Từ vận tải đến truyền hình: chính sách mới cho mô hình kinh doanh mới

Nguyễn Minh Đức
Nguyễn Minh Đức

Chuyên gia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes -- Cách đây chưa lâu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng, phát biểu với báo giới, đề xuất quy chế riêng để quản lý các ứng dụng gọi xe, chứ không nên xếp chung với dịch vụ vận tải. Đây là ý kiến xác đáng và được dư luận hoan nghênh và đồng tình.

Hôm nay, 29/05/2019, họp tại Văn phòng Chính phủ, góp ý về Dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP, quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định 86), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đến và trình bày lại ý tưởng này.

Cần phải nói rằng Nghị định 86 là do Bộ Giao thông vận tải chủ trì soạn thảo. Việc bộ trưởng bộ này đến cuộc họp về Nghị định do một bộ khác soạn thảo là vô cùng hiếm. Điều này chứng tỏ Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng rất quyết tâm trong việc tạo cơ chế mới để quản lý mô hình kinh doanh mới.

Nhưng sự nở rộ của các mô hình kinh doanh mới không chỉ ở lĩnh vực vận tải. Những mô hình kinh doanh mới cũng đã xuất hiện trong lĩnh vực truyền hình và internet – thuộc phạm vi quản lý của Bộ TT&TT.

Xem video trên internet thì được Liên hợp quốc (bảng mã CPC) phân loại vào dịch vụ nội dung trực tuyến (online content), chứ không phải dịch vụ truyền hình (television). (Ảnh: minh họa)
Xem video trên internet thì được Liên hợp quốc (bảng mã CPC) phân loại vào dịch vụ nội dung trực tuyến (online content), chứ không phải dịch vụ truyền hình (television). (Ảnh: minh họa)

Cụ thể: trước đây, chúng ta chỉ có truyền hình vệ tinh, truyền hình cột sóng mặt đất và truyền hình cáp. Tất cả được quản lý bởi Nghị định số 06/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình (sau đây gọi tắt là Nghị định 06).

Gần đây bắt đầu nở rộ dịch vụ xem video trên mạng internet, nhờ sự phát triển của băng thông tốc độ cao. Đây cũng có thể được coi là một hình thức kinh doanh mới trong lĩnh vực giải trí. Dịch vụ này giống với truyền hình ở chỗ đều cung cấp hình ảnh video đến cho khách hàng. Nhưng điểm khác là nó không còn khái niệm kênh, người dùng được quyền tự do lựa chọn chương trình xem, lựa chọn thời điểm xem, lựa chọn có hay không có quảng cáo (trả tiền hay không), lựa chọn tua nhanh, xem chậm, lựa chọn ngôn ngữ, phụ đề/thuyết minh...

Nhưng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06 của Bộ TT&TT thì vẫn coi mô hình kinh doanh mới này là dịch vụ truyền hình và quản lý nó như đối với truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh. Việc áp tư duy chính sách cũ vào mô hình kinh doanh mới này được dự đoán sẽ là một bước lùi rất lớn trong công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam.

Theo kinh nghiệm quốc tế, dịch vụ của Uber được Tòa án Châu Âu xếp vào "dịch vụ trong lĩnh vực vận tải", tức là nó rất gần với vận tải. Còn xem video trên internet thì được Liên hợp quốc (bảng mã CPC) phân loại vào dịch vụ nội dung trực tuyến (online content), chứ không phải dịch vụ truyền hình (television). Nói cách khác, xem video trực tuyến gần giống với các dịch vụ trò chơi trực tuyến, sách, trang thông tin điện tử trực tuyến... hơn là giống với truyền hình.

Đương nhiên, không có một cách phân loại dịch vụ nào là chính xác tuyệt đối, cũng chẳng có mô hình chính sách nào là thuần đúng hay thuần sai. Nhưng việc đưa ra mô hình chính sách mới để quản lý những mô hình kinh doanh mới đang được coi là chìa khóa then chốt giúp Việt Nam bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Dư luận rất mong chờ tinh thần đó được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh và cụ thể hóa không chỉ trong lĩnh vực ứng dụng gọi xe mà còn bao gồm cả lĩnh vực video trực tuyến.