Kinh tế Trung Quốc đúng là đã phát triển nhanh chóng và có thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới nhờ quy mô dân số hơn 1 tỉ người.
Năm 2010, Goldman Sachs dự báo nền kinh tế Trung Quốc có thể vượt Mỹ vào năm 2030. Một số nhà kinh tế học thậm chí còn dự báo Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2019.
Nếu kịch bản trên xảy ra, Trung Quốc - một siêu cường kinh tế mới - sẽ sẵn sàng thách thức tầm ảnh hưởng của Mỹ trên bình diện toàn cầu. Nhưng viễn cảnh đó vẫn chưa thành hiện thực, theo Rick Newman - cây viết kỳ cựu mảng tài chính của Yahoo! Finance.
Quốc gia tỉ dân đã dứt mạch tăng trưởng ấn tượng trong 25 năm qua và cũng đang đối mặt với nhiều thách thức để vực dậy nền kinh tế hậu đại dịch. Điều này khiến các nhà kinh tế học phải đánh giá lại tác động của kinh tế Trung Quốc tới các quốc gia khác.
Mới đây, trả lời phỏng vấn Reuters, ông Desmond Lachman - nhà kinh tế học làm việc tại American Enterprise Institute - cho rằng nền kinh tế Trung Quốc khó vượt qua Mỹ trong vòng 20 năm tới.
Trong khi, nhà kinh tế học Paul Krugman đã có bài viết trên tờ New York Times so sánh trường hợp của Trung Quốc với Nhật Bản vào đầu những năm 1990, khi tăng trưởng kinh tế chậm lại đã cản bước một quốc gia châu Á vươn tầm.
Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nội tại, trong đó có suy giảm dân số. Quốc gia này cũng phụ thuộc nhiều vào ngành bất động sản để thúc đẩy tăng trưởng.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16 đến 24 tuổi ở Trung Quốc đã chính thức tăng từ 11% năm 2018 lên 21% ở hiện tại. Theo Eurasia Group, tỷ lệ thất nghiệp thực sự của thanh niên có thể lên tới 46%.
Chính phủ Trung Quốc đã kích thích nền kinh tế thoát khỏi nhiều đợt suy thoái trong suốt 25 năm qua, nhưng những nỗ lực gần đây, bao gồm cắt giảm lãi suất và các biện pháp khác, dường như đã phản tác dụng khi khiến các nhà đầu tư hoảng loạn và bán tháo cổ phiếu.
Sự trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc có thể gây ra những tác động bất ngờ đối với các nhà đầu tư toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách và thậm chí cả các cuộc bầu cử ở Mỹ.
Khi tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016, ông Donald Trump đã nhiều lần đề cập tới thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Chính quyền của ông Trump đã áp đặt thuế quan đối với hàng trăm tỉ USD hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, với hy vọng kích thích ngành sản xuất trong nước và giảm sự phụ thuộc vào quốc gia ở bên kia bán cầu.
Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc chủ yếu làm tăng chi phí đối với các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Mỹ trong khi các lợi ích đạt được là không rõ ràng. Tuy nhiên, ông Joe Biden vẫn giữ nguyên các hàng rào thuế đó sau khi trở thành Tổng thống vào năm 2021, thậm chí còn tiến xa hơn 1 bước.
Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới cấm bán một số công nghệ của Mỹ cho Trung Quốc. Các dự luật mà ông Biden đã ký để thúc đẩy hoạt động sản xuất chất bán dẫn và công nghệ năng lượng xanh dường như đang chuyển hướng một số khoản đầu tư từ Trung Quốc quay trở lại Mỹ.
Và 'liên minh' giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc trở thành một phần của “thành trì kinh tế” kiềm tỏa sức mạnh của Trung Quốc ở châu Á.
Trung Quốc hiện đang phải đối diện với nhiều thách thức trong hệ thống của họ, trong khi cũng có nhiều đối thủ cạnh tranh trên trường quốc tế. Nền kinh tế Mỹ, trong khi đó, vẫn bền bỉ và năng động. Sự thống trị của nền kinh tế Mỹ, bởi vậy, dường như chưa thể bị vượt qua./.
Trung Quốc chịu thua thiệt trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung?
[ĐỌC CHẬM] Bao giờ nền kinh tế Trung Quốc vượt qua Mỹ?
Tham vọng của Ấn Độ: Trở thành cột trụ của nền kinh tế toàn cầu, sánh ngang với Mỹ, Trung Quốc và EU
Nguồn tham khảo:Yahoo Finance