Miễn dịch cộng đồng chống COVID-19 ở Việt Nam rất thấp, hộ chiếu vaccine còn nhiều việc phải làm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Do tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 chưa đạt yêu cầu nên miễn dịch cộng đồng chống COVID-19 ở nước ta rất thấp, việc triển khai hộ chiếu vaccine vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Ông Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế (Ảnh - BYT)
Ông Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế (Ảnh - BYT)

Đây là thông tin được ông Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết - vào sáng nay, ngày 16/4.

Tỷ lệ tiêm vaccine chưa đạt yêu cầu

Ông Đặng Quang Tấn cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt dịch COVID-19, chưa ghi nhận trường hợp nào lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, do tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 chưa đạt yêu cầu nên miễn dịch cộng đồng chống COVID-19 ở nước ta rất thấp. Do đó, nếu nước ta triển khai hộ chiếu vaccine mà không quản lý chặt người nhập cảnh vào Việt Nam, thì nguy cơ lây nhiễm cộng đồng hoặc dịch bùng phát do những ca nhập cảnh trái phép hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo ông Tấn, hộ chiếu vaccine thực chất là giấy chứng nhận cho một người nào đó đã tiêm đủ hoặc chưa đủ các mũi vaccine COVID-19. Thông thường, mỗi người sẽ được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVIVD-19 theo quy định của nhà sản xuất. Khi một người tiêm đủ 2 mũi vaccine theo quy định thì sẽ được cấp giấy chứng nhận đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 – tức là "hộ chiếu vaccine".

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Hiện, trên thế giới chưa có nhiều nước áp dụng "hộ chiếu vaccine", mới chỉ có Singapore áp dụng nhưng giới hạn trong phạm vi hẹp để thăm dò. Còn rất nhiều quốc gia khác như Mỹ, Nhật, vẫn chưa áp dụng mặc dù đã đưa ra vấn đề này để thảo luận.

Đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa đưa ra bất kỳ khuyến cáo nào về việc sử dụng "hộ chiếu vaccine" phòng COVID-19 vì một số lý do như: Những người đã tiêm vaccine chỉ có tác dụng làm hạn chế hoặc giảm tỷ lệ trầm trọng khi mắc COVID-19. Còn những vấn đề liên quan đến việc di chuyển của người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 như thế nào thì WHO cũng chưa đưa ra khuyến cáo.

Vì thế, khi áp dụng hộ chiếu vaccine các đơn vị phải thông tin đầy đủ cho người dân để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn, hiệu lực của vaccine. Đến nay, có nhiều loại vaccine được lưu hành trên thế giới, mỗi quốc gia lại sử dụng một loại vaccine khác nhau để phòng COVID-19. Tuy nhiên, hiệu lực và hiệu quả của các vaccine phụ thuộc vào loại được sản xuất nên các chuyên gia phải tìm hiểu thêm thông tin.

"Hộ chiếu vaccine" sẽ được triển khai như thế nào?

Về vấn đề triển khai "hộ chiếu vaccine", ông Tấn cho hay: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã và đang làm việc với các ngành liên quan để đưa ra phương án.

Trước khi đưa ra được phương án thống nhất, Bộ Y tế sẽ xem xét các quốc gia nào đã áp dụng "hộ chiếu vaccine" bằng quan hệ hợp tác việc song phương, hay đa phương, hoặc thông qua sự đồng thuận giữa các quốc gia. Để có thể áp dụng "hộ chiếu vaccine" phòng COVID-19 ở Việt Nam, các đơn vị vẫn đang tìm hiểu thêm thông tin và xây dựng phương án trao đổi với các bộ ngành để thống nhất việc áp dụng hộ chiếu vaccine từ quốc gia nào về, áp dụng vaccine nào.

Ông Tấn cho hay: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã và đang làm việc với cơ quan công an để đưa ra phương án (Ảnh - Thanh Hằng)

Ông Tấn cho hay: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã và đang làm việc với cơ quan công an để đưa ra phương án (Ảnh - Thanh Hằng)

“Bộ Y tế đã thống nhất là chỉ những người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 thì có thể được giảm thời gian cách ly. Có địa phương đề nghị khách nhập cảnh chỉ cần đến 3 ngày rồi về, hoặc đến khu nghỉ dưỡng, không đi đâu. Đây cũng có thể là mô hình cần áp dụng thử nghiệm. Vấn đề đặt ra ở đây là phải quản lý chặt người đến. Nếu người đã tiêm đủ vaccine thì chỉ được ở trong khu resort, khu khách sạn đó, không được di chuyển đi đâu. Các cơ quan chủ quản tại địa phương sẽ phải quản lý chặt chẽ” – ông Tấn nhấn mạnh.

Thực tế, nhiều trường hợp vào khu cách ly có xét nghiệm lần 1 âm tính với virus SARS-CoV-2 nhưng cơ quan chức năng, địa phương không quản lý chặt, thì nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng rất dễ xảy ra.

Chính vì thế, ông Tấn khẳng định: “Bộ Y tế đang nỗ lực nghiên cứu, tìm hiểu các quốc gia trên thế giới đã áp dụng hộ chiếu vaccine như thế nào để đưa ra một số mô hình thử nghiệm. Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa để đưa ra phương án tối ưu nhất. Khi nào có thể áp dụng được hộ chiếu vaccine, Bộ Y tế sẽ cố gắng đẩy nhanh việc này, càng sớm càng tốt”.