Hơn 2/3 các nhà kinh tế học đến từ 23 tổ chức tài chính lớn có hoạt động kinh doanh liên hệ trực tiếp với Fed dự báo rằng nền kinh tế Mỹ sẽ trượt vào suy thoái trong năm 2023. Có 2 ngân hàng khác dự báo về một cuộc suy thoái xảy ra vào năm 2024.
Những công ty tham gia cuộc thăm dò do Wall Street Journal thực hiện bao gồm các công ty thương mại và ngân hàng đầu tư, trong đó có Barclays PLC, Bank of America Corp., TD Securities và UBS Group AG. Họ chỉ ra một số tín hiệu: Người dân Mỹ đang hết khoản tiền tiết kiệm mà họ dành dụm được trong khoảng thời gian xảy ra đại dịch. Thị trường nhà ở đang suy giảm, và các ngân hàng đang thắt chặt quy định cho vay.
Tỷ lệ các ngân hàng Mỹ đang thắt chặt quy định cho vay |
“Chúng tôi cho rằng đà tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2023 sẽ giảm, chủ yếu do các cuộc suy thoái ở cả Mỹ và eurozone,” các nhà kinh tế học đến từ BNP Paribas SA viết trong báo cáo viễn cảnh 2023 của ngân hàng này, nhận định.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chủ yếu của suy thoái chính là Fed, hiện đang liên tục nâng lãi suất để làm chậm lại nền kinh tế và kiềm chế lạm phát.
Mặc dù lạm phát mới đây đã giảm, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu mà Fed đặt ra.
Fed đã nâng lãi suất 7 lần trong năm 2022, nâng lãi suất cơ bản từ 0-0,25% lên 4,25-4,5%, mức cao nhất trong vòng 15 năm. Tháng 12 năm ngoái, giới chức Fed đánh tín hiệu rằng họ sẽ tiếp tục duy trì lãi suất trong khoảng 5-5,5% trong năm 2023.
Hầu hết các nhà kinh tế học được Wall Street Journal phỏng vấn đều kỳ vọng lãi suất sẽ làm tăng tỷ lệ thất nghiệp từ mức 3,7% trong tháng 11/2022 lên trên 5% - vẫn được coi là mức thấp nếu so sánh với trong quá khứ, nhưng mức tăng này đồng nghĩa với việc hàng triệu người Mỹ bị mất việc làm.
Tương tự, phần lớn các nhà kinh tế học tham gia khảo sát đều dự báo kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong năm 2023.
Mặc dù nền kinh tế vẫn duy trì được sức khỏe đáng kể trong bối cảnh lãi suất tăng của năm 2022 – tỷ lệ thất nghiệp thấp – nhưng các nhà kinh tế học cho rằng hiệu ứng gây ra do lãi suất cao hơn sẽ tác động tới cả năm 2023. Lãi suất ở Mỹ vẫn đang ở dưới mức cao kỷ lục từ trước đến nay, nhưng là mức cao nhất kể từ năm 2008, trước khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Đương nhiên, hầu hết mọi người ở Phố Wall và Washington đều tính sai về năm 2022 – từ việc Fed cho rằng lạm phát chỉ là nhất thời cho tới việc các chuyên gia phân tích Phố Wall dự báo về một năm tăng trưởng giá chứng khoán và trái phiếu vô vị. Thực tế rằng các nhà đầu tư, chuyên gia phân tích và các nhà kinh tế học dự báo sai về năm 2022 khiến nhiều người nhìn vào năm 2023 với sự lo lắng.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế học và quản lý tài sản chỉ ra một số tín hiệu cho thấy nền kinh tế sắp trượt vào suy thoái: Các ngân hàng thắt chặt quy định về cho vay, nhu cầu suy yếu tới mức gần sát với trong các cuộc suy thoái. Bộ chỉ số kinh tế hàng đầu của Ủy Ban Hội Nghị Thường Niên Các Nhà Doanh Nghiệp (Conference Board) đã giảm suốt 9 tháng liên tiếp, xuống mức sát với giai đoạn tiền khủng hoảng. Bên cạnh đó, các chỉ số đo lường hoạt động kinh doanh, dịch vụ và sản xuất tổng thể đều giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc suy thoái do COVID-19 gây nên trong năm 2020.
Thêm nữa, trái phiếu chính phủ Mỹ đáo hạn trong khoảng từ 3 tháng đến 2 năm có lợi suất cao hơn trái phiếu đáo hạn trong 10, 20 hay 30 năm. Đây gọi là đường cong lợi suất nghịch đảo, và là một tín hiệu cảnh báo thường xảy ra trước mọi cuộc suy thoái ở Mỹ kể từ Thế chiến II.
Lượng tiền tiết kiệm dôi thừa mà người dân Mỹ tích lũy được trong giai đoạn cao điểm của đại dịch đã giảm từ 2,3 nghìn tỉ USD xuống còn 1,2 nghìn tỉ USD, theo dữ liệu của Fed. Các nhà phân tích của Deutsche Bank kỳ vọng rằng lượng tiền này sẽ hoàn toàn cạn kiệt vào tháng 10/2023.
“Nhu cầu của người tiêu dùng đang giảm dần và chúng tôi tin rằng nó sẽ giảm mạnh khi lượng tiền tiết kiệm dôi thừa bắt đầu cạn dần,” Brett Ryan, nhà kinh tế học kỳ cựu của Mỹ làm việc tại Deutsche Bank, cho hay. Các doanh nghiệp cũng có thể phải giảm chi phí tài sản cố định, theo ông Ryan.
Đường cong lợi suất nghịch đảo |
Phần lớn các nhà kinh tế học dự báo nền kinh tế Mỹ thu hẹp đều cho rằng suy thoái sẽ rất “nhẹ nhàng”.
Họ kỳ vọng nền kinh tế và thị trường vốn cổ phần Mỹ sẽ vực dậy vào khoảng cuối năm 2023, chủ yếu là nhờ việc Fed đảo chiều chính sách. Họ cũng kỳ vọng trái phiếu sẽ tăng trở lại trong năm 2023, trong khi chứng khoán tăng nhẹ khi kết thúc năm.
Hầu hết các viễn cảnh được đưa ra đều dự báo Fed sẽ nâng lãi suất trong quý đầu năm 2023, tạm ngừng trong quý 2 và bắt đầu giảm lãi suất trong quý 3 hoặc quý 4.
Các nhà kinh tế học kỳ vọng rằng việc Fed đảo chiều chính sách sẽ gây ra tình trạng bất ổn cho thị trường chứng khoán, nhưng xét về tổng thể sẽ mang lại lợi ích ở mức trung bình. Chỉ số S&P 500 nhìn chung sẽ tăng khoảng 5% vào thời điểm cuối năm 2023, so với hiện tại. Rất ít bên dự báo chỉ số S&P 500 sẽ giảm vào cuối năm 2023, so với mức hiện tại, bao gồm cả Barclays và Société Générale SA.
Chỉ 5 trong số 23 tổ chức tài chính tham gia cuộc thăm dò của WSJ kỳ vọng rằng Mỹ sẽ tránh được một cuộc suy thoái trong năm 2023 và 2024: Credit Suisse Group AG, Goldman Sachs Group Inc., HSBC Holdings PLC, JPMorgan Chase & Co. và Morgan Stanley.
“Một vài chỉ số đáng tin cậy cho thấy suy thoái sắp đến, nhưng theo quan điểm của chúng tôi, những con số này không chỉ là thước đo chính xác về nguy cơ xảy ra suy thoái trong bối cảnh hiện tại được,” Jeremy Schwartz, nhà kinh tế học đến từ Credit Suisse, viết trong báo cáo về viễn cảnh kinh tế 2023 của ngân hàng này.
Nhưng ngay cả các nhà kinh tế học nêu quan điểm lạc quan cũng dự báo rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm hơn so với giai đoạn 20 năm vừa qua.
Họ dự báo rằng đà tăng trưởng nền kinh tế Mỹ trong năm 2023 sẽ giảm khoảng 0,5%. Trong khi đà tăng trưởng trung bình của giai đoạn 2012-2021 là 2,1%. Goldman Sachs đưa ra viễn cảnh lạc quan nhất trong năm 2023, dự báo đà tăng trưởng GDP của Mỹ là 1%./.
Hết thời tiền rẻ...
Khép lại năm 2022 đáng quên của Thung lũng Silicon
Startup công nghệ ở Thung lũng Silicon 'khát vốn'
Theo Wall Street Journal