TS Nguyễn Ái Việt: Ngôn ngữ cần phải mở hành lang cho công nghệ thông tin

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Tiếp tục câu chuyện về việc cần có Luật Ngôn ngữ và Chữ viết, VietTimes đã phỏng vấn TS Nguyễn Ái Việt – nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông).
TS Nguyễn Ái Việt - nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông
TS Nguyễn Ái Việt - nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông

PV: Với tư cách là một chuyên gia từng làm công tác nghiên cứu chiến lược và chính sách trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), ông nghĩ gì về mối quan hệ giữa CNTT và ngôn ngữ học ở góc độ chiến lược?

TS Nguyễn Ái Việt: Trước hết, tôi thấy có một số mối quan hệ như CNTT xây dựng hạ tầng thông tin, kho dữ liệu về thông tin và đó là tích luỹ một kho tri thức cho đất nước. Nhiệm vụ chính có thể nói là như thế. Tất nhiên, chúng ta có thể nói đến những phần mềm quản lý, công nghệ xử lý ngôn ngữ… nhưng cuối cùng thì vẫn là kho tri thức số. Mà phần lớn các tri thức đều nằm trong các văn bản (text) và dưới dạng ngôn ngữ. Tất nhiên, ngày nay với công nghệ đa phương tiện (multimedia) thì còn có cả âm thanh, hình ảnh. Nhưng nói cho cùng thì CNTT vẫn phải làm công việc tích luỹ và xử lý tri thức thể hiện bằng ngôn ngữ với tỷ lệ chiếm tới 80 - 90%.

Ở đây có rất nhiều việc phải làm vì ngôn ngữ vận động qua các thời kỳ. Và trong tương lai, chúng ta phải khai thác hết kho tàng tri thức đó. Dựa trên kho tàng tri thức này, chúng ta còn phải sản xuất ra những nội dung tri thức mới. Đó là nhiệm vụ của CNTT và như thế thì CNTT và ngôn ngữ phải liên quan đến nhau. CNTT phải cần đến ngôn ngữ và ngôn ngữ phải cần đến CNTT. Ngày nay, việc phân tích ngôn ngữ cũng không còn làm thủ công nữa mà phải ứng dụng CNTT. Như thế, hai ngành đều cần đến nhau và có những sự tương tác nhất định.

"CNTT và ngôn ngữ là không thể tách rời nhau như hai mặt của một tờ giấy" - TS Dương Kỳ Đức - nguyên Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam.

PV: Theo không ít chuyên gia ngôn ngữ học, sự hợp tác giữa hai ngành về cơ bản vẫn là anh có việc này cần tôi và tôi có việc kia để anh có thể tham gia. Theo ông, cách nghĩ đó có đúng không?

TS Nguyễn Ái Việt: Thực ra, quan niệm như vậy cũng có phần đúng theo một nghĩa nào đó. Tuy nhiên, nếu cứ làm như vậy thì sẽ không hiệu quả. Thực tế của việc anh cần tôi hoặc tôi cần anh thì kết quả đạt được là chất lượng sẽ bị hạn chế. Cụ thể là bản thân người làm CNTT tự đi tìm hiểu về ngôn ngữ một cách tuỳ tiện. Và các chuyên gia ngôn ngữ khi cần đến CNTT thì không tìm được những người giỏi để giải quyết công việc cho mình. Kết quả là cả hai bên là không đi đến đâu.

Theo tôi, chúng ta phải có những bài toán chung của CNTT và ngôn ngữ học. Và chỉ khi cùng có mục tiêu chung thì mới giải quyết được một cách có ý nghĩa, kết quả lớn. Nguyên nhân vì có thể vấn đề mà giới ngôn ngữ cho là hay và quan trọng thì đôi khi lại không cần đến CNTT lắm. Ngược lại, bản thân các chuyên gia CNTT cũng có thể đưa ra những bài toán mà giới ngôn ngữ chưa chắc đã cần lắm. Vì thế, chúng ta phải làm sao định hướng được công việc chung dựa trên nhu cầu của xã hội có thể lấy thí dụ như về chính tả, dịch thuật… Đó là những nhu cầu thực của xã hội mà cả hai ngành có thể cùng nhau làm.

PV: Như mong muốn của GS TS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục và Thanh thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, đã đến lúc không thể chậm hơn nữa thì chúng ta phải xây dựng Luật Ngôn ngữ và Chữ viết. Ông có kỳ vọng gì về vị thế của CNTT trong việc xây dựng đạo luật này?

TS Nguyễn Ái Việt: Theo tôi nghĩ, chắc chắn là ngôn ngữ học phải cần đến CNTT. Trong Luật Ngôn ngữ và Chữ viết, chúng ta phải làm rõ đối tượng và phạm vi điều chỉnh. Nhìn chung, Luật Ngôn ngữ và Chữ viết sẽ không đi sâu lắm về ngôn ngữ. Còn CNTT thì phải có một hành lang pháp lý nhất định thì mới có thể xử lý được ngôn ngữ theo những cách thức được thừa nhận.

Vì thế, CNTT phải là một trong những thành tố của Luật Ngôn ngữ và Chữ viết. Song đạo luật này cần quy định vai trò của các tác nhân trong xã hội cùng trách nhiệm của họ. Cụ thể, ai sẽ là người chịu trách nhiệm về chính tả? Thực tế của những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quy định về chính tả, Bộ Nội vụ quy định về trình bày văn bản thì đó vẫn là những quy định chưa được hiến định và không buộc được xã hội phải tuân thủ. Do đó, tôi hy vọng Luật Ngôn ngữ và Chữ viết sẽ giao trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan nhà nước. Thậm chí, tư nhân có được làm từ điển hay không cũng phải đặt ra.

Cuối cùng, tôi cũng chỉ xin nói thêm là tuy chúng ta đã có Luật CNTT từ nhiều năm nay nhưng CNTT không thể đặt điều kiện cho ngôn ngữ được. Nhưng ngôn ngữ sẽ phải mở hành lang cho CNTT. Và khi mở hành lang đó ra thì phải có tiêu chuẩn và ai là người đặt ra những tiêu chuẩn đó.

PV: Xin cám ơn ông!