
Điện Kremlin cho biết họ không có thông tin gì về khả năng diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại sự kiện tưởng niệm kết thúc Thế chiến II sắp diễn ra tại Trung Quốc.
Buổi lễ, đánh dấu 80 năm ngày Nhật Bản đầu hàng kết thúc Thế chiến II, dự kiến tổ chức tại Bắc Kinh vào đầu tháng 9. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xác nhận sẽ tham dự sự kiện này sau khi nhận lời mời từ Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm Moscow nhân dịp Ngày Chiến thắng hồi tháng 5.
“Tôi không biết gì về khả năng diễn ra một cuộc gặp như vậy”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với hãng thông tấn TASS, phản hồi trước bài viết của tờ The Times hôm 18/7, trong đó tuyên bố Bắc Kinh đang xem xét tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ba bên nhân dịp này.
Tháng trước, ông Trump nói rằng Chủ tịch Tập đã mời ông và Đệ nhất phu nhân Melania Trump đến thăm Trung Quốc trong một cuộc điện đàm mà ông mô tả là “rất tốt đẹp” xoay quanh vấn đề thương mại. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có xác nhận chính thức từ phía Washington hay Bắc Kinh về thời điểm cụ thể của chuyến thăm.
Các nhà phân tích được The Times trích dẫn nhận định rằng dịp lễ kỷ niệm Thế chiến II có thể trở thành một nền tảng mang tính biểu tượng cho ba cường quốc hàng đầu thế giới cùng tham gia đối thoại trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu ngày càng leo thang. Tờ báo Anh cũng cho rằng Bắc Kinh “ngầm khuyến khích suy đoán” khi không phủ nhận các thông tin tương tự do hãng tin Kyodo News (Nhật Bản) đăng tải hồi tháng trước.
Học giả Trung Quốc Jin Canrong phát biểu trên trang Guancha rằng nếu ba nhà lãnh đạo cùng xuất hiện tại lễ duyệt binh, đó sẽ là “một thông điệp mạnh mẽ gửi đến toàn thế giới”.
Mặc dù ông Trump đã công khai thúc đẩy giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine và nối lại liên lạc với phía Nga sau khi quay trở lại Nhà Trắng hồi tháng 1, sự thất vọng đang gia tăng do tiến trình đàm phán bị đình trệ. Hôm đầu tuần này, ông Trump đe dọa sẽ áp thuế thứ cấp 100% đối với các đối tác thương mại của Nga nếu không có đột phá nào trong vòng 50 ngày tới.
Về phía Trung Quốc, ông Trump cũng đã leo thang căng thẳng thương mại bằng một loạt thuế quan trả đũa, đạt đỉnh với mức thuế 145% mà Mỹ áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Mối quan hệ phần nào dịu lại sau khi hai bên đạt được một thỏa thuận tạm thời nhằm nới lỏng hạn chế xuất khẩu chiến lược và giữ thuế ở mức 30% và 10%.

Cựu Tổng thống Nga tuyên bố cứng rắn sau khi EU tung lệnh trừng phạt

EU tung gói trừng phạt mạnh nhất với Nga: Đánh thẳng vào nguồn thu dầu mỏ
