Thị trường OTT Việt – Bánh ngon nhưng khó xơi?

VietTimes -- Một loại hình truyền hình trả tiền còn rất mới nhưng đã có con số ấn tượng về thuê bao, khiến nhiều người hình dung về một cú hích không xa cho thị trường truyền hình trả tiền. Nhưng đó mới là bề nổi, chỉ những người đang trong “cuộc đua” OTT truyền hình mới biết họ đang phải đối diện với một thực tế rất khác.
Nhiều ý kiến cho rằng việc đầu tư cho OTT thời điểm này là nhạy cảm, hết sức tốn kém và hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ OTT đều đang loay hoay tìm hướng ra cho riêng mình.
Nhiều ý kiến cho rằng việc đầu tư cho OTT thời điểm này là nhạy cảm, hết sức tốn kém và hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ OTT đều đang loay hoay tìm hướng ra cho riêng mình.

Phát triển nhiều năm nhưng vẫn là “đầu tư cho tương lai”

Trong số các hình dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam như: Truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, truyền hình kỹ thuật số thì truyền hình OTT là non trẻ nhất. Theo TS. Vũ Trọng Phong - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cuộc chiến dịch vụ truyền hình OTT đã thực sự bùng nổ khi mà từ năm 2016, các DN truyền hình như: SCTV, VTVcab, K+, VTC, VNPT, Clip TV… đã nhập cuộc và năm 2017 đã chứng kiến sự bùng nổ của dịch vụ này tại Việt Nam. Sự phát triển bùng nổ các dịch vụ OTT đã đe dọa đến các dịch vụ truyền hình truyền thống. Do đó, các DN truyền hình buộc phải nhập cuộc chơi OTT và hướng đến việc thu phí như một nỗ lực để gia tăng doanh thu.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc đầu tư cho OTT thời điểm này là nhạy cảm, hết sức tốn kém và hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ OTT đều đang loay hoay tìm hướng đi cho riêng mình.

Theo con số thống kê nội bộ năm 2018, từ nguồn tin riêng của VietTimes, VTVgo – OTT của Đài truyền hình Việt Nam là một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ OTT có doanh thu tốt nhất hiện nay, ở mức khoảng 22 tỷ đồng/năm, tuy nhiên, chi phí của dịch vụ này lên đến khoảng 50 tỷ đồng/năm và con số doanh thu này là rất nhỏ so với doanh thu 6.000 tỷ đồng/năm của toàn VTV, chỉ tương đương 0.37%.

Hoặc như VTC, doanh thu từ truyền hình OTT cũng chỉ đạt quanh ngưỡng 10 tỷ đồng/năm, so với tổng doanh thu 1000 tỷ của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC thì chỉ chiếm khoảng gần 1%.

Đặt con số so sánh tại một Đài cấp tỉnh, như Đài TH Vĩnh Long, doanh thu quảng cáo từ OTT mang về khoảng 2,5 tỷ đồng/năm, cũng là con số nhỏ so với 2.000 tỷ đồng doanh thu truyền hình.

Đó là những con số vô cùng chênh lệch về doanh thu từ dịch vụ OTT truyền hình và truyền hình truyền thống. Các đơn vị cung cấp dịch vụ OTT truyền hình khác ở Việt Nam cũng đều đang trong trạng thái tương tự.

“Hầu hết các đơn vị cung cấp dịch vụ OTT truyền hình, trong đó có cả VTC đều nhìn thấy là tốc độ tăng trưởng của quảng cáo online qua các năm đều tăng, còn tốc độ của quảng cáo truyền hình đang chậm lại. Vì thế, việc đầu tư vào OTT truyền hình là điều tất yếu, là xu hướng buộc phải đi, dù trong giai đoạn này hầu hết đều… đang lỗ”, ông Nguyễn Lê Tân, PGĐ Trung tâm Nội dung số, Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC - đơn vị đang phát triển ứng dụng OTT VTC Now, cho biết.

Là người trong cuộc, chính đại diện VTC Now cũng phải thừa nhận rằng đầu tư cho OTT truyền hình là câu chuyện là đầu tư cho tương lai, còn để cân đối thu chi tại thời điểm hiện tại thì đều là câu chuyện bất khả thi với hầu hết các đài.

“Cuộc đua” OTT và doanh thu trên những con số

Đối với nhà cung cấp các dịch vụ truyền hình trả tiền khác, như IPTV, việc phát triển được 1 thuê bao là con số rất giá trị, vì để trở thành thuê bao thì phải qua nhiều bước, từ ký hợp đồng sử dụng Internet đến rất nhiều các thủ tục khác. Và theo đó, 1 triệu thuê bao có thể coi là con số cực lớn đối với một nhà cung cấp dịch vụ IPTV. Nhưng để có 1 thuê bao OTT, chỉ cần người dùng có smartphone và thực hiện thao tác cài đặt ứng dụng đơn giản.

“Qua một sự kiện ASIAD, VTC Now có 1,5 triệu thuê bao. Nếu nhìn một cách đơn thuần, có thể thấy số lượng thuê bao OTT tăng khủng khiếp. Nhưng tính về doanh thu, mỗi thuê bao IPTV đều sẽ đóng phí hàng tháng, nhà cung cấp dịch vụ sẽ có dòng tiền ổn định. Điều này trái ngược với OTT, khi mà nhà cung cấp dịch vụ OTT đều có doanh thu dựa vào quảng cáo và chỉ mới nhìn thấy tương lai trên những con số, họ không có tiền ngay và cũng không quay vòng vốn được ngay”, ông Tân cho biết.

Theo đó, trong “cuộc chiến” này, khó mà khẳng định được OTT truyền hình có thể “nuốt chửng” được IPTV nói riêng và các loại hình truyền hình trả tiền truyền thống khác, nhưng rõ ràng các nhà cung cấp dịch vụ có dòng tiền đều đặn để duy trì và phát triển kinh doanh vẫn có lợi thế hơn nhiều.

Câu chuyện tìm lối ra trong cuộc chiến trên thị trường OTT là bài toán đối với các nhà cung cấp dịch vụ có tiềm lực thì đối với các đài nhỏ, việc chuyển đổi càng trở nên khó khăn hơn. Trao đổi tại một hội thảo về truyền hình trả tiền diễn ra gần đây, ông Nguyễn Lê Đăng Quang – Đài PTTH Bình Dương đặt câu hỏi có lẽ là vấn đề chung mà nhiều nhà cung cấp dịch vụ OTT truyền hình cùng quan tâm: "Những đài nhỏ, thiếu cơ sở thiết bị và nguồn nhân lực sẽ gặp phải những rủi ro và khó khăn gì nếu bước vào cuộc chơi OTT?".

Chia sẻ suy nghĩ này, ông Tân cho rằng, đài truyền hình nào cũng đều muốn chuyển đổi sang online, nhưng chuyển đổi bằng cách nào thì hầu hết các nhà cũng cấp đều đang lúng túng, và phải tự tìm ra con đường của riêng mình, vì mỗi đơn vị có đặc thù và có cách chuyển đổi khác nhau.

Để phát triển OTT truyền hình, cần 3 điều kiện. Trong đó, điều kiện tiên quyết là nền tảng Internet; điều kiện thứ hai là chính sách hỗ trợ của nhà nước về OTT và điều kiện thứ ba cũng là điều kiện quan trọng nhất, mỗi đài cần có nội dung đặc sắc và định hình được vị trí trong lòng khán giả. Tuy nhiên, hiện tại các nhà đài ở Việt Nam chưa có nền tảng Internet thực sự tốt; chính sách hỗ trợ của nhà nước cho sự phát triển của OTT chưa hoàn thiện.

Riêng về nội dung trên OTT truyền hình, đại diện VTC Now cho rằng, cách làm thường thấy ở một số đài truyền hình hiện nay là sử dụng nguyên các chương trình đã phát sóng để làm nội dung OTT. Việc này gần như chỉ phục vụ nhu cầu xem lại của khán giả chứ chưa là phương án tốt trong việc đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa trong thời đại 4.0. Cách làm này mới chỉ là chuyển đổi đơn thuần về kỹ thuật, chỉ là chuyển đổi định dạng (transcode) chứ chưa thể coi là chuyển đổi số.

Cùng chung quan điểm về “cuộc đua” OTT, ông Nguyễn Thanh Lâm – Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, bày tỏ: "Cần rất thận trọng khi tham gia cuộc chơi với các ông lớn khác. Chiến lược của các đài quốc gia, các đài địa phương là khác nhau, không thể áp dụng “cùng bài” được".

Số liệu của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, chỉ số doanh thu trên thuê bao (ARPU) của truyền hình tại Việt Nam ở mức thấp so với trung bình của khu vực và thế giới khi chỉ 4 USD/thuê bao, trong khi các nước ASEAN là 10 đến 15 USD/thuê bao.