Để tìm hiểu vấn đề này, VietTimes đã có cuộc trao đổi với GS TS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
PV: Xin giáo sư cho biết, vì sao chúng ta cần thiết phải xây dựng Luật Ngôn ngữ và Chữ viết?
GS TS Nguyễn Minh Thuyết: Thực ra, trên thế giới, không nhiều nước có Luật Ngôn ngữ và Chữ viết. Tuy nhiên, những quốc gia đa dân tộc và có nền văn hoá lâu dài cùng ý thức cao về bảo vệ, phát triển ngôn ngữ thì phải có Luật Ngôn ngữ và Chữ viết.
Đạo luật này sẽ xác lập hành lang pháp lý cho việc hoạch định các chính sách phát triển ngôn ngữ dân tộc, trong đó có ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số. Ngoài ra, trong hội nhập quốc tế cũng phải có chính sách phát triển ngoại ngữ để làm công cụ hội nhập. Hiện không có cơ quan nào được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về ngôn ngữ và chữ viết. Luật cũng sẽ phải điều chỉnh việc này.
PV: Với tư cách là một chuyên gia ngôn ngữ học, theo giáo sư chúng ta cần phải làm những bước gì để xây dựng Luật Ngôn ngữ và Chữ viết?
GS TS Nguyễn Minh Thuyết: Trước hết là những người có nhiệt huyết và trách nhiệm nên đề xuất với Quốc hội để đưa dự án Luật Ngôn ngữ và Chữ viết vào chương trình xây dựng pháp luật. Việc này thường phải làm vào trước tháng 3 hằng năm. Tuy nhiên, vì năm nay sẽ bầu Quốc hội nhiệm kỳ mới nên có thể đề xuất muộn hơn.
Còn ai có thể là người đề xuất thì theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự án luật này có thể do Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một cơ quan của Quốc hội hoặc một đại biểu Quốc hội đề xuất. Còn về góc độ xã hội thì Hội Ngôn ngữ học Việt Nam nên là cơ quan đại diện để đề xuất với một đại biểu Quốc hội, hoặc với một trong các cơ quan đã nêu, để đại biểu hoặc những cơ quan này chính thức đặt vấn đề với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Sau khi đề xuất xong, nếu Quốc hội nhất trí thì sẽ phải có những nghiên cứu để xây dựng dự thảo luật. Khi đó, sẽ phải tập hợp các chuyên gia luật pháp và ngôn ngữ học để cùng tham gia xây dựng dự thảo. Chúng ta sẽ phải nghiên cứu, tham khảo Luật Ngôn ngữ và Chữ viết của các nước cho quá trình này.
PV: Xin giáo sư cho biết, những điểm chính yếu trong nội dung cần có của Luật Ngôn ngữ và Chữ viết mà chúng ta cần xây dựng.
GS TS Nguyễn Minh Thuyết: Hiện tại, nhiều người vẫn nghĩ rằng nội dung Luật Ngôn ngữ và Chữ viết là các quy định về ngữ pháp, chính tả,... Tuy nhiên, luật không điều chỉnh những vấn đề cụ thể như vậy. Đó là việc của các văn bản dưới luật hoặc các văn bản có tính chuyên môn. Luật Ngôn ngữ và Chữ viết phải nêu lên những quy định chung nhất về chính sách với 3 nội dung chính yếu:
Thứ nhất là bảo vệ và phát triển tiếng Việt. Trong tiến trình hội nhập hiện nay thì đây là một thực tế không đơn giản. Trước đây, cá nhân tôi đã tham gia xây dựng một thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chính tả tiếng Việt trong chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Theo thông tư này, từ cấp trung học cơ sở trở lên, các tên người, tên địa lý nước ngoài được viết nguyên dạng, trừ những tên riêng phiên âm qua âm Hán Việt đã phổ biến. Thuật ngữ khoa học cũng cần viết nguyên dạng, trừ những trường hợp tiếng Việt có thuật ngữ đã quen dùng. Việc sử dụng hình thức phiên âm có gạch nối giữa các tiếng có thể tiếp tục được sử dụng trong một số sách báo phổ cập. Còn trong giáo dục thì không nên dùng, vì điều đó gây trở ngại cho học sinh khi tra cứu, tham khảo tài liệu nước ngoài hoặc tham gia các kì thi quốc tế. Nếu học sinh chỉ biết dạng phiên âm thì khi làm bài, đọc sách nước ngoài không tránh khỏi lúng túng, thiệt thòi.
Thứ hai là chính sách bảo vệ, phát triển ngôn ngữ và chữ viết của các dân tộc thiểu số. Việt Nam chúng ta có 54 dân tộc, với 53 dân tộc thiểu số. Hiến pháp đã quy định quyền của đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng ngôn ngữ dân tộc mình trong giao tiếp, giáo dục, pháp luật… Vì thế, chúng ta phải có chính sách rõ ràng để bảo đảm thực hiện được quy định của Hiến pháp, bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc thiểu số anh em.
Thứ ba là chính sách về ngoại ngữ. Tôi chỉ lấy một ví dụ đơn giản: Thời gian qua, đã có những đề xuất đưa tiếng Anh thành “ngôn ngữ thứ hai” hoặc “ngoại ngữ thứ nhất” ở Việt Nam nhưng các khái niệm này cũng như tiêu chí để xác lập vị trí “ngôn ngữ thứ hai” hoặc “ngoại ngữ thứ nhất” chưa hề được pháp luật quy định.
Cuối cùng, Luật phải giao trách nhiệm quản lý nhà nước về ngôn ngữ và chữ viết cho một cơ quan nhà nước. Hiện tại, không có một cơ quan nào được giao trách nhiệm này. Luật Ngôn ngữ và Chữ viết cho đến nay chưa được cơ quan nào đề xuất, có lẽ cũng vì chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm. Thiếu địa chỉ chịu trách nhiệm, mỗi khi có việc liên quan đến ngôn ngữ thì tình trạng chung là nơi này nhìn nơi kia.
PV: Theo giáo sư, công nghệ thông tin (CNTT) có tác động như thế nào đến ngôn ngữ và chữ viết?
GS TS Nguyễn Minh Thuyết: CNTT hiện đang tác động đến mọi lĩnh vực, chứ không riêng gì ngôn ngữ. Riêng với ngôn ngữ thì CNTT cho phép chúng ta bảo quản được kho dữ liệu rất quý được ghi bằng các loại chữ viết cổ như Hán – Nôm, chữ cổ của một số dân tộc thiểu số. CNTT chính là công cụ để phổ biến, truyền bá ngôn ngữ và cũng là công cụ giao tiếp rất nhanh nhạy, hữu ích với tất cả mọi người. CNTT đương nhiên cũng có tác động mạnh góp phần chuẩn hoá chính tả tiếng Việt.
PV: Có một thực tế là không ít người nước ngoài thiện chí muốn học những câu chào hỏi bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, chuyện này đôi khi đã hoá thành trò đùa vì đã có những người dạy họ những câu nói tục tĩu. Vậy điều này có đáng phải phạt không khi chúng ta chính thức có Luật Ngôn ngữ và Chữ viết?
GS TS Nguyễn Minh Thuyết: Đây là trò đùa của những người thiếu ý thức. Theo tôi, chúng ta phải qua các phương tiện báo chí, truyền thông để đặt ra vấn đề và giáo dục ý thức cho cộng đồng. Còn việc có phạt hay không thì theo tôi cũng còn phải cân nhắc vì thực tế là cũng chưa có nước nào đưa ra hình phạt với chuyện này. Những người có hành vi như vậy thực chất là thiếu ý thức thôi. Còn khi tiếng Việt trở nên phổ biến hơn trên thế giới thì chẳng ai dám làm như vậy.
PV: Xây dựng Luật Ngôn ngữ và Chữ viết như vậy là việc tất yếu chúng ta phải làm. Trong quá trình xây dựng luật này, đội ngũ chuyên gia cần tập hợp như thế nào và liệu có nên hình thành các nhóm đề tài của các đại học cho luật này hay không?
GS TS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi cho rằng cũng không cần cầu kỳ như thế đâu. Khi chúng ta đề xuất với Quốc hội thì chỉ cần viết theo mẫu của Quốc hội thôi. Đề xuất này chỉ cần gói gọn trong khoảng 3 trang với những nội dung chính yếu cần có để các nhà lập pháp hiểu vấn đề và có sự ủng hộ. Đây là việc cần phải làm ngay. Còn đội ngũ chuyên gia cũng không cần tập hợp quá nhiều người. Khi Quốc hội đã chấp thuận thì việc xây dựng dự thảo sẽ được giao cho một cơ quan nào đó để tập hợp chuyên gia về ngôn ngữ và pháp luật. Tuy nhiên, việc các nhà khoa học xây dựng và thực hiện đề tài nghiên cứu về Luật Ngôn ngữ và chữ viết thì đó là điều rất đáng hoan nghênh. Nếu có kết quả nghiên cứu tốt thì đó sẽ là một đóng góp để rút ngắn thời gian xây dựng Luật ở Quốc hội.
PV: Xin cám ơn giáo sư!