Tàu ngầm hạt nhân sẽ tuần tra Biển Đông
Thời báo Tự do Đài Loan ngày 15/5 dẫn báo cáo về sức mạnh quân sự do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố ngày 13/5 cho hay, Trung Quốc đã đẩy nhanh tốc độ xây đảo nhân tạo và xây dựng hạ tầng (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), sau khi hoàn thành sẽ có cảng biển, hệ thống thông tin, do thám, trang bị hậu cần và 3 đường băng.
Mặc dù xây đảo nhân tạo hoàn toàn không thể đem đến nhiều hơn lãnh thổ và quyền lợi biển cho Trung Quốc bởi quốc tế không công nhận điều này, nhưng Trung Quốc có thể tạo "sự đã rồi", lợi dụng những cơ sở lưỡng dụng này để tăng cường triển khai (quân sự hóa bất hợp pháp) ở Biển Đông, tăng mạnh khả năng chiếm đóng các đảo đá và vùng biển lân cận cho Bắc Kinh.
Báo cáo cho biết, Trung Quốc tiếp tục sản xuất tàu ngầm động cơ hạt nhân lớp Tấn trang bị tên lửa đạn đạo (tàu ngầm hạt nhân chiến lược). Ngoài 4 chiếc đã biên chế, một chiếc đang chế tạo.
Cuối cùng, loại tàu ngầm này sẽ trang bị tên lửa Cự Lang-2 có tầm bắn đạt 7.200 km, giúp Hải quân Trung Quốc lần đầu tiên có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trên biển tin cậy.
Tàu ngầm lớp Tấn Trung Quốc triển khai ở Biển Đông rất có thể tiến hành tuần tra, răn đe hạt nhân ở trước các đối thủ lớn, nhỏ trên Biển Đông.
Ngân sách quốc phòng năm 2015 trên 180 tỷ USD
Cuối năm 2015, Trung Quốc đã tạm dừng tiến hành hoạt động xây đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa (Việt Nam), đã tăng thêm diện tích tổng cộng 3.200 mẫu Anh (1.300 héc-ta) ở 7 thực thể do Trung Quốc chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa.
Trong khi đó, cùng thời kỳ, các nước khác chỉ tăng thêm diện tích lãnh thổ 50 mẫu Anh (khoảng 20,2 héc-ta).
Đáng chú ý, sau 2 năm xây dựng bất hợp pháp, các công trình hạ tầng và thiết bị thông tin, do thám ở 4 đá ngầm sắp hoàn thành, các công trình ở 3 đá ngầm khác dự kiến hoàn thành vào năm 2017.
Mặc dù Trung Quốc tuyên bố mục đích xây dựng là để cải thiện điều kiện sinh hoạt và làm việc của nhân viên đồn trú trên các thực thể này, tăng cường an toàn đi lại. Nhưng dư luận quốc tế phổ biến cho rằng, Trung Quốc đang tìm cách tăng cường quyền kiểm soát thực tế đối với Biển Đông.
Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Abraham Denmark cho rằng, từ năm 2006 - 2015, sau khi điều chỉnh tỷ lệ tăng vật giá, ngân sách quốc phòng do Trung Quốc công bố tăng bình quân hàng năm là 9,8%.
Nhưng, Bộ Quốc phòng Mỹ dự đoán, chi tiêu quân sự thực tế năm 2015 của Trung Quốc trên 180 tỷ USD. Đầu tư như vậy giúp Trung Quốc sản xuất được tên lửa đạn đạo Đông Phong-26 có thể tiến hành tấn công ở Đông Á.
Đầu tư quân sự bước vào giai đoạn mới
Abraham Denmark cho rằng, đầu tư quân sự của Trung Quốc năm 2015 đã bước vào giai đoạn mới, có 3 vấn đề an ninh chính cần chú ý. Chính sách Trung Quốc của Mỹ là muốn giảm rủi ro, mở rộng điểm chung, đồng thời duy trì ưu thế của Mỹ.
Theo Abraham Denmark, Trung Quốc xây đảo và các công trình (trái phép) ở Biển Đông cho thấy nhà lãnh đạo nước này “sẵn sàng chịu đựng căng thẳng ở cấp độ cao hơn” khi áp đặt yêu sách chủ quyền.
Chiến lược của Trung Quốc là, trong tình hình duy trì được hòa bình chưa đến mức gây ra xung đột vũ trang, không cản trở nước này phát triển quân sự và kinh tế, họ áp dụng sách lược “gây sức ép cao” để đạt được mục tiêu, củng cố quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Xu thế thứ hai là Trung Quốc ngày càng gia tăng triển khai quân sự trên toàn cầu. Tháng 11/2015, Trung Quốc tuyên bố thiết lập cơ sở quân sự ở Djibouti, châu Phi là một minh chứng tốt nhất.
Xu thế an ninh thứ ba là Trung Quốc đang tiến hành cải cách quân đội quy mô lớn để nâng cao mức năng lực và mức độ trung thành chính trị.