Trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 27/7 đã đăng bài phân tích về chuyến thăm Đông Nam Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin lần đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức.
Chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ
Deutsche Welle viết: Nhiệm vụ của ông Austin là siết lại quan hệ đồng minh trong khu vực để ứng phó Trung Quốc. Sau khi thời kỳ Donald Trump đầy biến động và khó lường, Tổng thống Joe Biden hy vọng sẽ định hình lại quan hệ với các nước châu Á và thiết lập một liên minh để cùng nhau đối phó Trung Quốc.
Ngày 27/7, khi đang thăm Singapore, ông Austin đã chỉ trích Trung Quốc về các hành động ở Biển Đông. Trung Quốc đã tuyên bố có chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông.
Ông Austin phát biểu tại một sự kiện do Studies Strategic for Institute International (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế) tổ chức: “Những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với hầu hết Biển Đông là không có cơ sở trong luật pháp quốc tế”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin gặp Thủ tướng Lý Hiển Long trong chuyến thăm Singapore (Ảnh: Dwnews). |
Ông Austin nói thêm rằng Mỹ sẽ ủng hộ các nước có liên quan trong khu vực bảo vệ quyền lợi của họ. Ông cũng nói rằng Mỹ "sẽ không lùi bước khi lợi ích bị đe dọa", nhưng ông cũng nói rằng “Mỹ không tìm kiếm sự đối đầu với Trung Quốc".
Ông nói: "Tôi cố gắng tìm kiếm thiết lập một mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định với Trung Quốc, bao gồm cả việc tăng cường liên lạc về khủng hoảng với PLA".
Trong lúc này, nhóm tấn công tàu sân bay Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh đã xuất hiện gần eo biển Malacca vào hôm Chủ nhật (25/7) và dự kiến sẽ sớm tới Thái Bình Dương và vào Biển Đông. Ngày 26/7, tài khoản Twitter chính thức của chiếc Queen Elizabeth cũng đăng ảnh cập cảng gần Singapore. Năm ngoái, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc dẫn ý kiến của học giả Trương Quân Xã (Zhang Junshe) thuộc Học viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc cho rằng: “Động thái của Anh nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Mỹ, phối hợp với Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương" của Mỹ và thể hiện lòng trung thành với Mỹ”.
Biển Đông chứa đựng nguồn tài nguyên rất phong phú và hàng nghìn tỉ USD hàng hải thương mại đi qua vùng biển này mỗi năm. Ngoài Trung Quốc, các nước và vùng lãnh thổ Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền trên vùng biển này.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Queen Elizabeth của Anh đang thực hiện tự do hàng hải trên Biển Đông (Ảnh: sunnews). |
Trung Quốc bị cáo buộc đã triển khai hàng loạt thiết bị quân sự ở vùng biển có tranh chấp chủ quyền, bao gồm tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không và các thiết bị gây nhiễu điện tử. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang xây dựng các cơ sở quân sự kiên cố trên một số đảo nhỏ.
Trong mấy tháng gần đây, căng thẳng giữa Bắc Kinh và một số quốc gia tranh chấp Biển Đông khác đã leo thang.
Sau khi mấy trăm tàu Trung Quốc đi vào bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Manila đã bày tỏ sự tức giận. Malaysia cũng chỉ trích các máy bay quân sự của Trung Quốc đã đi vào không phận Malaysia, và Malaysia đã cho máy bay quân sự lên ngăn chặn.
Các tàu chiến của Mỹ cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm bảo vệ tự do hàng hải, điều này càng làm nghiêm trọng thêm quan hệ căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.
Mỹ đang quay trở lại Đông Nam Á
Là một khu vực phồn vinh với dân số hơn 650 triệu người, Đông Nam Á đã trở thành chiến trường then chốt nơi Mỹ và Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng.
Là thành viên nội các đầu tiên trong chính quyền Joe Biden thăm Đông Nam Á, ông Austin sẽ tới Singapore, Việt Nam và Philippines. Ngoài việc đối đầu với Trung Quốc, chuyến đi này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Washington trong quan hệ với khu vực. Theo Reuters, Mỹ đã coi cuộc đối đầu với Trung Quốc là cốt lõi trong chính sách an ninh quốc gia của mình trong những năm gần đây và chính quyền Biden gọi cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh là "phép thử địa chính trị lớn nhất" trong thế kỷ này.
Hai nhóm chiến đấu tàu sân bay Mỹ tập trận trên Biển Đông ngày 9/2/2021 (Ảnh: USNavy). |
Tuy nhiên, 6 tháng sau khi ông Biden nhậm chức, các nước Đông Nam Á vẫn đang cố gắng tìm hiểu chi tiết chiến lược của Biden và những kế hoạch cụ thể của ông trong việc trao đổi kinh tế, thương mại và quân sự với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Sau khi đến Singapore, ngày 27/7 ông Austin đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á-Thái Bình Dương thường được gọi là "Đối thoại Shangri-La" và có bài phát biểu quan trọng.
Chuyến thăm của ông Austin tới Đông Nam Á diễn ra sau chuyến thăm đầu tiên của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tới Trung Quốc vào 25 và 26/7, đồng thời trùng với chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken tới Ấn Độ, một đồng minh quan trọng của Mỹ.
Bài phát biểu của ông Austin tại Singapore vào ngày 27 và các cuộc gặp ở Việt Nam và Philippines sẽ chỉ trích hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ cho khu vực này tự do và cởi mở.
Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng chuyến đi Đông Nam Á của ông Austin rất quan trọng vì nó cho thấy khu vực Đông Nam Á là một phần quan trọng trong nỗ lực của ông Joe Biden. Gregory Poling, chuyên gia cao cấp về Đông Nam Á tại tổ chức tư vấn Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Washington nói: “Mỹ hiểu rõ khu vực này rất then chốt và việc cử người đến thăm khu vực này là một phần quan trọng trong chiến lược của Mỹ”.
Một nhà ngoại giao châu Á từ chối tiết lộ tên tuổi nói với Reuters rằng chính quyền Biden, sau khi giải quyết các vấn đề khác như quan hệ với Nga và châu Âu, hiện dường như tập trung hơn vào châu Á.
Trên thực tế, ông Austin ban đầu dự định đến thăm Đông Nam Á vào tháng 6 và tổ chức một buổi nói chuyện tại Singapore, nhưng buộc phải hoãn lại do dịch bệnh COVID-19 ở Singapore.
Ông Austin trao quyết định bổ nhiệm ông Ely Ratner làm Trợ lý Bộ trưởng phụ trách các vấn đề An ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương ngay trên máy bay khi đang tới thăm Singapore (Ảnh: Dwnews). |
Nhắm đến Trung Quốc
Trên chiếc máy bay quân sự bay đến Singapore, ông Austin tuyên thệ bổ nhiệm Ely Ratner làm Trợ lý Bộ trưởng phụ trách các vấn đề An ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng Mỹ. Trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa ra một thông cáo báo chí vào ngày 25/7 tuyên bố rằng "đây có thể là buổi lễ tuyên thệ nhậm chức Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng nhanh nhất trong lịch sử" và đề cập rằng Ely Ratner là người đã lãnh đạo Nhóm công tác đặc biệt về Trung Quốc của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Theo trang web của Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), tổ chức tư vấn của Washington nơi Ely Ratner từng làm việc. Ely Ratner là trợ lý lâu năm của ông Joe Biden, đã từng là nhân viên của Joe Biden khi ông còn là thượng nghị sĩ. Ông từng là Phó Cố vấn An ninh Quốc gia của Phó Tổng thống Joe Biden từ năm 2015 đến năm 2017, và cũng từng phục vụ trong Văn phòng các vấn đề Trung Quốc - Mông Cổ của Bộ Ngoại giao từ năm 2011 đến năm 2012.
Ông Austin hoan nghênh chức vụ mới của Ratner và nói rằng người trợ lý Bộ trưởng mới "có lửa trong mắt và năng lượng trong bụng". Ông ca ngợi khả năng lãnh đạo của Ratner trong Nhóm công tác đặc biệt về Trung Quốc, nói rằng điều đó giúp đánh giá cục diện giữa Mỹ và Trung Quốc.
Thách thức vẫn đang tồn tại
Chính quyền Joe Biden cho đến nay đã tìm kiếm rộng rãi đồng minh và đối tác, muốn hình thành một mặt trận thống nhất để chống lại các chính sách kinh tế và đối ngoại ngày càng cứng rắn của Trung Quốc. Nhưng hiện nay Mỹ vẫn còn nhiều thách thức.
Trung Quốc đã lấp biển tạo đảo nhân tạo, xây dựng nhiều tiền đồn quân sự trên một số đảo nhỏ ở Biển Đông (Ảnh: Deutsche Welle). |
Về mặt kinh tế, do Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cách đây 4 năm, chính quyền Joe Biden rõ ràng đã thiếu một trụ cột về kinh tế và thương mại.
Washington đã nói rõ rằng họ không muốn vội vã tái gia nhập hiệp định, nhưng họ cũng bị chỉ trích rằng điều này có thể làm giảm cơ hội việc làm ở Mỹ. Hiện nay Mỹ đang thay đổi chiến lược của mình, nỗ lực thảo luận và ký kết các thỏa thuận nhỏ hơn với các quốc gia khác, chẳng hạn như khả năng thương mại kỹ thuật số.
Về chiến lược cụ thể đối với Trung Quốc, theo Reuters, Nhà Trắng đã hoàn thành việc nghiên cứu về chính sách đối với Trung Quốc và ông Austin cũng đã đưa ra chỉ thị nội bộ kêu gọi áp dụng một số biện pháp, nhưng chi tiết vẫn chưa được tiết lộ ra ngoài.
Ông Abraham Denmark, cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ về các vấn đề Đông Á, nói với Reuters rằng Washington đã nói "những lời đúng đắn" trong vấn đề cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng đó vẫn tồn tại nghi vấn trong việc làm thế nào để biến những điều trên giấy thành hành động và đầu tư.
Ông nói hiện vẫn chưa rõ "tình hình ngân sách và lực lượng cũng như đầu tư vào ngoại giao và cơ sở hạ tầng của chúng ta sẽ như thế nào? Điều này thực sự rất quan trọng".