Hải quân Trung Quốc có thể sẽ có thêm nguồn tài trợ lớn từ ngân sách quốc phòng thời gian tới vì Bắc Kinh đang tìm cách thách thức sự thống trị của Mỹ ở vùng biển khơi và đang tăng cường triển khai sức mạnh trên toàn cầu, Reuters nhận định.
Hải quân Trung Quốc đang chiếm vai trò ngày càng nổi bật trong những tháng gần đây, khi một đô đốc hải quân được phong tư lệnh chỉ huy một chiến khu và tàu sân bay đầu tiên của nước này đã lượn vòng quanh Đài Loan, còn các tàu chiến mới của Trung Quốc đang xuất hiện ở những nơi xa xôi.
Hiện nay, tổng thống Donald Trump đã hứa hẹn sẽ gia tăng sức mạnh hải quân với chương trình đóng thêm nhiều chiến hạm mới cho hải quân Mỹ, và khiến Trung Quốc hoang mang với cách tiếp cận khó đoán định về những vấn đề nóng bỏng gồm Đài Loan, Biển Đông và Biển Hoa Đông, Trung Quốc đang cố gắng thu hẹp khoảng cách với hải quân Mỹ.
“Đây là cơ hội trong khủng hoảng. Trung Quốc sợ ông Trump cuối cùng sẽ đối đầu với họ vì ông ta quá thất thường và Trung Quốc đang chuẩn bị sẵn sàng cho điều đó”, một nhà ngoại giao Trung Quốc tại châu Á phát biểu về những động thái hải quân gần đây của nước này.
Trung Quốc không tiết lộ ngân sách nước này chi cho hải quân là bao nhiêu, và con số chi tiêu quốc phòng chính thức mà Bắc Kinh đưa ra là 954,35 tỉ NDT (tương đương 139 tỉ USD) năm 2016. Theo các nhà ngoại giao, con số này có thể đã được công bố giảm đi so với các khoản đầu tư thực tế của nước này vào quốc phòng.
Trung Quốc sẽ công bố ngân quỹ quốc phòng của năm nay sau cuộc họp quốc hội thường niên vào tháng tới, đây là một con số được khu vực và Mỹ theo dõi sát sao, vì nó có thể bật mí những ý định của Trung Quốc.
Năm ngoái, Trung Quốc đã gây ngạc nhiên với mức tăng thấp nhất trong vòng 6 năm, chỉ 7,6%, sau hai thập kỷ gần như không gián đoạn với mức tăng luôn ở mức hai con số.
“Chắc chắn hải quân Trung Quốc thực sự đã thu được nhiều lợi ích với khoản chi tiêu mới trong 15 năm qua,” ông Richard Bitzinger, thành viên cao cấp và là điều phối viên của Chương trình thay đổi quân sự tại Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam tại Singapore bình luận. “Chúng tôi không biết họ chi bao nhiêu vào hải quân, nhưng bằng phép ngoại suy đơn giản từ số lượng và chất lượng của những thiết bị sắp ra mắt từ các nhà máy đóng tàu, con số này chắc chắn phải rất đáng kinh ngạc”.
Phát triển thần tốc
Hải quân Trung Quốc từng bị giới hạn trong việc thực hiện các hoạt động ven biển đã phát triển một cách thần tốc dưới thời kỳ ông Tập Cận Bình với công cuộc hiện đại hóa quân sự hết sức tham vọng. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho hay hải quân nước này chỉ trong năm 2016 đã đưa vào vận hành 18 tàu, bao gồm cả các tàu khu trục tên lửa, tàu hộ tống và tàu khu trục tên lửa dẫn đường. Hầu như không tuần nào trôi qua mà không có thông báo về thiết bị mới nào đó, bao gồm cả tàu trinh sát điện tử được đưa vào sử dụng vào tháng 1/2017.
Tuy nhiên, hải quân Trung Quốc vẫn thua xa Mỹ với 10 tàu sân bay đang vận hành, trong khi Trung Quốc chỉ có một chiếc tàu Liêu Ninh có nguồn gốc từ thời Xô Viết. Ông Xu Guangyu, một thiếu tướng đã về hưu thuộc quân đội Trung Quốc, hiện là cố vấn cao cấp cho Hiệp hội kiểm soát và giải giáp vũ khí Trung Quốc cho biết Trung Quốc nhận thức rất rõ khả năng triển khai sức mạnh của Mỹ trên biển.
“Đó giống như một cuộc chạy đua marathon và chúng tôi đang bị tụt lại phía sau. Chúng tôi cần phải tăng tốc”, ông Xu phát biểu.
Ông Trump đã cam kết sẽ tăng số lượng tàu của hải quân Mỹ từ 290 lên 350 tàu, đây là một phần của một trong những chiến lược xây dựng quân đội lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ”, phụ tá của ông Trump nói rằng đây là động thái cần thiết để đối phó với sự trỗi dậy trở thành một cường quốc quân sự của Trung Quốc. “Chúng tôi biết đây là dự án 15-20 năm và mỗi năm họ lại tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành hải quân biển xanh với tham vọng toàn cầu”, một quan chức Mỹ giấu tên nhận định.
“Những gì mà thế giới chứng kiến trong năm vừa qua và những gì tôi nghĩ thế giới sẽ chứng kiến trong năm tiếp theo với nguồn ngân sách mới sẽ là Trung Quốc sẽ tiến thẳng với mục tiêu ngắn hạn là trở thành một lực lượng hải quân hàng đầu trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, mở rộng mọi con đường tiến ra Ấn Độ Dương”. Vào tháng 1/2017, Trung Quốc đã bổ nhiệm tư lệnh hải quân mới Thẩm Kim Long, để dẫn dắt nhiệm vụ này.
Ông Thẩm đã thăng tiến rất nhanh chóng và hiện giờ là một người thân tín của ông Tập Cận Bình, các nguồn tin ngoại giao cho hay. “Hải quân Trung Quốc rất may mắn khi có được ông Thẩm Kim Long. Hiện nay, họ biết chắc chắn là họ có sự ủng hộ lớn nhất".
Những nhiệm vụ hiện nay của hải quân Trung Quốc bao gồm cả các chuyến thăm tới các nước Vùng Vịnh, nơi mà Mỹ từ lâu đã bảo vệ các tuyến đường hàng hải và hải quân Trung Quốc thực hiện các chuyến viễn dương trên Biển Đông, Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. Trang web StrongChina của nhà nước Trung Quốc gọi đây là “lần phô trương lực lượng đầu tiên của tư lệnh Thẩm chống lại Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan”.
Tháng trước, một tàu ngầm của Trung Quốc đã cập cảng ở bang Sabah, Malaysia, cảng này nằm ngay trên Biển Đông. Theo thông tin từ phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, đây là chuyến thăm cảng nước ngoài lần thứ hai của tàu ngầm Trung Quốc. Tàu ngầm này đến Malaysia sau khi ủng hộ hoạt động chống cướp biển ở bờ biển Somalia, nơi Trung Quốc đã học được nhiều bài học quý giá về các hoạt động hải quân trên biển kể từ năm 2008 đến nay.
Các tàu chiến của Trung Quốc cũng đã cập cảng tại Pakistan, Bangladesh và Myanmar, điều này đã khiến đối thủ trong khu vực là Ấn Độ lo ngại. “Đó là hoạt động biểu dương sức mạnh”, một nhà ngoại giao phương Tây ở Bắc Kinh nhận định về hải quân Trung Quốc.