40 năm đã trôi qua nhưng ký ức về những ngày tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc vẫn hết sức đậm nét trong trí nhớ của Đại tá, cựu Phi công Nguyễn Văn Lục - Phi đội trưởng “Phi đội Quyết thắng”. Đối với ông, khóa học chuyển loại A-37 “thần tốc” diễn ra trong 2 ngày rưỡi với 2 giờ thực hành bay trước khi ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975 giường như mới chỉ xảy ra ngày hôm qua.
|
"Phi đội quyết thắng" chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ đặc biệt. Từ trái sang là các phi công Nguyễn Thành Trung, Từ Đễ, Nguyễn Văn Lục, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng và Trần Văn On.Ảnh tư liệu |
Chúng tôi có mặt tại nhà riêng của Đại tá Nguyễn Văn Lục vào một buổi chiều đầu năm 2015. Tuy đã ở tuổi “thất thập cổ lai hi” nhưng ông vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Năm nay là một năm quan trọng, đánh dấu 40 năm giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, và cũng vừa tròn 40 năm “Phi đội Quyết thắng” làm nên sự kiện lịch sử như một mũi tiến công thứ 6 trong chiến dịch Hồ Chí Minh: tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất.
|
Với Đại tá Nguyễn Văn Lục, ký ức về 2 giờ chuyển loại máy bay A-37 thực hiện nhiệm vụ oanh kích Dinh Độc lập năm xưa vẫn còn nguyên dấu. Ảnh: Nguyễn Pháp |
Đại tá Nguyễn Văn Lục nhớ lại: Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy chiến dịch có ý định sử dụng lực lượng không quân tham gia chiến đấu, đánh vào sào huyệt cuối cùng của địch tại Sài Gòn và dùng chính máy bay của địch để đánh địch nhằm tạo yếu tố bí mật, bất ngờ. Các phi công của Trung đoàn Không quân 923 (Sư đoàn 371), mà nòng cốt là Đại đội 4 được lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này và được biên chế thành một phi đội, với tên gọi “Phi đội Quyết thắng”, tôi lúc đó với cương vị là Phi đội trưởng. Máy bay chúng ta sử dụng để thực hiện nhiệm vụ là A-37 - một loại máy bay cường kích hạng nhẹ ta thu được của địch.
Việc huấn luyện chuyển loại diễn ra hết sức khẩn trương, quá trình chuyển loại máy bay A-37, Phi đội đã gặp nhiều khó khăn như: các thiết bị trên máy bay A-37 bố trí hoàn toàn khác so với các máy bay mà phi công của ta đã được bay trước đó. Các phi công phải học lý thuyết, tìm hiểu tính năng máy bay A-37 do Mĩ chế tạo trong điều kiện rất gấp rút về mặt thời gian. Trong khi thông thường phải cần đến 6 tháng để chuyển loại máy bay nhưng do yêu cầu nhiệm vụ vô cùng khẩn cấp, Phi đội đã học lí thuyết trong 1 ngày và thực hành bay chỉ trong 2 ngày rưỡi.
Cựu Phi công Nguyễn Văn Lục nhấn mạnh: Có thể nói đây là một khóa học đặc biệt trong lịch sử Không quân nhân dân Việt Nam, thứ nhất bởi người dạy chính là hàng binh của ngụy quyền Sài Gòn - Phi công Trần Văn Nghiệp; thứ hai là thời gian “thần tốc”, lí thuyết học trong 1 ngày, thực hành bay trong 2 ngày rưỡi với 1,5 đến 2 giờ bay (3 đến 4 chuyến bay). Do không biết tiếng Anh nên chúng tôi đã nảy ra một sáng kiến là viết chữ tiếng Việt lên các mẩu giấy đề can rồi dán lên những nút điều khiển chính của máy bay để dễ sử dụng. Thời gian quá ngắn, gấp rút nên ai cũng cố gắng tập trung, tranh thủ mọi thời điểm để ôn luyện, hình dung các phím công tắc, trình tự một chuyến bay và những lỗi gặp phải khi bay…
Sau ngày 27/4, từ sân bay Đà Nẵng, Phi đội Quyết Thắng bí mật bay vào sân bay Phù Cát (Bình Định), tại đây, lực lượng tiền trạm của Quân chủng đã chuẩn bị chu đáo 5 chiếc A-37 cho Phi đội sử dụng. Gần trưa ngày 28, Phi đội được lệnh lái máy bay chuyển trường tiến vào sân bay Phan Rang. Đúng 16 giờ 15 phút ngày 28/4/1975, sau khi có pháo hiệu, 5 chiếc A-37 xuất kích từ sân bay Phan Rang, hướng về phía Sài Gòn. Đội hình gồm: Nguyễn Thành Trung (số 1 dẫn đường), Từ Đễ (số 2), Nguyễn Văn Lục (chỉ huy trên không - số 3), Hoàng Mai Vượng cùng Trần Văn On (số 4) và Hán Văn Quảng (số 5).
Do thời tiết xấu, đồng thời để tránh ra đa của địch phát hiện, Phi đội bay ở độ cao 500m. Gần tới Sài Gòn, Phi đội đã nhanh chóng phát hiện được mục tiêu, lên độ cao đã định, tiến hành không kích mục tiêu. Lúc đó, đài chỉ huy của địch ở sân bay Tân Sơn Nhất hoàn toàn bất ngờ, liên tiếp hỏi dồn dập: “Máy bay của phi đoàn nào? Cho biết phiên hiệu!... Trong trận này, Phi đội đã phá hủy 26 máy bay, trong đó có 24 chiếc A-37. Sân bay Tân Sơn Nhất bị tê liệt hoàn toàn.
Đại tá Nguyễn Văn Lục khẳng định: Hai giờ bay chuyển loại A-37 lúc đó vô cùng quý giá, tuy ngắn ngủi nhưng cũng đủ để cho chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao. Và điều quan trọng, trận công kích vào sân bay Tân Sơn Nhất cũng góp một phần làm cho nhân dân Sài Gòn không phải đau thương, không tốn thêm xương máu, thành phố Sài Gòn không bị tàn phá, bảo đảm nguyên vẹn…
Theo: QĐND