Startup công nghệ ở Thung lũng Silicon 'khát vốn'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các startup công nghệ ở Thung lũng Silicon phải tìm kiếm giải pháp tài chính thay thế để duy trì hoạt động, giữa lúc nguồn vốn đầu tư mạo hiểm hạn hẹp.
Nhiều startup đã phải điều chỉnh lại cách thức huy động vốn trong bối cảnh thiếu vốn đầu tư mạo hiểm (Ảnh: Financial Times)
Nhiều startup đã phải điều chỉnh lại cách thức huy động vốn trong bối cảnh thiếu vốn đầu tư mạo hiểm (Ảnh: Financial Times)

Các công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ thường dựa vào những nhà đầu tư có hầu bao lớn ở Thung lũng Silicon để rót vốn cho những kế hoạch tăng trưởng đầy tham vọng. Nhưng các startup này buộc phải tìm đến những thỏa thuận tài chính thứ cấp để duy trì hoạt động kinh doanh và tránh bị giảm giá trị thị trường.

Sự suy giảm đột biến trong hoạt động thỏa thuận vốn đầu tư mạo hiểm, cùng với một thị trường khép kín đối với IPO, đã gây nên tình trạng cạn vốn cho nhiều công ty công nghệ tư nhân trong năm 2022.

Nhiều startup hàng đầu hiện nay đã liên tục cắt giảm chi phí, tạo nên một làn sóng sa thải nhân viên trên khắp lĩnh vực công nghệ.

Tuy vậy, số lượng các công ty bị cạn tiền và đang tìm thêm các thỏa thuận vốn sáng tạo vẫn ngày một tăng thêm, theo các cuộc phỏng vấn mà Financial Times thực hiện với các công ty đầu tư mạo hiểm, doanh nhân, quỹ hưu trí và chuyên viên ngân hàng.

Nhiều nhà sáng lập công ty đã tìm đến những khoản vay nợ, tái cơ cấu vốn chủ sở hữu, các khoản vay chuyển đổi. Những động thái này được đưa ra là nhằm tránh khỏi một “down round” - thuật ngữ mô tả việc giá trị của một công ty được định giá thấp hơn so với vòng gọi vốn trước.

“Mọi người đều điều chỉnh hành động,” một nhà đầu tư trú tại Sand Hill Road, tuyến đường lớn ở California vốn là nhà của rất nhiều các tổ chức vốn đầu tư mạo hiểm hàng đầu của Thung lũng Silicon, từ Sequoia Capital cho đến Andreessen Horowitz, cho hay.

Trong bối cảnh thị trường ảm đạm sẽ còn kéo dài đến năm 2023, nhà đầu tư này nói rằng ngay cả những người sáng lập của các tập đoàn công nghệ được rót vốn nhiều nhất cũng phải đặt ra câu hỏi: “Chúng ta cần có sự điều chỉnh như thế nào mới có thể sống sót lâu hơn, làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo được tài chính từ năm tới cho đến năm 2024 (?)".

Xoay sở gọi vốn

Một trong số những thỏa thuận nợ lớn nhất trong năm 2022 chính là Artic Wolf, một công ty an ninh mạng được định giá 4,3 tỉ USD và được hậu thuẫn bởi Owl Rock Capital, đã huy động được 400 triệu USD khoản vay chuyển đổi trong tháng 10.

Ứng dụng chuyển phát Gopuff, được SoftBank hậu thuẫn, đã huy động được 1 tỉ USD từ hình thức khoản vay chuyển đổi trong tháng 3 và tìm cách vay mượn thêm kể từ sau đó, mặc dù đã huy động được hơn 2 tỉ USD trong năm ngoái giúp nâng giá trị của nó lên 15 tỉ USD vào giữa năm 2021.

Những thỏa thuận này đi kèm với chênh lệch giá chuyển đổi, khoản vượt trội của giá chứng khoán chuyển đổi so với giá của số cổ phiếu phổ thông mà nó có thể chuyển đổi thành. Những thỏa thuận như vậy đại diện cho một khoản đặt cược rằng giá chứng khoán của công ty sẽ được giao dịch ở mức cao hơn sau khi IPO.

Gopuff đã huy động được 1 tỉ USD từ hình thức khoản vay chuyển đổi trong tháng 3 Ảnh: CNBC)

Gopuff đã huy động được 1 tỉ USD từ hình thức khoản vay chuyển đổi trong tháng 3 Ảnh: CNBC)

Coatue Management và Viking Global Investors, cả hai trước đây đều tập trung vào vốn cổ phần đại chúng, đã bắt đầu huy động vốn để đầu tư vào các thỏa thuận vốn cổ phần được cơ cấu với các startup từ đầu năm nay.

Coatue đặt mục tiêu huy động được một quỹ 2 tỉ USD. “Với một công ty tư nhân, việc đột ngột hạ giá trị khoảng 75-85% là cực kỳ rủi ro,” nhà sáng lập công ty, Philippe Laffont nói với Financial Times. “Chúng tôi có một đề xuất thay thế cho bạn…đó là nguồn vốn giúp bạn có thêm thời gian để xây dựng doanh nghiệp của mình.”

Những thỏa thuận nợ lớn như vậy trước đây thường hiếm thấy trong giới startup công nghệ, chưa kể tới một số startup đình đám nhận được khoản vốn khổng lồ từ các nhà đầu tư mạo hiểm sẵn lòng chi tiền cho các công ty non trẻ trong suốt thập kỷ qua.

Tuy nhiên, các thỏa thuận đầu tư mạo hiểm mới đã giảm 42% trong 11 tháng đầu của năm 2022 xuống còn 286 tỉ USD, so với cùng kỳ năm ngoái, theo công ty dữ liệu đầu tư Preqin. Công ty luật Cooley có trụ sở tại Thung lũng Silicon cho hay tổng giá trị các thỏa thuận đầu tư mạo hiểm giai đoạn sau (late-stage) mà họ nhận tư vấn đã giảm gần 80% trong năm nay.

Xu hướng này bắt nguồn từ việc các mã chứng khoán công nghệ sụt giá, môi trường kinh tế vĩ mô bất ổn và lãi suất tăng. Trong khi đó, các đợt IPO giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009, cắt giảm một nguồn huy động vốn quan trọng của các công ty tư nhân và những người đứng đằng sau chúng.

“Năm tới sẽ là thời điểm mà hậu quả sẽ bắt đầu phát tác,” Ravi Viswanathan, người sáng lập New View Capital có trụ sở tại California, nói. “Sẽ đến một thời điểm mà ngay cả các công ty có vốn sử dụng cho 18-24 tháng sẽ phải huy động thêm. Sẽ có rất nhiều đau đớn.”

Dọc tuyến đường Sand Hill Road, các quỹ đầu tư mạo hiểm đồng loạt đánh giá lại các hạng mục đầu tư của họ và cảnh báo những người sáng lập về khả năng các thị trường vốn sẽ đóng cửa thêm một năm nữa, bởi vậy cần phải thay đổi chiến lược từ “tăng trưởng” sang “sống sót”.

Những công ty chật vật nhất trong huy động nguồn vốn mới là nhóm không có lợi nhuận trong các lĩnh vực vốn khát vốn như chế tạo pin hay tự động hóa.

“Chúng ta vừa bước qua đường ranh giới của một môi trường hết sức khắc nghiệt,” một nhà đầu tư công nghệ cho hay. “Nếu các bạn huy động được một lượng vốn đáng kể trong vòng định giá không xứng đáng, và bạn cảm thấy rằng đã làm rất tốt. Giờ nó sẽ gây tác động ngược trở lại với bạn.”

Instacart giảm định giá nội bộ xuống còn 13 tỉ USD (Ảnh: Reuters)

Instacart giảm định giá nội bộ xuống còn 13 tỉ USD (Ảnh: Reuters)

Săn tìm những lựa chọn tài chính sáng tạo để bảo vệ giá trị của một công ty vốn là “chiêu bài cũ”, một quản lý đầu tư tại quỹ hưu trí lớn đầu tư mạnh tay vào lĩnh vực công nghệ, cho hay. “Nhưng đã qua một khoảng thời gian dài kể từ khi chúng ta còn thấy một khoản tiền đầu tư cỡ bự, và nó đang ảnh hưởng tới mọi người.”

Một số công ty còn thuyết phục các nhà đầu tư hiện hữu của họ đổ thêm tiền ở cùng mức định giá trong vòng gọi vốn trước đây, nhưng do những điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay mà những công ty đó bị đẩy vào vị trí không thuận lợi.

Trong lúc trở nên tuyệt vọng, một số công ty còn đi theo những điều khoản “bẩn” – những thỏa thuận mà ngoài mặt họ chấp nhận mức định giá hiện hữu của công ty, nhưng có nhiều điều kiện có thể mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư mới – theo một nhân viên ngân hàng đầu tư.

“Các nhà đầu tư nói rằng họ sẽ mua với cùng mức giá, nhưng muốn có lợi thế và ở trên những người khác trong trường hợp thanh khoản,” Glen Kernick, giám đốc của Kroll ở Thung lũng Silicon, nói và thêm rằng ông từng thấy một số thỏa thuận được ký cho phép các nhà đầu tư kiếm được gấp đôi khoản tiền đầu tư của họ trước các cổ đông khác trong trường hợp công ty phá sản hoặc bị bán.

Tonal Systems, công ty chuyên cung cấp các thiết bị thể dục thông minh, đã đạt được thỏa thuận vốn như vậy vào đầu năm nay, theo Wall Street Journal.

Cơ cấu này bị xem là tàn bạo đối với các cổ đông vốn không nhận được nhiều sự ưu tiên – như các nhân viên công ty có nắm giữ cổ phần – nếu như giá trị của công ty giảm. Đây là sự đối đầu giữa một bên là chấp nhận công ty bị giảm giá trị và bên còn lại là chấp nhận các điều khoản trừng phạt có thể khiến nảy sinh xung đột giữa các cổ đông của công ty.

Một số công ty đang định giá lại vốn cổ phần của chính họ để cải thiện tiềm năng cổ phần mà nhân viên nắm giữ. Ứng dụng chuyển phát Instacart đã giảm định giá nội bộ lần thứ ba, xuống 13 tỉ USD trong tháng 10, từ mức 39 tỉ USD trong năm 2021. Checkout.com, startup công nghệ giá trị nhất châu Âu, đã cắt giảm mức định giá nội bộ xuống còn khoảng 11 tỉ USD, so với 40 tỉ USD trong tháng 1.

Giảm định giá nội bộ - tách biệt hẳn so với định giá của giới đầu tư – sẽ mang lại lợi ích cho đội ngũ nhân viên công ty bằng cách giảm giá vốn cổ phần của công ty họ. Điều này cho phép nhân viên công ty có dịp tăng thu nhập trong trường hợp có các thỏa thuận tương lai, như một đợt IPO./.

Theo Financial Times