Xóa bệnh thành tích và con đường dân chủ hóa hóa giáo dục

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Xóa bỏ bệnh thành tích không thể bằng cách chữa triệu chứng, mà phải triệt được gốc bệnh. Các hình thức thi đua được dung dưỡng bởi tình trạng mất dân chủ chính là cái gốc ấy của bệnh.
Ảnh Getty
Ảnh Getty

Muốn trị bệnh phải biết nguyên nhân gây bênh. Chúng ta hãy lấy trường hợp gần nhất đang gây bão trong công luận mấy ngày nay, là vụ ép học sinh không được thi vào lớp 10, để làm ví dụ.

Theo như một giáo viên đã chia sẻ với VietTimes trong bài viết đăng ngày 20/4 vừa rồi thì chính những quy định về xếp loại thi đua dựa trên điểm trung bình, dựa trên tỷ lệ đỗ vào lớp 10 đã dẫn tới khối ung nhọt khổng lồ kia. Nếu không còn cái quy định về đánh giá và xếp loại ấy nữa thì tình trạng trên liền biến mất, vô tăm tích.

Như vậy, chính sách, hay cụ thể hơn là cách đánh giá chất lượng giáo dục của các cấp quản lý, mà cao nhất là Bộ Giáo dục, đã dẫn đến cuộc chạy đua thành tích khốc liệt trên phạm vi cả nước suốt nhiều năm qua.

Nhưng đó mới chỉ là một nửa vấn đề. Cái nửa còn lại nằm ở chỗ những chỉ tiêu ấy lại gắn chặt với quyền lợi của tất cả những người liên quan. Đó là con đường học vấn của người học, là đồng lương và quyền lợi của giáo viên, là chức vụ và lợi ích của người quản lý các cấp. Chính vì thế, lúc này, thành tích mới trở thành “đồng tiền bát gạo” theo đúng nghĩa đen. Nói cách khác, thành tích quyết định cuộc sống của họ. Sự chuyên quyền và áp đặt sinh ra cũng từ đây.

Với một thứ gắn liền sinh mệnh như thế, làm sao người ta lại không chạy đua, không quyết sống mái, và không sẵn sàng dùng mọi cách, thậm chí có cả những cách gian dối và phi pháp để đoạt được?

Đến đây, sau khi đã xác định được hai nhóm nguyên nhân gây bệnh là thành tích và (thành tích gắn với) quyền lợi thì bài toán đã mở ra lời giải. Cách thứ nhất là bỏ hết mọi thứ thi đua nặng tính hình thức đang gắn với các chỉ tiêu như đã nêu. Chỉ cần không lấy điểm thi tốt nghiệp 12 để xếp loại các trường phổ thông nữa thì sẽ chẳng ai ép được học sinh đi học “phụ đạo tốt nghiệp” để thu tiền. Không phân loại, không dán nhãn học sinh nữa thì nạn học thêm cũng sẽ biến mất. Tình trạng báo cáo láo cũng không còn, vì báo cáo cho ai khi mà các cấp quản lý đâu cần đến những con số đẹp để làm gì nữa!

Nhưng học thì gắn với thi. Thi để đánh giá chất lượng, và từ đó mà điều chỉnh sách lược, chiến lược giáo dục. Những thuốc thử vẫn cần được sử dụng và tiến hành, không thể nói vứt là vứt hết được. Nếu vứt hết các kỳ thi, không còn các thước đo nào nữa thì giáo dục lại rơi vào một cực đoan khác – thả rông.

Vậy phải làm thế nào? Bên cạnh việc giảm thiếu tối đa các kỳ thi, các phong trào thi đua nặng tính hình thức và giả dối, và chỉ giữ lại các hình thức đánh giá nghiêm túc, thực chất; thì việc tách quyền lợi của các đối tượng ra khỏi kết quả đánh giá là một liệu pháp hỗ trợ đắc lực. Khi mà quyền lợi của các bên vẫn được bảo đảm và bảo vệ, bất chấp kết quả của các kỳ thi, lúc ấy, họ sẽ không tạo ra thành tích giả để đối phó nữa.

Khảo sát và đánh giá chất lượng giáo dục phải đặt trọng tâm vào mục đích lấy thông tin, nhằm phục vụ cho công tác giáo dục, chứ không phải dùng nó để gây sức ép lên giáo viên hay học sinh. Không ai bị đe dọa vì những kết quả ấy nữa thì sẽ không ai phải gian dối nữa. Tất cả cái này phải đặt trên nền tảng niềm tin về con người – con người giáo viên và con người học sinh. Thiếu niềm tin, sẽ không có chính sách nào có thể triển khai hiệu quả được.

Sau khi cắt, bỏ, giảm những hình thức không thiết yếu và có hại thì cần liệu pháp thay thế cho những gì vừa bị thải loại. Đó là một cơ chế đánh giá mềm cho công tác dạy, học, và quản lý; chứ không phải chỉ căn cứ vào những con điểm.

Thành quả của giáo dục là con người, chứ không phải là một sản phẩm công nghiệp để có thể đo đếm được một cách thô sơ bằng vài dụng cụ cũ kỹ. Chính vì thế, song song với việc biến điểm số thành một kênh tham khảo (không phải là sinh mệnh nữa) thì đa dạng và linh hoạt các hình thức đánh giá là tối quan trọng.

Muốn thế, giáo viên phải được trao quyền nhiều hơn. Khi mà quyền lực còn tập trung cả trong tay hiệu trưởng (trưởng phòng, giám đốc sở) như bây giờ thì một lý tưởng về sự đa dạng các hình thức đánh giá sẽ trở thành viển vông.
Quyền lực trong nhà trường (và trong giáo dục nói chung) phải được phân chia lại. Giáo viên phải có nhiều quyền hơn, trong đó quan trọng nhất là quyền tự quyết chuyên môn. Về cơ bản, không ai được can thiệp thô bạo vào quyền ấy của giáo viên.

Hiệu trưởng chỉ là người quản lý vòng ngoài về các công việc hành chính, và luôn phải giữ sự tôn trọng đối với giáo viên, Ông ta không được phép trở thành một nhà chuyên chế. Hàng năm/vài năm giáo viên sẽ bỏ phiếu để chọn lại hiệu trưởng một lần. Nghĩa là hiệu trưởng phải do giáo viên chọn ra chứ không phải ngược lại như cách thức đang làm. Đến lúc ấy, sự chuyên quyền sẽ mất đi, những “chỉ đạo” quyền uy và sai trái sẽ không thể thực hiện được nữa.

Phải định lại vai trò và thang bậc trong giáo dục. Hiệu trưởng và các cấp quản lý phải được định nghĩa lại, là người giúp việc cho giáo viên, và là người phục vụ của học sinh; chứ không phải “người lãnh đạo”. Lãnh đạo thật sự của nền giáo dục phải là chương trình và luật pháp nói chung, chứ không phải là con người cụ thể nữa. Xin nhắc lại, “Người” mà tất cả phải nghe lời không phải là một ai cả, mà là chương trình giáo dục, là luật giáo dục.

Để hiện thực hóa điều ấy, một lần nữa, việc phân chia lại quyền lực dứt khoát phải được tiến hành. Các tổ chức trong nhà trường và trong giáo dục nói chung phải có thực quyền, đặc biệt là tổ chức công đoàn. Công đoàn phải trở thành một tổ chức độc lập, vừa bảo vệ quyền lợi của giáo viên, vừa giám sát công việc của người quản lý.

Đến lượt mình, tiếp theo sau giáo viên, học sinh sẽ trở thành trung tâm. Các em cần được tôn trọng đúng nghĩa bằng việc ban hành các quy định cụ thể về quyền của học sinh trong nhà trường để các em vừa biết bảo vệ bản thân, vừa biết tôn trọng thầy cô giáo. Không ai được bắt ép, bắt nạt các em. Quyền lực lớn nhất trong nhà trường phải thuộc vào lực lượng này (học sinh). Các em sẽ quyết định việc mình sẽ học với ai, và học môn gì. Giáo viên sẽ bị học sinh “bỏ phiểu bằng chân”.

Một hệ thống quyền lực với cách vận hành như thế, lớn dần từ lãnh đạo, tới giáo viên rồi đến học sinh phải được hiện thực hóa. Đây chính là cách giáo dục sinh động nhất. Tạo cho học sinh tâm thế của con người tự tin, tự chủ, dám lên tiếng trước những sai trái dù sai trái ấy là ở giáo viên hay hiệu trưởng. Những tiêu cực và bệnh tật trong nhà trường do phải chịu một cơ chế giám sát từ dưới lên như thế nên sẽ tự tiêu tan.

Môi trường giáo dục vì thế mà được làm trong sạch, nạn mất dân chủ trong trường học được khắc phục, bệnh thành tích sẽ không còn. Đây cũng chính là con đường dân chủ hóa trong giáo dục – một con đường tất yếu mà một nền giáo dục muốn tiến bộ thì dứt khoát phải bước lên.