Một trong những mục tiêu mà Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đặt ra là tới năm 2030 số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 - 18%/năm. Trước khi nói về việc làm thế nào để đạt được con số này, xin ông cho biết hệ thống đăng ký sáng chế trên thế giới hoạt động như thế nào, có một tổ chức cấp bằng sáng chế chung cho toàn cầu không?
-Ở đây cần nói rõ một số điểm sau: Thứ nhất là không có một tổ chức cấp bằng sáng chế chung cho toàn cầu. Bằng sáng chế là một quyền sở hữu trí tuệ quốc gia, nghĩa là mỗi quốc gia hoặc nhóm quốc gia sẽ cấp bằng sáng chế riêng biệt cho các phát minh của công dân, tổ chức, hoặc các thực thể hoạt động trong lãnh thổ của mình. Do bản chất của quyền sở hữu trí tuệ, các sáng chế chỉ có giá trị pháp lý trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia cấp bằng sáng chế đó.
Tuy nhiên, có một số tổ chức quốc tế hỗ trợ việc đăng ký và cấp bằng sáng chế ở nhiều quốc gia, giúp đơn giản hóa quá trình xin cấp bằng sáng chế quốc tế, cụ thể:
Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO): Là một cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc, WIPO không cấp bằng sáng chế trực tiếp, nhưng cung cấp hệ thống PCT (Patent Cooperation Treaty) giúp các nhà sáng chế và tổ chức đăng ký bằng sáng chế tại nhiều quốc gia thông qua một đơn duy nhất. Dù vậy, việc cấp bằng sáng chế cuối cùng vẫn phụ thuộc vào từng quốc gia thành viên của PCT.
Cơ quan sáng chế châu Âu (EPO): Cấp bằng sáng chế cho các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên ngoài EU. EPO là một ví dụ về tổ chức khu vực hóa việc cấp bằng sáng chế.
Các cơ quan cấp bằng sáng chế quốc gia: Mỗi quốc gia có cơ quan cấp bằng sáng chế riêng, chẳng hạn như USPTO (Mỹ), CNIPA (Trung Quốc), JPO (Nhật Bản), KIPO (Hàn Quốc), và IP Vietnam (Việt Nam). Những cơ quan này chịu trách nhiệm cấp bằng sáng chế trên lãnh thổ quốc gia của mình.
Như vậy, sẽ không có, và không thể có một xếp hạng chính thức toàn thế giới về thứ hạng các phát minh sáng chế.
-Thứ hai là khi nào thì được cấp bằng phát minh sáng chế? Mỗi quốc gia có bộ tiêu chí riêng. Nhưng cơ bản có những điểm chung sau đây:
Tính mới (Novelty): Công trình phải là một phát minh mới, chưa từng được công bố hoặc sử dụng trước đó. Điều này có nghĩa là phát minh không được trùng lặp với bất kỳ phát minh nào đã được công nhận trước đó.
Tính sáng tạo (Non-Obviousness): Công trình phải có tính sáng tạo, không phải là kết quả rõ ràng từ các phát minh trước đó đối với một người có kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực đó.
Tính hữu ích (Utility): Phát minh phải có ứng dụng thực tế và hữu ích. Sáng chế không thể chỉ là một lý thuyết hoặc một khái niệm trừu tượng mà không có ứng dụng trong thực tiễn.
Khả năng mô tả chi tiết (Enablement): Phát minh phải được mô tả chi tiết và rõ ràng, sao cho người khác có thể thực hiện sáng chế đó dựa trên mô tả trong đơn xin cấp bằng sáng chế.
-Thứ ba là bằng phát minh sáng chế cấp cho các phát minh có tính ứng dụng được ngay trong thực tiễn. Các công trình lý thuyết, chẳng hạn như toán học - giải quyết các bài toán hóc búa, dù có tầm quan trọng lớn trong lĩnh vực khoa học, thường không đủ điều kiện để được cấp bằng sáng chế. Bởi vì:
Không phải phát minh thực tiễn: Các định lý toán học, chứng minh hoặc các giải pháp lý thuyết không được coi là các "phát minh" thực tiễn theo định nghĩa của bằng sáng chế. Chúng không được ứng dụng trực tiếp vào sản phẩm hoặc quy trình cụ thể mà có thể mang lại lợi ích thương mại.
Khái niệm trừu tượng: Các bài toán toán học thường là các khái niệm trừu tượng, không có tính hữu ích theo nghĩa thực tiễn, mà thường chỉ mang giá trị lý thuyết. Bằng sáng chế không cấp cho các khái niệm trừu tượng, mà chỉ cho các phát minh có thể được ứng dụng trong thực tế.
Những phát minh toán học thường phải đợi nhiều thập niên hay nhiều thế kỷ mới tìm thấy ứng dụng. Tuy vậy, một số công trình toán học có thể dẫn đến phát minh ngay trong các lĩnh vực công nghệ, chẳng hạn như phát minh trong mã hóa, thuật toán xử lý dữ liệu, hoặc các ứng dụng trong khoa học máy tính.
Trong trường hợp đó, các ứng dụng thực tế của các phát minh này có thể đủ điều kiện để cấp bằng sáng chế. Ví dụ, một thuật toán mới có thể được cấp bằng sáng chế nếu nó có ứng dụng trong một sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể.
Nêu lên như vậy không phải hạ thấp vai trò ứng dụng của toán học. Mà thực tế cả thế giới hiện đang nhờ vào các phát minh toán học mới có tiến bộ vượt bậc về công nghệ.
Số hoá, thế giới số, nền công nghiệp 4.0, chuyển đổi số mà chúng ta đang nói hằng ngày, đang được hưởng thành quả, thật ngạc nhiên, là thành quả của toán học. Tất cả xuất phát từ số nhị phân (1703) của nhà toán học Đức Gottfried Wilhelm Leibniz và đại số Boole (1847) của nhà toán học Anh George Boole.
-Để có một bức tranh rõ hơn về việc Việt Nam chúng ta đang nằm ở đâu trên bản đồ khoa học, công nghệ thế giới, xin ông cho biết bảng xếp hạng về số lượng bằng sáng chế của một số quốc gia hàng đầu thế giới hiện thời gian gần đây!
-Dưới đây là 5 quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng thế giới về số lượng bằng sáng chế được cấp trong năm 2023, cùng với số lượng sáng chế tương ứng. Những con số này chủ yếu được báo cáo bởi Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và các cơ quan cấp bằng sáng chế quốc gia như USPTO (Mỹ), EPO (Châu Âu), và CNIPA (Trung Quốc).
Trung Quốc: Số lượng sáng chế cấp khoảng 1,6 triệu bằng sáng chế. Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí hàng đầu với số lượng bằng sáng chế được cấp cao nhất. Họ đã đạt được một mức tăng trưởng ấn tượng trong những năm qua, đặc biệt là ở các lĩnh vực như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), và công nghệ viễn thông.
Mỹ: Số lượng sáng chế cấp khoảng 300.000 – 350.000 bằng sáng chế. Mỹ đứng ở vị trí thứ hai với một lượng sáng chế đáng kể, chủ yếu là trong các lĩnh vực công nghệ cao, dược phẩm, và thiết bị y tế. USPTO vẫn là một trong những cơ quan cấp bằng sáng chế lớn nhất và nổi tiếng nhất thế giới.
Nhật Bản: Số lượng sáng chế cấp khoảng 200.000 bằng sáng chế. Nhật Bản tiếp tục giữ vị trí trong top 3, với các sáng chế chủ yếu tập trung vào công nghệ điện tử, tự động hóa, và vật liệu mới.
Hàn Quốc: Số lượng sáng chế cấp khoảng 180.000 bằng sáng chế. Hàn Quốc có số lượng sáng chế rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bán dẫn, và các sản phẩm điện tử tiêu dùng. Các công ty lớn như Samsung, LG, và Hyundai đóng góp rất lớn vào lượng sáng chế của quốc gia này.
Đức: Số lượng sáng chế cấp khoảng 70.000 - 90.000 bằng sáng chế. Đức đứng ở vị trí thứ 5, với sự tập trung chủ yếu vào công nghệ kỹ thuật, ô tô, và các ngành công nghiệp chế tạo.
Các con số cụ thể có thể thay đổi tuỳ theo các báo cáo và thống kê chính thức của các tổ chức như WIPO hoặc cơ quan cấp bằng sáng chế quốc gia.
-Vừa qua, tại cuộc gặp với giới trí thức và các nhà khoa học, Tổng bí thư Tô Lâm đã đặt ra “Phải có 100 phát minh, sáng chế, công trình khoa học trong bảng xếp hạng của khoa học thế giới vào năm 2030”. Con số này có khả thi không, theo ông?
-Nếu hiểu 100 phát minh sáng chế trong bảng xếp hạng thế giới là nói đến các phát minh sáng chế được đăng ký và cấp bằng tại các quốc gia tiên tiến hàng đầu, cụ thể là Mỹ, EU hay Nhật Bản, thì con số 100 cho đến năm 2030 “là con số khả thi – nếu có một chiến lược phát triển đúng”. Xin nhắc lại “là con số khả thi – nếu có một chiến lược phát triển đúng”.
Và để cho rõ thêm, “chiến lược phát triển đúng” này phụ thuộc rất nhiều vào lãnh đạo cấp cao nhất của đất nước và người đứng đầu các bộ và các cơ quan nghiên cứu khoa học, cụ thể là Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Viện trưởng Viện hàn lâm Khoa học Xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
-Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng so với các nước trong khu vực, về số lượng bằng sáng chế khoa học, công nghệ hàng năm của chúng ta chưa nhiều. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là các công trình nghiên cứu, sáng chế của chúng ta có tính thực tiễn không cao. Đâu là nguyên nhân?
-Để trả lời câu hỏi này, trước hết hãy xem top 5 quốc gia có số lượng bằng sáng chế (tự mình cấp) cao nhất trong các nước Asean cùng với ước lượng về tầm quan trọng:
Singapore: Khoảng 60.000 sáng chế/năm – Tầm quan trọng quốc tế cao. Thái Lan: Khoảng 10.000 - 15.000 sáng chế/năm – Tầm quan trọng quốc tế mức khu vực. Malaysia: Khoảng 10.000 sáng chế/năm – Tầm quan trọng quốc tế cao trong các ngành điện tử và chế tạo. Indonesia: Khoảng 6.000 - 8.000 sáng chế/năm – Tầm quan trọng quốc tế mức khu vực, đặc biệt trong năng lượng tái tạo. Việt Nam: Khoảng 4.000 - 5.000 sáng chế/năm – Tầm quan trọng quốc tế mức khu vực, có gia tăng trong công nghệ và dược phẩm.
Ở trên chúng ta đã chỉ ra rằng, bằng sáng chế cấp cho các sáng chế có ứng dụng thực tiễn có giá trị rộng rãi. Mà ứng dụng thực tiễn lại phụ thuộc lớn vào nền kinh tế thị trường. Trong khu vực ASEAN, Singapore là quốc gia có nền kinh tế tiếp cận mặt bằng quốc tế tiên tiến, nên họ có nhiều bằng sáng chế có giá trị ứng dụng cao. Điều đó lý giải tại sao Singapore có số lượng bằng sáng chế đăng ký tại Mỹ đứng đầu trong khu vực.
Theo Báo cáo thường niên của Cơ quan Sáng chế Mỹ (USPTO - United States Patent and Trademark Office), năm 2023, Singapore đăng ký 1.487 bằng sáng chế tại USPTO. Đây là một con số ấn tượng, phản ánh mức độ đổi mới sáng tạo và sự đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D - Research and Development) của Singapore. Các sáng chế đến từ Singapore chủ yếu trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, điện tử, năng lượng tái tạo, và y tế.
Việt Nam chưa phải là một quốc gia có nền kinh tế thị trường đầy đủ. Kinh tế Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo. Nên tính ứng dụng thấp. Không có các đơn đặt hàng thiết thực từ Nhà nước, nên không “đẻ” ra được các nghiên cứu có tính ứng dụng thiết thực, được phát triển thành sản phẩm.
Muốn tăng số lượng các bằng sáng chế được đăng ký ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, Việt Nam cần có những thay đổi bước ngoặt. Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, con số 100 sáng chế có giá trị quốc tế ngoài khu vực cho đến năm 2030 là con số khả thi.
-Như ông nói, Việt Nam chưa phải là một quốc gia có nền kinh tế thị trường đầy đủ. Nên chưa có các đơn đặt hàng thiết thực từ Nhà nước, vì thế không “đẻ” ra được các nghiên cứu có tính ứng dụng thiết thực. Vậy đâu là giải pháp, thưa ông?
-Chúng ta hãy nhìn qua số liệu thống kê: Theo báo cáo của các cơ quan Scopus, Web of Science, và các cơ sở dữ liệu quốc tế khác, vào năm 2023, Việt Nam có khoảng 12.000 – 14.000 bài báo khoa học.
Trong năm 2023, số bài báo khoa học của Việt Nam được đăng trên các tạp chí thuộc SCI/SSCI ước tính vào khoảng 2.000 – 3.000 bài. Các bài báo này phần lớn thuộc các lĩnh vực như khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, toán học, hóa học, vật lý, y học.
Tính ứng dụng thấp của các nghiên cứu xuất phát từ nhiều lý do. Sau đây là một số lý do cơ bản:
Như tôi đã nói ở trên, Việt Nam chưa phải là nền kinh tế thị trường đầy đủ. Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Vì thế chưa có các đơn đặt hàng thiết thực từ các doanh nghiệp Nhà nước đối với các cơ sở nghiên cứu.
Có các vấn đề mà các công ty Nhà nước thực sự cần đặt hàng các nghiên cứu khoa học để ứng dụng. Nhưng hoặc thuê nước ngoài, hoặc tự làm theo cách thủ công truyền thống - không ứng dụng nghiên cứu khoa học, không ký hoặc tránh ký hợp đồng với các cơ sở nghiên cứu trong nước.
Mặt khác, các cơ sở nghiên cứu có nguồn kinh phí cấp từ Nhà nước, nên nhiệm vụ nghiên cứu cũng được “kế hoạch hoá”, dẫn đến nhiều nghiên cứu nghiệm thu xong là “xếp ngăn kéo” như đã biết. Do được cấp kinh phí tối thiểu, các cơ sở nghiên cứu không đối mặt với “sinh tử” nên “không lăn lộn kiếm sống” bằng các hợp đồng nghiên cứu ứng dụng.
Các công ty tư nhân chưa đủ lớn để cạnh tranh bằng các sáng chế lõi nên không đặt hàng các cơ sở nghiên cứu. Các công ty tư nhân khá lớn thì sử dụng các thành tựu quốc tế đã thương mại hoá, hoặc thuê nước ngoài. Vì đã có sẵn lại tin cậy hơn. Các cơ sở nghiên cứu không có nhiều chuyên gia giỏi, tụt hậu với trình độ quốc tế, không đồng bộ, không nhạy bén. Lãnh đạo các cơ sở nghiên cứu, phần lớn, không phải là các nhà chuyên môn giỏi, không theo kịp với trình độ quốc tế.
Từ các lý do đã nêu, suy ra ngay cách hoá giải. Trong các lý do nêu trên, lý do đầu tiên là lý do chi phối. Chừng nào còn chưa chi từ chính đồng tiền của mình, thì chừng đó vẫn không xót lãng phí. Chừng nào vẫn chi tiền không phải của mình thì chừng đó vẫn còn muốn vụ lợi. Chừng nào làm ra lời mà không được hưởng lợi thì chừng đó vẫn không có ham muốn để cải tiến.
-Xin được quay trở lại câu hỏi "100 phát minh, sáng chế tầm thế giới" vào năm 2030 mà người đứng đầu Đảng ta "đặt hàng" cho giới khoa học, công nghệ Việt Nam. Theo ông, giới khoa học, công nghệ Việt Nam cần phải có một chiến lược cụ thể như thế nào để hoàn thành mục tiêu này?
-Về công tác quản lý cần: Trước hết, từng bước, từng phần phải cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước. Cần cổ phần hoá một cách khoa học, không làm ồ ạt, vội vã, dẫn đến tài sản Nhà nước bị đánh giá thấp, bị chiếm đoạt. Là mở rộng biên giới thị trường có nhu cầu cải tiến, có nhu cầu ứng dụng các nghiên cứu mới. Là từng bước đưa Việt Nam tiến đến nền kinh tế thị trường đầy đủ. Bổ nhiệm các lãnh đạo giỏi tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Làm thế nào để chọn được lãnh đạo giỏi là vấn đề khác chưa bàn đến ở đây.
Hai là, cải cách cơ chế quản lý để các lãnh đạo giỏi phát huy hết khả năng của cá nhân và doanh nghiệp. Để họ có ham muốn cải tiến vì lợi nhuận. Để họ không lãng phí. Để họ chịu trách nhiệm.
Ba là, thay đổi lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu. Lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu phải là những nhà nghiên cứu giỏi và năng động. Tiêu chí chuyên môn là quyết định.
Bốn là, chống độc quyền là điều rất quan trọng của nền kinh tế thị trường.
Để có 100 bằng sáng chế đăng ký ở Mỹ, EU, Nhật Bản trong vòng 5 năm thì cơ chế và nhân sự lãnh đạo là quan trọng bậc nhất chứ không phải là tăng kinh phí đột biến.
-Về đầu tư nguồn lực, tài lực: Tăng kinh phí, tập trung nguồn lực tài chính cho những ngành mũi nhọn.
Đó là để Việt Nam sở hữu các sáng chế nguồn, trở thành quốc gia có những lĩnh vực công nghệ tiếp cận với mặt bằng quốc tế tiên tiến. Đó là lúc hàng năm Việt Nam có cả ngàn sáng chế đăng ký quốc tế.
- Đặt hàng: Muốn có cả ngàn sáng chế đăng ký quốc tế hằng năm thì nhu cầu từ các doanh nghiệp từ thị trường quyết định các đơn đặt hàng. Nghĩa là, cùng với thị trường quốc tế thì thị trường quốc nội thực sự đòi hỏi những sáng chế mới.
-Nói cho cùng thì chúng ta không thể đầu tư cho tất cả các lĩnh vực được mà cần có trọng điểm và thứ tự ưu tiên. Theo ông thì thứ tự ưu tiên nên như thế nào?
-Trước mắt, cho mục 100 bằng sáng chế giá trị quốc tế, Việt Nam chỉ cần có các bước đi thích hợp trong các lĩnh vực sau:
Công nghệ thông tin, truyền thông và trí tuệ nhân tạo. Chỉ riêng ba lĩnh vực này đã “thừa đủ đất để gieo 100 bằng sáng chế quốc tế” cho đến năm 2030. Công nghệ nông nghiệp và thực phẩm, là các lĩnh vực rất thiết thực cho Việt Nam, là nơi sản sinh ra nhiều bằng sáng chế hữu ích. Y học, là các lĩnh vực Việt Nam có khả năng tạo ra các bằng sáng chế tầm quốc tế. Công nghệ sinh học và dược phẩm, là các lĩnh vực mà Việt Nam có cơ hội.
Công nghệ năng lượng và môi trường. Công nghệ vật liệu và kỹ thuật. Robot và tự động hoá. Giáo dục. Còn các lĩnh vực khác nữa, nơi mà nhu cầu thực tiễn đòi hỏi và nơi mà các nhà nghiên cứu nhìn thấy được sự ứng dụng giá trị.
Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) thì mới có các sản phẩm mới và công nghệ mới. Các quốc gia tiên tiến luôn là các quốc gia dẫn đầu về đầu tư cho R&D. Việt Nam có một phần “sùng hà” về giai đoạn thứ nhất - nghiên cứu (R). Nhưng Việt Nam chưa có môi trường cho giai đoạn thứ hai - phát triển (D), nên chưa có nhiều sáng chế.
Con người và môi trường là hai nhân tố quan trọng cho nghiên cứu và phát triển. Môi trường không thể bỗng xuất hiện. Nhưng con người thì có thể. Trước mắt hãy bắt đầu từ sử dụng người tài.
-Xin cám ơn Tiến sĩ!