|
Lịch sử là môn học giúp học sinh hiểu biết cội nguồn đất nước, dân tộc |
|
LTS: Bắt đầu từ năm học 2022-2023, chương trình giáo dục Trung học phổ thông (THPT) mới sẽ chính thức được triển khai. Các môn bắt buộc có trong chương trình giảng dạy là Văn, Toán, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động hướng nghiệp và nội dung trải nghiệm giáo dục địa phương.
Điều khiến dư luận dậy sóng là môn Lịch sử không nằm trong danh sách các môn bắt buộc, mà nằm trong danh sách các môn Lựa chọn, có nghĩa là các em học sinh THPT có thể lựa chọn không học môn Lịch sử.
Đã có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này. Tuy nhiên, tựu trung có hai luồng ý kiến: Một là ủng hộ phương án Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra: Lịch sử là môn Lựa chọn; Luồng ý kiến thứ hai cho rằng Lịch sử là môn học rất quan trọng nên phải là môn học bắt buộc.
VietTimes đã tổ chức cuộc Tọa đàm "Dạy và Học môn Sử ở cấp THPT" với các khách mời là Giáo sư, TSKH, nhà giáo nhân dân Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; ông Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tiến sĩ ngành giáo dục học, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khoa học chính trị; và nhà giáo Thái Hạo - người đã có bài trình bày quan điểm về vấn đề này.
Tọa đàm Dạy và học Sử ở cấp THPT – Phần 1: Những hiểu lầm về “khai tử” môn Sử
|
PV: Trong số những ý kiến ủng hộ Lịch sử phải là môn học bắt buộc ở cấp THPT, thì họ cho rằng, nếu không bắt buộc học sinh học Sử thì vài năm nữa thôi các thế hệ trẻ sẽ quên hết cha ông ta là ai, đã bảo vệ đất nước như thế nào. Nhà sử học Dương Trung Quốc đã dùng từ “ngộ sát Lịch sử” để nói về chương trình giáo dục phổ thông mới không đưa Lịch sử vào nhóm môn học bắt buộc. Thậm chí có những ý kiến nâng quan điểm lên là bỏ môn Lịch sử là không yêu nước, vậy nếu học sinh không học môn Lịch sử có thể dẫn đến tình trạng thế hệ trẻ giảm lòng yêu nước không ạ?
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: Thực chất tôi nghĩ những ý kiến vừa rồi là cách diễn đạt để tạo hiệu ứng, chứ không phải những người phát ngôn ra điều ấy hoàn toàn tin là như vậy. Người ta dùng kỹ năng về truyền thông để tạo hiệu ứng truyền thông mạnh thôi.
Thời xưa mẹ tôi không được đi học, nhưng mẹ tôi có lòng yêu nước không thua bất cứ ai. Lòng yêu nước được thấm qua ca dao, tục ngữ, qua lời dạy của ông bà, gia đình, qua rất nhiều nguồn. Tình yêu nước là truyền thống của dân tộc.
Nếu nói bỏ môn Lịch sử thì sẽ không còn lòng yêu nước nữa thì quá cực đoan. Nói thế thì tôi giận ngay, tôi sẽ giận thay cho mẹ tôi vì mẹ tôi không được đi học.
Các em học sinh bây giờ đã học Lịch sử đến tận lớp 9 rồi, kiến thức nền tảng đã có rồi. Còn nếu đến lớp 12 học sinh chọn theo ngành khoa học xã hội thì vẫn học Lịch sử đấy chứ.
Nếu thị trường lao động ở Việt Nam có nhiều việc làm dành cho người học Sử, thì tôi tin số học sinh chọn môn Sử sẽ rất nhiều.
Nếu mà nói bỏ môn Sử thì mất lòng yêu nước, tôi nghĩ đó là cách truyền thông tạo hiệu ứng xã hội và tôi cũng không tin những người nói ra câu đó lại tin rằng bỏ Lịch sử thì dân tộc này không còn ai yêu nước cả.
Giáo sư Vũ Minh Giang: Tôi đã từng nghe những ý kiến của giáo viên dạy Sử rằng tại sao môn Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ lại là môn bắt buộc? Tôi cũng đã tìm hiểu rất kỹ, vừa nghiên cứu trực diện đồng thời cũng tìm hiểu hệ thống giáo dục nước ngoài, thì thấy thế này:
Toán ở đây không phải môn học, nó là dạy kỹ năng tư duy, rất cần cho tất cả các khoa học kể cả khoa học Lịch sử. Tôi thấy nếu có tư duy Toán học tốt thì làm Sử rất tốt và nó trở thành một kỹ năng cần học mãi và rèn luyện mãi, chứ đừng nghĩ nó là môn học như các môn học khác. Cho nên để Toán thành môn bắt buộc, tức kỹ năng đó theo suốt thời phổ thông, tôi cho là cần thiết và không nên đặt vấn đề tại sao Sử lại không được ngang bằng với Toán.
Thứ hai, Tiếng Việt là thứ cần trau dồi thường xuyên, nó cũng là kỹ năng. Ngay cả các phóng viên như các bạn cũng vẫn phải trau dồi tiếng Việt. Nếu như ngắt đi một quãng là rất nguy hiểm. Cho nên tiếng Việt - tiếng mẹ đẻ là phải duy trì. Việc nó là môn học bắt buộc không có gì phải bàn cãi. Còn Ngoại ngữ trong thời buổi hội nhập hiện nay, bỏ đi 1 năm sẽ quên, cho nên Ngoại ngữ phải học mãi. Vì thế những môn đó không nên đem so sánh với các môn khác, vì nó là những kỹ năng rất cần thiết.
Còn môn Lịch sử ở đây chỉ sợ người ta quên kiến thức, mà quên kiến thức học bao nhiêu cho nó đủ. Anh Sĩ Dũng vừa rồi nói về người mẹ làm tôi rất xúc động. Tôi cũng có hoàn cảnh giống như thế. Bố mẹ tôi lên chiến khu và tôi cũng sinh ra tại đó. Bố mẹ có học sử đâu nhưng yêu nước, khi thấy Tây nó đánh là dẫn nhau lên chiến khu.
|
Các diễn giả tại buổi Tọa đàm: GS Vũ Minh Giang, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nhà giáo Thái Hạo |
Nếu cứ học Sử là yêu nước, thì sẽ có hệ luận là anh học Sử nhiều thì yêu nước nhiều. Chắc không phải như vậy! Ở đây là câu chuyện khác. Làm sao để Lịch sử biến thành thứ ngấm vào trong mỗi người, rồi truyền ra những hành động, suy nghĩ và từ đó người ta yêu Lịch sử, rồi tiếp tục tìm hiểu nữa.
Cách làm hiện nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang theo hướng đó, và tôi cho rằng chúng ta nên ủng hộ theo hướng đổi mới đó. Chứ còn bắt buộc học Sử lớp 1 đến lớp 12 Bộ đã làm rồi chứ không phải không làm, nhưng cách làm đó hiệu quả không cao, cho nên Bộ đang chuyển sang cách làm mới. Làm sao để dạy Lịch sử ở cấp THCS mà phải dạy thật hay chương trình đổi mới. Còn ở cấp THPT có chức năng hướng nghiệp, phân luồng, thì lúc đó cách tổ chức môn học phải khác đi.
Tôi xin nói thêm, trong số các tổ hợp môn học ở THPT, đa phần đều có môn Sử rồi đấy, chứ không phải chỉ ai đi làm ngành Sử mới chọn học đâu. Tôi cho đó là một sự trọng thị môn Sử đấy.
PV: Một số nhà khoa học nói rằng không đáng lo ngại khi học sinh trung học cơ sở đã được trang bị một cách cơ bản kiến thức lịch sử rồi. Nhưng nhà sử học Dương Trung Quốc lại nói rằng ở độ tuổi trung học phổ thông thì các em mới có thể tư duy nhận biết một cách đầy đủ về các sự kiện, ý nghĩa lịch sử. Thưa GS. Vũ Minh Giang, ông có thấy ý kiến trên là xác đáng không ạ?
Giáo sư Vũ Minh Giang: Tôi không bàn ý kiến này xác đáng hay không xác đáng, nhưng quan điểm của tôi là thế này: Nếu mà nói như vậy tôi muốn nhắc lại ý anh Dũng mà tôi vừa chia sẻ. Nếu như để người ta thấm cái lòng yêu quê hương đất nước thì nên càng sớm càng tốt, chứ không phải đến lúc nào đó người ta mới nảy sinh tình cảm đó. Lòng yêu nước sẽ không thay đổi nếu như chúng ta dạy tốt các em học sinh từ khi mới bước chân đến trường và đến hết giai đoạn giáo dục bắt buộc (lớp 9 - PV). Lúc đó các em phải được trang bị kiến thức rất nền, rất cơ bản để trong đầu, trong tim các em có tình cảm đặc biệt với tổ quốc. Chứ còn chờ đến cấp 3 rồi, chúng ta nghĩ các em trưởng thành rồi, thì đó là một cách đặt vấn đề, chứ còn tôi thì nghĩ rằng nếu muốn các em có lòng yêu nước thì phải càng sớm càng tốt.
Thứ hai, trước đây chúng ta dạy Lịch sử cận hiện đại ở cấp 3. Lịch sử thời phong kiến các em đã được học ở cấp 2 rồi, nên cấp 3 chỉ dạy lịch sử Đảng Cộng sản và những vấn đề liên quan đến đương đại. Mà những vấn đề đó có rất nhiều môn tiếp cận, rất nhiều kênh để ta giáo dục như tivi hàng ngày, báo chí, truyền thông hàng ngày… Tôi nghĩ rằng là cách làm hiện nay (của Bộ Giáo dục và Đào tạo - PV) đã có lường tính tới những thực tế đó. Chứ nếu phân tích có tính chất hơi tư biện một chút thì rất khó để giải quyết vấn đề. Ý của tôi là như vậy.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi chia sẻ băn khoăn của anh Dương Trung Quốc cho rằng đến tuổi THPT thì mới hiểu sâu sắc lịch sử, nhưng tôi tin Bộ Giáo dục và Đào tạo hơn, bởi vì con người ta phát triển qua các giai đoạn về nhận thức, tâm lý… nhưng chuyên môn sâu nhất về vấn đề đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo, chứ không phải là các ngành khác. Ở lứa tuổi nào, trình độ phát triển tâm sinh lý như thế nào, đó là chuyên môn rất sâu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu chúng ta tin vào chuyên môn thì chúng ta nên tin vào cơ quan mà người ta giỏi nhất về cái đó.
Thực chất tôi cũng là một người học về giáo dục mặc dù tôi đã không hành nghề giáo dục (ông Nguyễn Sĩ Dũng là tiến sĩ ngành giáo dục học – PV). Do điều kiện khách quan mà tôi làm công việc về thể chế nhiều hơn. Tôi hiểu việc phân loại lứa tuổi nào, tâm sinh lý thế nào, lưu lượng kiến thức như thế nào là chuyên môn sâu của ngành giáo dục học.
|
PV: Trong một clip phỏng vấn học sinh THCS do truyền hình VTC thực hiện, nhiều em học sinh nói rằng Sử là môn học thuộc lòng nên rất khó cho các em chuyên khoa học tự nhiên, giống như "bắt một con cá phải trèo cây hoặc một con khỉ phải đi bơi". Có lẽ việc không học môn Sử ở khối khoa học tự nhiên là đúng đắn?
Giáo sư Vũ Minh Giang: Tôi nghĩ đây là phỏng vấn theo cá thể thôi. Chứ Bộ Giáo dục và Đào tạo có làm điều tra, thì hóa ra tỷ lệ học sinh chọn tổ hợp môn học có Lịch sử đông hơn nhiều các tổ hợp khác. Vì vậy chúng ta cũng đừng suy luận một cách chủ quan rằng cho lựa chọn thì các em sẽ bỏ môn Lịch sử. Không phải đâu!
Còn trong clip phỏng vấn ở trên thì các em nghĩ môn Sử theo cách cũ, theo cách học nhiều và học thuộc như trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đổi mới (chương trình đổi mới giáo dục phổ thông năm 2018 - PV).
Rõ ràng chúng ta sẽ không làm như cũ nữa đâu, và việc phỏng vấn cá thể như trên cũng chưa nói được những con số có tính chất thống kê. Cho đến nay, những con số mà Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo trước Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mà tôi được nghe, thì tình hình không như chúng ta lo lắng.
Tôi nghĩ công tác truyền thông là rất cần thiết. Chứ chúng ta đôi khi cứ để vấn đề nó nêu ra rồi tập trung vào tranh luận những định đề nêu ra chứ không tập trung vào vấn đề.
Nhiệm vụ của giới Sử học, nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo là làm sao để những định kiến về môn Sử (như các em đã nêu ra - PV) mất dần đi, đó mới là điều quan trọng.
|
PV: Trên thế giới đang tồn tại 2 cách dạy môn Lịch sử. Tại nước Anh, Lịch sử là môn độc lập cho đến hết lớp 9. Sau lớp 9 học sinh có thể lựa chọn học hoặc không học Lịch sử theo định hướng nghề nghiệp. Nhật Bản thì tích hợp môn Lịch sử vào môn Tìm hiểu xã hội rất sớm. Ở cấp THPT thì Lịch sử là môn lựa chọn. Trong khi đó, Pháp lại coi Lịch sử là môn bắt buộc ở cấp THPT. Tại Hàn Quốc, sau một thời gian không bắt buộc môn Lịch sử thì bây giờ môn học này lại trở thành bắt buộc. Thưa Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng và Giáo sư Vũ Minh Giang, Việt Nam chúng ta có nên học theo mô hình nào không?
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: Việt Nam nên tìm hiểu mô hình của các nước và quyết định cho mình, bởi vì Việt Nam có điều kiện riêng, các yếu tố tâm sinh lý học sinh, hệ thống xã hội, môi trường... không hoàn toàn trùng với tất cả các nước. Thực chất mỗi thứ chỉ đúng theo từng giai đoạn.
Chẳng hạn nước Pháp bây giờ do hội nhập với Châu Âu và đi lại không cần Visa thì họ thấy giữ bản sắc có khi là vấn đề lớn nên họ bắt buộc học Lịch sử. Thành thử Việt Nam cần tìm hiểu ngữ cảnh từng nước, tại sao người ta phản ứng như vậy, người ta đối mặt với vấn đề thực tế như thế nào, và đó không nhất thiết là vấn đề của Việt Nam.
Chúng ta sẽ thấy chuyện hội nhập vào cộng đồng ASEAN của Việt Nam còn rất xa so với cộng đồng Châu Âu. Rồi đến lúc nào đó chúng ta bắt buộc phải học theo nước Pháp nếu chúng ta hội nhập như kiểu Châu Âu.
Tôi không tưởng tượng được tương lai sẽ như thế nào nhưng tôi khẳng định chúng ta phải quyết trên cơ sở điều kiện và nhu cầu thực tế của đất nước mình. Phải làm thế nào để các em học sinh tiếp cận việc phân ngành sớm để sau này có được kỹ năng, để nguồn nhân lực lao động và nền kinh tế Việt Nam có sức cạnh tranh. Đó là vấn đề lớn nhất của chúng ta. Không phải hội nhập vào một cộng đồng như vậy để xóa nhòa bản sắc, mà chúng ta đang đối mặt với thực tế năng suất lao động thấp nhất khu vực. Đây là vấn đề trước mắt, nếu mà chúng ta nhắm mắt để nói chuyện trên trời thì quả thật không hợp lý một chút nào.
Thành thử khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn và định hướng các môn học, chúng ta nhắm tới những vấn đề dân tộc đang phải đối mặt là nguồn nhân lực và năng suất lao động. Chúng ta đang đi theo cái đó và thấy là cần thiết thì phải ủng hộ chứ.
Giáo sư Vũ Minh Giang: Về mô hình các nước, tôi có thể nói thế này. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có sự thận trọng cần thiết và đã cất công tìm hiểu các nước để đổi mới giáo dục. Vấn đề là nếu ai đó dẫn chứng Pháp, Hàn thì người khác lại dẫn chứng Nhật, Anh, và cái đó sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề, bởi vì mỗi nước có hoàn cảnh riêng chứ không phải chuẩn mực cho Việt Nam noi theo.
Như Hàn Quốc bỏ bắt buộc Sử rồi lại dạy lại, chắc gì đó đã là chân lý cho Việt Nam? Pháp cũng vậy. Tóm lại những câu chuyện của các nước đều là thông tin tham khảo, kinh nghiệm để chúng ta phân tích bài toán của mình. Còn những gì chúng ta đang làm ở đây là trên cơ sở đã biết tất cả những chuyện của các nước, chứ không phải hoàn toàn quay lưng lại không biết gì. Không nên dẫn trường hợp nước ngoài thế này, thế kia rồi cho rằng ta không làm theo như thế là không chuẩn.
|
Video Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng và Giáo sư Vũ Minh Giang nói về Lòng yêu nước và môn Lịch sử |
Tọa đàm dạy và học Sử ở THPT - Phần 3: Nên đổi mới cách dạy, học và thi môn Lịch sử như thế nào?
Chỉ đạo thực hiện: Lê Thọ Bình
Phóng viên: Đăng Khoa - Lê Mai - Văn Lâm - Thanh Hiếu