Công nghệ robot được Trung Quốc ứng dụng vào chiến thuật mới của lục quân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cùng với việc công nghệ quân sự và chiến thuật không ngừng được đổi mới, phương thức tác chiến mà quân đội Trung Quốc (PLA) sử dụng cũng ngày càng phong phú.

Hình ảnh binh sĩ cùng chó robot và xe chiến đấu không người lái tấn công phát trên CCTV. Ảnh: QQnews.
Hình ảnh binh sĩ cùng chó robot và xe chiến đấu không người lái tấn công phát trên CCTV. Ảnh: QQnews.

CCTV hé lộ phương thức và chiến thuật đổ bộ mới

Giờ đây, khi thời đại “chiến tranh không người lái” đang đến gần, người ta không ngạc nhiên khi thấy các phương thức tác chiến tiềm tàng mới của PLA tiếp tục được cập nhật. Điều này cho thấy PLA bám sát các xu thế và hướng phát triển mới trong lĩnh vực công nghệ quân sự, với tinh thần “mọi thứ đều xuất phát từ yêu cầu thực chiến”.

Một chương trình "Bản tin Quốc phòng - Quân sự buổi sáng" mới đây của kênh Quân sự Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) có bài phóng sự về một lữ đoàn của Tập đoàn 76 Lục quân PLA diễn tập đổ bộ. Trong video, có thể thấy rõ hình ảnh nhiều “chó máy” và “sói máy” mang theo súng trường tự động, ống phóng rocket, ống phóng lựu đạn khói, súng phóng lựu và thiết bị gây nhiễu điện tử, cùng phối hợp với binh sĩ người thật theo đội hình “tam tam chế”, tiến hành sục sạo tìm kiếm và cơ động trên chiến trường.

Doi hinh xung phong.png
Đội hình xung phong gồm binh sĩ và các loại robot. Ảnh: Sohu.

Điều đặc biệt đáng chú ý là số lượng “chó máy” và “sói máy” gần như tương đương với số lượng binh sĩ người tham gia diễn tập, đạt tỷ lệ ít nhất 1:1.

Đương nhiên, để đảm bảo hiệu quả hình ảnh tuyên truyền và thuận lợi cho việc quay phim, khoảng cách giữa các binh sĩ, “chó máy” và “sói máy” trong đoạn video là rất gần. Trong thực chiến, các tổ chiến đấu và từng thành viên trong tổ thường sẽ giữ khoảng cách từ vài chục mét trở lên. Khoảng cách này đủ nằm trong tầm bắn hiệu quả của vũ khí bộ binh để hỗ trợ hỏa lực cho đồng đội, đồng thời cũng tránh bị hỏa lực tập trung của đối phương tiêu diệt toàn bộ.

Điểm lại các thông tin đã có trước đây, người ta thấy cũng từng có những phóng sự tương tự do truyền thông chính thống của Trung Quốc đăng tải. Trong một buổi diễn tập tại thao trường của PLA, các binh sĩ người phối hợp chiến đấu với nhiều loại UAV đa trục khác nhau trên không, còn trên mặt đất là hàng loạt xe chiến đấu không người lái với đủ kích thước và công năng khác nhau.

Xe chien dau loai lon.png
Một loại xe chiến đấu không người lái cỡ lớn đã đưa vào trang bị. Ảnh: Sohu.

Các xe chiến đấu không người lái cỡ lớn được trang bị súng máy và súng phóng lựu, có lớp giáp bảo vệ và đóng vai trò như tấm lá chắn di động, giúp binh sĩ ẩn nấp và di chuyển phía sau. Còn các xe không người lái cỡ nhỏ, trông như ô tô đồ chơi điều khiển từ xa, tuy không mang vũ khí nhưng nhờ vào tính nhỏ gọn và linh hoạt, được sử dụng để trinh sát các khu vực nguy hiểm và truyền tải thông tin về phía sau theo thời gian thực.

Việc sử dụng robot quân sự trở nên phổ biến

Từ chuỗi phóng sự tương tự trong thời gian gần đây, người ta có thể thấy PLA đã tiến hành những thử nghiệm và ứng dụng sâu rộng trong việc trang bị và sử dụng khí tài không người lái vào diễn tập tác chiến. Điều đáng chú ý là với mức độ triển khai “đưa xuống cấp đơn vị nhỏ” của các thiết bị này, cho thấy chúng đã được phổ cập ở cấp tiểu đội bộ binh, là đơn vị chiến đấu cơ sở nhỏ nhất.

UAV, cho may va xe chien dau da pho cap.png
UAV, robot sói chiến đấu và chiến xa không người lái đã được phổ cập ở một số đơn vị. Ảnh: Sohu.

Từ thực tế được phản ánh qua phóng sự, có thể thấy số lượng binh sĩ người và robot tác chiến của một tiểu đội bộ binh cơ giới PLA hiện nay không còn là 9 người theo mô hình truyền thống, mà đã lên tới hàng chục nếu tính thêm các UAV, xe không người lái, “chó máy” và “sói máy”.

Từ đây, người ta có thể đặt câu hỏi: với việc Trung Quốc tiếp tục đầu tư và phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực thiết bị không người lái, cùng với việc công nghệ AI ngày càng đáp ứng tốt hơn cho nhiều môi trường và yêu cầu chiến trường, liệu tỷ lệ phổ cập và số lượng trang bị không người lái trong quân đội sẽ còn tăng mạnh hơn nữa chăng?

Chien xa va UAV cung xung phong.png
UAV, xe chiến đấu không người lái và binh sĩ cùng nhau xung phong. Ảnh: Sohu.

Có ý kiến cho rằng số lượng thiết bị không người lái trong một đơn vị hoàng toàn có thể vượt qua cả số lượng chiến binh con người.

Kịch bản của một cuộc tiến công của lục quân PLA trong tương lai có thể là: Sau hàng loạt đợt không kích, tấn công tên lửa, đợt đổ bộ đầu tiên của PLA sẽ không phải là binh sĩ bằng xương bằng thịt, mà là đoàn quân xe chiến đấu không người lái, “chó máy” và “sói máy” - một biển thép lạnh lùng, không biết đến đau đớn hay sợ hãi.