
Người Palestine sẽ không được rời khỏi khu vực này, trừ khi “tự nguyện” di cư sang nước khác, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Israel Katz.
Israel đang chuẩn bị thành lập một “thành phố nhân đạo” trên đống đổ nát của Rafah, phía nam Dải Gaza, nơi toàn bộ dân cư của vùng đất này sẽ bị đưa vào sinh sống – Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Israel Katz, thông báo hôm 8/7. Những người phản đối đã lập tức gọi đây là một “trại tập trung” trá hình và cảnh báo nguy cơ vi phạm nhân quyền trên diện rộng.
Theo ông Katz, “thành phố nhân đạo” ban đầu sẽ tiếp nhận khoảng 600.000 người Palestine – chủ yếu là người dân đã sơ tán và hiện đang trú ẩn tại khu vực duyên hải Mawasi, phía tây bắc Rafah. Về sau, toàn bộ dân số ước tính khoảng 2,2 triệu người của Dải Gaza sẽ được chuyển vào “thành phố” này. Khu vực sẽ do quân đội Israel kiểm soát từ xa và được điều hành bởi các tổ chức quốc tế chưa xác định.
Người Palestine sẽ bị sàng lọc kỹ càng trước khi được đưa vào “thành phố” nhằm ngăn chặn các thành viên Hamas trà trộn, ông Katz nói thêm. Mục tiêu cuối cùng của kế hoạch này, theo thừa nhận của chính ông, là “di dời toàn bộ dân cư Gaza” và khuyến khích họ “tự nguyện rời bỏ” vùng đất này để định cư ở nơi khác. Những ai đã vào khu vực nói trên sẽ không được phép quay trở lại bất kỳ khu vực nào khác của Gaza.
Bộ Quốc phòng Israel đã bắt đầu lên kế hoạch cho khu vực này, theo lời ông Katz. Tuy nhiên, chính quyền Israel vẫn chưa đưa ra tuyên bố công khai nào về kế hoạch này, cũng như chưa xác nhận liệu nó đã được phê duyệt hay chưa. Thời điểm triển khai cụ thể cũng chưa rõ ràng.
Kế hoạch “thành phố nhân đạo” đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ các tổ chức nhân quyền và giới hoạt động, những người gọi đây là “trại giam lỏng” trá hình và cảnh báo về các hành vi ngược đãi có thể xảy ra. Michael Sfard – luật sư nhân quyền nổi tiếng tại Israel – mô tả kế hoạch này là “một kế hoạch hành động cho tội ác chống lại loài người”.
“Dù chính phủ Israel vẫn gọi hành động trục xuất này là ‘tự nguyện’, người dân Gaza đang chịu quá nhiều áp lực và cưỡng ép đến mức không thể coi bất kỳ cuộc di cư nào từ Dải Gaza là hành động có sự đồng thuận hợp pháp”, ông Sfard chia sẻ với tờ The Guardian.
Kế hoạch thành lập “thành phố nhân đạo” được đưa ra sau khi Israel bác bỏ các đề xuất sửa đổi thỏa thuận ngừng bắn do Hamas đưa ra. Theo truyền thông, Hamas muốn đảm bảo một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và yêu cầu Israel rút hoàn toàn khỏi Dải Gaza, điều mà Tel Aviv từ chối.
Xung đột giữa Hamas và Israel bùng nổ từ tháng 10 năm 2023, khi lực lượng vũ trang Hamas bất ngờ tấn công miền nam Israel, khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và bắt giữ khoảng 250 con tin. Đến nay, chỉ còn khoảng 50 người bị Hamas giam giữ tại Gaza, và chưa đến một nửa trong số đó được cho là còn sống.
Trong suốt 21 tháng qua, phản ứng quân sự của Israel – bao gồm các đợt oanh tạc bằng không quân, pháo binh và chiến dịch trên bộ tại Dải Gaza – đã khiến ít nhất 57.000 người thiệt mạng, phần lớn là dân thường, theo Bộ Y tế địa phương tại Gaza.

Bóng ma gián điệp sau “Chiến tranh 12 ngày”: Israel đã xuyên thủng phòng tuyến Iran như thế nào?

Iran đánh trúng hơn 40 mục tiêu tại Israel: Ảnh vệ tinh phơi bày thiệt hại nghiêm trọng
