|
Các hệ thống Patriot PAC-3 là xương sống của hệ thống phòng không Ukraine. Ảnh: AFP. |
Kho tên lửa Patriot cạn kiệt
Tờ Washington Post đưa tin, mặc dù Nga đã tăng cường oanh tạc Ukraine bằng máy bay không người lái và tên lửa hành trình, nhưng tên lửa đạn đạo vẫn là vũ khí đáng sợ nhất và chỉ có hệ thống Patriot mới có thể đánh chặn chúng hiệu quả.
Các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Nga vào năm 2023 và 2024 đã phá hủy một nửa cơ sở điện của Ukraine. Tốc độ cao, kích thước lớn và khó đánh chặn khiến tên lửa đạn đạo trở thành một trong những vũ khí hiệu quả nhất trong kho vũ khí của Nga, gây ra mối đe dọa đặc biệt đối với cơ sở hạ tầng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump lên án các cuộc tấn công của Nga nhưng không hứa sẽ cung cấp thêm viện trợ quân sự. Ngoại trưởng Marco Rubio thẳng thắn tuyên bố rằng Mỹ đang thiếu Patriot và mặc dù ông khuyến khích các đồng minh NATO chuyển nhượng Patriot cho Ukraine, nhưng không có quốc gia nào muốn san sẻ bớt chúng.
Các nhà ngoại giao châu Âu chỉ ra rằng công ty Raytheon của Mỹ sẽ cần thêm thời gian để mở rộng sản xuất và rằng Mỹ cũng có nhu cầu tự vệ. Các quan chức Ukraine thì cho rằng chính quyền Trump có thể thích "bán vũ khí" hơn là "viện trợ quân sự" và nhấn mạnh rằng Ukraine cần phải thích nghi với "tư duy kinh doanh" này.
Trong khi đó, Triều Tiên đã cung cấp cho Nga khoảng 250 tên lửa đạn đạo, và đã được sử dụng trong chiến đấu thực tế. Mặc dù Đức được phép tái xuất vật liệu Patriot sang Ukraine và cũng sẽ cung cấp tên lửa và hệ thống phòng không IRIS-T, nhưng người ta cho rằng Patriot được Đức cung cấp là loại PAC-2 cũ có hiệu quả đánh chặn yếu hơn. Khả năng đánh chặn của đạn tên lửa Aster của châu Âu thì vẫn chưa được chứng minh. Các quan chức tình báo Ukraine thậm chí còn bi quan hơn khi chỉ ra rằng ngay cả Patriot loại PAC-3 cũng khó có thể phòng thủ được trước tên lửa đạn đạo tầm trung siêu thanh Oreshnik mới của Nga.
Các quan chức tình báo Ukraine nhấn mạnh rằng bất chấp các lựa chọn phòng không khác, nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo vẫn nằm trong tay Patriot, hệ thống này liên quan trực tiếp đến "sự an toàn của người dân". Họ kêu gọi các nước hãy cân bằng giữa viện trợ cho Ukraine với nhu cầu quốc phòng của mình và bày tỏ lòng biết ơn đối với sự hỗ trợ mà Mỹ đã cung cấp, nhưng cũng thẳng thắn cho rằng "còn xa mới đủ".
Mặc dù nội bộ NATO vẫn liên tục thảo luận về việc tìm kiếm thêm các hệ thống Patriot cho Ukraine, các cuộc đàm phán vẫn chưa đạt được tiến triển đáng kể nào, hoặc giả có thể liên quan đến các điều kiện trao đổi phức tạp như mua các hệ thống mới với giá ưu đãi trong tương lai.
Có thông tin cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth sẽ thảo luận vấn đề này với NATO vào đầu tháng 6 và có thể sẽ có những cam kết viện trợ không phải của Mỹ vào thời điểm đó. Chính quyền Trump muốn tránh đưa ra những thông báo gây chú ý về viện trợ quân sự cho Ukraine để không làm Nga tức giận và ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng.
Tên lửa phòng không do châu Âu cung cấp cũng cạn kiệt
Bên cạnh đó, truyền thông Nga ngày 26/5 trích dẫn nguồn tin của báo Pháp Le Monde, cho biết: Ukraine cũng đã sử dụng hết tên lửa phòng không SAMP-T do Italy và Pháp cung cấp và trong hơn một năm qua đã không nhận được đạn cho hệ thống tên lửa phòng không Crotale do Pháp sản xuất.
Tờ Corriere della Sera của Italy đưa tin vào giữa tháng 3 rằng hai hệ thống phòng không SAMP-T do Italy và Pháp cung cấp cho Ukraine trong khuôn khổ viện trợ quân sự đã gần cạn kiệt kho tên lửa dự trữ. Năm 2023, có thông tin Paris đã cung cấp cho Ukraine hai hệ thống phòng không Crotale. Sau đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố trong báo cáo chiến đấu rằng hai hệ thống này đã bị họ phá hủy.
“Ukraine không còn quả tên lửa nào cho hai hệ thống SAMP-T của mình và không nhận được một tên lửa Crotale nào trong suốt một năm rưỡi”, Le Monde viết.
Về mặt lý thuyết hệ thống SAMP/T có thể theo dõi tới 100 mục tiêu và tấn công 10 mục tiêu cùng lúc. SAMP/T cung cấp khả năng tương tác với các đồng minh NATO khác. Chỉ cần 14 người để triển khai và vận hành một hệ thống và có chu kỳ triển khai và thu hồi rất ngắn. SAMP/T có thể được vận chuyển bằng máy bay vận tải chiến thuật của NATO gồm Airbus A400M và Lockheed Martin C-130. Tầm bắn của SAMP/T khi sử dụng đạn Aster 15 và Aster 30 lần lượt là 30 và 120 km. Cả hai loại đều là tên lửa nhiên liệu rắn hai tầng. Aster 30 dài 4,9 mét, đường kính 0,18 mét và nặng 450 kg khi phóng. Nó có thể bay với tốc độ lên tới Mach 4,5 và độ cao 20 km.
Nga "hồi sinh" tiêm kích MiG-35: Cơ hội trỗi dậy giữa chiến sự Ukraine và quan hệ với Triều Tiên
Đàm phán hòa bình Nga-Ukraine bế tắc, ông Trump tính bỏ cuộc và trừng phạt Moscow
“Quái thú bầu trời” Tu-95MSM tung đòn tên lửa Kh-101 vươn tới thủ đô Ukraine
Theo LTN, Sputnik