
Hải quân Nga hôm 25/7 vừa qua đã đưa trở lại mặt nước tuần dương hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Kirov – Admiral Nakhimov (Đô đốc Nakhimov), thuộc Dự án 11442M – sau quá trình đại tu kéo dài hơn một phần tư thế kỷ. Con tàu hiện đang chuẩn bị trải qua các cuộc thử nghiệm trên biển để chính thức tái gia nhập biên chế tác chiến.
Việc sửa chữa kéo dài phần lớn là hệ quả của cuộc khủng hoảng kinh tế sau khi Liên Xô sụp đổ, khiến công việc cải tạo tàu chỉ bắt đầu thực sự vào năm 2013. Trong suốt thời gian dài trước đó, con tàu gần như bị “bỏ quên” trên ụ mà không được can thiệp gì đáng kể. Sự suy thoái của ngành đóng tàu Nga thời hậu Xô Viết cũng là một yếu tố góp phần khiến tiến độ trì trệ.
Chủ tịch Tập đoàn Đóng tàu Thống nhất Nga (USC), ông Andrey Kostin, đã đưa ra nhận xét về tiến trình phục hồi tàu chiến này.
“Theo tôi, chúng ta đang có tiến triển tích cực trong việc thực hiện đơn hàng quốc phòng nhà nước. Hôm nay, các vị đã phê duyệt việc kéo cờ trên tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân Knyaz Pozharsky. Tháng 3, tàu ngầm Perm đã được hạ thủy. Và tất nhiên, một sự kiện lớn nữa là việc cải tạo tuần dương hạm Admiral Nakhimov đã hoàn tất và nó đang bước vào giai đoạn thử nghiệm”, ông nói.

Tuần dương hạm lớp Kirov là những tàu mặt nước lớn nhất đang hoạt động trên thế giới. Với lượng giãn nước 28.000 tấn, chúng có kích thước tương đương tàu sân bay lớp Izumo của Nhật Bản và lớn gấp ba lần các khu trục hạm lớp Arleigh Burke – vốn là xương sống của hạm đội mặt nước Mỹ.
Khi tái xuất, Admiral Nakhimov sẽ trở thành tàu chiến mặt nước có hỏa lực mạnh nhất thế giới, với tổng cộng 176 ống phóng tên lửa cỡ lớn – gồm 96 ống phóng dành cho tên lửa đất đối không sử dụng biến thể hải quân của hệ thống phòng không S-400, và 80 ống phóng tên lửa hành trình tấn công mặt đất hoặc chống hạm.
Ngày 22/4/2021, Tổng Giám đốc Cục Thiết kế Severnoye, ông Andrei Dyachkov, phát biểu về tiềm năng nâng cấp của tàu.
“Tiềm năng hiện đại hóa rất lớn được tích hợp ngay từ khi thiết kế những tàu này cho phép chúng tôi trang bị cho Admiral Nakhimov những loại vũ khí tiên tiến nhất, biến nó trở thành tàu chiến mặt nước mạnh nhất thế giới”, ông nói.
Điểm nhấn quan trọng trong gói nâng cấp là việc tích hợp tên lửa hành trình siêu vượt âm Zircon, vốn được phía Nga đặc biệt nhấn mạnh như một ưu thế chiến lược vượt trội so với các đối thủ phương Tây về năng lực tấn công tầm xa diệt hạm.

Lớp Kirov là di sản của thời kỳ Liên Xô khi hải quân nước này là một trong hai lực lượng hải quân đại dương lớn nhất thế giới. 5 tàu Kirov đã được khởi đóng, và sau đó là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của Liên Xô vào năm 1989. Tuy nhiên, do chi phí vận hành và bảo trì khổng lồ, ba tàu lớp Kirov đã bị loại biên trong thời kỳ Nga hậu Xô Viết.
Ban đầu, Bộ Quốc phòng Nga dự kiến hiện đại hóa hai tàu còn lại – Admiral Nakhimov và Pyotr Veliky – trong đó Pyotr Veliky vẫn duy trì hoạt động trong khi Admiral Nakhimov được đại tu. Tuy nhiên, đến tháng 7/2023, chính quyền Nga xác nhận rằng Pyotr Veliky sẽ không được nâng cấp mà thay vào đó sẽ nghỉ hưu sớm.
Quyết định này được cho là do kết hợp giữa chi phí vận hành cao, chi phí hiện đại hóa quá lớn, và áp lực ngân sách do chiến sự toàn diện tại Ukraine. Do đó, Admiral Nakhimov sẽ trở thành tàu chiến mặt nước duy nhất trên thế giới chạy bằng năng lượng hạt nhân, nổi bật cả về kích thước, hỏa lực, khả năng tác chiến đường dài và tốc độ hành trình bền bỉ.

Hé lộ chiến thuật không kích Iran: F-35I Israel làm “mắt thần”, F-16I tung đòn chính xác

F-16 của Ukraine có “áo tàng hình” mới: Hệ thống cơ động giúp sống sót trước tên lửa Nga
