Trở lại câu hỏi 'Học văn để làm gì?'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Đặt mục tiêu cho mỗi môn học là khởi đầu và cũng là định hướng cho cả chuỗi hoạt động giáo dục sau đó. Tuy nhiên, mục tiêu môn Văn trong Chương trình 2018 còn có nhiều điểm chưa thỏa đáng, cần tiếp tục làm rõ, cụ thể hoá.
Trở lại câu hỏi 'Học văn để làm gì?'

LTS: Tiếp tục chủ đề Đổi mới giáo dục, VietTimes trân trọng giới thiệu bài viết mới của nhà giáo Minh Tuấn từng có 10 năm đứng lớp môn Văn trường chuyên cấp III, bàn luận về những mục tiêu cụ thể cần đặt ra cho dạy và học môn Văn trong nhà trường phổ thông.

1. Mục tiêu môn ngữ văn: quá nhiều và quá rối

Chương trình Ngữ văn trong nhà trường Việt Nam cả trước đây và bây giờ (2018) đều mang tham vọng rất lớn, điều đó được thể hiện trong "mục tiêu" của môn học.

Mục tiêu sẽ được phân cấp, bắt đầu là từ mục tiêu chung, trong mỗi mục tiêu ấy lại được cụ thể ra bằng những phẩm chất và năng lực. Ví dụ, mục tiêu chung của môn Ngữ văn được trình bày trong Chương trình 2018 như sau:

1. Hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất cao đẹp: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm. Qua những văn bản ngôn từ, đặc biệt là các văn bản văn học đặc sắc, môn Ngữ văn tạo cho học sinh cơ hội khám phá bản thân và thế giới xung quanh, thấu hiểu con người, biết đồng cảm, sẻ chia, có cá tính và đời sống tâm hồn phong phú, có quan niệm sống và ứng xử nhân văn; bồi dưỡng cho học sinh tình yêu đối với tiếng Việt và văn học, ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc, góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị văn hoá Việt Nam; giúp học sinh thấy rõ vai trò và tác dụng của môn học đối với đời sống con người, có thói quen và nhu cầu đọc sách, có tinh thần tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại, có khả năng hội nhập quốc tế, có ý thức và tác phong của một công dân toàn cầu.

2. Góp phần giúp học sinh phát triển các năng lực chung như năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Đặc biệt, chương trình môn Ngữ văn giúp học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực thẩm mỹ thông qua các hoạt động đọc, viết, nói và nghe; cung cấp hệ thống kiến thức phổ thông nền tảng về văn học và tiếng Việt, để góp phần phát triển vốn học vấn căn bản của một người có văn hoá; hình thành và phát triển con người nhân văn, biết tiếp nhận, cảm thụ, thưởng thức, đánh giá các sản phẩm ngôn từ và các giá trị cao đẹp trong cuộc sống.

Đó là chưa kể tới mục tiêu của từng cấp học (Tiểu học, THCS, THPT), mục tiêu của từng khối lớp, đến mục tiêu của từng phân môn, mục tiêu của từng bài học cụ thể. Bây giờ chúng ta thử hình dung bằng cách đặt mình vào vị trí một giáo viên ngữ văn hoặc một học sinh (THPT chẳng hạn) để xem mình sẽ nhớ và thực hiện những mục tiêu vừa to tát, vừa phức tạp và khó khăn ấy như thế nào? Tôi tin rằng nếu bây giờ (hoặc 5 năm nữa) mà kiểm tra tức thời đội ngũ giáo viên văn về việc thuộc lòng những mục tiêu trên, e rằng chúng sẽ phải thất vọng! Nói như thế để thấy sự bất cập, rối, và quá đao to búa lớn trong việc xác định mục tiêu môn học mà chương trình mới đang yêu cầu.

2. Học văn để làm gì

Phải nói ngay rằng nếu kể ra cho hết thì e quá khó. Vì sao? Vì tùy từng đối tượng, từng hoàn cảnh, từng bối cảnh, từng bài học, từng “tầm đón nhận”… mà môn Văn (và văn học nói chung) sẽ mang đến những giá trị không giống nhau. Kể làm sao cho xiết!

Chính vì thế, ở đây, với tư cách là một môn học, tức một khoa học thì mục tiêu phải cụ thể, rõ ràng, và nhất là phải có cách nào đó để đánh giá được, "đo đếm" được, dù là đo đếm một cách tương đối, có nhiều phần ước định. Bởi nếu không thể đánh giá được, lượng hoá được, đo đếm được một cách khách quan thì đồng nghĩa cái mục tiêu đặt ra không khả thi hoặc thiếu tính khoa học. Trừu tượng đến như giá trị của hàng hoá, tức lao động của con người kết tinh trong nó, con người còn có cách lượng hoá và đo lường được đấy thôi.

Đo đếm làm sao cái gọi là “thấu hiểu con người, biết đồng cảm, sẻ chia, có cá tính và đời sống tâm hồn phong phú”? Mà đó mới chỉ là nhắc tới một góc bé trong mục tiêu của chương trình 2018 để làm ví dụ thôi.

Môn Ngữ văn, theo chúng tôi, một cách cơ bản, chỉ cần thực hiện được mục tiêu giao tiếp là đủ, học văn là để biết giao tiếp, giao tiếp một cách có hiệu quả và có văn hóa. Cụ thể hóa 2 chữ “giao tiếp” này là năng lực Nói và năng lực Viết (việc nghe và đọc đã được tiền giả định trong 2 năng lực này rồi). Học văn là để “biết nói” và “biết viết” – hiểu theo nghĩa sâu sắc và khoa học của hai năng lực này. Đó là những thứ nghe thấy được, nhìn thấy được, kiểm chứng được bằng những cộng cụ và phương pháp khách quan.

Tại sao chúng tôi quan niệm như thế? Vì Ngữ văn là môn học về ngôn ngữ (cả ngôn ngữ hình tượng và ngôn ngữ logic), mà ngôn ngữ lại là công cụ của tư duy và giao tiếp. Học ngôn ngữ không phải để giao tiếp thì là gì?

Không những chỉ có thế, mặc dù đã đặt ra những mục tiêu rất đẹp đẽ và đầy tham vọng nhưng một cách cơ bản môn văn đã chưa làm được những gì căn bản nhất mà đáng ra nó dứt khoát phải làm được, đó là năng lực nói và năng lực viết của học sinh. Học sinh bây giờ nhiều em “không biết nói”, và càng “không biết viết”. Việc một học sinh có thể tham gia vào một quá trình giao tiếp với sự trôi chảy, mạch lạc, lôi cuốn và hiệu quả là một điều xa xỉ; năng lực tạo lập văn bản (viết) thì càng quá tệ.

Các nhà hoạch định chính sách, các nhà biên soạn và người quản lý giáo dục nếu muốn kiểm chứng xin hãy cầm lên bất cứ xấp bài thi Tốt nghiệp THPT nào, và đọc. Học sinh không viết được! Sai từ chính tả đến cú pháp, 'ngữ pháp văn bản' đến ý thức về 'dụng pháp ngôn ngữ', nói nôm na là viết lủng củng, ngô nghê, vụng về, rối rắm...là chuyện khá phổ biến. Nhưng điểm môn văn vẫn khá cao là vì sao? Không phải nhờ năng lực của thí sinh mà ở cách ra đề: đề thi theo lối học thuộc, đề theo văn mẫu; và cả ở cách chấm “đếm ý cho điểm”. Chỉ cần ra một cái “đề mở” và chấm là chấm chất lượng văn bản (bài làm) thì vấn đề sẽ được phơi bày, và tất nhiên là nó khiến chúng ta phải hoang mang, lo lắng tột độ.

Chỉ khi nào ta xác định được mục tiêu môn học như là một tiêu chí khoa học thì mọi bước tiếp theo trong quá trình giáo dục mới có thể được tiến hành một cách khoa học. Để Nói được thì phải nghe (nghe thầy cô và nhất là nghe bạn bè nói) và phải tham gia vào quá trình giao tiếp ấy một cách tích cực. Dạy học theo phương pháp trình bày, thảo luận, trao đổi, đối thoại, tranh luận từ đó sẽ tự khắc được lựa chọn như những giải pháp có tính logic; việc đọc sách sẽ được khuyến khích và yêu cầu, cùng với nó là nhu cầu viết ra cái suy nghĩ của mình, cũng thế, sẽ tự khắc được sinh ra.

Người ta chỉ nói tốt và viết tốt khi nói và viết chính cái điều mà họ nghĩ (chứ không phải lời người khác được học thuộc). Và như thế, việc khuyến khích trình bày quan điểm, lập luận bảo vệ quan điểm, tìm kiếm tư liệu và chứng cứ để củng cố quan điểm v.v. sẽ tự động trở thành nhu cầu – cái này chính là Tự học, một khoảng trống lớn trong giáo dục Việt Nam.

Mục tiêu môn học cần được thu gọn lại, cụ thể và có tính thao tác. Không thể có một mục tiêu tù mù đến nỗi không biết phải bắt đầu từ đâu và làm thế nào để đạt được nó mà mong sẽ có một kết quả tươi sáng.

Xin hãy yên tâm, tất cả những phẩm chất tích cực sẽ được hình thành và phát triển khi mà nó được nuôi dưỡng bằng sự phát triển ngôn ngữ (tức năng lực giao tiếp). Trong giao tiếp tích cực, tư duy sẽ trở nên nhạy bén, sắc sảo; văn hóa và mối giao kết giữa con người sẽ được hun đúc. Các giá trị nhân văn khác cũng từ đó mà hình thành.

Khi chúng ta đặt mục tiêu vào những thứ hoàn toàn định tính thì không những không thể “đo” được mà hơn thế, còn gây hại bởi nguy cơ bị sa vào lối giáo dục giáo điều, giả dối và áp đặt. Trong khi làm như thế, thì những năng lực cơ bản và chính yếu nhất của môn học lại cũng đồng thời không thể đạt được như chúng ta đang thấy.

Chương trình 2018 trong mục tiêu luôn nhắc đi nhắc lại 4 chữ đọc viết nóinghe, tuy nhiên trước nó luôn là chữ “thông qua”, nghĩa là chương trình chỉ coi các hoạt động này là một thứ công cụ chứ không phải là mục tiêu như là một phạm trù có tính khoa học trong một môn khoa học. Cách quan niệm này theo chúng tôi là không chính xác. Cần phải coi năng lực nói, viết (và đọc, nghe) là mục tiêu, còn tất cả những gì có được sau nó là hệ quả mà thôi. Chỉ có quan niệm như thế thì mục tiêu mới có thể đạt được bởi những thao tác sư phạm hữu cơ của nó; đồng thời tất yếu sẽ đưa tới hệ giá trị là các phẩm chất và năng lực tích cực.

Môn Văn có một đặc trưng nữa là tính thẩm mỹ. Việc tìm hiểu sâu vào đặc trưng thể loại hay phân tích hình tượng nghệ thuật v.v. là một nội dung rất quan trọng của nó. Tuy nhiên không thể đổ đồng mục tiêu này lên tất cả học sinh được. Ở đây, vấn đề phân luồng, hướng nghiệp một lần nữa cần được đặt ra một cách nghiêm túc và quyết đoán. Hãy chỉ để những vấn đề chuyên môn sâu và có tính “hàn lâm” của văn học cho những ai đam mê, cho những ai có xu hướng chọn văn học như một nghề nghiệp tương lai mà thôi, chứ nhất định không thể đòi hỏi “giỏi toàn diện” được, vì như thế là vừa phi thực tế, vừa trái với tinh thần khoa học và gây hại cho cả người dạy lẫn người học.

Cũng ở đây (xác định lại mục tiêu môn học), chúng ta thấy tính chất tích hợp, liên môn trong mục tiêu nguyên tắc và phương pháp của giáo dục phổ thông sẽ tự khắc được đặt ra và giải quyết một cách hữu cơ chứ không còn là sự ghép nối cơ học nữa.

3. Đề xuất

Trước hết, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành những văn bản hướng dẫn, khu biệt lại mục tiêu và đi kèm với nó là gợi ý về những phương pháp dạy học tương thích.

Cần có hành lang pháp lý và cả những hướng dẫn về đổi mới sinh hoạt chuyên môn ở trường phổ thông. Thay những sinh hoạt hành chính bằng “cộng đồng giáo viên học tập”, bằng “nghiên cứu bài học” để giáo viên phát triển chuyên môn một cách thực chất và làm quen với không khí dân chủ cũng như văn hóa thảo luận; từ đó mà giúp thay đổi học trò bằng những giờ tổ chức dạy-học tích cực.