EU tung gói trừng phạt mạnh nhất với Nga: Đánh thẳng vào nguồn thu dầu mỏ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Liên minh châu Âu vừa thông qua gói trừng phạt thứ 18 nhắm vào Nga, áp trần giá dầu mới thấp hơn 15%. Gói lệnh đánh mạnh vào nguồn thu dầu mỏ của Nga trong bối cảnh chiến tranh Ukraine leo thang.

Một góc nhìn cho thấy tàu "Eventin" treo cờ Panama ngoài khơi bờ biển Sassnitz, Đức, ngày 16/4. Ảnh: Reuters.
Một góc nhìn cho thấy tàu "Eventin" treo cờ Panama ngoài khơi bờ biển Sassnitz, Đức, ngày 16/4. Ảnh: Reuters.

Liên minh châu Âu (EU) hôm 18/7 đã nhất trí thông qua gói trừng phạt thứ 18 nhằm vào Nga vì cuộc chiến tại Ukraine, bao gồm các biện pháp mới nhắm vào ngành dầu mỏ và năng lượng, vốn là huyết mạch tài chính của Moscow.

Các nhà ngoại giao EU cho biết, liên minh sẽ áp dụng một mức trần giá linh hoạt đối với dầu thô Nga, ấn định ở mức thấp hơn 15% so với giá thị trường trung bình – nhằm thay thế mức trần 60 USD/thùng hiện tại của nhóm G7 được đánh giá là kém hiệu quả kể từ khi áp dụng vào tháng 12/2022.

"EU vừa phê duyệt một trong những gói trừng phạt mạnh nhất từ trước đến nay đối với Nga", bà Kaja Kallas – Cao ủy Đối ngoại của EU viết trên mạng xã hội X. "Chúng tôi sẽ tiếp tục nâng chi phí (cho Nga), để việc chấm dứt hành động xâm lược trở thành con đường duy nhất Moscow có thể đi".

Anh cũng tuyên bố tham gia cùng EU trong việc áp đặt mức trần giá mới, với mục tiêu làm suy yếu nguồn thu từ dầu mỏ, yếu tố mà họ cho là đóng vai trò tài trợ chính cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

"Anh và các đồng minh EU đang siết chặt kho tiền chiến tranh của Điện Kremlin bằng cách chặn đứng dòng tài chính quan trọng nhất cho cuộc chiến bất hợp pháp ở Ukraine", Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves phát biểu tại cuộc họp G20 ở Nam Phi.

Giới hạn giá G7 chưa phát huy hiệu quả

Tuy nhiên, Nga cho đến nay vẫn bán được phần lớn lượng dầu của mình – vốn là nguồn thu chủ đạo của ngân sách nhà nước – với giá cao hơn mức trần. Cơ chế hiện tại không rõ ràng về ai sẽ chịu trách nhiệm giám sát thực thi lệnh trừng phạt, khiến giới giao dịch hoài nghi rằng biện pháp mới của EU sẽ gây tác động đáng kể đến xuất khẩu dầu của Nga.

Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, tỏ ra thờ ơ trước động thái này, khi mức trần mới được ước tính sẽ giới hạn giá dầu thô Nga ở khoảng 47,60 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent chuẩn quốc tế hôm thứ Sáu chỉ tăng nhẹ lên khoảng 70 USD.

"Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định rằng chúng tôi coi các biện pháp hạn chế đơn phương như vậy là bất hợp pháp và phản đối chúng", ông Peskov nói. "Tuy nhiên, chúng tôi đã có một mức độ miễn nhiễm nhất định với các lệnh trừng phạt, và đã thích nghi với cuộc sống dưới chế độ trừng phạt".

Bà Kallas cho biết EU đã đưa 105 tàu thuộc “hạm đội bóng tối” của Nga – thuật ngữ mà phương Tây dùng để chỉ những con tàu được Moscow sử dụng để lách lệnh trừng phạt – vào danh sách đen, cùng với các ngân hàng Trung Quốc bị cáo buộc hỗ trợ hành vi né tránh trừng phạt (dù không nêu tên cụ thể).

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi quyết định này là “thiết yếu và đúng lúc” trong bối cảnh Nga đang tăng cường các cuộc tấn công bằng không quân vào các thành phố và làng mạc Ukraine.

Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha cũng nhấn mạnh: "Tước bỏ nguồn thu từ dầu mỏ của Nga là điều then chốt để chấm dứt cuộc xung đột".

Mỹ từ chối hỗ trợ hạ mức trần giá dầu

EU và Anh đã thúc đẩy việc hạ mức trần giá của G7 trong suốt 2 tháng qua, sau khi giá dầu tương lai giảm mạnh khiến mức 60 USD/thùng trở nên không còn tác dụng. Tuy nhiên, Mỹ đã từ chối tham gia, buộc EU phải hành động một mình dù có năng lực hạn chế trong việc cưỡng chế lệnh cấm này.

Vì đồng USD thống trị các giao dịch dầu toàn cầu, và các tổ chức tài chính Mỹ đóng vai trò then chốt trong xử lý thanh toán, EU không thể chặn giao dịch dầu chỉ bằng cách cắt quyền truy cập hệ thống thanh toán.

Việc thông qua gói trừng phạt mới đã bị trì hoãn trong nhiều tuần do Thủ tướng Slovakia Robert Fico đòi nhượng bộ trong kế hoạch tách EU khỏi phụ thuộc vào dầu và khí đốt Nga. Tối 17/7, ông Fico tuyên bố chấm dứt phản đối.

Các quốc gia như Hy Lạp, Cyprus và Malta cũng từng bày tỏ lo ngại về tác động của trần giá dầu đến ngành hàng hải của họ. Tuy nhiên, Malta – quốc gia cuối cùng trong số này – đã đồng ý thông qua gói trừng phạt vào hôm 17/7.