Ngoài ra, về mặt chiến lược, Trung Quốc được mô tả như một “cường quốc cô đơn”- thiếu bạn hữu thân thiết và không có đồng minh. Ngay cả trong quan hệ gần gũi nhất với Nga, các yếu tố như không tin tưởng và sự ngờ vực lịch sử luôn tồn tại bên trong quan hệ có vẻ hòa hợp này. Không một quốc gia nào muốn Bắc Kinh che chở và đảm bảo an ninh (có lẽ ngoại trừ Pakistan) – đã cho thấy Trung Quốc thực sự thiếu tầm ảnh hưởng chiến lược của một cường quốc lớn. Trong khi hoàn toàn ngược lại, các nước khác ở Châu Á đang tìm cách tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ và cải thiện khả năng hợp tác của họ – chính là vì sự bất ổn và mối đe dọa tiềm tàng họ nhận thấy từ Trung Quốc.
Chuyển từ sức mạnh cứng sang sức mạnh mềm, liệu Trung Quốc có thể trở thành cường quốc văn hóa toàn cầu? Việc làm này không đem lại hiệu quả. Không một xã hội nào coi Trung Quốc là hình mẫu về văn hóa, không có quốc gia nào áp dụng hệ thống chính trị của nước này, và hệ thống kinh tế của Trung Quốc không được sao chép lại ở bất kỳ nơi nào khác. Mặc dù Trung Quốc tốn nhiều tâm huyết và nguồn lực để xây dựng quyền lực mềm, đồng thời cải thiện hình ảnh quốc tế của mình từ năm 2008, danh tiếng toàn cầu của Trung Quốc tiếp tục đi kèm với những điều tiếng. Các cuộc khảo sát ý kiến đã cho thấy, ở khắp nơi trên thế giới người ta nhận thấy một Trung Quốc mâu thuẫn, đang suy yếu và ngày càng có nhiều vấn đề.
Trung Quốc không tạo được sức hút khiến các nước khác noi theo – về các phương diện như văn hóa, xã hội, kinh tế hay chính trị. Vấn đề với Trung Quốc là nước này rất khác biệt. Trung Quốc thiếu sức hút mang tính phổ quát vượt ra ngoài biên giới nước này hoặc cộng đồng người Hoa. Đa phần bởi sự độc đáo về văn hóa, kinh tế, xã hội và chính trị, sức hút toàn cầu của quyền lực mềm Trung Quốc yếu đến mức không tồn tại.
Các sản phẩm văn hóa của Trung Quốc – như nghệ thuật, phim ảnh, văn học, âm nhạc, giáo dục vẫn chưa được biết đến nhiều bên ngoài Trung Quốc và không thể tạo ra được xu hướng văn hóa toàn cầu. Tương tự như vậy, sự phát triển kinh tế đáng khâm phục của Trung Quốc là tổng hòa của các đặc trưng độc đáo, mà các quốc gia khác không thể áp dụng lại (hiệu quả cạnh tranh kinh tế nhờ quy mô, quy hoạch nhà nước kiểu Xô-viết, kinh doanh cá thể, lực lượng lao động đông đảo và có tính kỷ luật, hệ thống nghiên cứu và phát triển quy mô cùng với hoạt động đầu tư nước ngoài ồ ạt).
Ngay cả khi “mô hình Trung Quốc” có tồn tại (điều này còn đang tranh cãi), nó cũng không thể áp dụng được, bởi mô hình này tổng hợp của yếu tố tăng trưởng không ở đâu có ngoại trừ Trung Quốc. Hệ thống chính trị của Trung Quốc là sự pha trộn có tính chiết trung giữa chủ nghĩa cộng sản Lê-nin, chủ nghĩa độc tài Châu Á, chủ nghĩa truyền thống Nho giáo và một nhà nước kỷ luật thép. Sự khác biệt của Trung Quốc không thể áp dụng được – không có các quốc gia nào thử làm như vậy, người ta cũng không thấy người nước ngoài xin tị nạn chính trị hoặc quyền công dân ở Trung Quốc.
Về sức mạnh kinh tế của Trung Quốc thì sao? Đây là lĩnh vực mà người ta trông đợi Trung Quốc sẽ là một cường quốc toàn cầu và người tiên phong mở đầu một xu hướng mới – nhưng ảnh hưởng của Trung Quốc ít hơn nhiều so với kỳ vọng. Giống như ở các lĩnh vực khác, sức mạnh kinh tế của nước này tạo ấn tượng về lượng nhưng yếu về chất. Trung Quốc là quốc gia thương mại lớn nhất thế giới, nhưng xuất khẩu của nước này nhìn chung là các mặt hàng tiêu dùng cấp thấp; sản phẩm có hệ thống nhận diện thương hiệu quốc tế kém; chỉ một số ít công ty đa quốc gia của nước này đang hoạt động thành công ở nước ngoài; tổng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (Overseas direct investment – ODI) chỉ đứng thứ mười bảy trên thế giới; các chương trình viện trợ nước ngoài của Trung Quốc có quy mô nhỏ hơn so với các chương trình của những nước như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản hoặc Ngân hàng Thế giới.
Khi đánh giá về định tính thay vì định lượng, hồ sơ kinh tế toàn cầu của Trung Quốc không phải quá ấn tượng. Đây vẫn là một nền kinh tế gia công và lắp ráp – không phải nền kinh tế phát minh và sáng tạo. Hầu hết các loại hàng hóa được lắp ráp hoặc sản xuất tại Trung Quốc để phục vụ xuất khẩu đều được phát minh ở những nơi khác. Nạn ăn cắp bản quyền trí tuệ tràn lan ở Trung Quốc cùng các chương trình của chính phủ nhằm thúc đẩy “sự sáng tạo trong nước” (hàng năm chi hàng tỷ USD vào công tác nghiên cứu và phát triển trong nước) đã cho thấy rõ việc Trung Quốc thất bại trong hoạt động sáng tạo.
Điều này có thể, và có khả năng sẽ, thay đổi theo thời gian nhưng cho đến nay, Trung Quốc vẫn không thiết lập được các tiêu chuẩn toàn cầu trong gần như tất cả ngành công nghệ hoặc dây truyền sản xuất (hoặc trong các ngành khoa học tự nhiên, y học, khoa học xã hội hoặc nhân văn). Tương tự như vậy, Trung Quốc chỉ có hai trường đại học lọt vào danh sách hàng trăm trường hàng đầu trên thế giới, theo Bảng xếp hạng các Trường Đại học năm 2013-2014 của tạp chí Times Higher Education.
Nếu Trung Quốc muốn thúc đẩy sự sáng tạo, nước này tất nhiên phải đầu tư nhiều hơn cho công tác nghiên cứu và phát triển. Theo Quỹ Khoa học Quốc gia, trong năm 2009 Trung Quốc chỉ chi có 1,7% GDP của mình cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ít hơn so với con số 2,9% của Mỹ, 2,8% ở Đức và hơn 3,3% ở Nhật Bản. “Đầu tư nghiên cứu” trong ngân sách nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc thậm chí không đưa Trung Quốc vào danh sách hai mươi quốc gia hàng đầu trên thế giới, người ta ước tính khoảng 80% kinh phí được dùng cho phát triển sản phẩm và chỉ có 5% trong số này được dùng cho nghiên cứu cơ bản. Việc Trung Quốc thiếu các Giải thưởng Nobel của cũng là dấu hiệu đáng chú ý.
Từ năm 1949 đến 2010, có tổng số 584 Giải thưởng Nobel đã được trao. Người Trung Quốc giành 10 giải thưởng trong số này (8 trong số đó là về khoa học), nhưng 8 trong số 10 người đoạt giải Nobel lại đang làm việc ở bên ngoài Trung Quốc. Hai trường hợp ngoại lệ là giải Nobel Hòa bình năm 2010 của Lưu Hiểu Ba và giải Nobel văn học của Mạc Ngôn năm 2011. Việc trích dẫn trên các tạp chí chuyên đề cũng là một dấu hiệu khác. Trong số lượng các bài viết được trích nhất nhiều nhất trên thế giới (ở tất cả các chuyên ngành học thuật), học giả Trung Quốc chỉ chiếm có 4% – trong khi người Mỹ chiếm tới 49%.
Kết quả của căn bệnh “thâm hụt sáng tạo” mãn tính của Trung Quốc khiến nước này hiện bị đẩy vào cái “bẫy thu nhập trung bình” đầy nguy hiểm. Cách duy nhất thoát khỏi tình cảnh này là thông qua con đường đổi mới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan đã chứng minh trước đây. Và điều này đòi hỏi chính phủ Trung Quốc phải đầu tư nhiều hơn vào hoạt động nghiên cứu và phát triển – nó cần một hệ thống giáo dục dựa trên lối tư duy phê phán và tự do nghiên cứu.
Nói cách khác, điều này đòi hỏi hệ thống chính trị tương đối cởi mở và dân chủ, không cho phép kiểm duyệt hoặc tồn tại những “vùng cấm” trong nghiên cứu. Sinh viên và tầng lớp trí thức phải được khuyến khích – chứ không phải bắt lỗi hoặc trách phạt – khi đi ngược lẽ phải thông thường và phạm sai lầm. Nếu điều này không xảy ra, Trung Quốc sẽ mãi bị mắc kẹt trong cái bẫy thu nhập trung bình – lắp ráp và sản xuất chứ không phải phát minh và sáng tạo.
Xét trong bối cảnh này, sức mạnh thương mại của Trung Quốc yếu kém hơn nhiều so với những gì người ta thấy bên ngoài. Điểm yếu tương tự thể hiện trong nguồn vốn ODI của Trung Quốc. Mặc dù chính quyền trung ương khuyến khích các công ty Trung Quốc “vươn ra bên ngoài”, cho đến nay vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc vẫn còn khá thấp. Như đã đề cập ở trên, tổng vốn ODI vừa đủ đưa Trung Quốc vào danh sách hai mươi quốc gia hàng đầu thế giới, mặc dù mức lưu thông hàng năm đang tăng nhanh và hiện đứng thứ ba trên thế giới (88,2 tỷ USD trong năm 2012). Nhưng ODI của Trung Quốc chỉ bằng một phần tư ODI của Mỹ cũng trong năm 2012.
Quan trọng hơn, giống như xem xét các lĩnh vực khác trong hồ sơ toàn cầu của Trung Quốc, người ta cần phải đánh giá kỹ các số liệu thống kê thiên về định lượng, và đặt vấn đề về định tính: Nguồn vốn này sẽ rót vào đâu, và nó có thực sự dành cho đầu tư? Các đích đến ở nước ngoài và bản chất ODI của Trung Quốc đã thay đổi nhanh chóng từ năm 2011, nhưng phần lớn nguồn vốn thuộc danh mục đầu tư vẫn chảy vào những nơi như Quần đảo Virgin thuộc Anh hay Quần đảo Grand Cayman (những nơi tiếp nhận nguồn vốn ODI của Trung Quốc lớn thứ hai và thứ ba năm 2011).
Vì vậy, một số hoạt động ở đây thực chất không phải là đầu tư nước ngoài – mà nguồn tiền thực sự lưu lại ở nước ngoài tại những địa điểm an toàn. Điều này không chỉ đúng trong trường hợp của chính phủ và các công ty của Trung Quốc, mà còn diễn ra với ngay cả với nguồn tài sản cá nhân. Sách Xanh thường niên năm 2014 về việc Di cư Quốc tế của Người Trung Quốc, do Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa biên soạn, mới đây cho biết kể từ năm 1990, có tổng số là 9,3 triệu người Trung Quốc đã di cư ra nước ngoài, mang theo 2,8 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương với 46 tỷ USD).
Đây không phải là một diễn biến mới, nhưng đã là một xu hướng đang nổi lên trong thập kỷ qua. Khi tinh hoa kinh tế của một quốc gia ra đi với số lượng lớn như vậy và quá lo lắng trong việc bảo vệ nguồn tiết kiệm cá nhân ở nước ngoài, điều đó rõ ràng cho thấy họ thiếu tin tưởng vào hệ thống chính trị và kinh tế trong nước.
Tuy nhiên gần đây, hồ sơ ODI của Trung Quốc và đích đến địa lý đang được thay đổi. Trung Quốc đang tăng cường hoạt động đầu tư và thu mua ở Châu Á, Mỹ Latinh, Châu Âu và Mỹ. Người tiêu dùng Trung Quốc đang thâu tóm tất cả các loại tài sản – tài sản thương mại, nhà ở, nhà xưởng, các khu công nghiệp, các cơ sở nghiên cứu và phát triển, trang trại, rừng cây, hầm mỏ, mỏ dầu và khí đốt, cùng các nguồn tài nguyên khác. Các công ty Trung Quốc đang tích cực tìm cách sáp nhập hoặc mua lại với công ty nước ngoài. Người Trung Quốc cũng đã mua một số lượng lớn tác phẩm nghệ thuật có giá trị trên thị trường đấu giá quốc tế. Như vậy, hồ sơ đầu tư nước ngoài của Trung Quốc đang thay đổi nhanh chóng, nhưng tác động của việc này vẫn còn chưa rõ ràng.
Về các công ty đa quốc gia của Trung Quốc thì sao? Sức cạnh tranh ở nước ngoài của những công ty này như thế nào? Giống như các lĩnh vực khác, các công ty này cũng bộc lộ rất nhiều điểm yếu. Xét bề ngoài, theo bảng xếp hạng Fortune Global 500, các công ty Trung Quốc hiện chỉ đứng sau các công ty đa quốc gia của Mỹ. Nhưng thứ hạng này được tính dựa trên cơ sở tổng doanh thu và lợi nhuận – chứ không phải khu vực mà công ty tạo ra lợi nhuận. Khi nhìn vào các công ty Trung Quốc có trong danh sách năm 2013, người ta nhanh chóng nhận ra rằng có rất ít công ty hoạt động ở nước ngoài và cũng chỉ một số ít trong đó kiếm được hơn một nửa doanh thu từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài. Vì vậy, đây không phải là các công ty đa quốc gia thực sự, đúng hơn là các công ty hoạt động trong nước.
Nhiều công ty Trung Quốc có thể muốn mở rộng hoạt động kinh doanh ra toàn cầu, nhưng cho đến nay, những công ty này chưa thu được kết quả thực sự tốt. Đã có nhiều câu chuyện thất bại hơn là thành công của các công ty đa quốc gia đầy tham vọng của Trung Quốc. Hoạt động sáp nhập và mua lại công ty nước ngoài của Trung Quốc thường gặp nhiều khó khăn bởi lãnh đạo tập đoàn Trung Quốc đã không thẩm định trước tính khả thi hoặc vì xung đột văn hóa doanh nghiệp. Xét trên mọi khía cạnh, điểm yếu chính của các công ty đa quốc gia Trung Quốc là nguồn nhân lực – đặc biệt là khâu quản lý.
Gần như không có cán bộ quản lý nào với nền tảng đa văn hóa và đa ngôn ngữ, và các công ty Trung Quốc thường không tuyển người nước ngoài với các kỹ năng như vậy cho vị trí như quản lý cấp cao (Công ty Huawei và Haier là những trường hợp ngoại lệ). Các công ty Trung Quốc và những quản lý của họ thường cho thấy không có khả năng thoát khỏi văn hóa doanh nghiệp và thực tiễn kinh doanh của riêng mình. Nghiêng về hệ thống thứ bậc và vai trò ở nơi làm việc được xác định rõ, Trung Quốc không thích ứng tốt với việc “đề cao” hệ thống quản lý coi trọng sự phân quyền và những sáng kiến cá nhân. Xu hướng này dẫn đến các những xung đột văn hóa lặp đi lặp lại khi Trung Quốc tiến hành sáp nhập các công ty phương Tây.
Các công ty Trung Quốc đã gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi với môi trường quản lý, thuế khóa, pháp lý và chính trị ở nước ngoài. Tính minh bạch và quản trị doanh nghiệp không phải đặc tính thường thấy ở các công ty Trung Quốc – quá trình ra quyết sách của các công ty này thường không rõ ràng, hoạt động kinh doanh bị bòn rút và thủ tục kế toán thường bị gian lận. Nhiều công ty Trung Quốc bị phát hiện gửi thông tin lừa đảo lên cơ quan quản lý chứng khoán ở Mỹ trước khi họ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Việc các công ty Trung Quốc thiếu khả năng cạnh tranh cũng thể hiện rõ khi nói đến thương hiệu quốc tế. Chỉ một số ít công ty Trung Quốc có thể thiết lập sự hiện diện về thương hiệu ở nước ngoài: Bia Thanh Đảo, Thiết bị điện gia dụng Haier, Viễn thông Huawei, Hãng Air China, Hãng ôtô Geely và một số thương hiệu khác. Nhưng không một công ty nào của Trung Quốc lọt vào danh sách bình chọn 100 thương hiệu toàn cầu của tạp chí Business Week và hãng Interbrand.
Những chỉ số khác trong năng lực nội tại của Trung Quốc cũng không được xếp hạng cao hoặc khả quan. Năm 2014, tổ chức Freedom House xếp Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 183 trong số 197 nước có tự do báo chí. Kể từ năm 2002, Chỉ số Quản trị Toàn cầu tổng hợp của Ngân hàng Thế giới đã luôn xếp Trung Quốc ở phân vị thứ 30 về sự ổn định chính trị và việc kiểm soát tham nhũng, ở phân vị thứ 50 về tính hiệu quả của chính phủ, ở phân vị thứ 40 về chất lượng quản lý và quy định của luật pháp, và dưới phân vị thứ 10 về mức chịu trách nhiệm.
Theo Chỉ số Cạnh tranh Toàn cầu tổng hợp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2013, Trung Quốc chỉ xếp ở vị trí 29, nước này cũng xếp vị trí 68 về tham nhũng và vị trí 54 về đạo đức kinh doanh. Tổ chức Minh bạch Quốc tế thậm chí còn xếp Trung Quốc ở vị trí thấp hơn (thứ 80) trong chỉ số tham nhũng quốc tế năm 2013 của tổ chức này. Gần như tất cả đánh giá và những xếp hạng đã cho thấy hình ảnh một Trung Quốc đang tuột dốc trong thập kỷ qua. Bằng cách này hay cách khác, rõ ràng sự hiện diện toàn cầu và danh tiếng của Trung Quốc đã đi cùng với nhau. Ở nhiều phương diện, Trung Quốc tự nhận thấy nước này đang ở cùng nhóm với các nước hoạt động kém hiệu quả nhất và ít được tôn trọng nhất trên thế giới.
Báo cáo Phát triển Con người của Liên Hợp Quốc năm 2013 cho thấy mặc dù Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ kinh tế xã hội to lớn và đáng khâm phục kể từ những năm 1980, nhưng nước này vẫn giống như một quốc gia đang phát triển. Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 101 về chỉ số tổng thể, trong số 187 nước được khảo sát. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay là gần 8.000 USD trong điều kiện ngang giá sức mua, tuy vậy 13,1% dân số vẫn sống dưới mức 1,25 USD một ngày.
Ở các khía cạnh khác như tuổi thọ trung bình, tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong, dịch vụ chăm sóc y tế, chất lượng giáo dục và sự bất bình đẳng, Trung Quốc vẫn tụt lại khá xa so với các nước công nghiệp hóa. Môi trường độc hại và ô nhiễm của Trung Quốc hiện đứng đầu thế giới và khiến lệ tỷ lệ mắc bệnh ung thư của nước này đang tăng lên nhanh chóng. Bất chấp nỗ lực gần đây của chính phủ mở rộng dịch vụ chăm sóc y tế ở nhiều mức độ cùng dịch vụ bảo hiểm, hầu hết người dân Trung Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn khi có các vấn đề về sức khỏe. Hệ số Gini của nước này (chỉ số đánh giá sự bất bình đẳng thu nhập, với mức 0 thể hiện bình đẳng thực sự và mức 1 thể hiện bất bình đẳng thực sự) hiện ở mức gần 0,5, nằm trong nhóm nước có chỉ số này cao nhất thế giới. Các trường tiểu học và trung học của Trung Quốc hiện có kết quả kiểm tra được xếp hạng thế giới, nhưng hệ thống trường đại học của nước này thì tụt hậu rất xa so với hệ thống các trường đứng đầu thế giới.
Những đáng giá trên không có nghĩa là coi nhẹ các thành tựu phát triển phi thường của Trung Quốc trong ba thập kỷ qua, chỉ đơn giản là nhắc người ta rằng Trung Quốc vẫn chưa ở gần nhóm dẫn đầu trên bảng xếp hạng toàn cầu trong nhiều lĩnh vực phát triển.
Đây chính là hình ảnh của Trung Quốc hiện tại. Mười hay hai mươi năm nữa tính từ bây giờ, vị thế toàn cầu của Trung Quốc có thể cải thiện hơn trong mọi lĩnh vực và nước này có thể hành động trên quy mô toàn cầu tương tự như Mỹ, nhưng hiện tại, Trung Quốc cùng lắm chỉ là một cường quốc toàn cầu cục bộ. Người ta không nên nhận định một cách đơn giản rằng quỹ đạo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tiếp tục không bị sụt giảm. Điều đó có thể xảy ra, tuy nhiên cũng có hai khả năng khác – đó là sự trì trệ và tụt hậu.
Nhiều nhà quan sát Trung Quốc kết luận rằng nước này đã đạt tới ngưỡng ở nhiều phương diện. Tăng trưởng chung đang chững lại (do chi phí sản xuất tăng lên và lợi thế so sánh bị sụt giảm) và chính phủ Trung Quốc đang phải vật lộn để duy trì tốc độ tăng trưởng 7% hàng năm, cần thiết để đảm bảo tình trạng có đủ việc làm, thu hút lực lượng mới vào đội ngũ lao động và duy trì ổn định xã hội. Dù nỗ lực, chính phủ Trung Quốc không thể thực hiện sự chuyển đổi đã từng tuyên bố từ một nền kinh tế xuất khẩu, theo định hướng đầu tư sang nền kinh tế dựa trên khả năng tiêu thụ nội địa, một “nền kinh tế tri thức” mang tính sáng tạo.
Hoạt động sản xuất không có bước tiến đáng kể trong chuỗi giá trị và bậc thang công nghệ, sự kìm hãm của cái bẫy thu nhập trung bình đang hình thành (và có thể trở thành một tình trạng treo lơ lửng). Các khoản nợ địa phương đang tăng lên và nhiều cơ quan chính phủ ở địa phương đứng trên bờ vực phá sản. Sự bất bình đẳng trong xã hội ngày càng sâu sắc hơn, nạn tham nhũng tràn lan trong chính quyền và xã hội, nỗi thất vọng bao trùm trong mọi lĩnh vực đời sống.
Những người giàu đang rời bỏ đất nước với số lượng ngày càng lớn, tầng lớp trung lưu ở trạng thái trì trệ, hệ thống chính trị vẫn còn cứng nhắc và hà khắc. Trong khi đó, Trung Quốc không thực hiện những cải cách về chính trị và pháp lý, yếu tố cần thiết để thúc đẩy các giai đoạn tiếp theo của sự phát triển, bởi điều này sẽ tác động trực tiếp tới quyền lực tuyệt đối của CCP.
Một số nhà Hán học hiện nay cho rằng CCP thực sự là trở ngại chính đối với sự tăng trưởng và sự phát triển tương lai của Trung Quốc. Tổ chức đảng ngày càng không bền vững, mong manh và kém hiệu quả, đã trở nên tê liệt kể từ năm 2008. Một phần nguyên nhân của tình trạng tê liệt này là quá trình chuyển giao lãnh đạo Trung Quốc năm 2012 và những đấu đá phe phái liên quan đến việc chuyển giao này (bao gồm cả vụ Bạc Hy Lai), đồng thời nó cũng có liên quan tới tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng trong nước, đặc biệt ở Tây Tạng và Tân Cương.
Có những yếu tố khác góp phần vào sự thanh lọc và trấn áp của đảng cộng sản Trung Quốc trong 5 năm qua, bao gồm những lo ngại về hiệu ứng của mùa xuân Ả Rập, nhưng chúng ta đã không thấy các chuyển biến tích cực trong cải cách chính trị kể từ quá trình chuyển giao lãnh đạo và việc củng cố quyền lực của ông Tập Cận Bình. Ngược lại, việc thẳng tay trấn áp chính trị đã tăng lên kể từ khi ông Tập nắm quyền lực. Thậm chí, Hội nghị Toàn thể lần thứ ba vào tháng 11/2013, báo trước sự đột phá về cải cách, đến nay cho thấy nó đã bị phổi phồng lên nhiều so với thực tế.
Nhiều nhà quan sát Trung Quốc nhận ra đây là “tổng hòa các tác nhân” nguy hiểm đang kìm hãm đất nước hiện nay. Chính phủ và người dân Trung Quốc hiện phải đối mặt với hàng loạt thách thức thực sự, đầy khó khăn. Do vậy, người ta không nên ảo tưởng cho rằng tương lai của Trung Quốc vẫn thể hiện sự năng động của ba mươi năm qua, hoặc con đường đi tới ngôi vị cường quốc toàn cầu của nước này vẫn tiếp tục rộng mở.
* Tác giả David Shambaugh là Giáo sư về khoa học chính trị và các vấn đề quốc tế, đồng thời là giám đốc của Chương trình Chính sách Trung Quốc tại Trường Quan hệ Quốc tế Elliott, Đại học George Washington