|
Máy bay chiến đấu tàng hình J-35 của Lữ đoàn Không quân số 1, Không quân Trung Quốc. Ảnh: MW. |
Đoạn video được công bố vào rạng sáng ngày 6/6 vừa qua đã xác nhận việc tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-35A chính thức vào biên chế Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF). Chiếc máy bay này được biên chế cho Lữ đoàn Không quân số 1, đơn vị cũng đang vận hành các tiêm kích J-20 từ năm 2021.
J-35 được phát triển song song cùng J-20, theo một cấu trúc chiến lược “cao - thấp” (high-low combination), trong đó J-20 và J-35 lần lượt do Tập đoàn Máy bay Thành Đô và Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương chế tạo. J-20 bắt đầu phục vụ trong Không quân Trung Quốc từ năm 2017, trở thành tiêm kích thế hệ 5 hoạt động đầu tiên trên thế giới không phải do Mỹ sản xuất. Kể từ đó, J-20 liên tục được cải tiến năng lực và mở rộng quy mô sản xuất, đạt mức hơn 100 chiếc mỗi năm.
Trong khi đó, J-35 thực hiện chuyến bay đầu tiên chỉ một năm sau J-20, nhưng tương lai của nó lại khá mờ nhạt trong nhiều năm. Ban đầu, máy bay này được kỳ vọng chỉ dành cho xuất khẩu và phiên bản hoạt động trên tàu sân bay của Hải quân Trung Quốc.
J-35 được cho là ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại tương tự J-20, bao gồm hệ thống ống kính phân tán (distributed aperture system), các liên kết dữ liệu và cảm biến tiên tiến nhằm mang lại khả năng nhận thức tình huống vượt trội, cùng với lớp phủ hấp thụ sóng radar hiện đại giúp tăng cường hiệu quả tàng hình vốn có từ thiết kế khí động học tối ưu.
Tuy vậy, J-35 bị giới hạn bởi kích thước nhỏ hơn đáng kể so với J-20, khiến phạm vi hoạt động bị thu hẹp, khả năng mang radar cỡ lớn hay tải trọng vũ khí cũng bị hạn chế. Bố cục khí động học truyền thống của J-35 cũng khác biệt rõ rệt so với thiết kế cánh mũi (canard) độc đáo của J-20 – yếu tố đóng góp lớn cho khả năng cơ động cao ở mọi tốc độ của J-20.
Điểm mạnh đáng kể của J-35 nằm ở chi phí sản xuất và vận hành thấp hơn đáng kể so với J-20. Nhu cầu bảo trì, bảo dưỡng của J-35 cũng được cho là đơn giản hơn, cho phép triển khai với số lượng lớn hơn ở mức chi phí tối ưu.
Việc J-35 bước vào sản xuất hàng loạt giúp Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đồng thời sản xuất hàng loạt hai loại tiêm kích tàng hình thế hệ 5. Bên cạnh đó, hai mẫu tiêm kích thế hệ 6 đang được Thành Đô và Thẩm Dương phát triển – từng được công bố nguyên mẫu bay vào tháng 12/2024 – hứa hẹn sẽ tái lập mô hình kép này trong thập kỷ tới, với kế hoạch đưa vào hoạt động đầu những năm 2030.
Tuy nhiên, tương lai của J-35 trong Không quân Trung Quốc vẫn còn chưa chắc chắn. Quy mô sản xuất và tốc độ đặt hàng vẫn chưa được công bố cụ thể, và nhiều khả năng sẽ không đạt được mức tương đương J-20.
Một trong những lý do chính khiến J-35 có thể bị hạn chế mua sắm là tầm hoạt động – yếu tố được cho là không đáp ứng yêu cầu phòng thủ không gian rộng lớn trên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tầm bay của J-35 vẫn được dự đoán là ngang ngửa với F-15 – tiêm kích có tầm xa nhất của phương Tây – và vượt xa F-35, mẫu tiêm kích tàng hình thế hệ 5 duy nhất đang được sản xuất hàng loạt tại phương Tây hiện nay.