Truyền hình OTT sẽ thay thế truyền hình truyền thống trong 3 năm tới?
Vào năm 2017, hãng Streaming Media, Unisphere Research và Level 3 Communications đã tiến hành khảo sát 486 chuyên gia làm trong ngành truyền thông, trong đó 16% số người được khảo sát đang sống ở châu Âu, 70% sống ở Bắc Mỹ, 9% ở châu Á – Thái Bình Dương và 5% ở Nam Phi. Một trong những câu hỏi khảo sát là “dự đoán thời điểm truyền hình OTT sẽ vượt qua truyền hình truyền thống về số lượng thuê bao?”. Kết quả là 70% số người được hỏi cho rằng vào năm 2020, thế giới sẽ chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ trong lĩnh vực truyền hình với sự soán ngôi của OTT.
Hơn một phần tư số người được khảo sát dự đoán rằng mức tăng trưởng hàng năm của thị trường OTT sẽ là 25%, trong khi hơn một nửa số người được hỏi nói rằng mức tăng trưởng sẽ nằm trong khoảng từ 30-50%. Hai phần ba số người được hỏi cho rằng các dịch vụ liên quan đến OTT sẽ chiếm hơn một phần tư công việc của họ trong tương lai.
Tất nhiên, những người được khảo sát cũng tỏ ra lo lắng về hạn chế của đường truyền băng thông rộng có thể ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và trải nghiệm người dùng OTT.
Có thể nói truyền hình OTT là đại diện cho một xu hướng không thể cưỡng nổi của việc phân phối nội dung đến người xem. Nhưng tại sao truyền hình truyền thống lại thất thế so với OTT? Đó là vì với OTT, khán giả được xem những gì mình muốn. Một trong những dịch vụ làm nên OTT là Video on Demand (VoD) – xem video theo yêu cầu. Nếu người dùng chẳng may bỏ lỡ một sự kiện trực tiếp đang diễn ra, dịch vụ OTT có thể giúp họ ghi lại, và xem lại vào lúc rảnh rỗi.
Hơn nữa, với sự phát triển mạnh mẽ của các thiết bị cá nhân như smartphone, máy tính bảng, laptop, người xem có thể truy cập các nội dung qua những thiết bị này một cách tiện lợi, ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời gian nào, tiện lợi hơn hẳn một chiếc tivi cồng kềnh đặt cố định trong phòng khách.
Nhận thấy xu hướng truyền hình OTT sẽ trở nên phổ biến, nhiều “ông lớn” của nước ngoài đã đầu tư sản xuất nội dung riêng cho OTT. Có thể kể đến những cái tên như Netfix, YouTube, Iflix. Chẳng hạn như Netflix, năm 2015 hãng này đầu tư 5 tỷ USD cho sản xuất chương trình, năm 2018 con số này đã lên đến 7 tỷ USD.
Biểu đồ dưới đây là những chương trình có số lượng người xem cao nhất trên Netflix tính từ tháng 1/2018 – 11/2018, trong đó các cột màu xám là chương trình do Netflix tự sản xuất, cột màu đỏ là chương trình Netflix mua lại bản quyền từ Disney, Fox, WarnerMedia và NBCU (nguồn: Recode)
Theo nghiên cứu của Unisphere Research thì các dịch vụ truyền hình OTT ngày càng thu hút được nhiều thuê bao. Năm 2016, Hulu có 12 triệu thuê bao, Netflix có 75 triệu thuê bao trải khắp thế giới, còn Amazon Prime có 50 triệu thuê bao.
Sau 2 năm, tính đến năm 2018, số lượng thuê bao của Netflix đã lên đến 93,8 triệu, trong khi Amazon Prime có 66 triệu. Đây thực sự là một tốc độ gia tăng nhanh chóng nếu bạn biết rằng năm 2015 Netflix mới có 17,4 triệu thuê bao.
Số tiền quảng cáo đổ vào truyền hình OTT cũng đang tăng lên. Xu hướng này cho thấy các nhà quảng cáo đã coi OTT là một phương thức marketing hiệu quả. Biểu đồ dưới đây do Unisphere Research, Level 3 và Streaming Media đưa ra cho thấy nếu như năm 2017 số tiền mà các hãng OTT thu được từ thuê bao là 42%, quảng cáo là 35% thì dự kiến năm 2018 số tiền thu được từ quảng cáo tăng lên 36%. Số tiền thu được từ dịch vụ Pay-per-View (tạm dịch là Xem gì trả nấy) cũng tăng từ 23% lên 25%.
Ở Anh, vào tháng 7 năm 2017, cơ quan truyền thông Ofcom đã đưa ra một thống kê cho thấy lần đầu tiên số lượng thuê bao đăng ký dịch vụ video theo yêu cầu (SvoD) vượt qua số thuê bao truyền hình trả tiền. Cụ thể, trong quý I năm 2017, đã có 15,4 triệu lượt đăng ký dịch vụ SVoD của Netflix, Amazon Prime Video và Now TV, trong khi con số này ở truyền hình trả tiền truyền thống là 15,1 triệu lượt. Nhìn chung, 11,1 triệu hộ gia đình ở Anh có ít nhất một thuê bao của một trong ba hãng nói trên.
Thống kê của Ofcom cũng cho thấy lần đầu tiên doanh thu từ thuê bao truyền hình truyền thống đã giảm 2,7% sau thời gian tăng trưởng bền vững. Doanh thu quảng cáo trên truyền hình cũng giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.
Xu hướng phát triển truyền hình OTT ở châu Á
2018 có thể coi là năm nhiều khởi sắc đối với truyền hình OTT ở châu Á khi các nhà cung cấp nội dung toàn cầu, các hãng truyền hình trả tiền và các công ty cung cấp dịch vụ OTT đều tăng cường các dịch vụ OTT đến người dùng.
Trong một động thái nhằm thay đổi cuộc chơi, Disney đã mua lại Fox vào giữa năm và công bố kế hoạch ra mắt dịch vụ OTT của riêng mình với tên gọi là Disney+ vào năm 2019 - 2020. HOOQ, một dịch vụ phát trực tuyến OTT đa quốc gia giống như Netflix, được hỗ trợ bởi Sony Pictures Television, Warner Media và SingTel, tiếp tục các bước đi mạnh mẽ của họ ở khu vực châu Á và Ấn Độ, và gần đây đã ra mắt 50 kênh miễn phí ở Indonesia. HBO Go châu Á gần đây đã mở rộng dấu chân của mình bằng việc ra mắt tại Indonesia bên cạnh sự hiện diện tại các thị trường Singapore, Philippines và Hồng Kông.
Dưới đây là 7 xu hướng sẽ định hình truyền hình OTT tại khu vực châu Á trong những năm tới:
1. Tập trung vào khách hàng
Nếu những năm trước đây các nhà cung cấp nội dung thường chú trọng vào đầu tư vào hạ tầng công nghệ, thì năm 2019 họ sẽ tập trung vào khách hàng, cho phép họ truy cập vào những nội dung đặc sắc. Ông Kevin Mayer – Giám đốc Chiến lược Tiếp cận Khách hàng của Disney trong một cuộc phỏng vấn gần đây nói rằng: “Có một mối quan hệ tốt với khách hàng sẽ giúp chúng tôi kiểm soát được vận mệnh của chính mình”.
2. Cho phép truy cập nội dung OTT trên nhiều thiết bị, đa nền tảng
Xu hướng sử dụng dịch vụ OTT tại châu Á là một biểu đồ với mũi tên hướng lên trên và sang phải. Hiện nay với sự phát triển đa dạng của các thiết bị điện tử cá nhân, cũng như tốc độ băng thông Internet được cải thiện, đã làm tăng “sức tiêu thụ” các nội dung OTT tại châu Á. Tuy nhiên cũng có những trở ngại đối với việc người dùng được xem những nội dung mà họ muốn, hoặc được cung cấp tùy chọn trả tiền cho nội dung họ xem.
3. Người tiêu dùng muốn các tùy chọn thanh toán linh hoạt
Lựa chọn mô hình kinh doanh truyền hình OTT cũng cần phải linh hoạt cho người xem. Các nhà cung cấp OTT có thể đưa ra các gói thuê bao khác nhau, chẳng hạn một gói thuê bao giá rẻ vào cuối tuần để xem các trận đấu bóng đá. Mục đích là cho phép người xem được trải nghiệm chất lượng dịch vụ để rồi sau đó biến họ thành một thuê bao dài hạn.
4. Quảng cáo trên OTT sẽ phát triển mạnh
Người xem truyền hình OTT đương nhiên biết rằng họ sẽ phải trả tiền để được xem các nội dung trên nền tảng đó. Ngoài ra, họ cũng sẽ được quyền chọn lựa có hay không xem quảng cáo, nếu xem thì xem quảng cáo loại gì. Với truyền hình OTT, họ sẽ được xem các quảng cáo nhắm mục tiêu tốt hơn, phù hợp hơn so với quảng cáo trên truyền hình truyền thống.
Do tính chất nắm được đối tượng người xem ai, ở độ tuổi nào, sở thích là gì, nên truyền hình OTT sẽ thu hút được ngày một nhiều nhà quảng cáo tìm đến. Đối với các nhà quảng cáo, truyền hình OTT là sự kết hợp tuyệt vời của nội dung hấp dẫn và địa chỉ khách hàng. Giám đốc tiếp thị các nhãn hàng sẽ thích thú với những gì họ thu được từ truyền hình OTT.
5. Nội dung là thứ được đầu tư để giữ chân người xem
Theo nghiên cứu của hãng Brightcove và YouGov, các gói khuyến mãi và xem thử chính là vũ khí để lôi kéo khách hàng, nhưng chính nội dung mới là thứ giữ chân họ lâu dài. Các hãng truyền hình OTT sẽ đầu tư nhiều hơn cho nội dung. Như đã đề cập ở phần trên của bài viết, nếu như năm 2015 Netflix đầu tư 5 tỷ USD để sản xuất nội dung có bản quyền, thì đến năm 2018 con số này là 7 tỷ. Ngoài ra, các hãng cung cấp dịch vụ OTT cũng sẽ đưa ra những lựa chọn đa dạng cho người sử dụng, chẳng hạn tính năng tải xuống ngoại tuyến, cho phép người dùng xem nội dung khi họ không sử dụng Wi-Fi hoặc mạng di động; hay tính liên tục của video, cho phép người dùng tiếp tục xem ở đoạn mà họ bỏ dở lần trước; hoặc xem được trên nhiều thiết bị. Tất cả các tính năng này được thiết kế để tăng độ hấp dẫn cho dịch vụ, khuyến khích thói quen xem say sưa.
6. Các hãng truyền hình trả tiền truyền thống sẽ thử nghiệm giải pháp OTT
Mức tăng trưởng hàng năm của các hãng truyền hình trả tiền (truyền hình cáp) ở châu Á – Thái Bình Dương sẽ giảm dần xuống còn chỉ 2% năm (từ 267 triệu thuê bao vào năm 2018 lên 288 triệu thuê bao vào năm 2023). Tăng trưởng thấp như vậy có nghĩa là các nhà khai thác truyền hình trả tiền cần thích nghi với việc thay đổi thói quen của người xem. Họ sẽ phải chuyển dần sang cung cấp truyền hình OTT.
7. Gói thuê bao ít kênh
Skinny Bundle (tạm dịch là gói thuê bao ít kênh) cũng là một xu hướng mới nổi ở châu Á. Hãng HOOQ gần đây đã tung ra các gói thuê bao ít kênh ở Indonesia, nhắm vào 90% dân số nước này - những người chưa sử dụng các dịch vụ truyền hình trả tiền. Gói ít kênh thường chỉ có khoảng từ 10 - 20 kênh, nó sẽ có giá thành rẻ hơn hẳn so với các gói truyền thống có từ 100 - 200 kênh. Hãng Verizon là một ví dụ. Hãng này đã cung cấp cho khách hàng của mình một gói chỉ có các kênh thể thao hoặc chỉ có các kênh giải trí. Suy nghĩ của Verizon là ai cần 100 - 200 kênh khi khách hàng chỉ xem trung bình 17 kênh mỗi tháng.
Hiểu được sở thích của người xem sẽ giúp các nhà phát triển nội dung tăng trưởng mạnh trong không gian OTT.
OTT (tiếng Anh: Over-The-Top) là thuật ngữ để chỉ các ứng dụng và các nội dung như âm thanh, video được cung cấp trên nền tảng Internet và không một nhà cung cấp hoặc bất kỳ cơ quan nào có thể can thiệp vào. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) có thể nhận biết được sự tồn tại của những nội dung OTT này thông qua các gói dữ liệu nhưng không thể kiểm soát được nội dung bên trong và không chịu trách nhiệm về chúng (chi phí, bản quyền,...). Điều này trái ngược với các dịch vụ tính phí trước đây, chẳng hạn xem truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh phải trả tiền cho nhà cung cấp tín hiệu truyền hình hoặc xem IPTV phải thanh toán cho nhà cung cấp dịch vụ Internet, gọi điện thoại, nhắn tin phải trả cước cho nhà mạng (nguồn: Wikipedia) |