|
Trường THCS Nguyễn Văn Cừ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng |
Ngày 26/4, VietTimes có bài phỏng vấn cô giáo Nguyễn Cao Phương Thảo, giáo viên trường THCS Nguyễn Văn Cừ (Đà Nẵng), với tiêu đề “Cô giáo ở Đà Nẵng tư vấn học sinh không thi vào lớp 10: Bộ GD&ĐT không thể đổ hết cho giáo viên”, Xét thấy nội dung trả lời phỏng vấn có nhiều điểm chưa thỏa đáng, xin được trao đổi lại cùng nhân vật.
Trước hết, chưa cần đọc bài nhưng với nhận thức chung về giáo dục thì tiêu đề bài báo là rất xác đáng. Tuy nhiên, riêng về nội dung câu trả lời của cô giáo Nguyễn Cao Phương Thảo thì có nhiều mâu thuẫn và bất hợp lý, xin được nêu ra.
Một là, cô nói việc “tư vấn” này là dành cho “những em có học lực yếu, bị đánh giá không đủ điều kiện hoàn thành tốt nghiệp”, “không thể vớt vát được nữa”. Vậy thì các em này sẽ “gỡ điểm” bằng cách nào? Cô giải thích: “Mọi người phải hiểu rằng việc gỡ điểm là cách nói dân gian của chúng tôi”. “Từ năm 2016, Bộ GD&ĐT quy định đánh giá thường xuyên chứ không làm kiểm tra như trước đây nữa và việc đánh giá thường xuyên này sẽ thực hiện trong suốt quá trình học tập của các em chứ không phải kiểm tra xong là xong. Việc đánh giá này sẽ thực hiện với nhiều cách, nhiều hình thức, ở mọi thời điểm.”
Đến đây, sẽ bộc lộ mấy vấn đề: tại sao từ “những em có học lực yếu, bị đánh giá không đủ điều kiện hoàn thành tốt nghiệp”, “không thể vớt vát được nữa” lại có thể “tiến bộ” đến mức tốt nghiệp được khi cô cho kiểm tra lại/thực hiện đánh giá lại?
Phải chăng quá trình đánh giá trước đó của cô là không chính xác/thiếu tính khoa học/chủ quan? Từ một em “không thể vớt vát được”, giờ lại “hoàn thành tốt nghiệp” ngon ơ như thế, vậy có thể tin được vào quá trình đánh giá của cô với tất cả những trường hợp khác hay không? Nếu không phải như thế thì cái gọi là “gỡ điểm” phải được hiểu là “khuyến mãi”, là “cho”, “tặng”, “biếu” điểm?
Ngoài hai trường hợp ấy (đánh giá sai và cho khống điểm) thì còn một trường hợp thứ 3: học sinh tiến bộ. Nếu đúng là do học sinh tiến bộ thì có nghĩa là những em này đâu còn là có “học lực yếu” nữa, đâu phải là “không thể vớt vát”?
Cuối cùng, đối với trường hợp thứ 3 này, khi mà học sinh đã tiến bộ, đủ điều kiện tốt nghiệp một cách tự thân thì việc các em có nhu cầu thi lên lớp 10 là hoàn toàn chính đáng, thậm chí còn cần phải khuyến khích, vì đó là những em nhiều nghị lực, có chí tiến thủ, không chấp nhận an phận.
Việc cho “gỡ điểm” để học sinh đi học nghề (chứ không được thi lên lớp 10) của cô giáo Nguyễn Cao Phương Thảo, đến đây, là không thể tìm được một lý lẽ thuyết phục nào. Mà đó là chưa nói tới việc nếu căn cứ vào quy định của Bộ Giáo dục thì việc làm của cô không thể gọi là một sự “nhân đạo” được, nó là việc phải làm, xin đừng nghĩ rằng đó là đang bố thí ân huệ cho người học!
Nếu cô thật sự chống bệnh thành tích, thì em nào không đủ điều kiện tốt nghiệp như cô nói là “không thể cứu vãn được nữa” thì phải để các em ấy được học lại (lưu ban/đúp); còn nếu các em ấy đủ điều kiện tốt nghiệp mà có nguyện vọng thi vào lớp 10 thì cứ để các em thi, không đỗ thì các em sẽ đi học nghề, lúc ấy đâu đã muộn, thưa cô? Vậy hà cớ làm sao cô vừa cho “gỡ điểm” lại vừa cấm những em ấy thi vào cấp 3?
Xin đừng viện đến lý do nhân đạo, vì nhân đạo phải là đánh giá đúng năng lực của học trò, cho các em học lại nếu chưa đủ tiêu chuẩn tốt nghiệp; cho các em được thử sức và trải nghiệm trước khi bước vào một hướng đi mới (học nghề), chứ không phải vừa “cho” điểm, vừa ngăn cản các em như thế.
Thứ hai, cô nói “Việc gỡ điểm và công nhận tốt nghiệp là tạo ra cơ hội cho các em học sinh không thể theo học tiếp THPT tìm kiếm công việc, nghề nghiệp phù hợp, là một hành động nhân đạo”; “Tôi không đánh mất cái gì của học sinh cả, tôi chỉ tạo thêm cơ hội mới cho các em. Bằng chứng là, nếu nói “học tài, thi phận” thì giáo viên chúng tôi sẽ chốt ngay điểm đầu tiên của học sinh, và khi ấy, các em đã mất hết cơ hội. Còn ở đây, chúng tôi đánh giá thường xuyên, tạo thêm cơ hội cho các em, thì tại sao lại nói rằng loại bỏ cơ hội của các em?”; “Vậy tôi sẽ không khuyên nữa, không cho gỡ điểm nữa thì chính các em sẽ rớt tốt nghiệp ngay từ đầu, chứ không còn cơ hội nào để thi tốt nghiệp. Các cánh cửa sẽ đóng lại với các em,” v.v… Ở đây, như đã nói ở phần “thứ nhất”, cô chỉ đang phải làm cái việc theo đúng quy chế là đánh giá thường xuyên, chứ không phải là đang ban ơn như cách cô gọi là “cho gỡ điểm”. Và khi cô khẳng định “giáo viên chúng tôi sẽ chốt ngay điểm đầu tiên của học sinh, và khi ấy, các em đã mất hết cơ hội” thì xin thưa, cô đã sai.
Theo quy định mới của Bộ Giáo dục thì cô không có cái quyền “chốt” ngay từ đầu như thế. Người giáo viên phải thường xuyên đánh giá học trò bằng nhiều hình thức và trong suốt quá trình, còn việc “chốt ngay từ đầu” là một hình thức sử dụng quyền lực để đe dọa, và hoàn toàn sai trái.
Cô còn bảo “tôi sẽ không khuyên nữa, không cho gỡ điểm nữa thì chính các em sẽ rớt tốt nghiệp ngay từ đầu, chứ không còn cơ hội nào để thi tốt nghiệp”, xin thưa “khuyên”, “cho gỡ điểm” không phải là hồng ân của người giáo viên, đó là trách nhiệm được quy định – chỉ trừ khi khái niệm “gỡ điểm” của cô có nghĩa là “bố thí” chứ không phải là phương thức đánh giá mới của Bộ Giáo dục.
Xin đừng dùng cái quyền cho điểm của giáo viên để thể hiện quyền uy và ban phát. Ở đây chỉ có hai trường hợp: hoặc là cô hiểu sai quy định mới của ngành giáo dục về phương thức kiểm tra đánh giá (cô không có quyền cho “điểm chết” học trò nữa đâu!); hoặc cô đang biện minh cho việc mà cô gọi là “cho gỡ điểm” nhưng bằng một cách không đúng quy chế. Chỉ bản thân 3 chữ “cho gỡ điểm” này phản ánh một phần kiểu tư duy ban phát ấy, tuy cô có nói rằng “khuyến khích không phải là sửa điểm, cho khống điểm” thì cái hành vi ấy vẫn không thay đổi bản chất.
Thứ ba, cô nói “Việc lên tiếng cũng là một cách cảnh báo học sinh cũng như phụ huynh”. Rốt cuộc thì tôi vẫn không thể hiểu được cô đã “cảnh báo” như thế nào trong cái cách không cho những học sinh được cho là yếu thi vào lớp 10 nhưng lại vẫn cho “gỡ điểm” để tốt nghiệp.
Nếu muốn cảnh báo thì cô phải đánh giá trung thực, những em “không thể vớt vát” kia cần phải học lại, và kiên quyết khước từ việc “xin điểm” của phụ huynh chứ?
Tại sao lại có cái kiểu cảnh báo lạ lùng bằng cách vừa cho điểm để tốt nghiệp, lại vừa ngăn không cho các em thi vào lớp 10? Phải chăng sự cảnh báo ấy là: cho tốt nghiệp nhưng phải đi học nghề, còn nếu muốn thi lên lớp 10 thì mơ đi, không bao giờ tốt nghiệp được đâu?! Và phụ huynh cùng học sinh sẽ sợ?
Thứ tư, khi phóng viên hỏi “Tại sao học sinh yếu lại được công nhận tốt nghiệp” thì cô Nguyễn Cao Phương Thảo trả lời ngay rằng “Tôi khẳng định đó là căn bệnh thành tích của nhà trường, thành tích của ngành giáo dục để đạt chỉ tiêu.” Nhưng chính cô đã làm việc ấy cơ mà, là công nhận những học sinh yếu được tốt nghiệp?!
Vậy rốt cuộc thì cách làm đó của cô giúp gì cho việc chống lại bệnh thành tích? Cô phải cho những em học sinh yếu ấy rớt tốt nghiệp như đúng năng lực của các em, từ đó mà ngành giáo dục mới hạ chỉ tiêu xuống hoặc xóa bỏ chỉ tiêu thi đua chứ?
Đằng này, cô vẫn công nhận tốt nghiệp để đảm bảo con số 75% kia thì chống ở chỗ nào? Việc cô kiến nghị, phản ánh, phản đối phải được thực hiện bằng chính hành động cụ thể là đánh giá đúng, xếp loại đúng, chứ sao lại chiều theo những chỉ tiêu ấy rồi gọi đó là “chống bệnh thành tích"?
Cô cho rằng việc làm của cô (yêu cầu học sinh ký cam kết không thi vào lớp 10) là để chống bệnh thành tích. Đầu tiên, chúng ta thống nhất với nhau trong trường hợp cụ thể này, bệnh thành tích chính là việc căn cứ vào tỷ lệ đỗ tốt nghiệp để xét thi đua. Vậy việc không cho những học sinh mà cô cho là “yếu”, “không thể vớt vạt được” ấy thi vào lớp 10 thì tác động gì tới các chỉ tiêu kia, nếu không phải chỉ giúp làm đẹp các con số (tỷ lệ đỗ tốt nghiệp/thi đậu lớp 10 cao)? Không ai đi chống lại một thứ mà lại đi xuôi chiều với nó như thế cả!
Toàn bộ bài trả lời phỏng vấn này toát lên một sự thẳng thắn, tự tin và “dũng cảm” đến liều lĩnh, nhưng tất cả cái đó lại đứng trên những hiểu lầm hết sức cơ bản về quy định kiểm tra - đánh giá mới trong giáo dục; về hướng nghiệp; về chống bệnh thành tích... Chúng ta không thể thay thế cái sai này (của ngành giáo dục) bằng một cái sai khác (của chính mình); cái sai của người này không thể làm cho cái sai của người khác thành đúng được!
Sự luẩn quẩn trong tư duy và cách giải quyết vấn đề của cô giáo Nguyễn Cao Phương Thảo, may thay, đã giúp chúng ta nhìn rõ hơn những sai lầm và lúng túng trong các quy định, các chính sách giáo dục của ngành, từ đó chính Bộ GD&ĐT sẽ phải hành động để thay đổi từ vĩ mô – đó là việc mà cô giáo Thảo đã làm được, cái sai và sự vùng vẫy của cô giúp ngành giáo dục nhìn thấy cái sai của họ.
Ngoài ra, nó không có một lý lẽ nào đáng được ủng hộ và cổ xúy cả. Cuối cùng, như tiêu đề bài báo đã trực diện chỉ ra: Bộ GD&ĐT không thể đổ hết cho giáo viên!