Trung Quốc: Lời nói không đi đôi với hành động

Hành động xâm phạm hải phận Nhật Bản của các tàu cá Trung Quốc ngoài tác động đến môi trường còn làm gia tăng căng thẳng an ninh trong khu vực.
Hàng ngàn tàu cá Trung Quốc tập kết tại một cảng biển để chuẩn bị ra khơi. (ảnh minh họa).
Hàng ngàn tàu cá Trung Quốc tập kết tại một cảng biển để chuẩn bị ra khơi. (ảnh minh họa).

Hàng trăm tàu cá Trung Quốc đang vận dụng nhiều chiêu thức để đánh lừa hệ thống nhận dạng tự động nhằm xâm phạm lãnh hải các nước để vơ vét nguồn tài nguyên. Hành động này đang làm gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường biển thế giới.

Khu vực bờ biển phía đông Nhật Bản vốn là nơi dồi dào nguồn cá mòi, cá thu, ... và đóng góp tới 9 tỷ USD/năm cho ngành công nghiệp đánh bắt cá của nước này. Tuy nhiên, môi trường tự nhiên của vùng biển này lại đang bị đe dọa nghiêm trọng dưới sự càn quét của đội tàu cá lên tới hơn 200 chiếc của Trung Quốc. 

Bằng phương pháp "lưới vét", các tàu Trung Quốc đã quét sạch toàn bộ sinh vật dưới lòng biển. Thậm chí, nhiều tàu cá Trung Quốc còn tiến sát tới vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. "Họ bắt cả những con còn non, gây ra tác động lớn cho ngành thủy sản Nhật Bản", một quan chức Nhật giấu tên chia sẻ với TIME.

Hành động xâm phạm hải phận Nhật Bản của các tàu cá Trung Quốc còn làm gia tăng căng thẳng an ninh trong khu vực và buộc Bộ trưởng Ngoại giao Nhật triệu tập đại sứ Trung Quốc tới làm việc. 

Chưa dừng lại, không chỉ tung hoành ở vùng biển châu Á, các tàu cá đánh bắt trái phép, không báo cáo và không đăng ký (gọi chung là IUU) của Trung Quốc còn tiến tới nhiều "điểm nóng giao tranh" trên toàn thế giới. 

Mới đây, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc công bố mỗi năm, nước này đánh bắt được 13 triệu tấn cá ngay trong lãnh hải quốc gia, cao hơn từ 4 - 5 triệu tấn so với ngưỡng bền vững. Trong khi đó, các vùng biển ven bờ Trung Quốc hiện thường xuyên rơi vào trạng thái cạn kiệt hải sản.

Theo TIME, những dữ liệu mới nhất từ các nhóm bảo vệ môi trường cho thấy đội tàu cá xa bờ lên tới hàng trăm chiếc của Trung Quốc đang tăng cường áp dụng chiến thuật IUU để thu lời hàng triệu USD tiền bán hải sản. Trong đó, một lượng lớn hải sản lên tới 20 – 32% tổng sản lượng hải sản nhập khẩu và Mỹ vào năm 2011 có nguồn gốc từ các tàu đánh cá trái phép của Trung Quốc. Và Trung Quốc cũng là nhà xuất khẩu hải sản số 1 cho thị trường Mỹ. 

Giới chuyên gia môi trường cảnh báo nếu không có hành động ngăn chặn kịp thời các tàu cá Trung Quốc, môi trường biển trên thế giới sẽ bị hủy diệt. Ngoài ra, sự xuất hiện của các tàu IUU còn đe dọa cuộc sống của hàng triệu người và đe dọa an ninh toàn cầu. Điển hình Tây Phi, một trong những khu vực dồi dào nguồn tài nguyên cá, thường xuyên bị các tàu cá nước ngoài trái phép tới đánh bắt do chính quyền địa phương quản lý lỏng lẻo và nạn tham nhũng hoành hành. 

Còn theo ông Steve Trent, Giám đốc điều hành Qũy phán xét môi trường đặt trụ sở tại London, 1/3 tổng sản lượng hải sản bị đánh bắt trái phép tại Tây Phi là do các tàu cá Trung Quốc. "Con số này đã ở mức báo động và lớn hơn bất kỳ số liệu nào mà chúng ta biết trước đây", ông Trent nói. 

Sử dụng kỹ thuật "lưới vét", hành động vốn bị Liên Hợp Quốc cấm sử dụng vào năm 1992, các tàu cá Trung Quốc đã nhanh chóng làm giảm sản lượng và chất lượng đánh bắt tại Tây Phi. Cách đây 5 năm, phần lớn các tàu cá xuất hiện ở Tây Phi là tàu Đài Loan và Hàn Quốc thì nay Trung Quốc đã chiếm ưu thế. 

Tuy nhiên với điều kiện pháp luật lỏng lẻo và nạn tham nhũng hoành hành, việc ngăn chặn các tàu IUU trở nên khó khăn hơn do các tàu Trung Quốc biết cách "trá hình" như đổi tên tàu hoặc treo cờ nước khác hoặc bỏ chạy ra hải phận quốc tế nếu bị tàu tuần tra phát hiện và truy đuổi. 

Để ngăn chặn tàu nạn xâm phạm lãnh hải và đánh bắt trái phép, hệ thống nhận dạng tự động hàng hải để trao đổi thông tin giữa tàu thuyền với tàu thuyền và giữa tàu thuyền với bờ (AIS) đã ra đời. Tuy nhiên, nhiều quốc gia lại phản đối việc áp dụng các quy định của AIS. 

Điều đáng nói là các tàu cá Trung Quốc đã dùng thủ thuật để đánh lừa AIS. Cụ thể, theo chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của SkyTruth, ông Bjorn Bergman, dữ liệu thông tin của AIS từng ghi nhận 40 chiếc tàu của Trung Quốc xuất hiện ngoài khơi bờ biển Mexico nhưng thực chất chúng lại đang hoạt động ở vùng đặc quyền kinh tế của Guinea. "Phần lớn các trường hợp lừa dối AIS đều là tàu thuyền của Trung Quốc", ông Bergman nói. 

Trong đó phần lớn các tàu thuyền vi phạm đều thuộc đội tàu cá mang tên Fu Yuan Yu. Theo TIME, các số liệu chính thức cho thấy có tới 29 công ty đánh cá quy mô lớn đặt trụ sở ở tỉnh Phúc Kiến, phía nam Trung Quốc sở hữu 500 chiếc tàu chủ yếu được đặt tên là Fu Yuan Yu và đánh số thứ tự. Các tàu thuyền Fu Yuan Yu mới đây cũng bị phát hiện xuất hiện gần khu vực đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. 

Đội tàu cá xa bờ của Trung Quốc áp dụng chiến thuật IUU để thu lời hàng triệu USD tiền bán hải sản.
Đội tàu cá xa bờ của Trung Quốc áp dụng chiến thuật IUU để thu lời hàng triệu USD tiền bán hải sản.

"Một vài chiếc tàu Trung Quốc đã đánh lừa dữ liệu AIS", một quan chức Nhật Bản nhấn mạnh. Song, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định các tàu cá của nước này không phát sai dữ liệu định vị, không sử dụng các phương pháp đánh bắt trái phép và luôn tuân thủ quy định luật pháp quốc tế. 

Một phát ngôn viên của Bộ Ngư nghiệp Trung Quốc còn nhấn mạnh rằng hệ thống AIS trang bị trên các tàu cá được chính quyền kiểm tra một cách chặt chẽ từ khâu lắp đặt. "Các phương pháp đánh cá được quy định trong bộ luật của Trung Quốc và mọi trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt", ông này nói. 

Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 24/8 còn ca ngợi một chiến dịch hoạt động chung với Lực lượng Tuần tra Bờ biển Mỹ tại Thái Bình Dương, mà theo báo cáo đã ngăn chặn "hàng trăm" tàu cá đánh bắt phi pháp.

Về phần mình các nhà môi trường học đã lên tiếng kêu gọi giới chức Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của các tàu cá Trung Quốc, thu hẹp sản lượng đánh bắt dư thừa cũng như chấm dứt tình trạng chính phủ trợ cấp cho hoạt động đánh bắt hải sản. Họ cũng mong muốn chính quyền Trung Quốc và các nước khác tuân thủ quy định của hệ thống AIS và xử phạt những công ty làm giả vị trí định vị. 

"Khi thị trường vinh danh các nhà cung ứng hoạt động minh bạch và xử phạm những người làm sai, chắc chắn các 'hạm đội đen' sẽ bị xóa bỏ", Chủ tịch SkyTruth, ông John Amos nói.
 
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Time (đặc điểm phân biệt được viết hoa là TIME) là một tạp chí tin tức hàng tuần của Mỹ. Từ "TIME" từng được tạp chí này giải thích là biểu tượng cho dòng chữ "The International Magazine of Events" (tạm dịch: một tạp chí quốc tế cho các sự kiện).

Nguồn: Infonet