Giáo sư Maochun Miles Yu, Học giả chuyên nghiên cứu về quân sự thuộc Học viện Hải quân Hoa Kỳ ngày 9/5 bình luận trên trang web của Viện Hoover, rằng chiến lược của Bắc Kinh trên Biển Đông được định hình và thôi thúc bởi tư tưởng lịch sử và quân sự thời kỳ Chiến Quốc -- tức tư tưởng Đại Hán như nhiều chuyên gia khác cũng đã từng đề cập.
Theo Giáo sư Maochun Miles Yu, Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền (phi pháp) đối với gần như toàn bộ Biển Đông, gây phương hại chủ quyền, an ninh đến hầu hết các nước trong khu vực, gây nghi ngờ và cảnh giác cho các cường quốc trong khu vực và trên toàn cầu, ngăn chặn và cản trở tự do di chuyển trên không, trên biển đối với tuyến hàng hải huyết mạch quốc tế trị giá hàng ngàn tỷ USD mỗi năm chạy qua vùng biển này.
Giáo sư Miles Maochun Yu cho rằng hành động của Trung Quốc trên Biển Đông không nên nhìn nhận một cách đơn giản. Theo ông, những diễn biến ở Biển Đông tuân theo một logic của lịch sử Trung Quốc và bắt rễ sâu từ văn hóa chiến lược có từ hàng ngàn năm trước tại quốc gia này.
Từ xưa đến nay, Trung Quốc chưa bao giờ sẵn sàng chấp nhận sự bình đẳng giữa các quốc gia lớn và nhỏ. Trung Quốc tự xem nước này là trung tâm của thiên hạ, trái tim của thế giới với ý muôn cai trị tất cả thiên hạ bằng bộ máy họ cho là có văn hóa cao cấp và tinh tế.
Lưu Minh Phúc - Đại tá quân đội Trung Quốc viết trong cuốn sách 300 trang đang được bán công khai ở nước này: "Chưa bao giờ có một quốc gia trỗi dậy hòa bình như vậy trên thế giới. Trung Quốc sở hữu bộ gen văn hóa cao cấp, cần thiết để trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu".
Tư tưởng chính trị, chính sách chiến lược của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng gần như tương đồng với nội dung xuyên suốt của cuốn sách nói trên. Ông Tập Cần Bình là người được cho là đang mong muốn có được cái gọi là "giấc mộng Trung Hoa" tức đưa Trung Quốc lên tầm lãnh đạo thế giới, tiến tới bá chủ thiên hạ.
Kể từ khi xảy ra Chiến tranh Thuốc phiện năm 1840, Trung Quốc có một cảm giác họ là nạn nhân của sự sỉ nhục. Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc ra sức tuyên truyền về thế kỷ bị sỉ nhục dưới bàn tay của phương Tây.
Trung Quốc chủ đích tuyên truyền sự oán giận ghê gớm vì trung tâm của thế giới tức Trung Hoa bị "bắt nạt bởi các nước nhỏ", "kém Trung Quốc về mặt đạo đức" hoặc "không có một nền tảng văn hóa tinh tế, trí tuệ rực rỡ".
Trong vấn đề Biển Đông, các hành vi hung hăng của Trung Quốc và các tuyên bố đòi yêu sách lãnh thổ bành trướng có thể được sử dụng để kích động dư luận nước này với lập luận rằng "Trung Quốc là một nước lớn, là trung tâm thiên hạ lại không được các nước nhỏ quanh Biển Đông tôn trọng, đặc biệt là Việt Nam và Philippines".
Thực tế, những năm gần đây, có rất nhiều những bài báo, tuyên bố và phát biểu của các quan chức cấp cao Trung Quốc thể hiện tư tưởng Đại Hán và ra sức tuyên truyền rằng "nước nhỏ (như Việt Nam và Philippines) không nên chống lại nước lớn Trung Quốc".
Truyền thông Trung Quốc cũng vì thế mà được giật dây, ra sức cáo buộc các nước nhỏ, đổ vấy cho các láng giềng Trung Quốc là hiếu chiến, kết bè phái chống lại Trung Quốc. Không chỉ có vậy, hệ thống tuyên truyền của Trung Quốc còn nhiều lần lớn tiếng đe dọa sẵn sàng trừng phạt các nước láng giềng, dạy cho các nước nhỏ một bài học để buộc các nước này phải đi theo quỹ đạo do Bắc Kinh vạch ra.
Đáng chú ý, năm 2010, Dương Khiết Trì -- khi đó đang trên cương vị Ngoại trưởng Trung Quốc nói tại Singapore rằng "Trung Quốc là một nước lớn, các nước khác là nước nhỏ, đó là một thực tế".
Ngoại trưởng Trung Quốc hiện nay là Vương Nghị cũng từng có một tuyên bố tương tự hồi tháng 3/2014, rằng Trung Quốc đang là "nạn nhân của các nước nhỏ" trong khu vực Biển Đông. Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận những đòi hỏi vô lý của các nước nhỏ".
Tiếp đó, đến tháng 3/2013, ông Tập Cận Bình - lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc đã phê duyệt chính sách đối ngoại cốt lõi của Trung Quốc là "ngoại giao nước lớn". Đối với Mỹ, điều Bắc Kinh cũng mong muốn là Washington chấp nhận "tư cách nước lớn" của Trung Quốc.
Theo Giáo sư Maochun Miles Yu, từ tư tưởng và chính sách đã được công khai này, có thể thấy Trung Quốc muốn tỏ thái độ, sẵn sàng chứng minh rằng Bắc Kinh sẽ dùng đến sức mạnh cơ bắp nếu các nước nhỏ không chấp nhận vai trò "nước lớn có quyền áp đặt của Trung Quốc".