Có nên tổ chức các lễ hội du lịch, sự kiện thể thao giữa lúc dịch có nguy cơ cao xâm nhập nước ta?

Thanh Hằng
Thanh Hằng

Nhà báo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Dịch đang hết sức căng thẳng ở các nước xung quanh, như Lào, Campuchia, Thái Lan và Ấn Độ, khiến Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lo ngại nguy cơ làn sóng dịch thứ 4 sẽ ập vào Việt Nam.

Thế nhưng, trong bối cảnh dịch rình rập hết sức căng thẳng, ngành y tế và bộ đội biên phòng căng hết sức mình ra để ngăn chặn dịch xâm nhập, thì nhiều địa phương trong cả nước vẫn đã và đang tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao tưng bừng, thu hút rất đông người tham dự.

Điển hình như cuối tuần qua, tại Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức Ngày chạy Ô-lim-pích vì sức khỏe toàn dân với gần 2.600 vận động viên tham gia. Cùng ngày, Giải Marathon đường mòn Việt Nam năm 2021 cũng diễn ra tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La với gần 4.300 người thuộc 48 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Ngày 25/4, cũng tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức Giải chạy thiện nguyện “BIDVRun – Cho cuộc sống xanh” với hơn 1.000 người tham gia và giải này sẽ kéo dài đến 16/5/2021.

Giải chạy do UBND TP Hà Nội tổ chức

Giải chạy do UBND TP Hà Nội tổ chức

Điều đáng quan tâm là, giữa lúc dịch bùng phát dữ dội ở các nước láng giềng với số người mắc trong cộng đồng và số tử vong cao, nhưng những người tham gia các hoạt động này đều không thực hiện theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, ít nhất là về tiêu chí Không tụ tập, Khoảng cách và Khẩu trang.

Bên cạnh đó, theo thông báo của nhiều địa phương, đã có rất nhiều hoạt động thu hút du khách được triển khai trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đang đến gần. Đà Nẵng, nơi đã từng bùng phát làn sóng dịch COVID-19 đợt 2 và Quảng Ninh, điểm nóng trong làn sóng dịch đợt 3, đã có hàng chuỗi hoạt động kích cầu du lịch.

Chuỗi các sự kiện văn hóa, lễ hội đường phố sôi động ở Đà Nẵng sẽ được tổ chức xuyên suốt trong 4 ngày nghỉ lễ. TP.HCM cũng có một chuỗi sự kiện văn hóa lớn, đều thu hút đông người như các điểm vui chơi, giải trí, giải việt dã truyền thống, giải đua thuyền truyền thống TPHCM, chương trình biểu diễn nghệ thuật tại TP Thủ Đức, huyện Cần Giờ, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi vv… Nha Trang cũng công bố trên 100 hoạt động văn hóa, du lịch v.v…

Giải chạy do BIDV tổ chức với hàng nghìn người tham gia

Giải chạy do BIDV tổ chức với hàng nghìn người tham gia

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang căng thẳng như hiện nay, nguy cơ dịch xâm nhập trở lại Việt Nam là rất lớn. Vì thế, các lễ hội, sự kiện thể thao đông người trong cả nước càng đem đến nguy cơ lớn hơn nhiều. Nhất là khi dường như ngày nào cũng có những người từ vùng dịch nhập cảnh trái phép vào nước ta. Đây là những gánh nặng và áp lực mà ngành y tế đang phải đối diện.

Tuy nhiên, các hoạt động lễ hội, sự kiện thể thao lại là cứu cánh cho ngành du lịch và hàng không cũng như kinh tế ở các địa phương. Điều này đặt ra bài toán cho Chính phủ, cho ngành y tế và các địa phương trong việc dung hòa giữa chống dịch và phát triển kinh tế. Trên mạng xã hội, nhiều người lo ngại dịch tấn công nên đã lên tiếng đề nghị Chính phủ cho hoãn các lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao ở các địa phương lại, trong khi đó, lại có ý kiến ngược lại với lý do cần phát triển kinh tế.

Giải Marathon đường mòn Việt Nam diễn ra tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La với gần 4.300 người tham gia

Giải Marathon đường mòn Việt Nam diễn ra tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La với gần 4.300 người tham gia

Trước những quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTT&DL) - một người tâm huyết với ngành văn hóa, du lịch, cũng như luôn trăn trở với công tác chống dịch, đã đưa ra sáng kiến: Bộ Y tế có thể đề xuất với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trao đổi với các bộ, ngành liên quan về một giải pháp có thể dung hòa được việc đảm bảo chống dịch, mà vẫn giúp các ngành "trụ" được. Đó là giảm tải "đợt sóng" du lịch tập trung cho dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 đang tiềm ẩn nguy cơ rất cao, chưa kể việc quá tải và chất lượng dịch vụ bằng việc hoán đổi ngày nghỉ.

Theo đó, những người đăng ký không nghỉ 2 ngày nghỉ dịp 30/4-1/5 sẽ được đăng ký chọn nghỉ trong dịp hè đợt 29-30/5, bao gồm 2 ngày nghỉ cuối tuần và 2 ngày nghỉ lễ, hoặc thời gian phù hợp. Như vậy, vừa giảm sức ép nguy cơ dịch của đợt này, mà ngành du lịch, hàng không vẫn có cơ hội phát triển. Việc này chỉ là hoán đổi quyền lợi của mọi người nên nhiều người hẳn sẽ chấp nhận, vừa an toàn cho bản thân, vừa đảm bảo tốt cho phòng, chống dịch theo khuyến cáo 5K của ngành y tế.

Chúng tôi đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Thanh Sơn, nhưng trong khi vấn đề chưa được quyết định và nhiều người đã lên kế hoạch đi du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tới đây, thì các địa phương cần cùng với ngành y tế khẩn trương có các biện pháp phòng dịch quyết liệt ở các điểm du lịch, cũng như kêu gọi mọi người thực hiện tốt khuyến cáo 5K của ngành y tế là: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế" để giữ an toàn cho từng người và cộng đồng.