Cách đây 93 năm, vào ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã xuất bản số đầu tiên. Đây chính là cột mốc đánh dấu cho sự ra đời của nền Báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trên mặt trận tư tưởng văn hóa, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và sự phát triển của đất nước.
Buổi lễ kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam đã diễn ra trọng thể với sự tham dự của đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí trên cả nước. Buổi lễ cũng có sự góp mặt của một số nhà báo lão thành. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng tới tham dự với các nhà báo. Về phía Chính phủ còn có ông Vũ Đức Đam – Phó Thủ tướng, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Điều này cho thấy sự quan tâm và coi trọng của Chính phủ đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “trong những năm qua báo chí nước nhà đã thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đưa tin đầy đủ, kịp thời về tình hình trong nước và quốc tế; phản ánh mọi mặt đời sống xã hội; phát huy những giá trị tốt đẹp, nhân tố mới, mô hình hiệu quả, cách làm hay; biểu dương gương người tốt, việc tốt; đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái; góp phần tích cực bảo vệ chủ quyền quốc gia, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đấu tranh và phê phán những biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống; qua đó tạo đồng thuận để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những thành tựu của Báo chí Cách mạng Việt Nam (ảnh: TTXVN)
|
Đội ngũ những người làm báo hiện nay đã có hơn 36 nghìn người làm việc trong gần 850 cơ quan báo chí, có hơn 18 nghìn nhà báo được cấp thẻ. Đây thực sự là một lực lượng hùng hậu trên mặt trận thông tin truyền thông. Nhiều nhà báo đã trở thành những tấm gương sáng trong lĩnh vực xây dựng và bảo vệ tổ quốc như nhà báo liệt sỹ Trần Kim Xuyến, Bùi Đình Túy, Hồ Ca, nhà báo lão thành Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thọ, Hồng Hà, Hà Đăng…
Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới của quá trình phát triển với những thời cơ và thách thức đan xen. Khoa học công nghệ phát triển nhanh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và sự bùng nổ của công nghệ thông tin, truyền thông, đặt ra những yêu cầu mới đối với lĩnh vực báo chí.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các nhà báo “tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những thành tựu đạt được, tập trung khắc phục nhanh những hạn chế, tồn tại trong hoạt động báo chí, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm là thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước.
Đồng thời, báo chí phải thông tin nhanh nhạy, chính xác, khách quan, trung thực, vừa là kênh phổ biến, tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, thực hiện tinh thần trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân; phản ánh kịp thời, trung thực những nguyện vọng, ý kiến, truyền tải thông tin thiết thực đến toàn thể nhân dân”.
Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan chủ quản và lãnh đạo các cơ quan báo chí phải thường xuyên quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà báo, người làm báo có phẩm chất chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng; như cố nhà báo Hữu Thọ đã nói: “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.
Các nhà báo lão thành tham dự lễ kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (ảnh: TTXVN)
|
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, xu hướng phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông, đội ngũ nhà báo, người làm báo phải nhanh chóng tiếp cận với công nghệ truyền thông mới, phương pháp làm báo mới. Đây cũng là lời căn dặn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi tới đội ngũ những người làm báo.
Về phía Nhà nước, sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và triển khai thực hiện quy hoạch báo chí theo Đề án đã được Bộ Chính trị, Trung ương Đảng thông qua. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an, các địa phương, cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm các hành vi cản trở, đe dọa, xâm phạm trên mọi hình thức đối với nhà báo trong thực thi nhiệm vụ. Nhà báo, người làm báo chân chính phải được bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.