TS. Đào Hồng Thu: Cần đầu tư cho công nghệ ngôn ngữ một cách đúng hướng và bài bản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lần đầu tiên, CNTT đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Hội Ngôn ngữ học Việt Nam (nhiệm kỳ 2022 – 2027). Điều này mở ra định hướng chiến lược về sự phát triển gắn bó giữa 2 ngành CNTT và Ngôn ngữ học.
TS. Đào Hồng Thu - nguyên giảng viên ngoại ngữ, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
TS. Đào Hồng Thu - nguyên giảng viên ngoại ngữ, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

Với việc CNTT lần đầu tiên được đưa vào Nghị quyết Đại hội Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, định hướng chiến lược đối với ngành ngôn ngữ học Việt Nam đã có một bước đi mới. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, VietTimes đã có cuộc trao đổi với TS. Đào Hồng Thu – nguyên giảng viên ngoại ngữ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

PV: Rất mừng là tại Đại hội VII của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, CNTT đã được đưa vào Nghị quyết của Đại hội. Bà đánh giá thế nào về định hướng chiến lược này đối với ngành Ngôn ngữ học Việt Nam, thưa bà?

TS. Đào Hồng Thu: Đây là một tín hiệu mới cần quan tâm. Tuy nhiên theo tôi, nếu đưa chung chung với thuật ngữ “công nghệ thông tin”, sẽ rất dễ gây hiểu lầm ngay cả trong giới các nhà khoa học, đặc biệt về phía các nhà khoa học CNTT. Về vấn đề này, cần nêu rõ việc liên kết với CNTT ở mức độ hội thảo và thực hành theo chuyên đề.

PV: Công nghệ dịch thuật nhiều năm nay đã trở nên quen thuộc ở Việt Nam, mà điển hình là công cụ Google Translate được cung cấp miễn phí. Nhưng công cụ dịch thuật do Google cung cấp sẽ khiến người dùng phải trả giá vì miễn phí sẽ không được bảo mật. Theo bà, chúng ta có cần phải đầu tư cho công nghệ dịch thuật không?

TS. Đào Hồng Thu: Công nghệ dịch thuật có cần tiếp tục được đầu tư hay không, có lẽ, tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động kinh tế, chính trị cụ thể của cuộc sống xã hội, tùy thuộc vào nhu cầu của bên sử dụng công nghệ dịch, và cuối cùng, tuỳ thuộc vào khả năng tài chính của bên có nhu cầu sử dụng công nghệ dịch thuật. Cần đầu tư cho công nghệ ngôn ngữ một cách đúng hướng và bài bản. Không nên sử dụng Google Translate một cách tuỳ ý và tuỳ tiện, đặc biệt là đối với những thông tin cần được bảo mật.

Công nghệ dịch thuật hiện đang phát triển với rất nhiều ngôn ngữ

Công nghệ dịch thuật hiện đang phát triển với rất nhiều ngôn ngữ

PV: Là một chuyên gia ngôn ngữ học khối liệu, bà có thể giải thích về lĩnh vực này cùng sự cần thiết phải đầu tư cho ngôn ngữ học khối liệu tại Việt Nam?

TS. Đào Hồng Thu: Ngôn ngữ học khối liệu là phân ngành của Ngôn ngữ học máy tính (Ngôn ngữ học ứng dụng), gắn liền với trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là khoa học liên ngành giữa Ngôn ngữ học và CNTT có chức năng chủ yếu là giải quyết vấn đề xử lý ngôn ngữ khối liệu nói chung và dịch máy. Từ năm 2005, tôi đã có loạt bài về Dịch máy và Ngôn ngữ học khối liệu, đăng trên nhiều Kỷ yếu của các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế cùng các tạp chí uy tín.

Với kinh nghiệm hơn 45 năm nghiên cứu và giảng dạy từ ngoại ngữ đến Ngôn ngữ học đối chiếu chuyên ngành khoa học công nghệ và kỹ thuật, ngôn ngữ ứng dụng, ngôn ngữ học khối liệu, dịch máy và công nghệ ngôn ngữ, tôi thấy rất rõ tác dụng và tầm quan trọng của dịch máy và ngôn ngữ học khối liệu đối với sự phát triển không chỉ của riêng ngành ngôn ngữ. Có thể nói rằng, ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên cần phải được đặc biệt quan tâm trong giai đoạn đầu phát triển thuộc bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào của một nền kinh tế và xã hội.

Ngôn ngữ học khối liệu liên quan trực tiếp với CNTT và trí tuệ nhân tạo một cách độc lập. Từ góc độ chuyên môn, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy từ trước đến nay, ở Việt Nam thường mặc định rằng “vùng trời” máy tính là thuộc về CNTT. Thậm chí không ít chuyên gia CNTT cho rằng chỉ có CNTT gắn với máy tính và xử lý ngôn ngữ trên máy tính. Và chắc cũng không ít chuyên gia về CNTT không cần biết đến sự tồn tại trong khoa học, song song với CNTT là công nghệ ngôn ngữ. Điều này dẫn đến cái gọi là “không có tiếng nói chung” như các chuyên gia về CNTT thường đề cập và phát biểu trên nhiều diễn đàn.

Đầu tư cho ngôn ngữ học khối liệu là rất cần thiết trong mọi giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay ở Việt Nam.

PV: Theo bà, trong thời gian tới chúng ta phải làm gì cho hoạt động đào tạo đại học và sau đại học với định hướng về công nghệ xử lý ngôn ngữ của cả hai ngành CNTT và ngôn ngữ học?

TS. Đào Hồng Thu: Chúng ta thấy rõ rằng xã hội ngày càng biến đổi và phát triển nhanh chóng. Nhiều luận điểm về Ngôn ngữ học và CNTT ngày nay trở nên không còn phù hợp cho sự biến đổi và phát triển này. Trong giáo dục, lập trình và tiếng Anh không còn xa lạ thậm chí đối với cả đối tượng học sinh các cấp phổ thông.

Vì vậy, dẫu muộn còn hơn không, cần định hướng cụ thể và lập chương trình mở về đào tạo đại học và sau đại học đối với Công nghệ ngôn ngữ và Ngôn ngữ học khối liệu với sự tham gia theo chuyên mục nhất định của CNTT, trí tuệ nhân tạo, và các lĩnh vực này cần được đề nghị từ phía các chuyên gia ngôn ngữ học khối liệu một cách cụ thể.

PV: Xin cám ơn bà đã trò chuyện!

TS. Đào Hồng Thu từng nhiều năm là giảng viên ngoại ngữ tiếng Nga và tiếng Anh tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Bà từng làm nghiên cứu sinh tiến sĩ về Ngôn ngữ học khối liệu tại ĐHQG Saint Petersbourg (Liên bang Nga). Đây là một chuyên ngành liên quan nhiều đến việc xử lý dữ liệu ngôn ngữ bằng CNTT.