Nhận định Trung Quốc là một cường quốc toàn cầu đang hết sức phổ biến, cũng khá dễ hiểu nhưng thực sự là sai lầm. Không nên ảo tưởng rằng Trung Quốc vẫn sẽ phát triển như 30 năm qua, hoặc con đường đi tới ngôi vị cường quốc toàn cầu vẫn tiếp tục rộng mở.
Người ta thường cho rằng sức mạnh của Trung Quốc là không thể ngăn chặn và thế giới phải thích ứng với thực tế người khổng lồ Châu Á – có khả năng – trở thành một cường quốc toàn cầu đầy quyền lực. Ngành công nghiệp thu nhỏ của những đồn đoán “Trung Quốc trỗi dậy” đã phát triển trong thập kỷ qua, tất cả khắc họa lên bức tranh thế giới thế kỷ 21 mà ở đó Trung Quốc là động lực chi phối. Niềm tin này hết sức phổ biến, cũng khá dễ hiểu nhưng thực sự là sai lầm.
Chúng ta cần nhớ lại rằng cách đây không lâu, vào những năm 1980, người ta từng đưa ra những dự báo tương tự về việc Nhật Bản sẽ vươn lên nắm giữ ngôi vị “số một” và gia nhập câu lạc bộ của các siêu cường thế giới – trước khi nước này rơi vào tình trạng trì trệ kéo dài ba thập kỷ và cho thấy một cường quốc chỉ trên một phương diện (về kinh tế) thì không có đủ nền tảng để chống trụ trong khủng hoảng. Trước Nhật Bản, Liên Xô từng được cho là một siêu cường toàn cầu (người ta đưa ra giả thiết này trước khi nổ ra Cuộc Chiến tranh Lạnh kéo dài trong nửa thế kỷ) nhưng đã sụp đổ đầy bất ngờ vào năm 1991.
Sự tan rã của Liên bang Xô – Viết (The Union of Soviet Socialist Republics-USSR) cho thấy điều tương tự, Liên Xô là cường quốc ở một phương diện (về quân sự) đã tự suy yếu trong nhiều thập kỷ. Sau Chiến tranh Lạnh, một số chuyên gia nhận định rằng Liên minh Châu Âu đang được củng cố và mở rộng, nổi lên như một siêu cường toàn cầu mới và một cực trong hệ thống quốc tế – đến khi EU chứng tỏ sự bất lực và không có khả năng giải quyết hàng loạt thách thức toàn cầu. Châu Âu ở đây cũng giống như một cường quốc đơn chiều (về kinh tế). Vì vậy, khi đề cập Trung Quốc hiện nay, chúng ta cần phải tỉnh táo và có đôi chút hoài nghi.
Trung Quốc dĩ nhiên là cường quốc trỗi dậy quan trọng nhất của thế giới – vượt xa năng lực của Ấn Độ, Brazil và Nam Phi – và ở một số lĩnh vực, nước này đã vượt qua cả các “cường quốc bậc trung” khác như Nga, Nhật Bản, Anh, Đức và Pháp. Ở nhiều phương diện, vị trí cường quốc thứ hai thế giới của Trung Quốc sau Mỹ là không phải bàn cãi, và ở một vài phía cạnh Trung Quốc đã vượt qua Mỹ.
Trung Quốc hội tụ nhiều dấu hiệu của một cường quốc toàn cầu như: Có dân số đông nhất thế giới, lãnh thổ lục địa rộng lớn, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới và lực lượng quân thường trực lớn nhất thế giới, sở hữu một chương trình không gian do con người điều khiển, một tàu sân bay, có bảo tàng lớn nhất thế giới, đập thủy điện lớn nhất thế giới, mạng lưới đường cao tốc quốc gia lớn nhất thế giới và hệ thống đường sắt cao tốc thuộc loại tốt nhất thế giới.
Trung Quốc hiện là quốc gia thương mại hàng đầu thế giới, nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, quốc gia có lượng khí thải nhà kính lớn nhất thế giới, nước tiếp nhận vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ hai thế giới và nước cung cấp vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đứng thứ ba thế giới, đồng thời là nhà sản xuất nhiều loại hàng hóa lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, năng lực chỉ là một khía cạnh của sức mạnh quốc gia và quốc tế – và không phải yếu tố quan trọng nhất. Nhiều thế hệ các nhà khoa học xã hội đã chỉ ra rằng một dấu hiệu quan trọng hơn của sức mạnh đó là tầm ảnh hưởng – khả năng chi phối các sự việc cũng như hành động của các bên khác. Cố nhà khoa học chính trị Robert Dahl đã từng nhận xét: “Bên A có ảnh hưởng đối với bên B ở mức độ có thể khiến bên B làm điều mà bên B không thể làm khác được.” Năng lực không chuyển đổi thành hành động nhằm đạt được một số mục đích thì không có nhiều giá trị.
Năng lực có tác dụng gây ấn tượng hoặc răn đe, nhưng nó có ảnh hưởng đến hành động của các bên khác, hay kết quả của một sự việc hay không mới là quan trọng. Dĩ nhiên, có những cách thức khác qua đó một quốc gia có thể sử dụng năng lực để tác động đến hành động của nước khác cũng như chiều hướng của sự việc: thu hút, thuyết phục, thu nạp, ép buộc, đền đáp, khuyến khích, hăm dọa hoặc sử dụng vũ lực. Như vậy, sức mạnh và sử dụng sức mạnh thực chất liên quan tới việc: Sử dụng các biện pháp tác động lên nước khác nhằm chi phối tình hình để mưu cầu lợi ích.
Khi đánh giá về ảnh hưởng và cách hành xử của Trung Quốc trên vũ đài thế giới hiện nay, chúng ta không nên chỉ chú trọng đến năng lực bề ngoài ấn tượng của nước này mà cần phải đặt ra câu hỏi: Liệu Trung Quốc có đang thực sự chi phối hành động của các nước khác, hay xu hướng của các vấn đề quốc tế trong những lĩnh vực khác nhau? Câu trả lời ngắn gọn là: Không nhiều, nếu không muốn nói là không có gì.
Có rất ít lĩnh vực người ra có thể kết luận rằng Trung Quốc đang thực sự chi phối nước khác, thiết lập các quy tắc chuẩn mực hay định hình những xu hướng toàn cầu. Bắc Kinh cũng không nỗ lực trong việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu. Nước này là một cường quốc thụ động, né tránh đối mặt với các thách thức và lẩn tránh khi các khủng hoảng quốc tế bùng phát. Cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine và Syria là ví dụ gần nhất cho thấy sự thụ động của Bắc Kinh.
Ngoài ra, khi nghiên cứu kỹ năng lực của Trung Quốc thì người ta có thể thấy nước này không phải thực sự mạnh. Nhiều chỉ số chỉ mang tính định lượng, không phản ánh thực chất. Thiếu sức mạnh thực chất dẫn đến việc Trung Quốc không có tầm ảnh hưởng thực sự. Người Trung Quốc có câu tục ngữ “wai ying, nei ruan”: cứng bên ngoài, mềm bên trong. Đây chính là đặc điểm của Trung Quốc hiện nay. Xem xét kỹ những số liệu thống kê ấn tượng về Trung Quốc và bạn có thể thấy khá nhiều điểm yếu, những khó khăn thực sự cùng cơ sở thiếu vững chắc để trở thành một cường quốc toàn cầu. Trung Quốc có thể chỉ là một con hổ giấy của thế kỷ 21.
Điều này có thể thấy ở 5 khía cạnh chính giúp củng cố vị thế toàn cầu của Trung Quốc: Chính sách đối ngoại, năng lực quân sự, ảnh hưởng văn hóa, sức mạnh kinh tế và các yếu tố trong nước. Chúng ta sẽ lần lượt xem xét từng khía cạnh.
Ở phương diện chính thức, ngoại giao Trung Quốc thực sự đã hiện diện ở quy mô toàn cầu. Trong bốn mươi năm qua, Trung Quốc trải qua một chặng đường dài từ một quốc gia cô lập với cộng đồng quốc tế trở thành một nước hòa nhập. Hiện nay, Bắc Kinh đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 175 quốc gia, là thành viên của hơn 150 tổ chức quốc tế và một bên tham gia của hơn ba trăm hiệp định đa phương. Hàng năm, Trung Quốc tiếp đón lãnh đạo của các nước tới thăm nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, và các nhà lãnh đạo của Trung Quốc cũng thường xuyên công du khắp thế giới.
Mặc dù tiến hành hội nhập quốc tế và thực hiện chính sách ngoại giao tích cực, lĩnh vực ngoại giao đã thể hiện rõ vị thế của Trung Quốc như một cường quốc nửa vời. Một mặt, ở vị thế cường quốc có nhiều ảnh hưởng, Trung Quốc là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, thành viên của G-20 và nhiều tổ chức quan trọng khác trên toàn cầu, và một bên tham gia tất cả các hội nghị thượng đỉnh quốc tế quan trọng. Mặt khác, quan chức Trung Quốc rất hay phản ứng và thể hiện sự thụ động trong các tổ chức trên, cũng như trong việc đối phó với các thách thức toàn cầu.
Bắc Kinh đã không đi đầu. Nước này cũng không định hướng ngoại giao quốc tế, tác động lên chính sách của các nước khác, hay thúc đẩy sự đồng thuận toàn cầu, thiết lập kênh hợp tác hoặc giải quyết những vấn đề. Bắc Kinh không tích cực tham gia giải quyết bất kỳ vấn đề toàn cầu quan trọng nào; đúng hơn, nước này là một bên tham gia thụ động và hoàn toàn là miễn cưỡng trong những nỗ lực đa phương do những nước khác khởi xướng, thường là Mỹ.
Là cường quốc toàn cầu đòi hỏi Trung Quốc phải đóng vai trò trung gian trong các tranh chấp, giúp các bên ngồi lại với nhau, thúc đẩy hợp tác và sự đồng thuận, và có thể phải gây áp lực khi cần thiết. Bắc Kinh thường chỉ khoanh tay đứng nhìn và kêu gọi các quốc gia giải quyết vấn đề của họ bằng các “biện pháp hòa bình” và tìm ra “những giải pháp đôi bên cùng có lợi”.
Những tuyên bố trống rỗng như vậy gần như không giúp ích cho việc giải quyết vấn đề. Bắc Kinh cũng thực sự không tán thành các biện pháp cưỡng chế và chỉ đồng ý các biện pháp trừng phạt mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra khi nước này nhận thấy rõ rằng nếu không tán thành sẽ khiến Bắc Kinh bị cô lập và ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh quốc tế của nước này. Đây không phải là cách hành xử của một nhà lãnh đạo toàn cầu.
Thay vào đó, chương trình đối ngoại cấp cao của Bắc Kinh thực sự là một vở diễn màu mè, mang tính biểu tượng hơn là thực chất. Nó chủ yếu nhằm mục đích nâng cao tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc trước các khán giả trong nước bằng cách thể hiện giới lãnh đạo Trung Quốc có sự kết giao với giới tinh hoa của thế giới, đồng thời phát đi tín hiệu rằng nước này đã trở lại vị thế của một siêu cường sau nhiều thế kỷ chìm đắm trong trì trệ. Như vậy, chính phủ Trung Quốc đã cố gắng “đạo diễn” tỉ mỉ các cuộc tiếp xúc của lãnh đạo nước này với những người đồng cấp ngoại quốc.
Tuy nhiên, chính sách ngoại giao Trung Quốc thực sự vẫn còn e ngại rủi ro và bị chi phối bởi những lợi ích quốc gia hẹp hòi. Bắc Kinh thường sử dụng cách tiếp cận có mẫu số chung nhỏ nhất, tán thành những quan điểm an toàn nhất, ít gây tranh cãi nhất và chờ đợi xem lập trường của các nước khác như thế nào trước khi đưa ra quan điểm riêng của mình.
Trái ngược với cách hành xử thụ động này, trong những vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi, được xác định rõ như: Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương, nhân quyền và các yêu sách chủ quyền đầy tranh cãi của nước này, Bắc Kinh đã thể hiện rõ sự cảnh giác và quyết đoán về ngoại giao, nhưng các nỗ lực bảo vệ những lợi ích này khá vụng về và thường phản tác dụng đối với mục tiêu cũng như hình ảnh của nước này. Như vậy ngoại trừ việc bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình, ngoại giao Trung Quốc vẫn hết sức thụ động nếu xét về tầm vóc và vị thế quan trọng của Trung Quốc.
Khi nhắc đến quản trị toàn cầu, điều cần thiết là các bên phải đóng góp vào lợi ích chung một cách tương xứng với năng lực tổng thể của quốc gia. Cách hành xử của Bắc Kinh nhìn chung vẫn thụ động và có tư tưởng hẹp hòi giống như phần còn lại trong chính sách ngoại giao của nước này. Tuy vậy, Trung Quốc đã có đóng góp nhất định vào những khía cạnh khác nhau của nhiệm vụ quản trị toàn cầu như: Hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, các hoạt động chống cướp biển ở Vịnh Aden, các biện pháp chống khủng bố ở Trung Á, hỗ trợ phát triển các nước bên ngoài, không phổ biến nguyên liệu hạt nhân, y tế, cứu trợ thiên tai và phòng chống tội phạm quốc tế.
Ở những lĩnh vực này, Bắc Kinh đáng được khen ngợi. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể và nên cống hiến nhiều hơn nữa; nước này chưa thực sự đóng góp một cách tương xứng với tầm vóc, sự giàu có cũng như tầm ảnh hưởng của mình. Thế giới mong đợi và đòi hỏi Trung Quốc phải làm nhiều hơn.
Tại sao chính sách ngoại giao quản trị toàn cầu của Trung Quốc lại khá hạn chế? Có ba lý do căn bản. Trước tiên, ở Trung Quốc vẫn tồn tại sự hoài nghi rất lớn về các nền tảng tự do và khái niệm cơ bản về quản trị toàn cầu, Trung Quốc coi đây là “cái bẫy” mới nhất của phương Tây, chủ yếu là Mỹ, dùng để “tiêu hao sinh lực” Bắc Kinh, bằng cách đẩy nước này vào những cuộc khủng hoảng và những nơi nước này không có lợi ích quốc gia trực tiếp – theo đó sẽ phân tán nguồn lực và kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Thứ hai, người dân Trung Quốc sẽ chỉ trích chính phủ phân bổ nguồn lực ra bên ngoài trong khi sự nghèo đói và những vấn đề cấp bách khác vẫn đang tồn tại trong nước. Và thứ ba, Trung Quốc có cách tiếp cận kiểu như “trao đổi” để tối đa công sức bỏ ra, đặc biệt liên quan đến vấn đề tiền bạc. Điều này bắt nguồn từ văn hóa buôn bán trao đổi của Trung Quốc nhưng đã ảnh hưởng nhiều đến cách hành xử của nước này. Người Trung Quốc muốn biết chính xác họ sẽ thu lại được gì từ một khoản đầu tư nhất định và là khi nào. Như vậy, toàn bộ nền tảng của hoạt động xuất phát từ lòng nhân ái và đóng góp không vị lợi vì các lợi ích chung toàn cầu là điều khá xa lạ trong suy nghĩ của nhiều người Trung Quốc.
Kết quả là, trong lĩnh vực ngoại giao – song phương, đa phương và quản trị toàn cầu – Bắc Kinh vẫn hoàn toàn thụ động và miễn cưỡng khi tham gia. Năm 2005, ông Robert Zoellick đã từng nhận xét rằng Trung Quốc còn lâu mới trở thành một “bên liên quan có trách nhiệm”. Ngoại giao Trung Quốc có tính tư lợi hẹp hòi, và việc Bắc Kinh tham gia quản trị toàn cầu chỉ dừng ở mức tối giản, mang tính chiến thuật, hơn là tuân theo một quy chuẩn hay chiến lược. Trên thực tế, nhiệm vụ thực sự của ngoại giao Trung Quốc là thương mại.
Nhìn vào thành phần phái đoàn công du nước ngoài của chủ tịch hoặc thủ tướng Trung Quốc, người ta có thể thấy một số lượng lớn các CEO tập đoàn – với nhiệm vụ tìm kiếm những nguồn cung ứng năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, hoạt động thương mại và cơ hội đầu tư. Chính sách ngoại giao trọng thương như vậy không giúp Bắc Kinh có được sự tôn trọng của quốc tế và, trong thực tế, điều này bắt đầu tạo ra những làn sóng chỉ trích và phản ứng ngày càng gay gắt trên thế giới (đặc biệt là ở Châu Phi và Châu Mỹ La tinh).
Năng lực quân sự của Trung Quốc cũng cho thấy đây là một cường quốc nửa vời: một cường quốc khu vực đang nổi, nhưng hoàn toàn không phải một cường quốc toàn cầu. Trung Quốc không thể triển khai sức mạnh ra ngoài phạm vi các nước láng giềng Châu Á (ngoại trừ thông qua tên lửa đạn đạo liên lục địa, chương trình không gian và năng lực chiến tranh mạng), và ngay cả ở Châu Á, năng lực triển khai sức mạnh của nước này cũng rất hạn chế (mặc dù đang được cải thiện).
Khả năng Trung Quốc có thể triển khai sức mạnh quân sự ở khu vực ngoại vi xa tới 500 hải lý của nước này (ví dụ như trong tranh chấp Biển Hoa Đông hay Biển Đông) và duy trì đủ lâu để chiếm ưu thế trong một cuộc xung đột, cũng không hề chắc chắn. Lực lượng quân sự của Trung Quốc chưa được thử thách qua chiến đấu, và cũng chưa trải qua một cuộc chiến nào kể từ năm 1979.
Dĩ nhiên, nỗ lực hiện đại hóa quân đội Trung Quốc được tiến đều đặn trong 25 năm qua. Trung Quốc sở hữu ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới (ngân sách chính thức năm 2014 là 131,6 tỷ USD), lực lượng vũ trang thường trực lớn nhất, nhiều vũ khí tân tiến, một lực lượng hải quân có thể hoạt động ở các vùng biển xa ở phía tây Thái Bình Dương, đôi khi hiện diện cả ở Ấn Độ dương, cùng một tàu sân bay còn sơ khai. Vì vậy, quân đội Trung Quốc sẽ không dễ bị qua mặt. Trung Quốc hoàn toàn có khả năng bảo vệ đất nước, và hiện có thể chiếm ưu thế trong một chiến với Đài Loan (nếu Mỹ không có sự can thiệp nhanh chóng và toàn diện).
Trung Quốc được coi là một cường quốc quân sự ở Châu Á, do vậy làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực, nhưng quân đội Trung Quốc không có khả năng triển khai sức mạnh ở quy mô toàn cầu. Trung Quốc không có căn cứ ở nước ngoài, không có hệ thống hậu cần hoặc thông tin liên lạc trên phạm vi rộng, tầm bao phủ vệ tinh toàn cầu còn khá yếu. Lực lượng hải quân chủ yếu hoạt động ở các vùng biển gần, lực lượng không quân không có khả năng tấn công tầm xa hoặc năng lực tàng hình như đã chứng minh, và lực lượng mặt đất cũng không định hình theo hướng triển khai nhanh.
(còn tiếp)
* Tác giả David Shambaugh là Giáo sư về khoa học chính trị và các vấn đề quốc tế, đồng thời là giám đốc của Chương trình Chính sách Trung Quốc tại Trường Quan hệ Quốc tế Elliott, Đại học George Washington.
Theo QPAN