho rằng Mỹ không bán các vũ khí tiên tiến nhất như tiêm kích tàng hình tối tân F-35 và hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis cho Đài Loan vì lo ngại các thông tin công nghệ quân sự quan trọng sẽ bị rò rỉ cho Trung Quốc.

Kịch bản thứ hai với thành phần quân sự yếu là sử dụng tin tặc phát động các cuộc tấn công mạng gây hỗn loạn xã hội. Ví dụ, tấn công hệ thống điều hành các nhà máy điện và giao thông gây mất điện hàng loạt và giao thông tê liệt. Bằng cách này, có thể buộc chính phủ của đảng DPP suy thoái và từ chức.

Cuối năm 2020, Mỹ bán tên lửa Harpoon RGM-84 có thể bắn tới các thành phố ven biển Trung Quốc đại lục cho Đài Loan (Ảnh: Đông Phương).

Cuối năm 2020, Mỹ bán tên lửa Harpoon RGM-84 có thể bắn tới các thành phố ven biển Trung Quốc đại lục cho Đài Loan (Ảnh: Đông Phương).

Phương pháp thứ ba là gây bạo loạn bên trong và lật đổ chính quyền hiện tại, ám sát các nhà lãnh đạo chính trị. Để thực hiện kịch bản này, Trung Quốc đã đưa rất nhiều gián điệp vào ẩn nấp ở nhiều nơi khác nhau ở Đài Loan, chỉ cần Bắc Kinh ra lệnh là những người này có thể ra tay bất cứ lúc nào.

Kịch bản thứ tư là sử dụng vũ lực. Đầu tiên là tiến hành các cuộc tấn công vũ trang vào các đảo xa xôi của Đài Loan, chẳng hạn như quần đảo Đông Sa, đảo Ba Bình, quần đảo Bành Hồ và đảo Kim Môn. Đảo Ba Bình (Taiping) trong quần đảo Trường Sa là nơi tốt để Trung Quốc quan sát phản ứng của quân đội Mỹ. Đảo Ba Bình cách đảo chính Đài Loan 1.500 km, rất khó để đảo chính Đài Loan gửi quân đến trợ giúp.

Mặc dù cuộc xâm lược có vũ trang của Trung Quốc đối với các đảo xa xôi của Đài Loan không thể giúp họ thống nhất Đài Loan ngay lập tức, nhưng có thể khiến đảng DPP cầm quyền của Đài Loan lâm vào tình trạng khó khăn. Các đảng đối lập sẽ nhân cơ hội để điều tra truy trách nhiệm, dư luận phân cực, tạo cơ hội cho phe thân Trung Quốc chiếm ưu thế.

Kịch bản thứ năm là phong tỏa trên biển và trên không đối với đảo chính Đài Loan để cô lập chính quyền DPP Đài Loan.

Thứ sáu là phát động một cuộc chiến ngắn hạn kịch liệt (Short sharp War) chống lại Đài Loan.

Thứ bảy là tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo.

Thứ tám là PLA phát động một cuộc chiến đổ bộ quy mô lớn chống lại Đài Loan.

Một cuộc tấn công đổ bộ chiếm đảo của PLA là một phần của Kịch bản thứ tám (Ảnh: Dwnews).

Một cuộc tấn công đổ bộ chiếm đảo của PLA là một phần của Kịch bản thứ tám (Ảnh: Dwnews).

Ông Watanabe cho biết, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ Philip Davidson đã đưa ra dự đoán rằng Trung Quốc đại lục có thể tấn công Đài Loan trong vòng sáu năm, chính là đề cập đến loại chiến dịch đổ bộ theo kịch bản thứ tám. Nhưng Watanabe cho rằng tám loại kịch bản mà ông đã hình dung cho “Đài Loan có chuyện” có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Ông Yoshikazu Watanabe, năm nay 65 tuổi, từng là Cục trưởng Trang thiết bị Lục quân, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2, Tham mưu trưởng Quân khu Đông Nhật Bản, Trung tướng Phó Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ mặt đất (Lục quân). Ông đã nghỉ hưu vào năm 2013 và từng là nghiên cứu viên đặc biệt của Đại học Harvard.