
Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Trung Quốc Norinco vừa công bố một dòng xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) hoàn toàn mới được phát triển dựa trên nền tảng T-72 của Liên Xô, đồng thời tích hợp một gói nâng cấp toàn diện cho các xe tăng cũ.
Hình ảnh chụp tại Baotou, Nội Mông cho thấy mẫu xe tăng mới đã được tích hợp tháp pháo hoàn toàn mới cùng một trạm vũ khí điều khiển từ xa có thiết kế tương tự dòng VT-4, hiện đang được Trung Quốc sản xuất phục vụ xuất khẩu. Xe tăng cũng được trang bị giáp phản ứng nổ FY-2 của Trung Quốc và thiết bị quan sát nhiệt độc lập gắn trên nóc xe dành cho chỉ huy.
T-72 hiện là dòng xe tăng thế hệ 2 hoặc 3 được sử dụng rộng rãi nhất thế giới, có mặt trong biên chế của hơn 30 quốc gia với số lượng lớn, chưa kể nhiều nước khác dùng cho mục đích huấn luyện hoặc trình diễn công nghệ. Dù Trung Quốc không biên chế T-72, họ từng nhận được một số xe từ bên thứ ba không xác định vào thập niên 1990 để nghiên cứu và đánh giá.
Chính sự phổ biến rộng rãi của T-72 trên toàn cầu đã mở ra cơ hội lớn để Norinco củng cố vị thế xuất khẩu thiết giáp thông qua việc phát triển gói nâng cấp cho dòng xe này. Trước đây, Nga và Ukraine là những đối thủ chính trong việc cung cấp gói hiện đại hóa cho T-72, nhưng do năng lực quốc phòng hiện được ưu tiên cho cuộc chiến Nga–Ukraine, Trung Quốc có thể lấp đầy khoảng trống này.

Ngoài ra, ngành công nghiệp xe tăng của Trung Quốc hiện cũng được đánh giá đã vượt qua các nước kế thừa Liên Xô về mặt công nghệ và năng lực sản xuất – một yếu tố có thể khiến gói nâng cấp của họ hấp dẫn hơn. Gói nâng cấp này được kỳ vọng sẽ là phương án tiết kiệm so với việc mua mới các dòng VT-4 hoặc Type 96.
Sự quan tâm đối với gói nâng cấp còn có thể tăng lên nhờ hiệu quả mà T-72 đã thể hiện trong xung đột Nga–Ukraine. Ví dụ, biến thể T-72 mới của Nga phát triển năm 2022 được trang bị lớp giáp và hệ thống điều khiển hỏa lực tương đương với T-90M, thậm chí từ năm 2024 còn được bổ sung hệ thống phòng vệ chủ động. Tuy nhiên, khả năng Nga xuất khẩu những nâng cấp này gần như bằng không, ít nhất cho tới cuối thập kỷ, tạo ra khoảng trống cho Trung Quốc chen chân.

Việc phát triển gói nâng cấp cho T-72 diễn ra song song với hàng loạt thành công của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc trong khu vực Trung Á, nơi họ đã vượt qua Nga để giành các hợp đồng cung cấp máy bay chiến đấu, hệ thống phòng không và nhiều loại khí tài khác.
Các khách hàng tiềm năng hàng đầu có thể bao gồm: Algeria, nơi dòng VT-4 cũng đã được quan tâm; Kazakhstan, Uzbekistan và Mông Cổ – đều là các quốc gia có biên chế T-72; Iran – quốc gia đang sở hữu hơn 300 chiếc T-72 lỗi thời sản xuất từ thập niên 1990; các quốc gia châu Phi như Ma-rốc, Uganda, Sudan – cũng đã từng mua T-72.
Ngoài ra, vì T-72 có nhiều điểm tương đồng với T-80, Norinco cũng có thể mở rộng gói nâng cấp sang dòng xe tăng này. Dù ít phổ biến hơn, T-80 đã được Pakistan và Thái Lan mua – đây cũng là hai khách hàng lớn của dòng VT-4, và đều đang tăng cường phụ thuộc vào vũ khí Trung Quốc. Việc thống nhất giữa các dòng xe tăng Liên Xô và Trung Quốc thông qua gói nâng cấp này có thể giúp các nước tối ưu hóa hậu cần, bảo trì và huấn luyện.

Chiến đấu cơ tàng hình hoàn toàn mới gia nhập Không quân Trung Quốc: J-35 có uy lực ra sao?

Lộ hình ảnh “Quái vật Bột Hải”: Trung Quốc đang hồi sinh công nghệ phương tiện hiệu ứng mặt đất
