Kế hoạch tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng
Ít người có thể tưởng tượng được sự chào đón nồng hậu mà Mỹ dành cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khi ông có chuyến thăm Washington D.C cuối tháng này. Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chuẩn bị một bữa tiệc long trọng tại Nhà Trắng. Lãnh đạo lưỡng viện tại Quốc hội cũng không chịu thua kém khi đã mời ông phát biểu lần thứ hai – niềm vinh dự mà chỉ duy nhất cố Thủ tướng Anh Winston Churchill có được.
Còn theo thông cáo báo chí Nhà Trắng, chuyến thăm này sẽ “khẳng định mối quan hệ đối tác gần gũi và sâu rộng giữa Mỹ và Ấn Độ”.
Trên thực tế, quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ chưa từng gần gũi và sâu rộng đến mức đó. Nhưng lãnh đạo Mỹ, cả từ đảng Cộng hoà lẫn đảng Dân chủ, đều mong muốn như vậy. Họ xem Ấn Độ là một đồng minh không thể thiếu trong cuộc canh tranh chiến lược với Trung Quốc.
Sau cùng, Ấn Độ mới đây đã trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, chính sách ngoại giao của họ cũng cứng rắn với Trung Quốc, mặc dù họ vẫn phản đối ý tưởng về trật tự do Mỹ dẫn đầu. Ấn Độ có cộng đồng hải ngoại lớn nhất thế giới với tầm ảnh hưởng khá lớn. Nhưng sức hút của Ấn Độ không chỉ dừng ở dự báo rằng nền kinh tế nước này cuối cùng sẽ phát huy hết tiềm năng.
Ấn Độ hiện đã là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Thủ tướng Modi hứa hẹn đà tăng trưởng nhanh sẽ giúp nước này trở thành cột trụ của nền kinh tế thế giới, sánh ngang với Mỹ, Trung Quốc và EU. Bất chấp một số lỗ hổng trong quản lý kinh tế của Chính phủ, đó vẫn là một mục tiêu cần nhắm đến.
Nền kinh tế Ấn Độ sẽ bùng nổ, theo như lời các quan chức của chính quyền Modi, nhờ có một lực lượng lao động trẻ, chính sách công nghiệp mạnh mẽ và nhiều cơ hội chào đón các công ty phương Tây đang muốn đa dạng hoá khỏi Trung Quốc.
Nhiều doanh nhân nổi tiếng đã bị thuyết phục bởi điều này. Tim Cook, CEO của Apple, người đã mở cửa hàng đầu tiên tại Ấn Độ, đã tuyên bố với các nhà đầu tư rằng "Thị trường đang tràn đầy năng lượng và sự sôi động, không thể tin nổi... Ấn Độ đang ở điểm bùng phát". Chỉ trong vài ngày sau đó, Foxconn, một công ty điện tử Đài Loan (Trung Quốc), đã khởi công xây dựng một nhà máy trị giá 500 triệu USD tại Ấn Độ.
GDP của Ấn Độ tăng trưởng 6,1% trong quý đầu năm 2023, so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ trọng đầu tư trên GDP đạt mức cao nhất trong vòng một thập kỷ.
Những dự báo đầy triển vọng
Tuy nhiên, cũng có sự ngờ vực. Một số người chỉ ra chủ nghĩa thân hữu và chủ nghĩa bảo hộ khiến nền kinh tế bị kéo tụt; một số khác phàn nàn về những thông số được thổi phồng về đà tăng trưởng của Ấn Độ. Một số nước phương Tây coi chủ nghĩa bè phái ngày càng tăng ở Ấn Độ như mối đe doạ tiềm tàng đối với đà tăng trưởng.
Tuy nhiên, để Ấn Độ trở thành một cột trụ của nền kinh tế thế giới, không cần phải có sự cải thiện đáng kể ở mọi lĩnh vực. Họ chỉ cần duy trì tốc độ tăng trưởng hiện tại. Theo dự báo của Goldman Sachs, GDP của Ấn Độ sẽ vượt qua khu vực đồng tiền chung Châu Âu vào năm 2051 và Mỹ vào năm 2075, với giả định rằng tốc độ tăng trưởng trong 5 năm tới là 5,8%, sau đó giảm xuống còn 4,6% trong giai đoạn 2030 và thấp hơn trong giai đoạn sau đó.
Goldman tự tin như vậy một phần là do nhân khẩu học của Ấn Độ. Trong khi lực lượng lao động của Trung Quốc và EU sẽ giảm do dân số già đi, thì lực lượng lao động của Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng cho đến cuối những năm 2040, theo dự báo từ OECD.
Nguồn cung lao động đóng vai trò quan trọng trong dự báo tăng trưởng kinh tế hàng năm trong vòng 5 năm theo Goldman Sachs. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn đối mặt với tình trạng nghèo đói. Ngay cả vào năm 2075, sản lượng GDP trung bình đầu người của Ấn Độ dự kiến vẫn sẽ thấp hơn khoảng 45% so với Trung Quốc và khoảng 75% so với Mỹ.
Tăng trưởng ấn tượng
Năm 1700, Ấn Độ chiếm 24% GDP toàn cầu, nhiều hơn Trung Quốc, nhưng con số này giảm xuống còn 1% vào năm 1993 sau một cuộc khủng hoảng tài chính. Kể từ đó, nước này tăng trưởng khá nhanh, và xu hướng này tiếp tục sau khi ông Modi nhậm chức năm 2014. Ấn Độ giờ chiếm 3,6% GDP toàn cầu, bằng với Trung Quốc năm 2000. Theo ước tính của IMF, đến năm 2028, con số này sẽ đạt 4,2%, vượt qua Đức và Nhật Bản.
Sức ảnh hưởng của Ấn Độ cũng gia tăng trong nhiều lĩnh vực khác: thị trường chứng khoán của họ là lớn thứ 4 trên thế giới, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ so với GDP của Ấn Độ đạt mức gần kỷ lục hàng năm. Trong thập kỷ qua, giá trị xuất khẩu đã tăng 73%, và đóng góp của Ấn Độ vào xuất khẩu toàn cầu đã tăng từ 1,9% vào năm 2012 lên 2,4% vào năm 2022.
Cơ sở hạ tầng giao thông của Ấn Độ được cải thiện đáng kể dưới thời Thủ tướng Modi và những người tiền nhiệm gần đây của ông. Đầu tư cho cơ sở hạ tầng tăng hơn 3 lần nếu xét theo tỷ trọng của GDP, so với giai đoạn giữa những năm 2010. Chiều dài mạng lưới đường xá đã tăng khoảng 25%, lên 6 triệu km, kể từ năm 2014. Số lượng sân bay tăng gấp đôi.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cũng phát triển mạnh mẽ, với 816 triệu kết nối băng thông rộng tính đến năm 2022 và hàng loạt các dịch vụ số được nhà nước bảo trợ, từ e-banking cho tới thanh toán phúc lợi phục vụ cho hàng trăm triệu người dân. Về cơ sở hạ tầng năng lượng, Ấn Độ sẽ bổ sung công suất phát điện mặt trời trong năm 2023 nhiều hơn bất cứ nơi nào khác, ngoại trừ Mỹ và Trung Quốc, theo Bloomberg.
Thúc đẩy sản xuất bằng “Make in India”
Đối với một nền kinh tế đang phát triển, Ấn Độ phụ thuộc vào dịch vụ một cách bất thường: chúng chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này giúp Ấn Độ trở thành nước xuất khẩu dịch vụ lớn thứ 7 thế giới, chiếm khoảng 4,5% tổng lượng toàn cầu, tăng từ mức 3,2% cách đây một thập kỷ. Các công ty dịch vụ công nghệ lớn của họ đã trên đà tăng trưởng vượt bậc kể từ khi đại dịch bắt đầu, giúp cho các sản phẩm phần mềm của họ được bán ra trên toàn thế giới.
Đáng chú ý là ngành công nghiệp dịch vụ Ấn Độ, mặc dù doanh thu xuất khẩu hơn 200 tỉ USD, nhưng chỉ sử dụng khoảng 5 triệu lao động. Trong số 900 triệu người trong độ tuổi lao động ở Ấn Độ, chỉ có gần một nửa gia nhập lực lượng lao động và khoảng 60 triệu người có công việc chính thức.
Một cách để khắc phục điều này là tạo thêm nhiều việc làm hơn cho giới "cổ cồn xanh" bằng cách tăng cường ngành sản xuất. Đây chính là mối quan tâm chính trong hoạch định chính sách của Ấn Độ trong suốt 3 thập kỷ qua.
Kế hoạch thúc đẩy sản xuất của ông Modi, dưới khẩu hiệu “Make in India”, nhằm thu hút các công ty nước ngoài đang muốn đa dạng hoá chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc. Cơ sở hạ tầng của Ấn Độ đã được cải thiện, họ cung cấp một thị trường nội địa lớn và nhiều lao động tiềm năng.
Theo một báo cáo được công bố bởi IMF vào tháng 4, Ấn Độ sẽ được hưởng lợi nếu các chuỗi cung ứng được tăng cường ở cả hai phía của sự phân chia địa chính trị. Để đạt được điều này, Thủ tướng Modi đã khởi động chương trình trợ cấp 33 tỉ USD vào năm 2020 cho các công ty trong 14 ngành, từ dược phẩm đến ngành sản xuất tấm pin mặt trời, với điều kiện đạt được mục tiêu doanh số nhất định.
Một số ngành sản xuất đang bùng nổ: xuất khẩu máy móc, thiết bị điện tử, xe hoặc phụ tùng đã tăng 63% trong 5 năm qua. Apple giờ lắp ráp 7% lượng smartphone của họ ở Ấn Độ, theo Bloomberg. Các tập đoàn trong nước của Ấn Độ, như Tata Group, cũng đang đầu tư vào thiết bị điện tử.
Tuy nhiên, số vốn thực sự được triển khai đến nay mới chỉ dưới 10 tỉ USD. Một dự án lớn, nhà máy bán dẫn 19 tỉ USD ở bang Gujarat, đã bị ngừng.
Sản xuất của Ấn Độ tăng trưởng chỉ 4,5% trong quý cuối cùng năm 2022, so với cùng kỳ năm trước đó, và tỷ trọng GDP, ở mức 17%, cũng chỉ trên mức trung bình trong thập kỷ qua. Khoảng 1/3 mức tăng xuất khẩu hàng hoá tính theo giá trị từ năm 2019 phản ánh việc nước này mua ngày càng nhiều dầu của Nga, một lượng trong số này được tinh chế và tái xuất khẩu.
Nhìn chung, ngành sản xuất Ấn Độ vẫn chưa thực sự đột phá, mặc dù đà tăng trưởng vững vàng vẫn có thể được duy trì.
Còn nhiều thách thức
Liệu đà tăng trưởng của Ấn Độ có bền vững hay không? Có nhiều yếu tố trong công thức này có thể góp phần vào sự bền vững, như lực lượng lao động dồi dào, hệ thống giáo dục ưu tú, văn hoá doanh nghiệp và sự tạo lập các chuỗi giá trị cùng với sự ảnh hưởng của cộng đồng người ở nước ngoài. Thủ tướng Modi dự kiến sẽ đắc cử vào nhiệm kỳ thứ ba trong năm tới. Tất cả những yếu tố này đều tạo điều kiện thuận lợi.
Tuy nhiên, Ấn Độ cũng phải đối mặt với một số mối đe dọa lớn.
Thứ nhất, ngành dịch vụ của Ấn Độ có thể đối mặt với sự suy giảm. Các công ty công nghệ Ấn Độ hiện đang phụ thuộc vào nguồn lao động có kỹ năng, và do đó, áp dụng các mô hình kinh doanh yêu cầu nhiều lao động. Tuy nhiên, các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) có thể đe dọa mô hình này.
Rủi ro thứ hai là việc Thủ tướng Modi đề cao các "nhà vô địch" trong nước và sự xói mòn của thể chế, bao gồm hệ thống tòa án, có thể gây ra sự suy yếu trong nguồn đầu tư từ nước ngoài. Nhiều công ty công nghệ Trung Quốc đã bị cấm hoạt động tại Ấn Độ. Ngày càng có nhiều công ty đa quốc gia nhận thấy cần phải đạt được thoả thuận với các công ty trong nước, ví dụ như công ty xi măng Holcim của châu Âu đã bán chi nhánh ở Ấn Độ cho Adani; Meta đầu tư vào Reliance Industries.
Lo ngại về một môi trường cạnh tranh không công bằng có thể là nguyên nhân khiến nguồn vốn trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào Ấn Độ giảm tốc, từ mức trung bình 7 tỉ USD mỗi tháng trong vài năm trước xuống dưới 5 tỉ USD trong tháng 2 và tháng 3 năm nay. Hơn nữa, cũng có sự gián đoạn trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có quy mô lớn.
Nguy cơ cuối cùng là chiến lược kinh tế "nhỏ giọt" của Ấn Độ có thể gây phản tác dụng. Thay vì tạo ra công ăn việc làm, họ dựa vào tài sản của một số ngành công nghiệp chính thức quá nhỏ để lan tỏa lợi ích cho một phần lớn dân số, đặc biệt là những người có trình độ học vấn thấp./.
[ĐỌC CHẬM] Ấn Độ: Chuyển đổi số đã tăng cường sức mạnh, vị thế quốc gia như thế nào?
Ấn Độ: Đất nước đông dân nhất thế giới và tham vọng 'công xưởng của thế giới'
Lý do Apple chuyển hướng sang thị trường Ấn Độ
Theo The Economist