Câu chuyện ít ai biết tới đằng sau quá trình phát triển HongMeng OS – hệ điều hành thay thế Android của Huawei

VietTimes -- Qua nhiều nguồn tin, tờ Bưu điện Tân Hoa Buổi sáng đã cho biết thêm về quá trình phát triển HongMeng OS, Ark OS hay "phương án B" của Huawei thay thế Android.
Ảnh minh họa: AP
Ảnh minh họa: AP

Năm 2012, nhóm nhỏ các giám đốc điều hành cao cấp của Huawei đã tham dự cuộc họp kín, kéo dài nhiều ngày tại Thâm Quyến. Mục đích của buổi họp là chuẩn bị phương án dự phòng cho hệ điều hành Android đang có mặt trên phần lớn sản phẩm thiết bị cầm tay của công ty. Mối quan tâm xuất phát từ nguy cơ chính phủ Mỹ ban hành lệnh cấm trong tương lai.

Kết thúc cuộc họp “bên hồ”, các giám đốc điều hành cấp cao Huawei đã thống nhất rằng công ty nên tự xây dựng hệ điều hành độc quyền thay thế Android. Sau đó, đội ngũ chuyên gia phần mềm đã được thành lập và âm thầm phát triển hệ điều hành mới dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch luân phiên Huawei Eric Xu Zhijun.

Bên cạnh đó, Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã xây dựng một khu vực nghiên cứu chuyên biệt bên trong trụ sở chính tại Thâm Quyến. Theo nguồn tin của Bưu điện Tân Hoa Buổi sáng, chỉ các chuyên gia trong nhóm phát triển hệ điều hành mới được quyền tiếp cận khu vực này thông qua ID nhân viên. Ngoài ra, họ cũng bị cấm đem theo điện thoại và vật dụng cá nhân.

Được biết, dự án phát triển hệ điều hành là nhiệm vụ tối quan trọng Huawei 2012 Laboratories, đơn vị bao gồm nhiều học giả và nhà nghiên cứu của Huawei nhằm thúc đẩy đổi mới, nghiên cứu và phát triển công nghệ.

Ông Eric Xu Zhijun, 1 trong 3 Chủ tịch luân phiên Huawei, chịu trách nhiệm điều hành dự án phát triển HĐH độc quyền thay thế Android. Ảnh: E-Nepster
Ông Eric Xu Zhijun, 1 trong 3 Chủ tịch luân phiên Huawei, chịu trách nhiệm điều hành dự án phát triển HĐH độc quyền thay thế Android. Ảnh: E-Nepster

Sau 7 năm, vị thế của Huawei giờ đây đã khác. Công ty Trung Quốc đã phát triển nhảy vọt, từ nhà sản xuất chiếm chưa đầy 5% thị trường điện thoại toàn cầu trở thành thương hiệu smartphone lớn thứ 2 thế giới. Theo nghiên cứu của IDC, Huawei đã xuất xưởng 206 triệu smartphone trong năm 2018 với hơn 50% phân phối bên ngoài Đại lục.

“Như chúng tôi đã đôi lần đề cập trước đây, Huawei đã chuẩn bị giải pháp dự phòng cho các tình huống khó khăn. Chúng tôi hỗ trợ tất cả các hệ điều hành của các đối tác – những hệ điều hành mà cả chúng tôi và khách hàng đều yêu thích”, phát ngôn viên của Huawei cho biết. “Android và Windows sẽ luôn là sự lựa chọn đầu tiên của chúng tôi. Trong thời gian này, chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng để bảo vệ quyền lợi của khách hàng”.

Hệ điều hành độc quyền của Huawei đã trở thành chủ đề bán tán của giới công nghệ kể từ tháng 3, sau khi Giám đốc điều hành mảng điện tử tiêu dùng Huawei Richard Yu Chengdong tiết lộ trên tờ Bild (Đức) rằng công ty đang phát triển hệ điều hành riêng cho cả smartphone và máy tính đề phòng các đối tác Mỹ chấm dứt hợp tác.

Tuyên bố của CEO Richard Yu đưa ra khi Mỹ bắt đầu gia tăng áp lực lên hoạt nghiệp vụ thiết bị viễn thông của Huawei. Washington nhiều lần cảnh báo các đồng minh về rủi ro gián điệp tiềm ẩn trong công nghệ 5G từ Trung Quốc.

Hiện tại, Huawei đang phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc của Mỹ, bao gồm đánh cắp bí mật thương mại, vi phạm lệnh trừng phạt kinh tế và che giấu các giao dịch kinh doanh tại Iran thông qua công ty con không chính thức.

Ngược lại, phía Huawei đã kịch liệt phủ nhận tội danh nói trên và cho rằng chính phủ Mỹ vi phạm hiến pháp khi đưa ra cáo buộc thiếu bằng chứng cụ thể.

Huawei đang bị Mỹ cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại và vi phạm lệnh cấm vận đối với Iran. Ảnh: SCMP
Huawei đang bị Mỹ cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại và vi phạm lệnh cấm vận đối với Iran. Ảnh: SCMP

Tới tháng 5, Mỹ đưa Huawei và các chi nhánh vào danh sách đen thương mại, hạn chế công ty Trung Quốc thực hiện thương vụ mua bán linh kiện và phần mềm với các đối tác Mỹ. Theo đó, Google và Microsoft buộc phải ngừng cấp quyền sử dụng Android và Windows trên tất cả sản phẩm smartphone, máy tính bảng và laptop mới của Huawei.

Cuối cùng, khi chỉ còn 90 ngày trước khi lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực, Huawei đã thừa nhận các kế hoạch bí mật dài hạn về hệ điều hành thay thế.

Nguồn tin của Bưu điện Tân Hoa Buổi sáng cho biết hệ điều hành thay thế của Huawei phát triển dựa trên nhân hệ điều hành (microkernel) cực kỳ nhẹ và có tùy biến cao. Trong quá trình xây dựng hệ điều hành mới, các chuyên gia phần mềm của Huawei đã học hỏi rất nhiều từ hệ điều hành Android và iOS của Apple.

Xét trên khía cạnh kỹ thuật, hệ điều hành của Huawei sẽ phải đối mặt với thách thức lớn là khả năng tương thích với Android. Tính năng này sẽ cho phép thiết bị dùng hệ điều hành độc quyền của Huawei có thể tải về và chạy trơn tru các ứng dụng Android. Tuy nhiên, để đảm bảo ứng dụng vận hành ổn định, các nhà phát triển sẽ phải tích hợp thêm cho ứng dụng mã nguồn hệ điều hành của Huawei.

Trong quá khứ đã có không ít hệ điều hành thất bại trong nỗ lực thay thế Android. Microsoft đã cố gắng lấn sân sang mảnh đất di động với Windows Phone và thua Android trong cuộc đua phát triển kho ứng dụng. Nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới, Samsung cũng từng rơi vào tình cảnh tương tự với hệ điều hành TizenOS.

Chắc chắn, nếu hệ điều hành mới không thể chạy ứng dụng Android thì phát triển hệ sinh thái ứng dụng riêng sẽ là cơn đau đầu của Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.

Năm ngoái, Huawei đã đăng ký bản quyền thương hiệu “Huawei Hongmeng” với cơ quan quản lý tài sản trí tuệ Trung Quốc. Đồng thời, công ty đăng ký riêng bản quyền “Huawei Ark OS” với cơ quan quản lý tài sản trí tuệ của Liên minh Châu Âu (EU) hồi tháng 5.

Cuối tháng 5, CEO Richard Yu đã tiết lộ với Securities Times rằng hệ điều hành tự phát triển của công ty sẽ hỗ trợ phần lớn sản phẩm nằm trong hệ sinh thái; bao gồm: smartphone, máy tính, máy tính bảng, TV, ô tô và thiết bị đeo thông minh (wearable). Hệ điều hành mới cũng tương tích với tất cả ứng dụng Android và ứng dụng trên nền web hiện có.

“Huawei sẽ tung ra hệ điều hành mới ngay trong mùa Thu 2019 và muộn nhất là mùa Xuân 2020”, ông Yu nói.

Nhưng trước hết Huawei sẽ phải thiết kế hệ điều hành mới đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của người dùng và hy vọng khách hàng quốc tế chấp nhận sự thiếu vắng của bộ ứng dụng phổ biến của Google như YouTube, G-mail v.v.

Thực tế, nghiên cứu của Gartner trong năm 2018 cho thấy sự thống trị của Android và iOS (chiếm lĩnh 99,9% thị trường) đang kìm hãm sự phát triển của hệ điều hành dành cho smartphone.

Tại Trung Quốc, Huawei có thể tự tin về triển vọng của hệ điều hành mới, nơi người dùng và nhà phát triển địa phương sẽ hỗ trợ để xây dựng hệ sinh thái ứng dụng. Công ty Trung Quốc vẫn có thể làm ăn phát đạt nhờ smartphone không kèm dịch vụ của Google.

Nhưng các chuyên gia tài chính của Bloomberg báo cáo rằng người dùng Châu Âu đang tỏ ra lo ngại sản phẩm Huawei sẽ nhanh chóng trở nên lỗi thời. Do đó, doanh số của công ty Trung Quốc tại Châu Âu đã suy giảm đáng kể.

“Đây không phải thời điểm thích hợp để ra mắt hệ điều hành mới. Ví dụ trường hợp của Huawei, công ty có thể thử khi chiếm lĩnh được thị phần lớn hơn”, một nhà phân tích nhận định. “Thị trường nội địa [Trung Quốc] thì có thể ổn, nhưng công ty nên quan tâm đến phản ứng của khách hàng quốc tế”.

HongMeng có phiên âm Hán-Việt là Hồng Mông, mô tả trạng thái hỗn mang trước khi vũ trụ hình thành. Ảnh: Android Central
HongMeng có phiên âm Hán-Việt là Hồng Mông, mô tả trạng thái hỗn mang trước khi vũ trụ hình thành. Ảnh: Android Central

Trước sức ép của Mỹ, Huawei chắc chắn cần các biện pháp đối phó. Phát biểu trước truyền thông trung quốc cuối tháng 5, nhà sáng lập Nhậm Chính Phi cho biết mặc dù đã chuẩn bị rất lâu cho tình huống xấu nhất, nhưng vụ bắt giữ CFO Mạnh Vãn Châu vào cuối năm 2018 và bất ổn của chiến tranh thương mại khiến công ty phải đẩy nhanh kế hoạch.

“Huawei chưa sẵn sàng để ra mắt hệ điều hành mới khi Mỹ ban hành lệnh cấm”, nguồn tin của Bưu điện Tân Hoa Buổi sáng nói. Mặc dù giải pháp thay thế Android đã được nhóm chuyên gia Huawei thử nghiệm “hàng ngàn lần”, “nhưng nó chưa được kiểm chứng rộng rãi trên các dòng sản phẩm tiêu dùng. Do đó, Huawei chưa ấn định ngày ra mắt cụ thể”.

Theo SCMP