
Ngày 15/7 vừa qua, trong khi đang ở thăm Trung Quốc, ông Jensen Huang, CEO của Nvidia – tuyên bố chính phủ Mỹ đã phê duyệt cho phép bán chip H20 cho thị trường Trung Quốc.
Thông tin này ngay lập tức khiến thị trường tài chính rung chuyển: chỉ số tương lai của Nasdaq tăng 0,5%, nhiều cổ phiếu A (A-share, cổ phiếu trong nước) tại Trung Quốc cũng tăng vọt.
Tuy nhiên, đằng sau phản ứng hồ hởi của giới đầu tư, một câu phát ngôn thẳng thắn của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick đã phơi bày mục đích thực sự của việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm: “Chúng tôi đơn giản là muốn bán phá giá cho Trung Quốc, để họ tiếp tục mua chip Mỹ, khiến họ phụ thuộc vào chúng tôi”.
Ông giải thích: “Các công ty Trung Quốc sử dụng công nghệ Mỹ phù hợp lợi ích của Mỹ. Quan điểm của chúng tôi là, người Trung Quốc hoàn toàn có thể chế tạo chip của họ, nhưng khi thứ ta làm ra hơn họ một bước, họ sẽ tiếp tục mua chip của chúng ta”.

Truyền thông Trung Quốc phản ứng
Việc “giải cấm” chip H20 không đơn thuần là một quyết định kinh doanh, mà là một phần trong cuộc đối đầu công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, theo giới truyền thông Trung Quốc.
Chip H20 là dòng tăng tốc AI mà Nvidia thiết kế riêng cho thị trường Trung Quốc, nhưng tính năng bị giới hạn – không thể sử dụng cho việc huấn luyện các mô hình AI hàng nghìn tỷ tham số, mà chỉ thích hợp cho các tác vụ tính toán tầm trung hoặc thấp.
Thông qua việc dỡ bỏ giới hạn với mẫu chip bị hạ cấp này, Mỹ nhắm tới hai mục tiêu: Một mặt bán phá giá hàng loạt chip tầm thấp để khóa chặt ngành công nghiệp AI Trung Quốc ở phân khúc trung – hạ lưu trong chuỗi giá trị toàn cầu; mặt khác giải tỏa áp lực tồn kho chip trị giá 5,5 tỷ USD của Nvidia do lệnh cấm trước đây, qua đó xoa dịu giới đầu tư và ổn định thị trường vốn.

Nvidia có lý do để lo lắng. Trung Quốc hiện chiếm tới 13% doanh thu toàn cầu của hãng, khoảng 17 tỷ USD. Mất thị trường này sẽ là đòn giáng mạnh vào định giá hàng nghìn tỷ USD của hãng.
Vì vậy, CEO Jensen Huang đã nhiều lần vận động hành lang để chính phủ Mỹ nới lỏng lệnh cấm – và cuối cùng ông đã thành công. Nhưng đằng sau các toan tính thương mại, Mỹ còn theo đuổi một chiến lược sâu xa hơn: duy trì quyền bá chủ AI thông qua kiểm soát công nghệ.
Bằng cách áp đặt giới hạn tính năng chip xuất sang Trung Quốc, Mỹ muốn trói chặt hệ sinh thái AI của Trung Quốc trong không gian công nghệ do Mỹ kiểm soát – và ngăn cản Trung Quốc bứt phá ở các lĩnh vực AI cao cấp.
Trung Quốc: Tạm dùng chip H20, nhưng không chấp nhận phụ thuộc
Trước mắt, việc chip H20 được “giải cấm” có thể phần nào xoa dịu nỗi lo tính toán AI tại Trung Quốc. Các tập đoàn như Alibaba hay Tencent từng cân nhắc mua chip H20 trong bối cảnh chip Ascend 910B của Huawei sản xuất không đủ nhu cầu.

Nhưng rõ ràng Trung Quốc không định phụ thuộc lâu dài vào những con chip bị Mỹ bóp nghẹt tính năng. Thay vào đó, Trung Quốc đã triển khai hàng loạt chiến lược tăng tốc tự chủ công nghệ.
Đơn cử, chip Ascend 910B Huawei hiện đã thay thế chip Nvidia trong nhiều lĩnh vực như các công việc hành chính – quản lý nhà nước và y tế. Chip này có hiệu năng tính toán FP16 ngang ngửa H20 nhưng hiệu suất năng lượng vượt trội. Các công ty như Cambricon đang ráo riết phát triển thế hệ chip AI tiếp theo.
Nếu chip H20 vẫn tiếp tục bị giới hạn, 50% nhu cầu tính toán AI của Trung Quốc sẽ chuyển sang dùng chip nội địa. Chính phủ Trung Quốc cũng đang thúc đẩy “Liên minh thay thế nội địa” để xây dựng hệ sinh thái công nghệ tự chủ.
Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã tung ra kế hoạch chuyên biệt “Mô hình lớn + Công nghiệp” nhằm tích hợp AI vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế thực. Hợp tác giữa Huawei và SMIC cũng đang được đẩy mạnh, dự kiến năm 2025 năng lực sản xuất chip trong nước của Trung Quốc sẽ tăng 300%.
Trung Quốc học được bài học từ Nhật Bản
Vào những năm 1980, Nhật từng thống trị ngành bán dẫn toàn cầu. Nhưng do quá phụ thuộc vào công nghệ Mỹ, họ đã bị bóp nghẹt trong các cuộc chiến thương mại và phong tỏa công nghệ, dẫn đến đánh mất vị thế dẫn đầu thế giới.
Trung Quốc rõ ràng đã rút ra bài học kinh nghiệm từ vụ việc. Là thị trường tiêu thụ bán dẫn lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang tận dụng ưu thế quy mô thị trường để ép ngược chuỗi cung ứng toàn cầu phải thích nghi, đồng thời sử dụng các con bài chiến lược như kiểm soát xuất khẩu đất hiếm và đàm phán thương mại để giành thế chủ động chiến lược.
Trung Quốc hiểu rõ rằng chủ quyền công nghệ thực sự không có đường tắt. Chỉ bằng cách kiên trì tự chủ nghiên cứu và phát triển, mới có thể nắm giữ quyền chủ động tương lai.
Bằng cách tạm thời xoa dịu cơn khát và thúc đẩy bứt phá, Trung Quốc đang dùng chính những “sợi xích” công nghệ mà đối thủ tạo ra để rèn chìa khóa cho mình.
Kết cục của cuộc đối đầu công nghệ này sẽ quyết định cục diện toàn cầu của ngành công nghệ trong những thập kỷ tới.

Trung Quốc đưa "bộ não sống" lên trạm vũ trụ: Thí nghiệm đột phá trong không gian

Công ty AI hàng đầu thế giới lâm nguy vì để mất nhiều nhân tài công nghệ
