Cố Thứ trưởng Lê Mai - nhà ngoại giao thân thiện, cởi mở, đức độ, và tài hoa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Nhân 25 năm ngày mất của cố Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai, người có công then chốt trong đàm phán bình thường hóa Việt - Mỹ vừa kỷ niệm 25 năm vào năm ngoái, chúng tôi muốn nhắc về ông. 
Cố Thứ trưởng Lê Mai trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh Internet
Cố Thứ trưởng Lê Mai trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh Internet

Nhân kỷ niệm 25 năm ngày mất của cố Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai (12/6/1996), một người ở vị trí không cao trong vũ đài chính trị Việt Nam, nhưng lại được cả phía Việt Nam và phía Mỹ đều thương xót và tiếc nuối, chúng tôi muốn bắt đầu bằng một người lính cũ của ông trong đàm phán bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.

Có một lý do duy nhất: Ông là người "cầm trịch" trong cuộc đàm phán từ phía Việt Nam về việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai cựu thù lớn nhất trong lịch sử hai nước, và là một nhân cách đặc biệt.

Cố Thứ trưởng Lê Mai bắt tay Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Richard Solomon ngày 21.11.1991, bắt đầu cuộc đàm phán đầu tiên về bình thường hóa quan hệ giữa hai cựu thù. Copyright Đại sứ Hà Huy Thông.

Cố Thứ trưởng Lê Mai bắt tay Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Richard Solomon ngày 21.11.1991, bắt đầu cuộc đàm phán đầu tiên về bình thường hóa quan hệ giữa hai cựu thù. Copyright Đại sứ Hà Huy Thông.

Quá trình bình thường hóa với vai trò then chốt của Thứ trưởng Lê Mai

Ngày 21/11/1991, cách đây gần 30 năm, là ngày họp phiên đầu tiên về bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ở Mỹ. Theo phân công, Thứ trưởng Trần Quang Cơ, được phân công làm trưởng đoàn đàm phán phía Việt Nam. Ông Hà Huy Thông, cán bộ Vụ Bắc Mỹ, được cử đi tháp tùng.

Tình hình trên thế giới cuối những năm 1980, với những biến động của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu, đã bước vào giai đoạn “hậu chiến tranh lạnh”. Ngày 9/4/1991, phía Mỹ đưa ra “Lộ trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam”. Sau đó, phía Mỹ mời Việt Nam cử đoàn sang “đối thoại vòng đầu tiên” với Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á – Thái bình dương Richard Solomon.

Trong khi đó, Đại hội Đảng lần thứ VII (24-27/6/1991) đề ra chủ trương đối ngoại mới là “đa dạng hóa, đa phương hóa, làm bạn với các nước” trong cộng đồng quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Nhưng tới phút chót, Thứ trưởng Trần Quang Cơ bận đột xuất, và Thứ trưởng Lê Mai được phân công thay thế. Kể từ đó, ông đóng vai trò then chốt trong quá trình đàm phán với phía Mỹ cho tới khi quá trình bình thường hóa hoàn tất tháng 7/1995.

Ông Hà Huy Thông đã trả lời câu hỏi về việc Mỹ có có ngạc nhiên trước việc thay người phút chót của phía Việt Nam:

“Phía Mỹ đã làm việc với ông Lê Mai nhiều lần. Lần đầu tiên, ông còn rất trẻ ở Hiệp định Paris về hòa bình ở Việt Nam, hay tham gia đàm phán bình thường hóa lần đầu tháng 5.1977 ở Paris, với Thứ trưởng Phan Hiền, và thời gian ông làm Đại sứ Việt Nam ở Băng Cốc là kênh đối thoại chủ yếu giữa Mỹ và Việt Nam, trước khi bắt đầu có đàm phán bình thường hóa. Họ không ngạc nhiên khi ông Lê Mai được thay thế.”

Chủ đề đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ vẫn chủ yếu xoay quanh chuyện người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam, một vấn đề được đa số các gia đình Mỹ có chồng con tham gia chiến tranh Việt Nam quan tâm.

Vấn đề Việt Nam quan tâm là vấn đề chất độc mầu da cam mà nhiều gia đình Việt Nam phải chịu, và không chỉ một thế hệ, vấn đề người khuyết tật, và phá dỡ bom mìn mà Mỹ đã thả trong Chiến tranh Việt Nam, hay vấn đề MIA của Việt Nam, khi số lượng người Việt chết trong chiến tranh gấp nhiều lần lính Mỹ, đã được nguyên Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nêu lên từ trước với Đặc phái viên của Tổng thống Reagan - Đại tướng John Vesey - từ năm 1987, với quan điểm “hợp tác phải hai chiều”.

Mọi chuyện cứ tiếp tục, không hẳn suôn sẻ, mặc dù hai bên đều hết sức nỗ lực, nhất là phía Việt Nam. Ví dụ, vụ “tài liệu Nga”, khi có nhân vật bên Nga công bố rằng Việt Nam trong thời gian Chiến tranh Việt Nam đã chuyển một số tù binh Mỹ sang Liên Xô để thẩm vấn giúp. Và Việt Nam phải mất một số thời gian để chứng minh đầy đủ với phía Mỹ rằng thông tin này là hoàn toàn xuyên tạc.

Hỏi về “nghệ thuật đàm phán” của Thứ trưởng Lê Mai, ông Hà Huy Thông, người vẫn bám sát Thứ trưởng Lê Mai suốt từ vòng đàm phán đầu tiên cuối năm 1991 đến khi ông sang Washington D.C sau khi Tổng thống Clinton tuyên bố “bỏ cấm vận và lập văn phòng liên lạc”, đã nói rằng ông Lê Mai thực thi rất nhiều cách trong “nghệ thuật đàm phán” với phía Mỹ, nhưng nguyên tắc không cho phép ông Thông tiết lộ, nhất là đàm phán với Mỹ luôn được coi là “chuyện mật”.

Nhưng ông lại tiết lộ rằng một trong những cách của Thứ trưởng Lê Mai đã được thể hiện trong cách ông bộc lộ với giới báo chí. Ông Hà Huy Thông hé lộ hai điều mà Thứ trưởng Lê Mai hay ứng xử với báo chí.

Thứ nhất, trả lời thẳng thắn, không vòng vo. Ví dụ, khi có thông tin ‘tài liệu Nga”, ngay lập tức, Thứ trưởng Lê Mai đã nói thẳng “một sự xuyên tạc vô căn cứ” trước báo giới.

Thứ hai, khi đề cập về cách các lãnh đạo ngoại giao hay dùng khi tiếp xúc với báo chí, nhất là báo chí quốc tế, ông Hà Huy Thông nói rằng Thứ trưởng Lê Mai hay dùng cụm từ “gãi đúng chỗ ngứa”. Tức là trả lời thông minh, đúng cái báo chí cần hỏi, nhưng vẫn dí dỏm, trí tuệ.

Đến ngày 3/2/1994, Tổng thống Clinton tuyên bố “rút cấm vận Việt Nam”, một bước tiến lớn trong quá trình bình thường hóa quan hệ. Hai bên đã vạch ra một số lĩnh vực cần giải quyết ngay để tiến tới bình thường hóa quan hệ. Đó là:

Thứ nhất, bàn về kết hợp ngoại giao, tức là hợp tác chính trị.

Thứ hai, bàn về các vấn đề nhân đạo ở Việt Nam, như đã nói ở trên.

Thứ ba, bàn về giải quyết các tài sản ngoại giao. Phía Mỹ có các tài sản như ngôi nhà 19-21 Hai Bà Trưng, hay nhà 18 Tông Đản (vốn là trụ sở của Trung tâm Báo chí Nước ngoài, BNG, nay là tư dinh của đại sứ Mỹ). Phía Việt Nam cũng có nhà, có tài sản bên Mỹ…

Thứ tư là đàm phán về mặt nhân quyền.

Ngoài ra, trong tuyên bố bỏ cấm vận, Tổng thống Clinton cũng tuyên bố thành lập cơ quan liên lạc, và phía Mỹ cũng cử luôn đoàn tiền trạm sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội. Ông Hà Huy Thông, lúc đó đã lên chức Phó Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ (nay là Vụ châu Mỹ), cũng được cử làm Trưởng đoàn Tiền trạm mở Cơ quan Liên lạc Việt Nam tại Washington D.C, và phải xa người thủ trưởng của mình.

Đến 11.7.1995, Tổng thống Clinton tuyên bố bình thường hóa mối quan hệ ngoại giao (lúc đó là đêm theo giờ Việt Nam), đến sáng 12.7.1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng tuyên bố về phía Việt Nam. Ông Hà Huy Thông chỉ biết các hoạt động của Thứ trưởng Lê Mai, người phụ trách trực tiếp, thông qua các báo cáo từ bên nhà.

Cuộc ra đi đầy tiếc nuối của Thứ trưởng Lê Mai

ĐSQ Việt Nam tại Mỹ tổ chức tang lễ cho Thứ trưởng Lê Mai ngày 12.6.1996 tại Washington D.C. Copyright Đại sứ Hà Huy Thông.

ĐSQ Việt Nam tại Mỹ tổ chức tang lễ cho Thứ trưởng Lê Mai ngày 12.6.1996 tại Washington D.C. Copyright Đại sứ Hà Huy Thông.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Hà Huy Thông có nói rằng “phía Mỹ không hề ngạc nhiên về việc Thứ trưởng Lê Mai, thay cho Thứ trưởng Trần Quang Cơ, vào phút chót, để đàm phán phiên đầu tiên với phía Mỹ về bình thường hóa. Nhưng chắc họ bất ngờ khi Thứ trưởng Lê Mai mất, cách đây 25 năm.”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, đã tuyên bố về sự ra đi của một thứ trưởng ngoại giao, và Đại sứ Hà Huy Thông, lúc đó là cán bộ đại sứ quán Việt Nam mở tháng 7/1995 ở Washington D.C, đã dẫn lại như sau:

“Ngài Lê Mai là thành viên trẻ tại Hội nghị Paris về hòa bình ở Việt Nam (ký 27/1/1973), đóng vai trò then chốt trong quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam sau chiến tranh.

Ngài là nhà ngoại giao Việt Nam được ngưỡng mộ và là bạn với nhiều người Mỹ. Sự ra đi của Ngài là ‘không đúng lúc’ và là ‘thảm họa’.”

Một cán bộ Bộ Ngoại giao Mỹ cho ông Hà Huy Thông biết rằng “Bộ Ngoại giao Mỹ thường không ra tuyên bố chia buồn với cấp thứ trưởng của các nước, nhưng do ngài Lê Mai có vai trò quan trọng trong quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, vốn rất phức tạp, trong đó có việc giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA) ở Việt Nam là mối quan tâm hàng đầu của nhiều gia đình người Mỹ mong muốn giải quyết.”

Ngoài các bài báo đăng trên các báo nổi tiếng của Mỹ, dẫn lời những nhân vật nổi tiếng trong giới chính khách Mỹ, như cố TNS John McCain, về cố Thứ trưởng Lê Mai, ĐS Hà Huy Thông còn viện dẫn một giáo sư nổi tiếng của Mỹ và một sử gia, trong cuốn sách nổi tiếng xuất bản năm 2012 của ông nhan đề “Những thế giới đang biến động: Quá độ của Việt Nam từ Chiến tranh lạnh sang toàn cầu hoá” - Giáo sư Mỹ David W.P. Elliot về Chính quyền và Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Pomona.

Ông viết: “Năm 1982, lần đầu tiên đến Việt Nam, tôi đã được gặp một quan chức nổi bật của ngành ngoại giao Việt Nam là ngài Lê Mai. Việc ông đột ngột mất không đúng lúc đã rút ngắn một sự nghiệp đang đầy hứa hẹn.”

Còn Đại sứ Hà Huy Thông nhớ về người thủ trưởng cũ của mình bằng câu nói: Sự ra đi của Thứ trưởng Lê Mai – nhà ngoại giao thân thiện, cởi mở, đức độ, và tài hoa…

(Còn nữa)