Dịch COVID-19 ở nước láng giềng căng thẳng, Bộ Y tế họp khẩn với 63 tỉnh thành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trước diễn biến rất phức tạp của dịch COVID-19 tại nhiều nước, sáng nay, 16/4, Bộ Y tế đã có cuộc họp với các tỉnh, thành trong cả nước để đối phó với nguy cơ dịch tái bùng phát ở Việt Nam.  
Bộ Y tế họp với các địa phương để tăng cường chống dịch
Bộ Y tế họp với các địa phương để tăng cường chống dịch

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tình hình kiểm soát dịch COVID-19 đang khó khăn trên thế giới. Nhiều nước đã quay trở lại phong tỏa, giãn cách xã hội. Campuchia đã phải phong toả Thủ đô Phnompenh từ 15/4 để phòng, chống dịch, trong khi ở biên giới Tây Nam nước ta, tình hình nhập cảnh trái phép vẫn diễn ra phức tạp. Đây là những nguy cơ rất cao với Việt Nam và mọi tỉnh, thành đều có thể có dịch.

Cuộc họp trực tuyến “Tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19” với 63 tỉnh, thành phố diễn ra dưới sự chủ trì của GS.TS. Nguyễn Thanh Long – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế.

Những kinh nghiệm quý báu

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh những bài học kinh nghiệm sau 3 đợt dịch, để khi có dịch xảy ra, các địa phương triển khai không lúng túng.

Vấn đề đầu tiên là cách ly tập trung. Nếu theo kế hoạch thì các địa phương làm tốt nhưng khi phải cách ly số lượng lớn là lúng túng, trong khi cách ly tốt mới ngăn chặn được nguồn lây trong cộng đồng.

Kinh nghiệm thứ 2 là việc phong toả, khoanh vùng. Trong đợt dịch vừa rồi, các địa phương đã không ngần ngại phong toả rất nhanh trên diện hẹp nhưng khoanh vùng và xét nghiệm trên diện rộng để kiểm soát tình hình.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh những bài học kinh nghiệm sau 3 đợt dịch

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh những bài học kinh nghiệm sau 3 đợt dịch

Kinh nghiệm trong truy vết từ đầu, trên diện rộng, có các lực lượng truy vết chuyên nghiệp ở địa phương cũng cần được duy trì. Ngay từ đầu Việt Nam đã tập trung cho công tác truy vết tại các địa phương với việc thành lập các tổ Covid-19 cộng đồng với sự vào cuộc của công an.

"Tới đây, Bộ Y tế sẽ tập huấn cho lực lượng công an triển khai truy vết tại các tỉnh, thành phố. Vì thế, khi xảy ra dịch, các lực lượng y tế, công an, tổ Covid-19 cộng đồng phát huy hiệu quả trong truy vết, cách ly”- Bộ trưởng cho hay.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý kinh nghiệm xét nghiệm còn nguyên giá trị. Đó là muốn mở nhanh xét nghiệm phải có cơ chế tài chính, triển khai nhanh. Xét nghiệm càng nhanh, khả năng khống chế dịch càng lớn. Phải xét nghiệm trên diện rất rộng, để sớm giải toả khu vực khoanh vùng.

Một kinh nghiệm nữa là khi có dịch cần sử dụng cơ sở sẵn có để xây dựng các BV dã chiến nhanh, tránh lúng túng trong điều trị như Hải Dương.

Đặc biệt, việc điều phối nhân lực y tế trong lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị, truy vết khoanh vùng, cách ly cũng phải được triển khai bài bản, mạnh mẽ.

Trong các đợt dịch, Bộ Y tế đã “cắm” lực lượng tiền phương tại chỗ, đánh giá tình hình trên thực tiễn, nắm chắc tình hình để đưa ra quyết định phù hợp thực tiễn, kiểm soát tốt tình hình, điều phối lực lượng y tế trên địa bàn chống dịch.

“Nóng” khu vực biên giới Tây Nam

Lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh: Trong bối cảnh các nước láng giềng, trong khu vực, dịch diễn biến phức tạp mà chúng ta vẫn phải tổ chức các chuyến bay, nguy cơ dịch tái xảy ra ở Việt Nam là rất lớn, nên không thể chủ quan, lơ là các biện pháp phòng, chống dịch.

Khu vực nóng nhất là biên giới Tây Nam và ở các tỉnh Tây Nam bộ. Việc ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép giữ vai trò quan trọng vì nếu để xảy ra, lây nhiễm trong cộng đồng nhất là chủng ở Anh, Nam phi, thì kiểm soát rất khó khăn.

Đại diện WHO đánh giá cao nỗ lực và kết quả chống dịch của Việt Nam

Đại diện WHO đánh giá cao nỗ lực và kết quả chống dịch của Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường tầm soát các ca nhiễm, nhất là ở các khu vực có nguy cơ như các khu giải trí, đông người để giúp phát hiện sớm. Bộ trưởng cũng yêu cầu cập nhật bản đồ an toàn COVID-19, nhất là tại các phòng khám tư nhân đang chậm trễ. Nếu phòng khám nào không thực hiện có thể đình chỉ hoạt động.

"Mọi địa phương đều có thể xuất hiện dịch. Vì thế, phải có phương án xét nghiệm với việc hợp đồng nâng công suất xét nghiệm; có kịch bản cách ly diện rộng, nhiều đối tượng, đảm bảo hậu cần cho cách ly khu dân cư" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tiếp tục tiêm vaccine COVID-19

Về vấn đề tiêm chủng vaccine COVID-19, người đứng đầu ngành y tế cho biết thời gian qua đã nỗ lực để người dân Việt Nam được tiếp cận vaccine nên hiện đã có 811 ngàn liều về và đã phân bổ cho các địa phương, nên các địa phương phải tổ chức tiêm nhanh chóng trước ngày 5/5; không để 1 liều nào phải huỷ; những địa phương không tổ chức tiêm sẽ bị thu hồi.

Bộ trưởng khẳng định chúng ta tiếp tục tổ chức tiêm vaccine COVID-19, sau khi đã tiêm cho 75 ngàn người, chỉ có số ít phản ứng thông thường sau tiêm như đau nóng đỏ, sốt nhẹ… nhưng thấp hơn các nước khác và không có ca huyết khối nào. Hơn nữa, quy trình tiêm của Việt Nam có sàng lọc, sau tiêm theo dõi 30 phút và sau 24h vv… đảm bảo tiêm đến đâu an toàn đến đó. Bộ Y tế còn thành lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng gồm các giáo sư đầu ngành để hỗ trợ cho các địa phương nếu có vấn đề phản ứng sau tiêm.

“Tiêu chí an toàn tiêm chủng rất cao và đội ngũ chuyên gia nên đã xử lý rất tốt những phản ứng không mong muốn sau tiêm, xử lý cao hơn so với yêu cầu một mức” – Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá ca nỗ lực và kết quả phòng, chống dịch của Việt Nam khi đã ngăn chặn nhanh chóng từng đợt dịch xâm nhập vào Việt Nam.

Cuộc họp trực tuyến “Tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19” với 63 tỉnh, thành phố

Cuộc họp trực tuyến “Tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19” với 63 tỉnh, thành phố

Đại diện các tỉnh Tây Nam cho biết tình hình xuất, nhập cảnh trái phép vẫn diễn ra; có ngày 10 người nhập cảnh cả 10 người dương tính. Cách ly tập trung nhưng các phương án đã xây dựng trước đây không phù hợp do các trường học, doanh trại vẫn hoạt động bình thường nên phải xây dựng các khu cách ly tập trung. Các trung tâm được giao điều trị không đủ điều kiện; đề nghị thiết lập BV dã chiến; ưu tiên vaccine; tập trung sinh phẩm xét nghiệm, vật tư y tế, máy móc để nâng cao năng lực tầm soát xét nghiệm; sớm tổng kết thực tiễn ở các địa phương thành cẩm nang để các tỉnh, thành học tập; đoàn công tác của Bộ Y tế sớm vào hỗ trợ.

Lãnh đạo các Cục, Vụ liên quan đã đưa ra các hướng giải quyết để các địa phương chủ động phòng, chống dịch trong tình hình hiện nay.