Trung Quốc đã thực sự bắt đầu hành động ở bãi cạn Scarborough?
Trang tin Sina Trung Quốc ngày 20/3 đăng phát biểu của Tiêu Kiệt, đại biểu Quốc hội Trung Quốc, đồng thời là một nhân vật được Trung Quốc dựng lên làm “bí thư thành ủy Tam Sa, tỉnh Hải Nam”. (Cái gọi là “thành phố Tam Sa” do Trung Quốc thành lập trái phép, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa).
Tiêu Kiệt cho biết, trong năm 2017, Trung Quốc sẽ thực hiện công trình “sửa chữa đảo ở thành phố Tam Sa”, tiếp tục thúc đẩy “công tác chuẩn bị xây dựng các trạm giám sát môi trường ở Đá Bắc, Đá Bông Bay, Đá Lồi, Đá Chim Én và Đảo Bạch Quy (thuộc quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam) và ở bãi cạn Scarborough”.
Như vậy, Tiêu Kiệt đã xác nhận, Trung Quốc tiếp tục các hành động bành trướng ở Biển Đông và xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Ngoài ra, công ty xây dựng trạm giám sát môi trường của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough, nơi có tranh chấp với Philippines, có thể cũng đang được chuẩn bị hoặc đã triển khai. Trước đó, quan chức Trung Quốc chưa từng xác nhận chính xác việc tiến hành xây dựng ở bãi cạn Scarborough.
Sỡ dĩ trước đây Trung Quốc chưa dám xây dựng ở bãi cạn Scarborough là do có một số nguyên nhân sau: Một là độ khó kỹ thuật xây dựng ở bãi cạn Scarborough cao hơn các đá ngầm khác, cần nhiều thời gian chuẩn bị hơn.
Hai là xây đảo ở bãi cạn Scarborough nhạy cảm hơn, không chỉ do có tranh chấp với Philippines, mà nguyên nhân quan trọng hơn là vị trí địa lý của nó rất quan trọng. Mỹ rất nhạy cảm với vấn đề này. Trung Quốc xây dựng (trái phép) trước ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa (hai quần đảo của Việt Nam), triển khai quân sự hóa, rồi mới “gặm cục xương cứng” bãi cạn Scarborough.
Ba là Trung Quốc đang đợi thời cơ tốt nhất. Sau khi ông Rodrigo Duterte lên nắm quyền, Philippines đã ngả về phía Trung Quốc. Trong môi trường này, nếu tùy tiện xây đảo thì có khả năng sẽ gây ra phiền phức ngoại giao không cần thiết, sẽ tạo cơ hội cho Mỹ lợi dụng. Trung Quốc muốn tiến hành nhiều trao đổi và hợp tác hơn với Philippines, sau đó tiến hành thăm dò.
So sánh thái độ chính thức của Philippines trước đó và những động thái của Philippines hiện tại đối với Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough có thể thấy đã có độ “khoan dung” nhất định. Trung Quốc một mặt gia tăng mức độ đầu tư đối với Philippines, mặt khác thử thái độ của Philippines, sau đó tiếp tục từng bước thúc đẩy xây dựng.
Trung Quốc làm như vậy vừa không kích động điểm nóng khu vực, lại vừa có thể từng bước đạt được mục đích. Điều này giống như sách lược “tằm ăn dâu” mà nhiều chuyên gia đã nói đến.
Trong tương lai, một khi Mỹ triển khai radar cỡ lớn ở Philippines, Trung Quốc sẽ có lý do xây dựng các công trình quân sự nhiều hơn, quy mô lớn hơn ở bãi cạn Scarborough. Điều này đã trở thành một điểm trong cuộc đấu với Mỹ của Trung Quốc.
Hơn nữa, đến lúc đó, việc xây dựng các đảo và bố trí quân sự trái phép ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (Việt Nam) đều đã tương đối hoàn thiện, Trung Quốc sẽ có khả năng hơn trong việc tiến hành xây dựng ở bãi cạn Scarborough.
Nhìn vào sách lược hiện nay, Trung Quốc rõ ràng đã bắt đầu hành động ở bãi cạn Scarborough, nhưng không “rầm rộ” như ở quần đảo Trường Sa (Việt Nam) trước đó, đồng thời chờ các động thái của Mỹ trong tương lai để lợi dụng mở rộng quy mô.
Tổng thống Philippines sẽ không ngăn cản Trung Quốc ở Scarborough?
Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 20/3 cũng có bài viết cho rằng gần đây có thông tin Trung Quốc muốn xây dựng trạm giám sát môi trường trên bãi cạn Scarborough, khu vực mà Philippines cũng tuyên bố chủ quyền. Điều này gây chú ý cho dư luận.
Nếu Trung Quốc thực sự muốn xây dựng nó thì đây sẽ là công trình “vĩnh cửu” đầu tiên Trung Quốc xây dựng trên khu vực bãi cạn “có tranh chấp” với Philippines. Bắc Kinh tái thể hiện tư tưởng “bành trướng” ở Biển Đông.
Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines ngày 18/3 đã tìm hiểu tính chân thực của thông tin. Theo tờ Philippines Star, cơ quan tình báo Philippines xác nhận, Trung Quốc đang đặt nền tảng cho kế hoạch xây dựng ở bãi cạn Scarborough, đó có thể là một trạm giám sát.
Báo Anh cho rằng, kế hoạch này của Trung Quốc hầu như cho thấy Trung Quốc tái khẳng định quyết tâm bảo vệ cái gọi là “lợi ích cốt lõi” ở Biển Đông. Mỹ cảnh cáo Bắc Kinh không được tiến hành hoạt động xây dựng đảo nhân tạo, nhưng Trung Quốc đã xây dựng phi pháp vài đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan tâm đến thông tin này, kêu gọi các nước có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông tránh xây dựng các công trình trên các đảo, đá ngầm “có tranh chấp”.
Ngày 18/3, Antonio T. Carpio, Thẩm phán Tòa án tối cao Philippines, thành viên quan trọng của đoàn pháp lý Philippines tham gia vụ kiện trọng tài Biển Đông cảnh cáo: “Một khi Trung Quốc xây dựng được trạm giám sát môi trường ở bãi cạn Scarborough sẽ có thể giám sát toàn bộ Biển Đông, bước tiếp theo e rằng chính là tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ)”.
Cựu Đại sứ Philippines tại Liên hợp quốc Lauro Baja cho rằng, Chính phủ Philippines cần dùng cách thức mạnh mẽ nhất để phản đối kế hoạch xây dựng trạm giám sát của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough. Nếu Trung Quốc xây dựng trạm giám sát sẽ tương tự như trước đây Trung Quốc từng bước xâm chiếm đá Vành Khăn (Việt Nam), “đến nay họ đã xây dựng công sự ở đó”.
Tờ Philippines Star cho rằng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có thể phán đoán nhầm về quan hệ Philippines - Trung Quốc, ông cần dừng lại để suy nghĩ.
Đối với vấn đề này, báo chí Anh dẫn lời phản ứng của ông Rodrigo Duterte nói: “Chúng ta không ngăn chặn được Trung Quốc làm những việc này, Mỹ cũng không thể làm gì. Bạn muốn tôi làm gì? Tuyên chiến với Trung Quốc? (Làm như vậy) ngày mai chúng ta sẽ mất đi toàn bộ quân đội và cảnh sát, đất nước sẽ bị diệt vong”.
Theo báo Anh thì ông Rodrigo Duterte đưa ra phát biểu trên với báo giới vào ngày 19/3/2017. Ông nói rằng tuyên chiến với một nước mạnh như Trung Quốc thì không khác gì “tự chuốc lấy tai họa”. Ông Duterte sẽ nói với Trung Quốc là cần “duy trì mở cửa vùng biển, không nên can thiệp lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines”.
Ông Rodrigo Duterte muốn xóa tan đi lo ngại của bên ngoài về việc để cho tàu khảo sát khoa học của Trung Quốc tiến vào vùng biển Benham Rise. Ông nói: “Họ dừng lại ở đó và sẽ thế nào?”. Ông hình dung việc giận dữ với Trung Quốc là “khiêu khích”.
Lợi ích kinh tế là trên hết?
Ngày 19/3/2017, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương kết thúc chuyến thăm Philippines. Một ngày trước đó (18/3), tại Diễn đàn hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc- Philippines, ông Uông Dương cho biết, do quan hệ hai nước được cải thiện, từ tháng 10/2016, xuất khẩu hàng nông sản chính của Philippines sang Trung Quốc luôn tăng, lượng xuất khẩu các mặt hàng như đu đủ, dứa, chuối tiêu và xoài lần lượt tăng 200%, 100%, 50% và 30%.
Theo ông Uông Dương, năm 2016, doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Philippines tăng 47%, doanh nghiệp Philippines đầu tư vào Trung Quốc tăng nhanh hơn, tổng đầu tư hai chiều gần 5 tỷ USD. Một loạt dự án sẽ được khởi động trong thời gian tới. Hiện nay, đã có 159 chuyến bay/tuần giữa hai nước, dự tính trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng lên.
10 ngày trước, khi hội kiến với Đoàn đại biểu kinh tế thương mại Trung Quốc, ông Rodrigo Duterte cho biết: “Quan hệ Philippines- Trung Quốc đang trong mùa xuân, còn trước đó chúng ta đã trải qua mùa đông giá lạnh lâu như vậy”.
Mặc dù vấn đề Biển Đông trở thành một trung tâm chú ý khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương thăm Philippines, nhưng không hề cản trở hai nước tăng cường quan hệ kinh tế thương mại.
Bộ Công thương Philippines cho rằng Trung Quốc có triển vọng trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Philippines trong năm 2017. Theo tờ Manila Times, quan hệ Philippines- Trung Quốc hầu như đã bước vào thời kỳ hoàng kim. Bộ trưởng Du lịch Philippines cho biết: “Cánh cửa lớn giao lưu kinh tế và nhân viên đã mở rộng, quan hệ hai nước bước sang trang mới”.