Báo in trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Trần Quang Diệu
Trần Quang Diệu

Tiến sĩ, Giảng viên Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes -- Trong vài năm trở lại đây, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị và xã hội. Trong đó, ngành báo chí, cụ thể là báo in đang chịu tác động mạnh mẽ nhất. Vậy báo in phải làm gì để phát triển?

Báo in, với hơn 100 năm phát triển và trưởng thành đã có những chỗ đứng nhất định trong lòng công chúng. Nhưng ngày nay báo điện tử, mạng xã hội và truyền thông xã hội đang trở thành các lựa chọn ưu tiên hàng đầu cho độc giả.

Năm 2017 tờ The Wall Street Journal – một tờ báo hàng đầu của nước Mỹ tuyên bố dừng sản xuất báo in ở khu vực Châu Á và Châu Âu để tập trung cho báo điện tử và các phương tiện truyền thông mới, đánh dấu thời điểm thoái trào của báo in trên toàn thế giới. Bên cạnh đó là các tờ báo của Mỹ như National Journal, The Independent, hay The New York Times cũng đang phải giảm số lượng phát hành trong một vài năm gần đây do vấn đề kinh doanh và doanh thu sụt giảm.

Tuy vậy, độc giả dù ưa chuộng các phương tiện truyền thông mới hay báo điện tử thì báo in vẫn có những vị trí nhất định trong lòng công chúng. Một trong những vấn đề của việc phát triển báo in trong giai đoạn hiện nay là vấn đề về thông tin chính thống và thông tin xác thực. Ngoài ra, các khu vực chưa phổ biến hoặc hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông chưa đủ đáp ứng nhu cầu như các khu vực miền núi, khu vực biên giới vẫn cần các kênh báo in như là một nguồn thông tin để kết nối với thế giới bên ngoài.

Một trong các lợi thế khác của báo in đó là nội dung, theo đó dù việc cung cấp thông tin có thể chậm hơn các phương tiện truyền thông khác nhưng các sản phẩm trên báo in lại có các nội dung chi tiết, chân thực, rõ rành mạch, đi vào chiều sâu hơn là các tin tức được đưa tin nhanh thông qua báo điện tử hay truyền thông xã hội. Có một thực tế là trong vài năm gần đây, việc “tin đăng rất nhanh” nhưng “thông tin đính chính” còn phải phát hành nhanh hơn. Bên cạnh đó, với ưu thế nói trên, báo in có thể là kênh quảng bá của chính phủ về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách hữu hiệu nhất, đặc biệt là các khu vực xa xôi như biên giới, vùng sâu, vùng xa.

Truyền thông chính sách hiện đang vẫn là vấn đề bị bỏ ngỏ trong quá trình đưa thông tin đến người dân, dù rằng chúng ta đang có một hệ thống báo chí – truyền thông rộng khắp cả nước. Việc sử dụng báo in với đặc thù là thông tin đầy đủ, chi tiết, có thời gian sáng tạo, chỉnh sửa nên nội dung của báo in thường “mượt mà” hơn các sản phẩm trên các phương tiện truyền thông khác. Những thông điệp từ các tờ báo in cũng có sức cuốn hút hơn và đi vào lòng công chúng mạnh mẽ hơn. Các tờ báo in có thể tập trung vào các khía cạnh này để đẩy mạnh và cho ra đời các sản phẩm chất lượng và hiệu quả nhằm phản ánh chân thực nhất về đời sống kinh tế - xã hội – chính trị một cách chuyên sâu, có kiểm chứng và đầy đủ nhất. Để làm được như vậy, các nhà báo cần có các kỹ năng hiện đại, chuyên sâu để có thể cho ra đời các sản phẩm có chất lượng.

Có thể nói rằng, cho dù báo in hiện nay vẫn có chỗ đứng nhất định trong lòng độc giả nhưng cùng với các phương tiện truyền thông truyền thống như phát thanh, truyền hình, báo in cần phải thay đổi theo hướng tạo ra sự khác biệt so với các phương tiện truyền thông khác. Để làm được điều này, các nhà báo cần “vừa hồng, vừa chuyên” nhưng cũng phải tự thay đổi để có thể sản xuất ra các sản phẩm có nội dung chất lượng, tập trung vào các sản phẩm chuyên đề, phóng sự có tính chuyên sâu. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận các ý kiến phản hồi của độc giả cũng cần được coi trọng.

Báo in, có thể không cần phải nhanh – cập nhật một cách tức thời nhưng sẽ là nguồn thông tin chính thống, có kiểm chứng và chuyên biệt, phục vụ nhu cầu của công chúng một cách hiệu quả nhất.