Bằng 5 quả tên lửa, Trung Quốc đã "bắn tín hiệu" tới Mỹ và Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bằng việc phóng tên lửa vào vùng biển Nhật Bản, Bắc Kinh muốn cảnh báo rằng cả Washington và Tokyo đều sẽ trở thành mục tiêu nếu đến viện trợ Đài Loan trong một cuộc xung đột.

Căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan tới vấn đề Đài Loan, đặc biệt sau khi Bắc Kinh tập trận bắn đạn thật xung quanh hòn đảo tự trị, làm dấy lên nhiều quan ngại trong dư luận quốc tế.

Cây viết Ben Dooly - chuyên nghiên cứu các vấn đề giao thoa giữa kinh tế và chính trị Nhật Bản - đã có bài viết phân tích về tình hình hiện nay, được đăng tải trên tờ New York Times. VietTimes xin gửi quý độc giả nội dung chuyển ngữ bài viết.

Bức ảnh được Quân đội Trung Quốc công bố cho thấy các tên lửa đang được phóng trong cuộc tập trận ngày 4/8 (Ảnh: Reuters)

Bức ảnh được Quân đội Trung Quốc công bố cho thấy các tên lửa đang được phóng trong cuộc tập trận ngày 4/8 (Ảnh: Reuters)

Trong suốt nhiều năm, Triều Tiên đã phóng tên lửa vào các vùng biển xung quanh Nhật Bản nhưng không gây ra những động tĩnh lớn. Nhưng đến khi Trung Quốc có hành động tương tự - như họ đã làm trong hôm thứ Năm vừa qua (4/8) trong một cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật – thì hành động đó lại gây quan ngại lớn trong giới chính trị và an ninh ở cả Tokyo lẫn Washington.

Trung Quốc đã phóng 5 tên lửa vào vùng biển thuộc Vùng đặc khu kinh tế (EEZ) của Nhật Bản, tới vùng biển phía Đông của Đài Loan, như một lời cảnh báo gửi tới cả Mỹ và Nhật Bản rằng hai nước này không nên đến hỗ trợ Đài Loan trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột, theo các nhà phân tích.

Bắc Kinh muốn nhắc nhở Washington rằng họ có thể tấn công không chỉ Đài Loan mà cả các căn cứ của Mỹ trong khu vực, như căn cứ không quân Kadena ở Okinawa, hay các lực lượng hải quân nào khác, theo Thomas G. Mahnken – cựu quan chức Lầu Năm Góc và giờ là Chủ tịch của Trung tâm Tài sản chiến lược và Ngân sách, có trụ sở tại Washington.

Nó cũng nhằm nhắc nhở Nhật Bản rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Okinawa cũng khiến nước này trở thành một mục tiêu, ông Mahnken nói thêm.

Daniel Sneider, chuyên gia về quan hệ đối ngoại của Nhật Bản đến từ ĐH Stanford, nói rằng Trung Quốc “muốn thể hiện rằng họ có đủ khả năng để bao vây Đài Loan, và họ muốn gửi đi một thông điệp rõ rằng tới những ai muốn đến hỗ trợ Đài Loan – Mỹ và Nhật Bản – rằng họ cũng có thể nhắm bắn vào họ.”

“Nếu bất cứ ai ở Nhật Bản nghĩ rằng họ có thể né tránh sự liên quan trong một cuộc xung đột ở eo biển Đài Loan, thì phía Trung Quốc đã thể hiện rằng không thể,” ông Sneider nói.

Các tên lửa của Trung Quốc phóng gần Đài Loan (Ảnh: BQP Nhật Bản)

Các tên lửa của Trung Quốc phóng gần Đài Loan (Ảnh: BQP Nhật Bản)

Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc tại vùng biển xung quanh Đài Loan có khả năng làm thay đổi hiện trạng trong khu vực, cũng giống như các cuộc tập trận năm 1995 và 1996 đã chèn lên đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan.

“Cuộc tập trận này chỉ kéo dài trong vòng 3 ngày,” Tetsuo Kotani, giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Meikai và là chuyên gia tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản, nói. “Nhưng kiểu tập trận đồ sộ này có khả năng sẽ trở thành thường lệ trong vòng vài năm tới.”

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, người có chuyến thăm Đài Loan trong tuần này gây căng thẳng trong khu vực, đã tới Nhật Bản trong đêm 4/8 và có cuộc gặp với các chính trị gia của nước này trong hôm tiếp theo, bắt đầu bằng bữa sáng với Thủ tướng Fumio Kishida.

Một số nhà phân tích cho rằng, nếu Bắc Kinh có ý định đe dọa Nhật Bản, các tên lửa mà họ khai hỏa có thể sẽ gây ra tác dụng ngược đối với các nhà lãnh đạo ở Tokyo.

Truyền hình Trung Quốc đưa tin về một chiến đấu cơ của họ bay sát Đài Loan (Ảnh: Reuters)

Truyền hình Trung Quốc đưa tin về một chiến đấu cơ của họ bay sát Đài Loan (Ảnh: Reuters)

“Chứng kiến một hành động như vậy và thấy tên lửa Trung Quốc đáp xuống EEZ của Nhật Bản sẽ chỉ làm tăng thêm động lực tăng thêm ngân sách quốc phòng,” Yuki Tatsumi, giám đốc chương trình Nhật Bản tại Trung tâm Stimson, trụ sở tại Washington, nhận định.

Nhật Bản trong nhiều năm qua đã quan sát kỹ lưỡng sức mạnh tăng dần của nước láng giềng, và đã bắt đầu đưa ra nhiều kế hoạch tăng cường phòng thủ, hợp tác chặt chẽ với các đồng minh của mình để đối phó với Trung Quốc và cũng giảm bớt sự phụ thuộc vào Washington.

Sự thay đổi trong lập trường hòa bình thời hậu chiến của Nhật Bản đã có động lực mới kể từ sự kiện Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, khi các đảng viên Dân chủ Tự do đề nghị tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP.

Các chính trị gia có tư tưởng cứng rắn hơn cũng thúc đẩy Nhật Bản phát triển khả năng tấn công phủ đầu bằng các loại tên lửa có đầu đạn truyền thống, thậm chí còn cho rằng Nhật Bản nên tính đến việc cho Mỹ đặt các loại vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của họ để nhằm mục đích răn đe. Không ai dám nghĩ đến những suy tính như vậy cách đây 1 thập kỷ.

Đài Loan, chỉ cách một căn cứ quân sự của Nhật Bản trên đảo Yonaguni (Okinawa) có 68 dặm, chính là mối quan ngại an ninh hàng đầu của Nhật Bản. Hòn đảo này là một trong số các đối tác thương mại lớn nhất của Nhật, là nguồn cung cấp lớn các loại chip máy tính tối tân và nằm trên vùng eo biển nhỏ hẹp vốn là tuyến đường vận chuyển các nguồn năng lượng cho Nhật Bản.

Giới hoạch định chính sách Nhật lo ngại rằng, một khi xảy ra xung đột vũ trang ở Đài Loan, Nhật Bản chắc chắn sẽ bị kéo vào, bởi lãnh thổ của họ đặt nhiều căn cứ quân sự của Mỹ và cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Senkaku/Điếu Ngư.

Trong Sách Trắng công bố mới đây, Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói rằng đất nước họ nên có “cảm giác khủng hoảng” về khả năng xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc.

Để chuẩn bị cho viễn cảnh như vậy, các nhà hoạch định trong lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã tăng cường hợp tác với lực lượng Mỹ, triển khai thêm binh sĩ và các hệ thống tên lửa tới các hòn đảo nằm ở miền Nam nước này – khu vực có thể trở thành tiền tuyến nếu xảy ra xung đột.

Tháng 12 năm ngoái, trong một bài phát biểu trước một tổ chức chính sách Đài Loan, cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe từng cảnh báo rằng một “cuộc khủng hoảng ở Đài Loan sẽ là cuộc khủng hoảng của Nhật Bản. Nói cách khác, là một cuộc khủng hoảng của khối đồng minh Mỹ-Nhật.”

Trong bài viết được đăng tải hồi tháng 4 năm nay trên tờ The Los Angeles, ông Abe kêu gọi Mỹ làm rõ chính sách “mơ hồ chiến lược” của họ đối với Đài Loan, cho rằng chính sách này “đang dẫn tới sự bất ổn định trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương bằng cách khuyến khích Trung Quốc đánh giá thấp quyết tâm của Mỹ.”

Dư luận Nhật Bản cũng hết sức quan tâm tới vấn đề an ninh của Đài Loan trong những năm gần đây, chủ yếu là do lo ngại về các chuỗi cung ứng, các hoạt động quân sự của Trung Quốc trong khu vực và nhiều vấn đề khác. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, dư luận Nhật Bản đã đi theo xu hướng ủng hộ Đài Loan nhiều hơn.

Ngay sau khi các tên lửa của Trung Quốc rơi xuống vùng biển thuộc EEZ của Nhật Bản, Tokyo đã phát đi công hàm phản đối tới Trung Quốc và kêu gọi họ ngừng ngay các cuộc tập trận gần Đài Loan, Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói trong một tuyên bố.

Phát biểu trước các phóng viên, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi gọi đây là “một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng gây quan ngại về an ninh quốc gia và sự an toàn của người dân của chúng ta.”

Trước đó, trong hôm 4/8, trước khi tên lửa được phóng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói với báo giới rằng Bắc Kinh không công nhận EEZ của Nhật Bản, nơi mà các tên lửa đáp xuống.

Trung Quốc cũng hủy một cuộc họp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị với người đồng cấp Nhật Bản Yoshimasa Hayashi, sau khi nhóm G7 đưa ra một tuyên bố nêu quan ngại về “những hành động gây đe dọa” của Trung Quốc xung quanh Đài Loan.

Những vụ việc tên lửa rơi xuống vùng biển, theo cách nào đó, không còn là điều quá lạ với Nhật Bản – nước đã chứng kiến 10 trái tên lửa của Triều Tiên đáp xuống EEZ của họ tính từ năm 2016. Theo bà Tatsumi, trong ngắn hạn, phản ứng của Nhật Bản với Trung Quốc rất có khả năng sẽ giống như cách mà Tokyo phản ứng với Bình Nhưỡng trước đây: phản ứng ngoại giao và đề phòng hơn.

“Nhật Bản chắc chắn không muốn bị phía Trung Quốc đổ lỗi là phản ứng thái quá,” bà nói. “Bởi vậy, họ sẽ không đưa ra phản ứng bằng hành động, nhưng sẽ tăng cường kiểm soát.”

Tuy nhiên, xét về dài hạn, Trung Quốc nên lường trước khả năng Nhật Bản tăng cường sức mạnh lực lượng vũ trang của họ.

“Điều này sẽ không khiến Nhật Bản ngừng tranh luận về việc tăng chi tiêu quốc phòng,” bà nói thêm. “Nếu có sự kiện gì đó khiến quá trình này được đẩy nhanh, nó sẽ đẩy nhanh cả các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Nhật Bản.”

Theo New York Times