Trước hết, xin ông chia sẻ đôi lời về hoạt động nhiếp ảnh trong đời sống báo chí hiện nay?
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Huyến: Chúng ta phải khẳng định rằng, nhiếp ảnh là một phần không thể thiếu trong hoạt động báo chí. Với bất kỳ tin, bài nào được đăng mà không có hình ảnh minh họa thì tính thuyết phục với độc giả sẽ bị kém đi. Không chỉ có vậy, nhiều tờ báo còn xác định tính quan trọng và cần thiết của nhiếp ảnh với rất nhiều hình ảnh trong một tin, bài.
Càng ngày, ảnh báo chí càng trở thành một loại hình cần thiết. Đó là vì càng ngày, bạn đọc càng muốn nhìn thẳng vào sự thật. Người ta muốn biết những chuyện gì xảy ra và khi mà xã hội càng phát triển nhanh lên, nhịp độ xã hội bị cuộc sống cuốn lên thì những khoảnh khắc ghi được càng trở nên quan trọng. Trong bất cứ một quốc gia nào, thì ngay cả những xu hướng chính trị, những sự biến đổi về chính trị cũng tác động đến đời sống. Cho nên mọi vấn đề về chính trị nói chung và của từng lĩnh vực càng trở thành nhu cầu. Và xu hướng là người ta càng muốn nhìn thấy mọi hình ảnh của các sự kiện. Có thể nói, càng hiện đại thì nhiếp ảnh càng lên ngôi là vì thế.
“Trăm nghe không bằng một thấy” là như thế. Điển hình như cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên vừa qua, có đến hàng vạn tin tức khác nhau nhưng người ta chỉ chờ đợi đến thời điểm cuối cùng của sự kiện này. Các bài viết có thể nói là rất nhiều nhưng người ta rất muốn xem cụ thể về những hình ảnh của sự kiện này. Hình ảnh Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un bắt tay nhau niềm nở và cùng quay mặt về phía báo chí được cho là cuộc gặp đã thành công. Một bài báo về sự kiện này có thể viết đến hàng vạn chữ nhưng để có tính thuyết phục thì không thể thiếu những bức ảnh đó.
Để tiếp cận nhanh vào những sự kiện như thế thì đòi hỏi với phóng viên ảnh có rất nhiều vấn đề. Đầu tiên là tính mục đích của việc chụp. Phải chọn lựa cái gì? Kinh nghiệm của tôi và kinh nghiệm của những nhà báo nhiều năm trong nghề nhiếp ảnh thì thường bao giờ cũng phải nghiên cứu kỹ về sự kiện đó để có dự tính trước để chờ sự kiện diễn ra và nắm bắt. Sau đó, việc của họ là lựa chọn ra những khoảnh khắc tốt nhất để ghi lại những hình ảnh đó. Nhiếp ảnh thời sự là phải nắm bắt được các khoảnh khắc tốt nhất. Cái chính của ảnh thời sự chính trị là vấn đề cạnh tranh của các phóng viên ảnh để có được vị trí tốt nhất và chụp được những bức ảnh đắt giá nhất. Khi báo chí ở trong thời đại Internet thì tính cạnh tranh lại càng cao. Người phóng viên ảnh phải làm sao chụp được đẹp nhất, sớm nhất và phát được trước.
Các phóng viên nhiếp ành tại một sự kiện thể thao quốc tế
|
Theo các phóng viên nhiếp ảnh thể thao, tỷ lệ ảnh chụp thành công để sử dụng được chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp. Ông nghĩ gì về ảnh thể thao trong thời kỳ chụp bằng phim trước đây và nhiếp ảnh số ngày nay?
Thời đại nào thì thì nhiếp ảnh thể thao cũng đòi hỏi phóng viên chuyên. Trong nhiếp ảnh, phóng viên thời sự ngoại giao là một loại chuyên. Thể thao là phóng viên riêng. Sân khấu là phóng viên riêng. Còn các thể loại khác như văn hóa – xã hội… thì có thể phóng viên ảnh nào cũng làm được. Nhưng thể thao mà không chuyên thì rất khó.
Tại sao vậy? Chụp ảnh thể thao có hai cái khó. Trước hết, phóng viên ảnh thể thao phải hiểu về các bộ môn thể thao cần chụp. Có thể nói là trừ cờ tướng, cờ vua thì các môn thể thao đều diễn biến rất nhanh. Ví dụ như môn nhảy sào thì quan trọng nhất là lúc vượt sào và bức ảnh cần chụp được chính là thời điểm có qua hay không. Cũng như trong sân khấu, nếu không phân biệt được tuồng, chèo, cải lương thì làm sao chụp được? Kịch nói thì bao giờ cũng đến điểm thắt nút nhất và phải chụp được bức ảnh ở thời điểm đó.
Thêm nữa, trong thể thao thì phóng viên ảnh dường như hoàn toàn bị lệ thuộc vì đối tượng cần phải chụp thường ở xa mình. Phóng viên ảnh không thể chạy ra, chạy vào sân cỏ và cũng không ai cho phép làm như vậy. Thế nên người ta thường nói đùa là phóng viên ảnh thể thao như bị nhốt vào cũi để từ đó chụp ra. Chụp ảnh thể thao là hoàn toàn bị động vì hoàn toàn không thể tổ chức được đối tượng theo ý mình.
Điển hình như bóng đá, tất cả phóng viên thường được tập trung vào khu vực phía sau khung thành. Có lẽ ai cũng thấy họ phải tốn phim đến như vậy để chụp hình. Lý do vì tất cả trận đấu diễn ra cực kỳ nhanh. Và trong thể thao người ta còn chia nhỏ ra. Phóng viên này chuyên chụp thủ môn, phóng viên kia chuyên chụp tiền đạo của đối phương. Có người thì theo dõi trọng tài. Có người theo dõi những cú đánh đầu. Có người lại chuyên chụp khán giả trong đó có các nhà lãnh đạo và thậm chí là theo dõi thân nhân cầu thủ như vợ của Berkham… Khi đó, nhiếp ảnh giống như truyền hình là cùng một lúc phải có nhiều máy quay.
Thêm nữa còn phải kể đến là điều kiện thời tiết trong thể thao. Lắm lúc, trận bóng đá diễn ra dưới trời mưa và biết đâu trong mưa lại chụp được những bức ảnh giá trị. Và rồi phải kể đến sự thay đổi của ánh sáng… Thế nên, không cứ chỉ thể thao mới là chụp nhiều chọn một. Nếu muốn chọn một khoảnh khắc đắt giá thì trong rất nhiều thể loại nhiếp ảnh khác cũng là chụp nhiều lấy một. Ngay cả chụp ảnh chân dung nếu với người kỹ tính thì cũng có thể lên tới cả trăm ảnh chọn một.
Chính vì thế, nhiếp ảnh kỹ thuật số đã góp phần rất lớn cho các phóng viên nhiếp ảnh thể thao tiết kiệm chi phí và tập trung vào công việc mà không mất thời gian thay phim.
Trước đây, chúng ta chụp ảnh bằng phim và nay chuyển sang ảnh kỹ thuật số thì số lượng ảnh cũng được nhiều hơn. Xin ông cho biết ưu điểm của nhiếp ảnh kỹ thuật số so với chụp bằng phim?
Các chiến sĩ hải quân đi tuần tra. Ảnh: NSNA Vũ Huyến
|
Không chỉ tiết kiệm mà theo tôi là còn hơn cả tiết kiệm. Nhiếp ảnh phim bị phụ thuộc vào phim bởi số lượng ảnh chụp được với mỗi cuốn chỉ có 36 kiểu. Sau khi hết phim, chúng ta còn mất thời gian để thay phim. Và nếu đúng lúc thay phim lại có việc diễn ra thì thôi đành bỏ mất khoảnh khắc đó. Nếu không muốn mất thời gian thay phim thì phải dùng nhiều máy cùng một lúc. Và lại còn chuyện vừa muốn chụp phim màu vừa chụp đen trắng thì có khi phải dùng đến 3 máy. Ngày nay, với máy ảnh kỹ thuật số thì muốn chuyển tấm hình thành đen trắng cũng là không khó.
Thêm nữa, chụp ảnh kỹ thuật số còn có thể chủ động với mọi điều kiện ánh sáng khác nhau trong khi đó với nhiếp ảnh phim thì phải sử dụng phim phù hợp. Như vậy, với nhiếp ảnh số thì chúng ta hoàn toàn có thể chụp cả trong tối mà vẫn lấy sáng được đầy đủ, không cần đèn flash. Với một thẻ nhớ vài GB, chúng ta có thể chụp hàng trăm kiểu ảnh và thậm chí nhiều hơn nếu dung lượng nhớ cao hơn.
Cũng cần nói thêm là ảnh số cho ra kết quả ngay chứ không như ảnh phim. Như thế, không còn mất thì giờ tráng phim, rửa ảnh nữa và thực tế là không phải lúc nào cũng có điều kiện để tráng phim, rửa ảnh. Và sau khi lựa chọn được những bức ảnh ưng ý nhất, người phóng viên ảnh có thể gửi ngay về tòa soạn nếu có wifi để bức ảnh được sử dụng ngay lập tức cho những sự kiện được tường thuật tại chỗ như chính trị, thể thao… Có thể nói, nhiếp ảnh kỹ thuật số là một sự thay đổi mang tính chất cách mạng, góp phần tích cực cho tác nghiệp của phóng viên ảnh. Nó góp phần thay đổi hoàn toàn hoạt động nhiếp ảnh, đặc biệt là với ảnh thời sự.
Đôi mắt ngây thơ. Ảnh: NSNA Vũ Huyến
|
Tuy nhiên, như đã có lần ông trình bày thì nhiếp ảnh phim hiện nay vẫn tồn tại, dù rằng số lượng người sử dụng không nhiều. Xin ông cho biết nguyên nhân vì sao?
Có hai vấn đề. Trước hết là vẫn có những người mới cập nhật với nhiếp ảnh số và chưa thể chủ động. Để cẩn thận nhất thì họ vẫn sử dụng máy ảnh phim. Thứ hai là xu hướng hoài cổ và chụp ảnh phim cũng là một thú chơi. Thứ ba là với những người mới vào nghề một cách nghiêm túc thì nhiếp ảnh phim trong một chừng mực nào đó cũng là mẫu mực. Hiện nay, ở Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, việc tuyển sinh vào Khoa Nhiếp ảnh vẫn là máy ảnh phim. Và quy trình dạy ở đây vẫn dựa trên chuẩn mực của nhiếp ảnh phim.
Chụp ảnh bằng phim có một điều không thừa là mỗi một lần bấm máy thì người chụp phải cân nhắc rất kỹ trước khi bấm. Ảnh thời sự mà cân nhắc thì nhiều khi lỡ nhưng với phong cải thì có gì mà không cân nhắc. Ảnh chụp kỷ niệm cũng vậy và việc gì phải vội. Sự cân nhắc ấy thực ra cũng rất cần với nghề ảnh. Ngược lại, với máy ảnh số thì nhiều người quá bị phụ thuộc vào nó nên đã chụp dễ dãi và tùy tiện. Máy ảnh số đã giải quyết được quá nhiều chuyện khiến nhiều người thiếu đi những sự tỉ mỉ, cân nhắc cần thiết. Đó là chưa kể, trong một số điều kiện về ánh sáng và thời tiết thì ảnh chụp bằng phim còn lên được nhiều hiệu quả rất đặc biệt. Tất nhiên, để chụp được ảnh bằng phim mà ra được một bức ảnh có giá trị thì ngoài yếu tố tay nghề còn có giá thành rất đắt. Song đó phải là chơi ảnh kết hợp với nghiên cứu. Còn với ảnh thời sự ngày nay thì chắc là không còn ai chụp bằng phim nữa.
Ngày nay, không chỉ với máy ảnh số mà máy tính bảng và điện thoại thông minh cũng có thể chụp được ảnh. Xin ông chia sẻ một vài ý kiến về thực tế này?
Trước hết, chúng ta phải khẳng định là máy tính bảng và điện thoại thông minh chỉ là những thiết bị ghi hình. Bằng những thiết bị này, những người sở hữu nó đều có thể tự chụp những tấm ảnh lưu niệm cho mình để lưu trữ hoặc đưa lên chia sẻ qua Facebook. Tuy nhiên, khi công nghệ được phổ cập thì nó cũng có những sự hạn chế nhất định. Cụ thể là ảnh chụp bằng các thiết bị này không thể chụp được với khoảng cách quá gần hay quá xa…
Đương nhiên, khi nhiếp ảnh được phổ cập tới toàn dân nhờ các thiết bị ghi hình mà ai cũng có thì nghề nhiếp ảnh dịch vụ sẽ không còn chỗ đứng. Nhiếp ảnh dịch vụ chỉ còn có thể phục vụ đám ma, đám cưới, hội nghị, hội thảo…
Cũng cần nói thêm là từ chỗ chụp ảnh nghiệp dư bằng điện thoại thông minh, máy tính bảng thì không ít người đã đầu tư máy ảnh số để chơi ảnh. Thậm chí mức độ đầu tư của họ còn khiến dân chụp ảnh chuyên nghiệp còn thấy là chính mình cũng không lại được. Cũng chính vì thực tế đó mà có những cuộc thi nhiếp ảnh mà điển hình là cuộc thi do Tổng cục Du lịch tổ chức đã có tới hàng vạn tác phẩm dự thi mà Ban tổ chức cũng chỉ có thể chọn ra cỡ 100 bức để bày triển lãm và trao giải cho khoảng 10 bức.
Xin cảm ơn ông!