Trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông Thụy Sỹ, Tổng thống Putin khẳng định rằng, những hành động của Nga trong lĩnh vực phòng thủ chiến lược hoàn toàn tuân thủ các cam kết quốc tế của mình, bao gồm cả trong khuôn khổ các hiệp ước START với Mỹ.
Trong khi đó, hồi đầu năm nay, người đứng đầu Văn phòng An ninh và Giải trừ vũ khí, thuộc Bộ Ngoại giao Nga, Mikhail Ulyanov đã thừa nhận rằng sự kém thân thiện của Mỹ có thể khiến Moscow phải xem xét lại hiệp ước START.
“Hiện tại chúng tôi vẫn chưa hề xem xét lại thoả thuận với Mỹ, tuy nhiên, tôi không loại trừ khả năng trong tương lai, Washington sẽ bắt buộc Moscow phải chuyển chính sách của mình theo định hướng này. Điều này là hoàn toàn bình thường nếu cân nhắc đến các yếu tố kém thân thiện trong nhiều hành động của Mỹ”, ông Ulyanov tuyên bố.
Hồi tháng 6-2015, Tổng thống Putin tuyên bố rằng Nga sẽ tăng cường tiềm năng răn đe hạt nhân của mình trong năm 2015 bằng việc bổ sung thêm hơn 40 tên lửa đạn đạo liên lục địa mới (ICBM) có khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại nhất.
Động thái này là một phần trong chương trình hiện đại hóa quân sự diện rộng của Nga, nhằm đáp trả lại việc Mỹ đề xuất gia tăng sự hiện diện của các đồng minh NATO tại khu vực đông Âu, trong đó có các quốc gia thành viên NATO tại Baltic, vốn từng là một phần của Liên Xô cũ.
Ngay sau tuyên bố này của Tổng thống Nga, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bày tỏ sự quan ngại về kế hoạch này của Nga.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Brussels, Tổng thư ký Stoltenberg đã cáo buộc hành động của Nga là “vô lý, gây mất ổn định và nguy hiểm”, đồng thời lên tiếng giải thích rằng sự gia tăng hiện diện của NATO trên vùng Đông Âu chỉ nhằm bảo vệ các quốc gia thành viên gần biên giới Nga.
Theo Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) được hai nước ký năm 2010, Nga và Mỹ đồng ý hạn chế số lượng tên lửa đạn đạo và bom hạng nặng được trang bị đầu đạn hạt nhân xuống còn 700 và đầu đạn hạt nhân xuống còn 1.550 vào tháng 2-2018.
Với tổng số 4.500 đầu đạn hạt nhân, bao gồm 1.800 đầu đạn hạt nhân chiến lược triển khai sẵn trên tên lửa và máy bay ném bom, 700 đầu đạn hạt nhân dự trữ khác và 2.700 đầu đạn hạt nhân phi chiến lược, kho vũ khí hạt nhân của Nga được đánh giá là nền tảng sức mạnh của một cường quốc hàng đầu thế giới.
Theo: An ninh Thủ đô