Các quốc gia Arab giàu có trở nên thân thiết với ông Trump như thế nào?

Trong chuyến công du Trung Đông, Trump được đón tiếp trọng thị tại Arab Saudi, UAE và Qatar, mang về các cam kết đầu tư hàng nghìn tỷ USD và tái thúc đẩy Thỏa thuận Abraham.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman và nhà lãnh đạo UAE Sheikh Mohammed bin Zayed al-Nahyan. Ảnh: FT.

Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận được sự đón tiếp trọng thị từ các quốc gia Vùng Vịnh, đi kèm với hàng loạt cam kết đầu tư nhằm củng cố quan hệ chiến lược với Mỹ.

Từ ngày 13 đến 16/5, ông Trump sẽ lần lượt thăm Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Qatar – ba đối tác then chốt của Mỹ tại khu vực Trung Đông.

Vì sao chuyến đi này quan trọng?

Nhận được những cử chỉ thiện chí từ các quốc gia Arab, ông Trump kỳ vọng điều này sẽ mở đường cho những thỏa thuận cụ thể. Chuyến công du Trung Đông lần này của tổng thống Mỹ mang theo một kế hoạch rõ ràng: hạn chế sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc và Iran trong khu vực.

Bằng cách gắn kết các dòng vốn đầu tư từ vùng Vịnh với chính sách “Nước Mỹ trên hết”, ông Trump kỳ vọng sẽ thu về những lợi ích cụ thể cho Washington – đồng thời thúc đẩy một mô hình hợp tác dựa trên thương thuyết, các thỏa thuận do Mỹ dẫn dắt. Tuy nhiên, cách tiếp cận này đang vấp phải nhiều chỉ trích trong nước, xoay quanh các vấn đề minh bạch và xung đột lợi ích với hoạt động kinh doanh cá nhân của ông.

Các đối tác Arab mong muốn siết chặt quan hệ thương mại và ký kết các thỏa thuận quốc phòng, song những thách thức địa chính trị – đặc biệt là cuộc xung đột ở Gaza và căng thẳng với Israel – vẫn là trở ngại lớn cho tham vọng của ông Trump.

Hàng nghìn tỷ USD cam kết đầu tư vào Mỹ

Diễn đàn đầu tư Mỹ-Arab Saudi sẽ được tổ chức vào ngày 13/5 tại Riyadh theo giờ địa phương, trùng với thời điểm Tổng thống Trump có mặt tại đây. Theo cổng thông tin Daleel của chính phủ Arab Saudi, các quan chức cấp cao của nước này cùng với những lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ – bao gồm Larry Fink (BlackRock), Jane Fraser (Citigroup) và Ruth Porat (Google) – sẽ thảo luận các dự án hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, tài chính, công nghệ và hạ tầng.

Trước đó, vào tháng 3, ông Trump đã công bố kế hoạch đầu tư trị giá 1.300 tỷ USD từ Riyadh, trong đó bao gồm các thương vụ mua sắm vũ khí Mỹ. Ngoài ra, Thái tử Mohammed bin Salman cũng cam kết rót 600 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ trong vòng 4 năm tới. UAE, theo Nhà Trắng, dự kiến đầu tư 1.400 tỷ USD vào Mỹ trong vòng 10 năm.

Cả Arab Saudi và UAE đều thể hiện tham vọng lớn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), với nhiều sáng kiến đầu tư trị giá hàng tỷ USD cho hạ tầng, nghiên cứu và liên kết toàn cầu. Ông Trump được cho là đang cân nhắc nới lỏng hạn chế xuất khẩu chip của Mỹ cho một số quốc gia vùng Vịnh như một phần của thỏa thuận chiến lược.

Qatar dự kiến sẽ công bố các hợp đồng trị giá lên tới 300 tỷ USD, bao gồm thương vụ mua máy bay không người lái trị giá 2 tỷ USD và đơn hàng lớn với Boeing – theo Axios. Trong khi đó, các hãng hàng không vùng Vịnh có thể sẽ cam kết gần 3.000 tỷ USD qua các thỏa thuận lớn, theo Gulf News, vượt xa quy mô hợp tác trong chuyến thăm của ông Trump năm 2017.

Tài sản của ông Trump tại Vùng Vịnh

Mối quan hệ giữa gia đình Trump và các nước vùng Vịnh không chỉ dừng lại ở cấp quốc gia mà còn có nhiều yếu tố cá nhân. Tập đoàn Trump Organization đã mở rộng hoạt động kinh doanh tại khu vực này, đặc biệt là ở Arab Saudi và UAE. Tại Arab Saudi, công ty hợp tác với Dar Global để phát triển các khu căn hộ cao cấp ở Riyadh và Jeddah. Ở Dubai, Trump điều hành sân golf quốc tế và đang triển khai kế hoạch xây thêm một tòa tháp mang thương hiệu Trump.

Những dự án này khiến giới phê bình lo ngại về khả năng xung đột lợi ích, trong bối cảnh ranh giới giữa kinh doanh và chính trị tại khu vực này vốn rất mong manh. Nhiều ý kiến cho rằng mối quan hệ đan xen như vậy có thể ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Mỹ, nhấn mạnh nhu cầu minh bạch và đạo đức công vụ.

Eric Trump, Phó chủ tịch điều hành của Trump Organization và là con trai của Tổng thống Mỹ, xem xét kế hoạch đề xuất trước lễ ký kết với Diar và Dar Global của Qatar tại Doha vào ngày 30/4. Ảnh: AFP.

Tham vọng khôi phục Thỏa thuận Abraham?

Bình thường hóa quan hệ với Israel từ lâu là ưu tiên trong chính sách Trung Đông của Mỹ, và ông Trump đang thể hiện quyết tâm nối lại tiến trình này. Trước chuyến đi một ngày, ông đã đạt được một thỏa thuận ngầm với Hamas liên quan đến việc trả tự do cho một con tin mang quốc tịch Mỹ-Israel, làm dấy lên hy vọng về một bước tiến mới trong việc giải quyết xung đột Gaza.

Tuy nhiên, Arab Saudi cho đến nay vẫn kiên quyết từ chối tham gia Thỏa thuận Abraham. Riyadh yêu cầu một lộ trình đáng tin cậy cho việc thành lập một nhà nước Palestine trước bất kỳ thỏa thuận nào.

UAE, quốc gia đã bình thường hóa quan hệ với Israel vào năm 2020, tiếp tục cho thấy sự tăng cường trong quan hệ song phương. Đáng chú ý, theo thông tin từ hãng Reuters, các cuộc gặp gỡ gần đây giữa các nhà lãnh đạo Emirati và Tổng thống Syria Ahmed al-Sharaa cho thấy Abu Dhabi đang xây dựng vai trò là một cầu nối, tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực bình thường hóa rộng khắp khu vực.

Trong khi đó, Qatar, quốc gia đóng vai trò là nơi đặt các căn cứ quân sự chiến lược của Mỹ, đã duy trì sự hợp tác chặt chẽ với Washington trong vai trò trung gian hòa giải giữa Israel và Hamas. Thậm chí, vào tháng 4 vừa qua, Qatar và UAE đã cùng lực lượng Israel và Mỹ tham gia cuộc tập trận không quân đa quốc gia Iniochos 2025 tại Hy Lạp.

Ngoài ra, Arab Saudi cũng gia tăng giá trị ngoại giao của mình đối với chính quyền Trump bằng việc chủ trì các cuộc đàm phán ban đầu với Nga về cuộc xung đột Ukraine. Cuối cùng, Oman, mặc dù không nằm trong lịch trình chuyến đi chính thức của ông Trump, vẫn đóng vai trò trung gian quan trọng trong các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran.

Phản ứng từ trong khu vực

Faisal J. Abbas – Tổng biên tập tờ Arab News – viết: “Khoảng trống chiến lược mà Mỹ để lại đã nhanh chóng bị các đối thủ lấp đầy. Và rõ ràng rằng: hàng tỷ USD các thỏa thuận sẽ được ký kết trong chuyến thăm này – không phải vì Arab Saudi dư tiền, mà vì đất nước này đang tái định hình, hiện đại hóa và xây dựng tương lai với tầm nhìn dài hạn".

Giáo sư chính trị học Abdulkhaleq Abdulla nhận định trên báo Al-Ain của UAE: “UAE mà Ngài Tổng thống sắp ghé thăm là một quốc gia rất coi trọng mối quan hệ chiến lược với Mỹ. Tuy nhiên, quốc gia này – dù là một phần của thế giới Arab và Trung Đông – đang từng bước chuyển hướng về phương Đông, tăng cường quan hệ với các cường quốc châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản”.

Lina Khatib, chuyên gia thuộc Chatham House, nhấn mạnh: “Nếu Arab Saudi bình thường hóa quan hệ với Israel, phần lớn các quốc gia Arab còn lại cũng sẽ làm theo. Vương quốc này đang ở vị thế thuận lợi để trở thành đầu tàu trong một trật tự Arab mới. Đây là thời điểm để Mỹ phối hợp với Riyadh nhằm kiến tạo một đột phá địa chính trị bền vững”.