Mỹ hối Trung Quốc ngừng “hành vi khiêu khích” trên Biển Đông, thề bảo vệ Philippines

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mỹ cảnh báo Trung Quốc không đưa ra những hành động khiêu khích trên Biển Đông và đánh tiếng sẽ bảo vệ Philippines.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ thực hiện chiến dịch tự do hàng hải trên Biển Đông (Ảnh: Handout)
Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ thực hiện chiến dịch tự do hàng hải trên Biển Đông (Ảnh: Handout)

Nhân dịp 5 năm ngày mà tòa án trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết bác bỏ phần lớn các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, chính quyền Washington đã tái khẳng định cam kết của họ về việc bảo vệ Philippines trước viễn cảnh bị Trung Quốc tấn công trên vùng biển này.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm Chủ nhật tuần trước (giờ Mỹ), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi Bắc Kinh ngừng ngay “hành vi khiêu khích” trên Biển Đông và nói rằng hiệp ước phòng thù chung giữa Mỹ và Philippines bao phủ cả viễn cảnh lực lượng, tàu thuyền hoặc máy bay của Philippines bị tấn cong trên các vùng biển tranh chấp.

Ông Blinken cũng tái khẳng định quan điểm của Mỹ - từng được chính quyền Donald Trump làm rõ từ tháng 7/2020 – đối với các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Bài phát biểu của ông Blinken được đưa ra trùng với dịp đánh dấu 5 năm ngày mà tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết theo hướng có lợi cho Philippines, bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông. Bắc Kinh chưa từng chấp nhận phán quyết này.

“Trung Quốc vẫn tiếp tục đe dọa các nước duyên hải ở khu vực Đông Nam Á, đe dọa tự do hàng hải trên thuyết đường biển quan trọng của thế giới” – ông Blinken nói – “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc làm đúng như cam kết của họ theo luật pháp quốc tế, ngừng hành vi khiêu khích và có các bước đi nhằm đảm bảo với cộng đồng quốc tế rằng họ tuân thủ trật tự hàng hải dựa trên luật pháp, tôn trọng quyền của tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ”.

Cùng thời điểm, Bộ Ngoại giao Canada cũng đưa ra một tuyên bố nói rằng Trung Quốc nên tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài, giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình. Tuyên bố cũng nêu nhiều quan ngại về “những hành động gây bất ổn và làm tăng căng thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông”, và cho rằng cần minh bạch trong các vòng đàm phán về Quy tắc Ứng xử (COC) trên Biển Đông.

Tuyên bố của Canada cũng nói rằng họ cam kết “bảo vệ đem lại sức sống cho trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”.

Hôm đầu tuần này, Ngoại trưởng Philippines Teddy Locsin viết trên Twitter rằng phán quyết của tòa trọng tài, được đưa ra theo Công ước của LHQ về Luật biển, là “một chiến thắng toàn diện của thượng tôn pháp luật ở nơi có vấn đề nhất: vùng biển lớn”.

Bắc Kinh đang ngày càng quyết liệt trong việc áp đặt các tuyên bố chủ quyền của mình trên vùng biển rộng lớn và giàu tài nguyên thuộc Biển Đông.

Tháng 3 năm nay, hàng trăm tàu thuyền của Trung Quốc đã tiến vào một khu vực trên Biển Đông, khiến Manila trao công hàm phản đối. Manila cho rằng số tàu thuyền này là một phần trong lực lượng dân quân của Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh bác bỏ, cho rằng đây là các tàu đánh cá đang tránh thời tiết xấu.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông cũng tiếp tục gia tăng, khi Bắc Kinh liên tục cáo buộc Washington “công khai can thiệp” và “có nhiều hành động khiêu khích” bằng sự hiện diện quân sự của họ trong khu vực, đồng thời cho rằng phán quyết của tòa trọng tại là “phi pháp, trống rỗng”.

Trong một bài xã luận đăng tải trên Thời báo Hoàn cầu hôm đầu tuần này, ông Ngô Sĩ Tồn – người đứng đầu Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia – viết rằng “cái gọi là phán quyết Biển Đông của tòa trọng tài là màn diễn hài hước nhằm bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc”, dưới sự thao túng của Mỹ.

“Thứ “phần thưởng” này từ lâu đã được Trung Quốc coi như một tấm giấy lộn, và ném vào thùng rác của lịch sử” – ông Ngo Sĩ Tồn viết.

“Một số quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ, do lo lắng chiến lược trước những thất bại của họ và vị trí đang suy yếu trên trường quốc tế, đã tìm cách thành lập “những nhóm nhỏ” để vây hãm Trung Quốc và châu Á-Thái Bình Dương, và thường xuyên lấy ra thứ phán quyết bỏ đi này ra để phục vụ cho động cơ của họ” – ông Ngô nói thêm.

Theo SCMP