
Su-35 – Tượng đài máy bay "thế hệ 4,5" của Nga
Su-35S Flanker-E là một trong những chiến đấu cơ chủ lực của Lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga. Từ khi bay thử lần đầu vào năm 2008, Su-35S đã nổi tiếng với khả năng cơ động cao và hệ thống radar tiên tiến, được xem là mẫu tiêm kích đại diện cho thế hệ 4,5. Su-35S khi xuất khẩu cho Trung Quốc thì mang tên Su-35SK, xuất khẩu cho Algieria được gọi là Su-35SE.
Tính đến năm 2022, Không quân Nga đã đặt hàng khoảng 160 chiếc Su-35S. Tuy nhiên, sau khi chiến sự với Ukraine bùng nổ vào năm 2022, một loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây đã khiến chuỗi cung ứng sản xuất Su-35S gặp khủng hoảng nghiêm trọng.
Theo dữ liệu công khai, khoảng 20% linh kiện dùng để chế tạo Su-35S là hàng nhập khẩu – bao gồm cảm biến hồng ngoại từ Thales (Pháp), vật liệu titan từ Toray (Nhật Bản) và nhiều loại vi mạch radar khác từ các nước phương Tây.

Lẽ ra, sự đứt gãy chuỗi cung ứng này sẽ khiến sản lượng Su-35S sụt giảm nghiêm trọng. Nhưng thực tế là, Nga đã duy trì được dây chuyền sản xuất thông qua một loạt chiến lược ứng phó.
Thứ nhất, đầu tư mạnh vào nội địa hóa và nhập công nghệ từ Trung Quốc. Năm 2023, chính phủ Nga đã phân bổ khoảng 30 tỷ rúp cho việc nghiên cứu và sản xuất hợp kim titan trong nước, đồng thời nhập khẩu công nghệ và thiết bị liên quan từ Trung Quốc. Nhờ vậy, đến năm 2024, Nga đã giảm hơn 50% phụ thuộc vào titan nhập khẩu.
Thứ hai, dùng linh kiện chất lượng thấp thay thế hàng cao cấp. Nga đã thay cảm biến hồng ngoại của Pháp bằng hàng nội địa, dùng hợp kim nhôm thay thế vật liệu composite cao cấp. Dù các phương án thay thế này khiến tính năng máy bay giảm sút, nhưng giúp đảm bảo dây chuyền sản xuất không bị gián đoạn.
Thứ ba, mua linh kiện qua trung gian. Một số thiết bị điện tử then chốt vẫn được Nga mua vào thông qua Ấn Độ đóng vai trò trung gian, hoặc thông qua các kênh khác.

Đổi chất lấy lượng
Chiến lược “đổi chất lượng lấy số lượng” rõ ràng không phải là thứ miễn phí. Việc tính năng của Su-35S bị suy giảm không chỉ làm ảnh hưởng đến năng lực chiến đấu thực tế của Không quân Nga, mà còn làm tổn hại uy tín quốc tế của dòng tiêm kích này.
Dù giúp vẫn duy trì sản lượng, chiến lược này đã khiến hiệu suất thực chiến của Su-35S suy giảm, kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng với năng lực quân sự lẫn xuất khẩu vũ khí của Nga.
Một số quốc gia từng có kế hoạch mua Su-35S cũng đã lần lượt rút lui khỏi các thỏa thuận, khiến cơ hội xuất khẩu dòng máy bay này ngày càng mờ nhạt.
Một ví dụ điển hình là Ai Cập – nước từng lên kế hoạch mua Su-35S – đã quyết định hủy hợp đồng do lo ngại về tính năng, hiệu quả chiến đấu và áp lực từ các lệnh cấm vận. Sự việc này là hồi chuông cảnh báo về khả năng cạnh tranh đang suy giảm của máy bay chiến đấu Nga.
Về lâu dài, ngành công nghiệp quốc phòng Nga buộc phải đối mặt với nhiệm vụ cấp bách: tự chủ công nghệ. Dù việc “lấy kém thay tốt” có thể duy trì sản xuất trong thời gian ngắn, nhưng điều này đang làm suy yếu sức mạnh tổng thể của không quân Nga và khiến nhiều khách hàng quốc tế tiềm năng chuyển hướng sang các quốc gia khác.
Trong bối cảnh thị trường quốc phòng toàn cầu ngày càng khốc liệt, liệu Nga có thể phá vỡ vòng vây công nghệ, khôi phục uy tín của chiến đấu cơ Su-35S và giành lại chỗ đứng trên sân chơi quốc tế?
Câu chuyện Su-35S vừa là minh chứng cho sự linh hoạt của ngành công nghiệp quốc phòng Nga, vừa là lời cảnh báo về cái giá phải trả khi chất lượng bị hy sinh vì sản lượng. Liệu Nga có thể vượt qua thách thức này hay không – câu trả lời vẫn đang chờ ở phía trước.

Cuộc chiến thách thức Patriot: Châu Âu ra mắt vũ khí phòng không mạnh hơn cả Mỹ?

“Tarnegol”- Thiết bị độc đáo lai UAV và robot tự hành do Israel phát triển
