
Một sĩ quan Không quân Israel, với bí danh Trung tá I., đã tiết lộ thông tin mới về vai trò của các tiêm kích thế hệ thứ năm F-35I trong cuộc không kích kéo dài gần hai tuần vào Iran vừa qua.
Diễn ra từ ngày 13–24/6, chiến dịch không quân đã huy động hơn 300 máy bay chiến đấu cùng các đội bay không người lái và máy bay hỗ trợ, nhằm tấn công các mục tiêu chiến lược trên khắp lãnh thổ Iran, đồng thời phối hợp với các lực lượng bán quân sự tấn công từ mặt đất.
Trung tá I., người đóng vai trò sĩ quan điều khiển hệ thống vũ khí ngồi ghế sau trên tiêm kích hai chỗ ngồi F-16I trong chiến dịch, đã kể lại nhiều chi tiết về chiến dịch này.
“Hầu hết các nhiệm vụ của F-35 đều thiên về tình báo, và cung cấp cho chúng tôi rất nhiều thông tin mà những máy bay như F-16I không thể có được. F-35 được trang bị nhiều hệ thống giúp nhận diện loại tên lửa nào đang được phóng về phía chúng tôi. Chúng thậm chí có thể cảnh báo F-16I rằng sắp đối mặt với loại tên lửa này hay loại khác”, người này cho biết.
“Sau khi nhận được những thông tin này, chúng tôi thực hiện nhiệm vụ tấn công với độ chính xác và mục tiêu rõ ràng hơn. Trong đội hình bay, F-35 sẽ đi trước, quan sát tình hình, thu thập thông tin tình báo rồi truyền lại cho chúng tôi và các máy bay khác để thực hiện cuộc tấn công”, vị sĩ quan cho biết thêm.

Thách thức lớn nhất mà Không quân Israel phải đối mặt khi không kích Iran là mạng lưới phòng không mặt đất hiện đại dày đặc. Trong bối cảnh đó, năng lực trinh sát điện tử của F-35 trở thành vũ khí then chốt để phát hiện và xác định mối đe dọa từ các hệ thống phòng không này.
Ngay cả một số lượng nhỏ F-35 cũng có thể nâng cao đáng kể nhận thức tình huống cho đội hình máy bay thế hệ thứ tư như F-16, giúp họ có thể hoạt động hiệu quả hơn trong môi trường bị phòng không đối phương bao phủ.
Nguồn tin từ phía Iran tuyên bố đã bắn rơi 4 chiếc F-35 trong 11 ngày giao tranh, song với việc các máy bay này hoạt động rất sâu trong lãnh thổ Iran và tính kéo dài của chiến dịch, con số đó – nếu đúng – vẫn được đánh giá là mức tổn thất khá thấp. Năng lực xâm nhập sâu của F-35 vào những khu vực có phòng không dày đặc xuất phát từ sự kết hợp giữa khả năng trinh sát điện tử tiên tiến, chiến tranh điện tử và công nghệ tàng hình, khiến chúng trở thành lực lượng “khuếch đại sức mạnh” cho các phi đội tiêm kích thế hệ cũ.

Israel hiện vẫn chưa nâng cấp đội máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư của mình lên chuẩn “thế hệ 4+”, điều này khiến vai trò của F-35I trở nên đặc biệt quan trọng trong biên chế. So với các quốc gia khách hàng khác, F-35 của Israel có sự khác biệt lớn do tích hợp thêm các thiết bị điện tử hàng không do nước này tự phát triển, được cài đặt song song với hệ thống điện tử gốc của máy bay.
Quá trình tùy biến này được Giám đốc Điều hành bộ phận Lahav thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Israel (IAI), ông Benni Cohen mô tả:
“Đó là kiến trúc mở, tích hợp lên hệ thống trung tâm của F-35, giống như một ứng dụng trên iPhone của bạn. Nó không thay đổi gì cấu trúc gốc của máy bay, nhưng cho phép Không quân Israel có năng lực xử lý hiện đại và linh hoạt hơn mà vẫn giữ được tính độc lập so với nhà sản xuất”.
“Điều này mở ra một cấp độ tự do mới cho Không quân Israel, khi họ có thể tiếp tục tích hợp những năng lực tiên tiến hơn nữa vào F-35I trong tương lai”, ông nói thêm.
Bộ Quốc phòng Israel đã đặt mua 75 chiếc F-35I. Trước việc các hệ thống phòng không của Iran cho thấy sự thiếu hiệu quả trong chiến dịch vừa rồi, một số nguồn tin chưa được xác nhận cho biết Tehran đã tìm đến Trung Quốc để yêu cầu cung cấp khẩn cấp các hệ thống phòng không mới.

F-16 của Ukraine có “áo tàng hình” mới: Hệ thống cơ động giúp sống sót trước tên lửa Nga

Nga đẩy mạnh sản xuất mẫu "tàu ngầm nguy hiểm nhất thế giới" mang tên lửa siêu thanh Zircon
