Kỷ nguyên của lãi suất siêu thấp và nới lỏng định lượng (QE) đã chấm dứt trong năm 2022, với sự xuất hiện của lạm phát cao. Đến thời điểm này, sự chuyển biến này đã làm đảo ngược những kỳ vọng về thị trường và nền kinh tế.
Các ngân hàng trung ương sẽ không còn lao tới cứu trợ các thị trường chịu tổn thương. Và như bài học mà Sam Bankman-Fried – người sáng lập sàn giao dịch tiền mã hóa FTX – đã học được, các loại tài sản rủi ro không còn là con đường chắc chắn dẫn tới sự giàu có. Đây là một thế giới hoàn toàn mới. Câu hỏi đặt ra là, tiến đến năm 2023, tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu?
Nguyên nhân được cho là đúng nhất gây ra tình trạng này chính là lạm phát tăng một cách bất ngờ. Tất cả các ngân hàng trung ương có tầm ảnh hưởng – ngoại trừ Ngân hàng Nhật Bản – đã nhanh chóng thắt chặt chính sách tiền tệ trong suốt 12 tháng qua: Fed nâng lãi suất cơ bản thêm 4,25 điểm phần trăm, lên mức từng được áp dụng vào đầu tháng 12/2007; Ngân hàng Anh nâng lãi suất thêm 3,25 điểm phần trăm, lần gần đây nhất từng được chứng kiến là vào tháng 11/2008; và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nâng lãi suất thêm 2,5 điểm phần trăm.
Lợi suất trái phiếu cũng tăng. Kể từ cuối tháng 12/2021, lợi suất chứng khoán viền vàng (gilt) của Anh kỳ hạn 10 năm đã tăng hơn 2,6 điểm phần trăm, trái phiếu chính phủ Đức (German Bunds) tăng 2,2 điểm phần trăm, và trái phiếu kho bạc Mỹ tăng 2,3 điểm phần trăm. Lãi suất này là thấp nếu so với các tiêu chuẩn dài hạn hơn. Nhưng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ chưa từng cao đến vậy kể từ đầu năm 2011. Lãi suất thực cũng tăng. Trong suốt năm ngoái, lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ ngừa lạm phát kỳ hạn 10 năm đã đi từ mức -1 lên 1,5%.
Lãi suất cao cũng gây bất ổn giá tài sản. Các thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng nhiều nhất, chấm dứt năm 2022 một cách ảm đạm. Giá bitcoin giảm từ mức 65.000 USD cuối năm 2021 xuống còn khoảng 16.600 USD ở hiện tại.
2023 sẽ là một năm đầy bất trắc. Ngoài các vấn đề về địa chính trị và năng lượng, những mối quan ngại lớn nhất đều tập trung vào lạm phát và chính sách tiền tệ. Nếu lạm phát nhanh chóng giảm, chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng vào giai đoạn trước cuối năm. Còn nếu không, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được thắt chặt.
Lãi suất cao hơn sẽ gây ra tác động tiêu cực, bởi các khoản nợ bị thổi phồng. Do tình hình bất trắc, bất ổn trên thị trường sẽ còn tiếp diễn. Sự kết hợp này chắc chắn sẽ làm khấy đảo các tài sản bị mua quá độ và làm tăng các vụ phá sản. Nếu lãi suất được nâng lên cao hơn, khả năng phá sản càng cao. Tình trạng này sẽ không chỉ diễn ra ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, mà ở cả các nước có thu nhập cao.
Nhà kinh tế người Áo Joseph Schumpeter cho rằng các cuộc suy thoái sẽ gây ra “sự hủy diệt mang tính sáng tạo”. Tiền đắt ít nhất sẽ thực hiện công việc của nó là nhắc nhở cho tất cả mọi người rằng đòn bẩy tài chính chưa bao giờ là một ván cược một chiều.
Sự bất trắc trong dài hạn hơn gây ra bởi câu hỏi rằng, liệu kỷ nguyên của tiền rẻ chỉ đơn thuần là bị tạm ngừng hay đã chấm dứt vĩnh viễn?
Một số người, đáng chú ý là 2 nhà kinh tế học Charles Goodhart và Manoj Pradhan, cho rằng các lực lượng nhân khẩu học sẽ đẩy lạm phát và lãi suất lên cao hơn trong dài hạn.
Ngược lại, nhà kinh tế học Olivier Blanchard, cựu kinh tế gia trưởng của IMF, cho rằng các lực lượng làm sản sinh ra lãi suất thực thấp đối với các tài sản an toàn sẽ tiếp tục thống trị, ngay khi cú sốc lạm phát hiện tại qua đi.
Hiện vẫn chưa rõ ai đưa ra luận điểm chính xác. Nhịp độ mà lạm phát giảm và lãi suất sẽ được nâng đến đâu sẽ là những yếu tố định hình tương lai, so với giai đoạn tiền lạm phát.
Tuy nhiên, hiện tại chính là giai đoạn của tiền đắt hơn và định giá lại đầy rủi ro. Điều này đem đến cả những đau đớn và cơ hội./.
'Mùa đông crypto' kéo dài, Bitcoin về đâu năm 2023?
'Cú sốc' lãi suất có thể kéo dài tới năm 2023
Fed sẽ "xoay trục" chính sách trong năm 2023?
Theo Financial Times